- Khung cảnh của vấn đề
I a - "Hãy yêu đi rồi làm gì
thì làm"(ama et fac quod vis)
Câu nói của đại văn hào Thánh
Augustinô là âm vang phổ quát nhất đi lọt vào tất cả các nền văn hóa cổ kim,
đông cũng như tây, trong tất cả các chiều kích của cuộc sống con người. Thật
thế tôn giáo là gì nếu không phải vì yêu thương mà con người được tạo
dựng, vì yêu thương mà có cứu độ! Và yêu thương không phải là hơi thở và cứu
cánh của tôn giáo hay sao! Kinh Thánh Kitô giáo đînh nghĩa Thiên Chúa
Tối Thượng là tình yêu, và đức Kitô Đấng cứu độ là hiện thân của tình yêu ấy.
Đức Phật thì vì lòng thương tha nhân (từ bi) mà lên đường khai
đạo; Đức Khổng thì vì nhân ái; Mặc tử thì vì kiêm ái... Ngay
cả những đổi thay xã hội, các cuộc cách mạng đầy bạo lực, hận thù và bài xích
tôn giáo (như cuộc cách mạng Pháp 1789, cuộc cách mạng cộng sản vào
đàu thế kỷ 20), những nhóm phản kháng bụi đời hay ngược đời bất chấp tôn
giáo, các giá trị tinh thần và xã hội hiện hành... thì cũng nhân danh tình yêu (make
love!) để biện minh cho hướng đãu tranh hay thái độ sống của mình.
Thông thường, người ta hay nói rằng:
Có nhiều cách diễn đạt khác nhau để nói lên cùng một nội dung; nhưng trong
trường hợp nầy thì ngược lại: cùng một nội dung yêu thương mà mỗi người lại
hiểu một cách khác. Và chúng ta sẽ thấy tùy cách hiểu về tình yêu mà chúng ta
sẽ có những định chuẩn nhận ra nhiều hình thái văn hóa khác nhau trong lịch sử.
Có thể nói tiếp theo lời của Thánh Augustinô như thế nầy: hành động nào của con
người thì cũng vì yêu thương, nhưng thảm kịch là mỗi người hiểu yêu thương một
cách khác nhau, và đó là vấn đề.
I b - Hôn nhân và gia đình, một
thách đố của thời đại "toàn cầu hóa "
Chúng ta cứ cố định nghĩa con người
như một cục sỏi đứng một mình, nằm ì ra đó. Nhưng con người tự tại một mình là
sản phẩm, một loại phóng ảnh của trí óc hữu hạn, một ý niệm mà thôi. Con người
ấy không bao giờ hiện hữu cả. Con người sống là một mối tương giao chằng chịt,
con người có cha, có mẹ, có anh em, bạn bè, có đất dưới chân và trời trên đầu,
có khí để thở, có xã hội để học hỏi và liên đới... Con người một mình không thể
có và nếu có thì đó là sai lệch (như sách Kinh Thánh từng nói:
ở một mình không tốt,- xem. sách Sáng Thế). Sống là sống
với ai, và trong cuộc sống trên nhân thế, khi hai người sống
chung thì tương quan nầy được thiết lập thành định chế có tính cách cộng đồng,
xã hội. Và định chế khởi nguyên, cơ bản, phổ quát nhất xuất hiện trong
bất cứ một cộng đồng nhân loại nào trong lịch sử là định chế hôn nhân và gia đình,
mặc dầu có những hình thái thể hiện đa biệt. Và định chế hôn nhân và gia đình
trong thực tế xã hội hiện nay cũng là định chế được các nhà luật pháp dân sự,
tôn giáo đề cập và nghiên cứu nhiều hơn cả.
