.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, March 4, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO: “VỚI TRẦN CHẤN UY, SÔNG CŨNG ĐA TÌNH”


“Trần Chấn Uy khá tai tiếng về chuyện tình cảm và cũng không ít giai thoại xung quanh chuyện tình yêu, hôn nhân của anh… Nhưng tôi quý anh, trân trọng anh bởi anh thực sự là một người đàn ông, và hơn thế nữa đã làm được những điều phi thường mà không mấy người đàn ông làm được”. Nhận xét ấy không phải của tôi, mà của một người phụ nữ sống gần Uy, viết về Uy.
Bìa "Dòng sông đa tình" - Trình bày NTT
Uy đã làm được những gì “phi thường” để người đời bỏ qua tất cả tai tiếng và đàm tiếu, để mà yêu quý anh đến vậy? Ba lần hôn nhân ư? Chuyện nhỏ! Chức tước ư? Quan quèn thôi! Làm thơ ư? Điều này rất có thể, bởi thơ, thường được cho là sự bất bình thường mà thiên hạ vẫn nghĩ là ông Trời chỉ dành cho “loài thi sĩ”.
Tôi đã đọc mấy tập thơ của Uy, và thấy sự được-mất trong thơ anh cũng như chính cuộc đời anh vậy. Được và mất như một cặp phạm trù đằng đẵng theo anh dài năm tháng. Cứng rắn và yếu mềm. Từ bỏ và đeo đuổi. Xây và phá – Phá và xây… Khóc cười đủ cả. Nhưng điều gì khiến con người có vẻ như ngang tàng bất cần đời ấy neo lại được với người đọc? Đó là sự mặc cảm tội lỗi một cách chân thành đến rơi lệ:
Con có cha như chỉ có mặt trời
Nên giấc ngủ mãi khuyết vầng trăng mẹ
Đã trót làm tuổi thơ con sứt mẻ
Mảnh vỡ đời nhức buốt trái tim cha.
Không phải nhà thơ nào cũng nói ra được nỗi lòng sâu thẳm của mình bằng ngôn ngữ chân thành như vậy. Thi tứ và thi ảnh cứ đan vào nhau ám ảnh lòng người.
Có nhiều ý nghĩ người ta không đủ can đảm để nói ra, và nói ra thành lời như thế nào cho đúng với ý nghĩ cũng không phải chuyện dễ. Nhưng với Uy thì hình như không phải thế, anh có thể diễn đạt cả bản năng của mình thành thơ như không:
Giữa những bậc thang lên chùa
Ta chông chênh say ánh mắt
Trời trong veo và em trong vắt
Ta đục ngầu ý nghĩ đàn ông.
Những câu thơ ấy khiến tôi nhớ một câu thơ đã lâu của anh:
Nụ hôn xưa còn ngọt mãi cơm chùa
Và với “Em sư” hôm nay, anh vẫn còn bâng khuâng trân trọng mãi:
Biết còn vương một chút tình xưa cũ
Xin hái trăng về tặng em sư.
Vẫn biết người thơ thường lãng mạn đa tình, nhưng với Uy đôi khi thường đi xa hơn một cái nhìn rung động. Điều đó thật mạo hiểm. Dường như Uy hơn cả mạo hiểm, đấy là cái nhìn chân thật, trần trụi, phơi bày cả tâm can đến mức nguy hiểm. Nhờ thế mà thơ anh lay động được lòng người khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp gợi cảm của phái đẹp:
Heo may đùa giỡn tà áo biếc
Rờn rợn màu trăng ánh trắng ngà
Da thịt ngọc gieo eo lưng thắt
Mắt nhìn như có gió sương pha.
Và hơn thế nữa, anh còn thấy cả “vẻ đẹp chết người” trong những “tòa thiên nhiên” ấy:
Áo lụa nõn nà, trời ơi chết
Một kiếp thương đau một kiếp tình
Em đẹp như dao, anh đứt ruột.
