1.
Dương Vân Nga. Là vợ của Đinh Tiên Hoàng, sau trở thành Hoàng hậu
của Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan
trọng trong sự chuyển giao giữa nhà Đinh
và nhà Tiền Lê.
Năm Kỷ Mão
(979), Đinh Tiên Hoàng cùng con trai là
Đinh Liễn bị
viên hoạn quan
Đỗ Thích ám sát.
Trước đó Thái tử Hạng Lang
bị Đinh Liễn giết. Đinh Toàn, con trai còn
lại của Đinh Tiên Hoàng lên ngôi. Dương Vân Nga trở thành Thái hậu.
Đinh Toàn kế nghiệp Hoàng Ðế khi mới
6 tuổi, Dưong Vân Nga đã phải cáng đáng những khó khăn vượt quá sức mình. Sự
nghiệp thống nhất đất nước vừa được hoàn thành, bị đe doạ từ nhiều phía. Bên
ngoài phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược. Bên trong, các triều
thần phân biệt tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có
tầm nhìn xa thấy rộng, vượt qua tiếng thị phi, Dương Vân Nga nhận rõ chỉ có
Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết nguy cơ ấy.
Khi nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã
mất, tự quân còn nhỏ, nhà Tống muốn thừa cơ sang cướp nước ta. Lúc
quân Tống sắp kéo sang, các tướng đã đồng lòng truất phế ngôi vương,
suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Chính Dương Vân Nga đã tự tay lấy Hoàng bào
khoác vào vai Lê Hoàn và giúp ông làm nên việc lớn.
Hành động này của Dương Vân Nga đã
bị các đại thần trung thành với nhà Đinh chống lại quyết liệt. Người đời sau
này hết sức chỉ trích. Song, trong tình thế đất nước lúc bấy giờ hết sức cấp
bách bởi nguy cơ xâm lược của nhà Tống đã hiện ra trước mắt, Dương Vân
Nga đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt, đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên
lợi ích dòng tộc, chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiệm
chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy nhân dân đương đầu với quân
xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước.
Khi đề cao vai trò của Ðinh Bộ Lĩnh
và Lê Hoàn, những anh hùng của công cuộc thống nhất đất nước không thể không kể
đến sự cống hiến của Dương Vân Nga. Có thể xem Dương Vân Nga là cái đầu nối
giữa Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, người làm cho công cuộc thống nhất đất nước do
Ðinh Bộ Lĩnh khởi xướng được Lê Hoàn hoàn tất. Sự nghiệp chính trị của người
phụ nữ ấy đã không được sử liệu chú ý đến mà lại tập trung vào thân phận làm vợ
của bà.
2.
Lý Chiêu Hoàng. Tên thật là Phật Kim, còn có tên
là Chiêu Thánh. Là vị vua thứ 9 và là vua cuối cùng của nhà Lý, đồng thời là nữ vương duy nhất trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép vua Lý Huệ Tông đi
tu. Lý Huệ Tông không có con trai, ông
phải lập công chúa Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là
Thiên Chương Hữu Đạo, gọi là Lý Chiêu Hoàng.
Năm 1225, họ
Trần nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng
trong triều đình. Dưới sự đạo
diễn của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh
là cháu họ, con của Trần Thừa, 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh thủ hầu hạ Lý
Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh
rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225), Chiêu Hoàng ra chiếu
nhường ngôi cho Trần Cảnh: “Từ xưa
nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh
trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng
hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh
chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nổi trẫm là
nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm
sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng
đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm
ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói ‘Quân tử tìm bạn, tìm
mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay’. Nay trẫm suy đi tính
lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử
hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao
Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem
nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết
sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người
điều biết”.
Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225) Chiêu Hoàng thiết Triều
ở điện Thiên An, trút bỏ áo ngự, khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi vua. Sau 3 lần
nhún nhường làm phép, Trần Cảnh ngồi lên ngai vàng chính thức, tức Trần Thái
Tông.
Lấy nhau hơn chục năm Chiêu Hoàng vẫn không có con. Trần Thủ Độ lo vua Thái Tông
tuyệt tự, bèn đem Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Hoàng, đang là vợ của Trần
Liễu) ép gả cho Trần Cảnh. Sau đó, Thủ Độ ép Trần Cảnh phế bỏ Chiêu Hoàng lập
Thuận Thiên làm Hoàng Hậu.
Kết
luận:
Có lẽ không có giai đoạn lịch sử nào
lại được người sau nhắc đến với nhiều tranh luận như giai đoạn chuyển giao
quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê và từ nhà Lý sang nhà Trần. Hai người
phụ nữ đã trở thành hai nhân vật chính, được người đời nay nhìn lại và đánh giá
dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
Chiếc áo Hoàng bào mà Dương Vân Nga
khoát lên vai Thập Ðạo tướng quân, không phải là trao tặng ngôi báu cho người
tình, mà đó là khoác lên vai ông sức nặng ngàn cân của cả một dân tộc. Và chính
Lê Hoàn đã hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giao phó một cách vẻ vang.
Về phần Lý Chiêu Hoàng, qua bao nỗi
thăng trầm, bà mất năm 60 tuổi. Tương truyền khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn
tươi như hoa đào. Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên
Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Sở dĩ
Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô (nơi
thờ Bát Vương) mà phải thờ
riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ khi để mất nhà Lý.
Dòng họ Lý trách Chiêu Hoàng, nhưng
chính hành động nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng đã góp phần đưa dân tộc
Việt bước sang một thời kỳ mới, một thời kỳ sáng chói bởi hào khí Đông A, một
thời kỳ đã đem lại một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử
chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam:
“Người
lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”.
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”.
ĐINH KIM PHÚC
No comments:
Post a Comment