Nhưng điểm đáng nêu lên trong thời
đại gọi là thời tân kỳ của chúng ta, với những trào lưu xã hội
đối nghịch (chủ nghĩa xã hội tập thể tối thượng và chủ nghĩa tự do cá nhân
tuyệt đối), đi kèm với những khám phá và can thiệp có tính cách kỹ thuật
vào sự sống, phái tính và hình thành thể xác con người nhân danh tiến bộ khoa
học, thì hôn nhân và gia đình không phải đang biến hóa một cách nào đó, nhưng
đang chứng kiến thách thức sống còn: hôn nhân và gia đình còn tồn tại hay không
trước sự kiện thụ thai hoàn toàn không cần can thiệp của đôi người nam nữ, khế
ước hôn nhân-gia đình của hai người đồng tính...?
Thách thức xã hội nầy trong bối cảnh
"toàn cầu hóa" đặt lại cho toàn nhân loại một câu hỏi có tính cách
văn hóa về bản chất và cứu cánh con người: hoặc con người là gì
trong giới hạn định nghĩa của hiểu biết sự vật, của khoa học và khả năng
biến chế sản xuất, hoặc con người là ai trong tương quan của yêu
thương. Hôn nhân và gia đình còn có giá trị gì hay không tùy thuộc vào bối cảnh
của câu hỏi nền tảng nầy.
Ic - Hội nhập
Xã hội Việt nam chúng ta vào thời tiền
chiến đã từng chứng kiến hai luồng văn hóa đối nghịch: một bên là xã hội phong
kiến, được xem là truyền thống, trong đó tâm tình yêu thương và cuộc sống cá
nhân chịu sự chi phối của những tập tục khắc nghiệt nhân danh quyền lợi của tập
thể nào đó tùy cấp độ như gia tộc, làng xã, "đạo lý truyền thống"...,
và bên kia là trào lưu cải cách xã hội của nhiều nhóm trẻ, trong đó Tự Lực Văn
Đoàn gây nhiều ảnh hưởng hơn cả.
Người bảo thủ nếp cũ thì nhân danh
truyền thống ngàn đời, đạo lý cha ông, đôi lúc nhân danh cả tình tự dân tộc để
bám víu những hủ tục vô nhân; nhưng phía các trào lưu tiến bộ cũng hấp tấp,
nóng lòng muốn bắt chước mẫu mực nếp sống cá nhân chủ nghĩa Tây Phương (và
Tây Phương ở đây thực sự chỉ giới hạn trong một nếp sống thị thành nào đó hoặc
trong tiểu thuyết ), muốn lật nhào toàn bộ nếp cũ của xã hội ngàn đời của
dân tộc. Trong thực tế lịch sử, xã hội chúng ta đã uyển chuyển chọn con
đường cải cách chừng mực, không "đoạn tuyệt" "thoát ly" với
truyền thống cộng đồng và gia đình để chỉ biết đến tự do cá nhân.
Xã hội Việt nam trong và ngoài nước
hôm nay cũng đang trải qua những dao động tương tự. Nhưng lần nầy không có
những trào lưu cải cách, những cơ cấu hay nếp sinh hoạt cộng đồng bảo thủ áp
ức. Từ toàn bộ vận hành quốc gia và quốc tế, trong mọi lãnh vực từ tôn giáo,
văn hóa, chính trị... mỗi cộng đồng, mỗi gia đình và mỗi cá nhân đều chới với
trước những thực trạng xã hội đang xâu xé cuộc sống của mình. Ngoài ảnh hưởng
một xã hội thời tân kỳ của toàn thế giới nói chung, xã hội Việt nam bị hụt chân
vì những đứt đoạn do hoàn cảnh chiến tranh, chính trị: đổi thay có tính cách
đứt đoạn vì cuộc "cách mạng" văn hóa rốt ráo của "xã hội chủ
nghĩa" chuyên chế; các cuộc di dân qui mô vì chiến tranh, tị nạn chính
trị, vì chính sách và cuộc sống kinh tế; vai trò ảnh hưởng trong gia đình đổi
thay vì chênh lệch trình độ chuyên môn và khả năng kinh tế của thế hệ trẻ so
với bậc phụ huynh; các loại quyền uy cộng đồng về đạo lý trên cuộc sống cá nhân