Nhưng không dừng lại ở đấy, tình yêu với anh như cơn bão, như núi lửa cứ tuôn trào:
Ta lao vào lấp đầy khoảng trống rốn đêm
Bằng hừng hực lửa và tiếng tru của sói
Người đàn bà hoá dòng sông nóng hổi
Tuôn trôi cả địa ngục lẫn thiên đường.
Trần Chấn Uy là vậy, mạnh mẽ, bạo liệt và nóng rẫy. Anh thường dùng từ thật mạnh để diễn đạt tình cảm của người thơ tưởng như đi quá cả lằn ranh ngôn ngữ:
Tôi cũng như bao chàng trai khác
Bị thiêu cháy bởi khuôn mặt đẹp… 
… Ta xả thịt một đời trai sứt mẻ
Cúng cho em một mâm đầy. 
… Người thi sĩ gặt đầy kho bất hạnh
Đủ làm đau cả nhân loại quanh mình
Và nhiều khi “hạ giọng” một cách thật thà đến yếu đuối như một bản tự khai:
Chỉ thuộc về nhau đêm này thôi
Ngày mai tôi lại về bến khác
Thêm một lần em gặp người bội bạc
Con thuyền kia cô độc đến bao giờ?
Những lúc lắng lòng xót xa, Uy như một gã thất tình xa xứ buốt nhức ngày về:
Người ta đi với người ta
Đã sang xứ khác đã nhoà nhạt quên
Ta đi vẹt gót trăm miền
Tìm về sương khói cuối triền sông xưa
Phong phanh áo mỏng bây giờ
Nghe heo may rét trắng bờ cỏ lau.
Thì ra cái “triền sông xưa” ấy chính là dòng sông cố hương nơi Uy đã sinh ra. Dòng sông ấy đẹp, trôi mãi hoài thơ mộng trong nhiều bài thơ của anh. Dòng sông ấy đa tình, hay chính là những đứa con của dòng sông? Nhiều bài thơ của anh nhắc về sông và người Hà Tĩnh, nơi có Nguyễn Du “Thả con thuyền lục bát”, nơi có Nguyễn Công Trứ “Suốt đời lãng tử/ Mây gió thênh thang”, nơi có “chàng Huy Cận ngày xưa hay buồn lắm” cùng với “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mê đắm một thời… Và giờ đây, Uy cũng có mê đắm của riêng Uy trong nỗi buồn bạc tóc:
Sợi tóc bạc ánh một màu im lặng
Đọc tuyên ngôn về sự lụi tàn…
*
Thường thì người ta hay nói về sự tuyên ngôn cho những gì mới mẻ, hệ trọng, còn Trần Chấn Uy thì tuyên ngôn cho cả sự lụi tàn. Đó là cách nhìn khác biệt của thi sĩ. Đó cũng là cách thể hiện của “sự biết”. Biết mình, biết người quả là không dễ.
Tôi nghĩ, đôi khi Uy cũng không biết rõ thơ mình hay, dở. Cứ làm thơ như một hối thúc bản năng cùng với sự học và ý chí vươn lên. Rồi người đọc và thời gian sẽ tự tuyển chọn. Những bài thơ kể lể, đong đưa, nhạt nhẽo rồi sẽ bị lãng quên. Chỉ còn lại những bài thơ trào tuôn khát vọng tình yêu với những vui buồn tận đỉnh. Đây là bài thơ hay, kia là câu thơ đích thực cứ tồn tại trong cõi nhân gian lưu chuyển không ngừng. Đấy là thơ mà khi đọc lên, ta thấy tác giả như đang đứng bên ta cười khóc vui buồn.
Thì ra người đa tình sông cũng đa tình!
Gấp lại tập thơ “Bên dòng sông đa tình”, tôi không khỏi nhớ về một con người vạm vỡ, điển trai với nụ cười hút hồn phái đẹp, lại có lúc lặng lẽ thu mình nhỏ lệ trên những trang thơ cô đơn về tình tan vỡ. Đó là Uy của được-mất trong đời và cười-khóc trong thơ…
Hà Nội, 12.2011
NGUYỄN TRỌNG TẠO


No comments:

Post a Comment