.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 2, 2012

Giáo sư, nhà thơ Trung Quốc CHÚC NGƯỠNG TU: VÀI Ý NGHĨ VỀ THƠ VÀ VIỆC DỊCH THƠ


Văn đàn Việt Nam đang song hỷ lâm môncùng một lúc có hai việc vui mừng, song song cùng một lúc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 (2012) và Liên hoan thơ Châu Á lần thứ nhất. Đây là Ngày hội lớn làm nức lòng các nhà thơ và những người ưa thích thơ ca của Việt Nam và của châu Á.

Được tham dự hai cuộc mừng vui này là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi.  Trước mặt rất nhiều nhà thơ và rất nhiều người sành thơ, một người không phải nhà thơ như tôi lại nói về thơ, chẳng khác gì múa rìu qua mắt thợ.
Nhưng cuộc Liên hoan lần này là một dịp quý báu để các bạn cùng nhau thưởng thức thơ, giao lưu thơ và bàn luận về thơ, vậy nên xin mạnh phép trình bày vài ý nghĩ về thơ và dịch thơ, mong được coi như ý kiến của một độc giả-dịch giả đóng góp cho Liên hoan.
Thơ ca là tinh hoa ngôn ngữ của một dân tộc, là tiếng nói của thời đại, cũng là kết quả lắng chìm của lịch sử văn hóa. Theo cuốn Đại từ điển tiếng Việt do ông Nguyễn Như Ý chủ biên: “Thơ là một hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh, có nhịp điệu, vần điệu để thể hiện ý tưởng và cảm xúc nào đó của tác giả một cách hàm súc.”(Tr. 1588) Cổ nhân Trung Quốc có câu “Thi ngôn chí”, nghĩa là tác phẩm thơ nói lên ý chí, tình cảm của thi sĩ. Với nhà thơ, thơ ca như bút vẽ của họa sĩ vẽ nên những bức tranh đẹp, như con dao của nhà điêu khắc làm ra những pho tượng đẹp.
Việt Nam là đất nước nên thơ, con người Việt Nam là người yêu thích thơ. Trong tiếng Việt, thơ không những là một danh từ, mà còn chuyển nghĩa sang một tính từ, nó chỉ một cái gì đó rất đẹp, ví dụ “nên thơ”, “thơ mộng” vv, ta có thể nói phong cảnh nên thơ, phong cảnh rất thơ, phong cảnh thơ mộng, mối tình thơ mộng…Tại miền Trung Việt Nam, có cả nón bài thơ hoặc nón thơ chỉ loại nón mỏng, trắng, soi thấy các hình trang trí ở bên trong, trông rất đẹp. Miền Nam Việt Nam thậm chí có cả tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ.
Sau chuyến thăm Việt Nam về nước, nhà văn Trung Quốc Tưởng Tử Long có viết: ”Việt Nam có rất nhiều nhà thơ, những người mà chúng tôi gặp mặt tại Hội nhà văn từ Bắc chí Nam, hiếm có người nào không phải là nhà thơ. Đặc biệt là có khá nhiều viên chức hành chính, khi được giới thiệu cho chúng tôi đều đặc biệt nhấn mạnh tư cách nhà thơ của họ… Theo tôi, sở dĩ Việt Nam có nhiều nhà thơ là có hai nguyên nhân: một là vì người dân Việt Nam giàu tình cảm lãng mạn bẩm sinh, hai là vì ngôn ngữ tiếng Việt dễ viết thơ. Chính vì mọi người đều thích viết thơ, cho nên trong mối quan hệ với nhau, lại thêm một sắc thái thú vị và rất người – tặng thơ cho nhau và ngâm thơ của nhau… ”
II.
Thơ ca là của cải quý báu của loài người. Mối giao lưu thơ ca giữa các nước và các dân tộc đã có từ lâu. Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của thơ ca trong việc giao lưu văn hóa. Giữa các dân tộc, thơ ca tuy khác nhau về tiếng nói và chữ viết, nhưng đều có vẻ đẹp thẩm mỹ với ngôn ngữ bóng bảy, cao nhã, hàm súc, lời ít ý nhiều, là chất dinh dưỡng văn học có thể bổ cho nhau. Thơ ca của một dân tộc có thể và cần phải hút lấy dinh dưỡng từ thơ ca của dân tộc khác. Ví dụ tại Trung Quốc, việc dịch và giới thiệu thơ phương Tây và thơ Nga thơ Nhật, đã có đóng góp lớn vào việc hình thành thể thơ mới – thơ phá luật tức là thơ tự do--vào đầu thế ký trước. Tại Việt Nam, thơ luật Trung Quốc đã có vai trò quan trọng trong việc sáng tạo ra các thể thơ mang đậm đặc sắc dân tộc là thơ lục bát, thơ song thất lục bát.