như kỷ luật gia đình, dư luận và chế tài xã hội, niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng
giáo dục... không còn hữu hiệu nữa. Thực trạng xã hội trong và ngoài nước không
khác xa nhau là mấy, người ta không còn một giải pháp nào hơn là để mặc cho
hoàn cảnh đẩy đưa. Trong bối cảnh đó, tình yêu, hôn nhân và gia đình được cảm nghiệm
một cách kỳ lạ; chúng xuất hiện trong tâm tư mỗi người như một món trang
sức, một món đồ cổ có tính cách thi vị, bên cạnh thực tế xã hội mà ưu tư
về kinh tế chi phối hầu như toàn bộ cuộc sống cá nhân. Và vấn đề hội nhập
thường được mọi giới nêu lên còn có nghĩa gì khác hơn ngoài vấn đề giải quết
vấn đề kinh tế, nghĩa là kiếm được một việc làm? Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả
là giới hữu trách về cuộc sống tinh thần như tôn giáo, giáo dục, văn hóa... vì
không thấy vấn đề, hoặc vì muốn làm thinh, đã hội nhập một cách hầu như
đương nhiên thực trạng và tâm tư nầy !
- Tình yêu và văn hóa
"Yêu đi rồi làm gì thì
làm", và bởi vì ngày nay người ta hầu như
mỗi người đều chủ trương làm đều mình thích, nhưng người ta hoặc không yêu ai
ngoài yêu cá nhân mình hoặc không còn yêu chi cả, nên mọi định chế (ngay cả
định chế phổ quát nhất là hôn nhân và gia đình), mọi giá trị con người như
chỉ là hiện tượng nhất thời và tương đối. Đó là thực trạng của thời tân kỳ
chúng ta đang sống.
Nhưng yêu là gì? Yêu liên quan gì
với cuộc sống con người?
Trong các thập niên gần đây, nhiều
nhà nghiên cứu người Việt nam về văn minh, văn hóa đối chiếu đông-tây thường
mạnh dạn nói một cách đơn giản: Tây phương trọng lý trí, còn đông phương và
nhất là người Việt chúng ta thì đề cao chữ tình. Nhưng tình phải chăng là cảm
xúc chủ quan, xung động tình cảm bất chừng, hay khóc hay hờn..., và lý trí phải
chăng chỉ được hiểu là nhận thức sự vật bên ngoài, cân đo đong đếm như một máy
tính điện tử thời nay?
Để có thể phanh phui một vài nét
chính yếu về nội dung chữ tình yêu trong những nền văn hóa ảnh hưởng nhiều đến
nếp sống và tâm tư người Việt chúng ta, chúng ta sẽ nêu lên một vài mẩu chuyện
tiêu biểu thường được nền văn hóa liên hệ tiếp nhận như là có giá trị chỉ dẫn.
Chúng ta chọn bốn khung văn hóa tiêu biểu:
- văn hóa hy lạp và Tây phương truyền thống,
- văn hóa Tây phương thời tân kỳ,
- mạc khải Kitô giáo,
- tam giáo ( Phật, Lão, Khổng) hài hòa trong truyền thống văn hóa Việt nam.
II a - Tình yêu hướng thượng của văn
hóa truyền thống Tây phương
Trong tác phẩm Bữa Tiệc, một
tác phẩm trong thời kỳ thứ II, thời khai sinh triết học[1], Platon ghi lại hai
mẩu chuyện về tình yêu (EROS) được người về sau xem là tiêu biểu. (Chính
vì thế có thành ngữ tình yêu lý tưởng theo "Platon", amour
platonique).
- Thần thoại người lưỡng tính nguyên
sơ:
Trong một bữa tiệc, khi được hỏi đến
nội dung của EROS, nhà hài kịch thời danh Aristophane[2] đã nêu lên chuyện con
người nguyên thủy vốn lưỡng tính. Ngày trước, nhân loại chỉ gồm những người
lưỡng tính, có hai đầu, bốn tay và bốn chân. Vì tài năng uy dũng, các loại
người nầy sinh kiêu căng chống lại thần thánh. Thần Zeus không chịu nổi sự hỗn
láo đó nên đã chặt họ làm hai phần. Cái rún nơi bụng con người là dấu tích về
sự phân đôi đó.
