.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, March 7, 2012

NHÀ THƠ, DỊCH GIẢ THỤY ANH MUỐN ĐEM ĐẾN MỘT OLGA BERGGOLTZ KHÁC


“Olga Berggoltz của tôi”, cuốn sách của nhà thơ, dịch giả Thụy Anh về cuộc đời nữ thi sĩ Nga nhận được số phiếu tuyệt đối để nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội. Thụy Anh mang đến cho bạn đọc VN một cảm nhận khác,gần gũi, nữ tính và đời thường hơn,về Berggoltz.
Nhà thơ, dịch giả Thụy Anh

- Vừa được trao giải văn học dịch, vừa là tân hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội, chị có thể chia sẻ một chút cảm xúc?
- Tôi cảm thấy vui mừng, tự hào và cảm động vì lao động của mình được những người có chuyên môn thấu hiểu và thừa nhận bên cạnh sự cổ vũ và đón nhận của bạn đọc. Sự hồ hởi và chút tự tin có được nhờ sự kiện này khiến tôi mong muốn dấn thân vào con đường dịch thuật nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn.

- Chị quan tâm đến Olga Berggoltz từ khi nào?
- Tôi quan tâm đến Olga Berggoltz từ khi lần đầu có trong tay bài thơ “Mùa lá rụng” qua bản dịch của nhà thơ Bằng Việt. Năm đó tôi vẫn là sinh viên, còn rất trẻ. Mối quan tâm ban đầu chỉ là sự thích thú, cảm giác lãng mạn bâng khuâng khi đọc bài thơ. Sau đó nó biến thành sự tò mò, muốn tìm hiểu sâu hơn về tác giả và muốn được tiếp cận với nguyên tác. Rồi tò mò biến thành say mê, theo năm tháng. Năm tháng cho tôi thêm tuổi tác, và tuổi tác, trải nghiệm lại cho tôi thêm cơ duyên để gần gũi hơn với những gì mà Olga Berggoltz đã trải qua, đằng sau câu chữ.

- Và khi nào thì chị nhen nhóm ý định sẽ làm một cuốn sách hệ thống về sự nghiệp thơ ca của bà?
- Tôi bắt đầu nghĩ đến điều ấy vào khoảng năm 2008 sau khi nhận được phản hồi từ rất nhiều bạn đọc qua trang web thivien - nơi tôi gửi những bản dịch của mình lên lưu trữ. Tôi thấy Olga được nhiều người yêu mến, nhiều người biết tiếng Nga dịch bà, nhưng cũng thấy không phải tất cả những người yêu thích Olga đều hiểu hết những sâu xa nằm đằng sau những bài thơ, hoặc giữa những dòng thơ. Những điều mà, nếu biết, thì bạn đọc sẽ đọc thơ với sự rung động khác hơn rất nhiều. Ngoài ra, tôi cảm thấy, hình ảnh một Olga nhạy cảm, tinh tế, yêu thương nồng nàn vẫn choán trọn vẹn trái tim độc giả Việt Nam mà hình ảnh một Olga rắn rỏi, kiêu hãnh, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ công dân, thực hiện nghĩa vụ của một con người của thời đại … thì vẫn còn mờ nhạt trong suy nghĩ của họ. Đây là điều thôi thúc tôi muốn chia sẻ những gì tôi được biết về bà qua những trang nhật ký, ghi chép, hồi ký của bạn thơ… mà tôi tìm đọc trong vòng gần chục năm, muốn đem đến cho bạn đọc một Olga khác hơn, và có thể sẽ đẹp hơn vì những khác lạ ấy.

- Vậy chị đã xây dựng chân dung Olga thế nào?
- Muốn xây dựng được chân dung bà phần nào trọn vẹn, tôi hiểu rằng phải bắt đầu từ một câu chuyện kể, và những sáng tác được hệ thống lại, minh họa cho câu chuyện ấy. Nhưng từ khi có ý định đến khi thực hiện, hóa ra lại mất đến vài năm! Ở đây, tôi không thể không nhắc đến những người thầy của tôi - dịch giả Vũ Thế Khôi, dịch giả Thúy Toàn, và nhóm bạn thân thiết - họ cổ vũ tôi, hỗ trợ tôi, mỗi người một cách, kể cả bằng cách góp công sức lao động, những nhận xét phản biện bản thảo, và cả… tiền bạc nữa. Và trên hết, một tình yêu nồng nhiệt dành cho nữ sĩ người Nga đã khiến họ góp sức mà không cần đáp trả. Biết ơn họ, tôi chỉ có thể cố gắng hoàn thiện những bản dịch trong khả năng cao nhất của mình.