Tuy thưởng thức thơ là niềm hưởng thụ vui sướng về tâm lý và tinh thần, nhưng việc này lại không lấy gì làm dễ dàng. Thưởng thức thơ ca trong nước đã là việc khó, còn thưởng thức thơ ca nước ngoài thì lại càng khó hơn. Nếu không qua khâu dịch thuật, thì người không biết tiếng sẽ không thể nào hiểu được ý thơ, nói gì đến thưởng thức thơ. Cho nên, nói về giao lưu thơ ca là phải nói đến công việc dịch thơ.
Chúng tôi cho rằng, việc giao lưu thơ ca giữa các dân tộc có hai hình thức: giao lưu trực tiếp và giao lưu gián tiếp. Giao lưu trực tiếp tức là nhà thơ viết thơ luôn bằng tiếng dân tộc khác không qua phiên dịch. Ví vụ các cụ Nhà Nho ngày xưa và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng làm thơ bằng chữ Hán. Nổi bật nhất là Chủ tịch Hò Chí Minh. Lúc sinh thời, Người đã viết gần 170 bài thơ chữ Hán, bao gồm tập Nhật ký trong tù rất nổi tiếng và nhiều bài thơ luật khác. Có thể nói, chủ yếu bằng thơ chữ Hán của Người, lịch sử dòng văn học chữ Hán của Việt Nam được kéo dài thêm những mấy chục năm sau khi bãi bỏ chế độ khoa cử và phổ biến chữ Quốc ngữ.
Lẽ tất nhiên, phải người cực kỳ thông thạo một sinh ngữ thì mới có thể viết thơ bằng sinh ngữ ấy để trực tiếp giao lưu với người có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ ấy. Thông thường, việc giao lưu thơ ca phải bằng hình thức gián tiếp, tức là phải qua một cây cầu nối, đó la dịch thuật. Đa số người thưởng thức thơ nước ngoài đều phải qua bản dịch.
III.
Ngôn ngữ thơ ca rất đặc sắc, là thứ ngôn ngữ nghệ thuật, giàu tình cảm, giàu tưởng tượng, có vẻ đẹp thẩm mỹ cả bên trong lẫn bên ngoài. Nếu văn xuôi hay nói ngay nói thẳng theo kiểu “nói toạc móng heo” thì thơ ca thường nói theo lối uyển chuyển, bóng gió, ý tại ngôn ngoại, không một hình thức văn học nào dùng nhiều phương tiện ngôn ngữ như thơ ca. Nếu ví văn xuôi là hạ tầng cơ sở, thì thơ ca sẽ là thượng tầng kiến trúc của ngôn ngữ. Vì vậy, trong các loại văn bản và thể văn, thơ ca là khó dịch nhất, thậm chí trong giới dịch thuật có người cho rằng, thơ ca là “bất khả dịch” (không thể dịch được).
Chúng tôi cho rằng, mỗi bài thơ đều chứa bên trong một số ý nghĩa và thông tin, dù khó hiểu đến đâu đi nữa, nó vẫn nằm trong hệ thống tín hiệu ngôn ngữ của con người, cho nên, về cơ bản thì có thể lý giải suy tư trình bày bằng ngôn ngữ khác, nghĩa là thơ ca hoàn toàn có thể dịch được. Tuy thơ ca có thể dịch được, nhưng làm thế nào để chuyển ngữ được một cách trung thực và đầy đủ nội dung ý nghĩa, phong cách và vẻ đẹp của một bài thơ thì lại là việc cực khó.
Cũng như dịch tác phẩm văn học khác, tiêu chuẩn dịch thơ là đúnghay. Đầu tiên là phải dịch cho đúng, nghĩa là dịch giả phải trung thành với nguyên tác, truyền đạt đầy đủ các thông tin chứa trong bài thơ.
Thứ hai là phải dịch cho hay, nghĩa là thơ dịch phải ra thơ, không nên dịch thành văn xuôi tách dòng. Không những phải dịch hết ý, mà còn phải chuyển đạt phong cách, chuyển tải vẻ đẹp thẩm mỹ của thơ ca. Phải coi trọng “thi cảm” trên cơ sở tôn trọng nguyên tác. Đúng như lời của ông Quách Mạt Nhược, thi hào Trung Quốc khi nói về việc dịch thơ luật ra tiếng hiện đại: Nếu bài gốc là một chai rượu Mao Đài (loại rượu ngon nhất Trung Quốc) thì bài dịch ít nhất cũng phải là rượu trắng, chứ không nên là nước lã!