" Bây giờ nửa phần nầy chạy đuổi bắt nửa phần kia, cố
nối kết như cũ. Hai phần cứ thế mà ôm ghì trói chặt lại với nhau thành một thân
mà thôi. Do đó mà trở nên bất động, không làm gì được vì không phần nào muốn
hành động mà không có phần kia. Thần Zeus mới đưa các bộ phận sinh dục ra phía
trước của mỗi bên - trước đó chúng ở phía lưng - để đôi bên có thể giao hợp bảo
đảm sinh sản chủng loại hoặc thỏa mãn dục tính." [3]...
" Chính vì vậy mà từ thủa xa xưa ấy, tình yêu người nầy
đối với người kia ghi khắc nơi tâm hồn con người; cũng chính vì tình yêu nầy
bản tính nguyên sơ của con người kết hợp; tình yêu ấy muốn kết hợp hai
bên thành một thể, vì thế nó chữa lành nhân tính chúng ta"[4]
- Thần thoại về nguồn gốc EROS
Truyện nầy do chính Socrate kể, nhắc lại một giai thoại gặp gỡ giữa ông
và đồng nữ Diotime de Mantinée (một nhân vật có thể là tưởng tượng tiêu biểu
cho thi hứng). Bà đồng nữ kể rằng Eros được thụ thai trong ngày mừng sinh nhật
của thần Ái- Ân Aphrodite:
" Các thần đang dự tiệc, có mặt cả con trai thần Khôn
Ngoan tên là Dư-Đầy. Khi mọi người dùng bữa xong, thì cô Nghèo đến ăn xin
vì thức ăn còn thừa; cô đến tựa cửa ra vào. Cũng trong lúc ấy, thần
Dư-Đầy say mèm vì uống nhiều mật hoa đi lạc vào vườn Thần Zeus và lăn
lưng ngủ ở đấy. Bấy giờ nàng Nghèo nghĩ đến thân phận nghèo hèn của mình nên
định tâm có một người con với thần Dư-Đầy. Nàng đến nằm bên cạnh chàng, nhờ vậy
mà Eros đã được thụ thai" [5]
Tiếp đó Socrate tự minh giải câu
truyện như thế nầy:
" Tình yêu là trung gian giữa hiểu biết và ngu muội.
Trong các thần thánh, không ai cần triết lý, không ai muốn trở thành khôn ngoan,
vì họ là những kẻ khôn ngoan rồi... Từ đó ta hiểu tình yêu là triết lý (tức là : yêu chính là yêu sự khôn ngoan = philo-sophia);
tình yêu đúng là trung gian giữa hiểu biết và ngu muội" [6]
- Minh giải
Cả hai mẩu truyện về tình yêu được
Platon trình bày trong cuốn Bữa Tiệc qua miệng của hai nhân vật được
biết là đối thủ của nhau, đều trình bày cùng một nội dung với những nét tương đồng.
Muốn am tường nội dung tình yêu trình bày ở đây, thiết tưởng phải nêu lên nét
cơ bản nhất trong triết học Platon. Đối với Platon, nền tảng vững chãi cho suy
tư, cho mọi hiện hữu phải là hữu thể tự tại, vĩnh cửu, bất biến vượt lên trên
thời gian đổi thay và không gian có giới hạn. Con người đang ở trong thời gian,
vì mang lấy thể chất thân xác mà có sinh có tử, có đổi thay.. Như vậy, cái gì
gắn bó với vật chất, đổi thay như thân xác là tiêu cực so với khả năng hiểu
biết thuộc lý trí thuộc thế giới không thay đổi. Con người trong thân phận tại
thế với thân xác mình là tình trạng bất toàn; nhưng con người có tình yêu thúc
đẩy như một động lực hướng về lại sự toàn thiện, tức là hữu thể thuộc lý trí
hiểu biết. Ở giai đoạn còn mang thân xác làm người tại thế, tình yêu đó gọi là
triết lý; khi đạt đến hữu thể chân thật, hay cứu cánh toàn bích thì không
còn triết lý, không còn tình yêu, nhưng sẽ chỉ là hữu thể, là khôn ngoan.