- Khi tiếp cận với những tư liệu về Olga Berggoltz, điều gì khiến chị cảm phục nhất từ cuộc đời “cây ngải đắng của nền thi ca Xô Viết”?
- Đúng như từ “cây ngải đắng”, điều tôi cảm phục nhất là, Olga, như một cây ngải đắng, thân thì đắng mà vẫn tỏa hương. Điều này rất gần gũi với một ý thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật về “cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng…”. Bà từng viết: “Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng / ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời / Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn / đã trở thành niềm cay cực riêng tôi”. Đoạn thơ này tôi lấy làm đề tựa trên bìa sách. Đó là điều mà tôi khâm phục bà - mang nỗi đau riêng và cảm nhận riêng về thời cuộc, để viết về cuộc đời xung quanh, về tình yêu, về Tổ quốc, để nâng đỡ con người, để trao gửi niềm hy vọng sống - hơn thế, nỗi đau của đám đông đã trở thành “niềm cay cực” cá nhân của riêng Olga. Người như vậy, sống không chỉ vì mình mà, vô hình trung, mang trong mình sứ mệnh sống và viết vì nỗi đau và niềm hân hoan chung của dân tộc.

- Trong việc dịch văn học, nhất là dịch thơ, để hướng tới một bản dịch hoàn hảo là vô cùng khó, đâu là lý do để chị bằng lòng với cuốn sách của mình?
- Tôi không thể và không dám nói, 70 bài thơ trong cuốn sách này là những bản dịch hoàn hảo. Những sai sót và chưa thỏa đáng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có một số bản dịch tôi tương đối thấy hài lòng và tâm đắc bởi khi dịch, tôi đã thực sự hòa nhập được với không khí bài thơ, tần số cảm xúc của tác giả mà tôi “bắt” được, sự rung động đặc biệt khiến sau đó, đọc lại, tự mình cảm thấy… xúc động. Tôi đặc biệt chú trọng mảng thơ công dân của Olga Berggoltz và những bài thơ bà viết cho những đứa con. Đây có lẽ là những khía cạnh mới trong thi ca của Olga mà chưa nhiều bạn đọc được tiếp cận.

- Có điều gì chị muốn mà chưa làm được khi thực hiện cuốn sách?
- Phần tiểu luận viết về Olga, tôi chưa được hài lòng vì tôi đã viết rất dàn trải, miên man, chạy theo cảm xúc. Lẽ ra, tôi có thể tìm một cách viết nào đó cô đọng hơn. Mặc dù, tôi có cảm giác là nhiều người đọc lại thích sự dàn trải lan man ấy, để được đắm chìm cùng cuộc sống của nàng Olga mà họ yêu thương, nhưng nhìn ở góc độ chuyên môn, tôi nghĩ, phần biên khảo cần dụng công hơn nữa. Ở đây, tôi mới đạt được một câu chuyện, cho dù là một câu chuyện có cảm xúc. Tôi muốn đưa vào đây thêm khoảng 20 bài thơ nữa nhưng có những bản dịch tôi chưa ưng ý, vì thế tôi đành dừng lại ở con số 70.

- Nếu chỉ nói một câu về Olga Berggoltz chị sẽ nói gì?
- Tôi sẽ xin được đọc một câu thơ của bà để nói về bà: “Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim em/ trong khúc hát, trong buồn đau, trong đắm say hay tình bạn” - một nữ sĩ tài hoa, kiêu hãnh, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng sống chân thành, quyết liệt, trung thực đến cùng với cảm xúc của mình.

- Gần 20 năm sống trên đất nước Nga, điều gì khiến chị không thể không nhớ mỗi khi nhắc đến đất nước này?
- Gần 20 năm là cả tuổi trẻ của tôi trôi qua trên đất nước này rồi, có gì mà không khiến tôi nhớ nhung quay quắt chứ! Tất cả! Thiên nhiên, con người, những thói quen, những món ăn, những nỗi vất vả đã trải qua trên đất bạn, thậm chí cả những gì khó gọi thành tên, như hơi đất có mùi cỏ lá xông lên mỗi độ hè về, cái cảm giác vừa cô đơn vừa thích thú khi một mình đi lang thang trong công viên mùa tuyết, rồi cái nôn nao nhộn nhạo trong ngực khi nhìn thấy những bông hoa đầu tiên xuyên tuyết lộ ra sau một mùa đông dài, cả cái mùi đặc trưng của nhà ăn sinh viên và cái mùi gỗ thông âm ẩm cũ kỹ của căn phòng ký túc xá mà tôi đã ở nhiều năm… Khi nhắc đến nước Nga, tất cả luôn ập về, đơn giản là nhớ mà không thể nói, cái gì khiến tôi nhớ nhiều hơn. Chắc đó cũng là cảm xúc chung của những người sống lâu năm ở một miền đất, dù là miền đất không phải quê hương mình.