Về việc dịch thơ, chúng tôi lưu ý, người Việt Nam có cách làm rất hay khi dịch thơ luật chữ Hán ra tiếng Việt, thường chia làm ba bước: dịch âm (dịch chữ), dịch ý và dịch thơ, kèm theo một số chú thích. Độc giả vừa có thể thưởng thức nguyên tác, vừa có thể hiểu ý thơ và thưởng thức thơ.
Khác với dịch thuật văn bản hành chính-pháp luật-kinh tế-khoa học, việc dịch văn học, nhất là dịch thơ ca, là một công việc mang tính chất sáng tạo. Nếu dịch cứng, dịch thẳng, dịch một cách máy móc, sẽ đánh mất cái hồn, cái chất thơ của nguyên tác, làm thế khác nào diệt thơ.
Để dịch thơ cho hay, cho hấp dẫn, dịch giả phải làm sao mang vào các dòng chữ dịch của mình cái hồn của tác giả gửi vào thơ. Xin nêu một ví dụ sinh động: Câu thơ mối tình thắm thiết Viêt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch bằng tiếng Trung là Việt Trung tình nghĩa thâm, đồng chí gia huynh đệ (越中情义深, 同志加兄弟), cho đến ngày nay vẫn được nhiều người Trung Quốc truyền tụng.
Thiết nghĩ, trong hai tiêu chuẩn dịch thơ nêu trên, nên đặt tiêu chuẩn thứ hai lên hàng đầu, nghĩa là đặt cái hay lên trên cái đúng. Rất nhiều trường hợp, nếu dịch sát nghĩa, dịch một cách quá ư chính xác thì sẽ làm mất vẻ đẹp của thơ. Trái lại, nếu dịch linh động, dịch sáng tạo, thì tuy chữ nghĩa có thể chệch nguyên tác, nhưng người đọc lại thấy hay, hoặc chí ít cũng có thể chấp nhập được. Xin nêu một ví dụ cụ thể
Trong Truyện Kiều bản dich tiếng Trung của Giáo sư Hoàng Dật Cầu
Oan kia theo mãi với tình (câu 2673)
Một mình mình biết, một mình mình hay (câu 2674)
Được dịch thành:
为多情招祸 (Đoan vị đa tình chiêu họa)
多才识,也招怨尤 (Đa tài thức dã chiêu oán hưu)
Có thể hiểu là:
Quả vì đa tình mà chuốc lấy tai họa,
Tài giỏi biết nhiều cũng chuốc lấy oán lo.
Trong bài bình luận Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch, Giáo sư Việt Nam Phạm Tú Châu cho rằng, so với nguyên văn, thì câu dịch có một “khoảng cách xa tít mù đến mức không còn thấy bóng dáng của nhau nữa”. Chúng tôi cho rằng, ý kiến nhận xét này rất là đúng, tuy bà nói văn vẻ, lịch sự, tránh dùng chữ sai. 
Tuy nhiên, nếu xét về văn cảnh và ngữ cảnh của hai câu thơ này trong bản dịch, thì cách dịch của giáo sư Hoàng Dật Cầu vẫn có thể chấp nhận được, vì có nói lên một sự thật là nguyên nhân dẫn đến cái kiếp rặt những đoạn trường của Nàng Kiều là vì nàng đẹp, đa tình, tài giỏi. Cho nên hai câu dịch này vẫn ăn khớp với câu chủ đề của tác phẩm là “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ”. Vậy thì sai mà không sai, có nghĩa là xét về mặt chữ nghĩa thì bản dịch bị sai lầm, nhưng xét về mặt ý nghĩa thì bản dịch không phải là sai, chứ ít nhất độc giả Trung Quốc không hề thấy có gì không ổn khi đọc đến đoạn này. Việc này cho ta thấy rằng, tinh thần sáng tạo, không cầu nể nguyên tác là rất cần thiết cho việc dịch thơ.
Dịch thuật là nghệ thuật cân đối giữa các ngôn ngữ. Bằng công sức sáng tạo vất vả của mình, người dịch nối liền hai nền văn hóa, truyền đạt tình cảm của tác giả. Công việc dịch thơ đòi hỏi dịch giả không những phải thông thạo ngôn ngữ mà còn phải am hiểu văn hóa và lịch sử. Tốt nhất dịch giả nên thường xuyên đọc thơ và tập làm thơ. Nếu dịch giả trở thành nhà thơ thì thơ dịch chắc chắn sẽ hay hơn nhiều.
Với khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể bàn nhiều về vấn đề dịch thuật chuyên môn. Xin kết thúc bằng lời nói của ông Phạm Viêm Phong, dịch giả Viêt Nam: “Đừng khen tôi dịch hay nếu chưa đọc nguyên tác.”
CHÚC NGƯỠNG TU
(Trung Quốc)

No comments:

Post a Comment