- Nếu quay trở lại Nga bây giờ, việc đầu tiên chị sẽ làm là…?
- Tôi không biết nữa, tôi không thể tưởng tượng ra cảnh ấy. Hẳn tôi sẽ không biết làm việc gì đầu tiên khi trở về miền ký ức của mình. Có thể tôi sẽ tìm đến ngay những người bạn thân yêu của tôi đang sống ở đó, để được ngồi cùng họ bên chén trà bốc khói trong gian bếp ấm cúng, thấy lòng yên ổn, như chúng tôi chưa từng xa cách. Và tôi sẽ đến thăm những bạn nhỏ người Việt sinh ra ở Nga, con cái của những người bạn tôi, xem họ học tiếng Việt thế nào, có cần hỗ trợ gì không, vì tôi có tham gia hoạt động cả mảng giáo dục nữa. Tôi sẽ về nhà cũ, trường cũ, cố gắng tìm đến những nơi tôi vẫn nhìn thấy trong mơ, nhưng, cũng không biết nữa, vì sợ rằng tôi sẽ không chịu được cảm xúc nhớ tiếc - cảnh đó mà người đã khác, mình cũng không còn như xưa…  

- Bạn bè đồng nghiệp đã giục nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy chị làm đơn vào Hội Nhà văn Việt Nam, chị thấy mình chưa xứng đáng hay còn ngần ngại điều gì?
- Tôi luôn ngại ngần khi nghĩ đến chuyện viết đơn vào Hội, kể cả Hội nhà văn Việt Nam hay Hội nhà văn Hà Nội bởi như từng nói trên kia, tôi muốn đạt được một sự chuyên nghiệp trong công việc của mình, thì khi ấy, việc vào Hội mới có ý nghĩa vì đây là Hội nghề nghiệp cơ mà. Hơn nữa, tôi cũng biết, có đến cả nghìn lá đơn đang chờ đợi được phê duyệt, con số ấy khiến tôi ngại, ngại… xếp hàng! Song, dù chưa xin vào Hội thì tôi vẫn làm việc, vẫn tham gia hết lòng những hoạt động do Hội, đặc biệt là Ban Nhà văn trẻ phát động, tổ chức. Nhưng tôi cũng đã vượt qua được ngần ngại để làm đơn vào Hội nhà văn Hà Nội, và thấy vui vui vì được chấp nhận. Dù gì thì tôi cũng là người viết ở Hà Nội, gắn bó với Thủ đô mà.

- Ngoài dịch chị còn làm thơ và viết văn xuôi, sau Giải thưởng này chị có nghĩ sẽ đầu tư thời gian nhiều hơn cho mảng dịch thuật?
- Chính việc được giải thưởng lại khiến tôi… hoang mang vì để trở thành một dịch giả chuyên nghiệp, tôi còn thiếu, hổng khá nhiều. Nếu tôi lựa chọn dịch thuật như một hoạt động nghề nghiệp, tôi phải học và phải hết mình hơn nữa với nó, và phải cân nhắc khi đối diện với nhiều niềm say mê khác trông cuộc đời. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng đây là một thứ áp lực tích cực khiến tôi đầu tư hơn thời gian và tâm huyết cho mảng dịch thuật, điều mà tôi đã và đang bị phân tán rất nhiều trong thời gian qua và thực sự, đôi lúc, tôi cảm thấy bối rối. Với thơ tôi vẫn rất hào hứng cũng như cảm thấy có nhiều duyên nợ. Với truyện ngắn, từng cũng có nhiều mơ ước, nhưng hiện giờ, tôi bắt đầu thử viết cho trẻ em. Chẳng có gì nói hay được, tôi sẽ lắng nghe mình để cố gắng chọn được một con đường của riêng mình.

Nguyễn Xuân Thủy
thực hiện
Nguồn: Evăn

No comments:

Post a Comment