- Bản chất và cứu cánh con người là hữu thể tự tại, vĩnh cửu, thông biết mọi sự. Bản chất đó là một thực thể siêu vượt thời gian và không gian đang giam hãm con người. Còn hiện hữu tại thế là một sự sa sẩy, một giai đoạn bị chia cắt hay còn thiếu, nghèo đói hữu thể; trong hoàn cảnh nầy thân xác là yếu tố tiêu cực trì kéo bước thăng tiến của con người tiến về sự hoàn mãn.
- Tình yêu chỉ là một động lực thúc đẩy con người hướng về hữu thể tự tại, hướng về sự khôn ngoan qua việc giúp con người khám phá những giá trị tích cực của hữu thể, đặc biệt là giá trị đẹp. Nó thuộc lãnh vực phương tiện, là thứ yếu so với khả năng hiểu biết của lý trí. Thần thánh và con người toàn mãn không cần đến yêu thương.
- Tình yêu phát xuất từ sự thèm muốn (của cô Nghèo), từ dưới đi lên, muốn đi tìm những giá trị mà mình đã biết trước (xét về mặt hữu thể học) không tiên liệu những bất ngờ, những bí mật diệu kỳ nào khác; nhưng hữu thể chân thật và các giá trị không nằm trong cõi trần nầy, thế giới bây giờ và ở đây liên hệ đến vật chất hữu hình và cuộc sống thân xác. [7]
II b - Tình yêu " bây giờ và ở
đây" của thời Tân Kỳ
Về mặt tư tưởng văn hóa, Thời tân kỳ (les Temps Modernes) phát xuất và
phát triển trên cùng một nền tảng hữu thể học Hy lạp-Tây phương mà Platon đã
khai triển. Nghĩa là hữu thể, chân lý là bản chất muôn đời bất biến, tự tồn tại
và tự đủ cho mình. Nhưng nếu Platon tưởng tượng ra rằng thế giới chân thật là
những ý tưởng có trước và tách biệt với thế giới hữu hình, vật chất, thân xác,
thì thời tân kỳ là thời nói ngược lại thế giới ý tưởng của Platon và các giá
trị đi kèm. Câu nói của Faust, một nhân vật điển hình của con người tân
kỳ trong kịch bản nổi tiếng của văn hào Goethe, giúp ta hiểu rõ đường hướng nầy
:
" Ta đã nghe tiếng vui rộn của làng; đúng là địa đàng
của dân chúng; già cả và trai trẻ, lớn nhỏ nhảy nhót mừng vui: nơi đây
ta cảm thấy mình là người, nơi đây ta dám làm người" [8]
Hữu thể, chân lý được cảm nghiệm không phải là nhớ lại một thế giới bên ngoài,
để từ đó đánh giá cái gì càng xa thì càng cao, càng trọng, nhưng đặt nền trên
kinh nghiệm bây giờ và ở đây của cá nhân tôi (Descartes: cogito ergo sum );
hữu thể không phải là một bản chất bất động đi ngược với lịch sử nhưng là lịch
sử đang hình thành (Hegel); sự hiểu biết và trật tự, các ý
niệm rõ rệt định vị cá thể của mỗi ý tưởng, các giá trị qui chiếu vào trật tự
thế giới nầy (thế giới linh tượng của Platon, thế giới được Nietzsche
gọi tên là tác phẩm của Apollon) phải nhường chỗ cho sự sống sôi động, cởi bỏ
biên giới tù ngục của lý trí để trầm mình vào Đại Nhất nhờ tình yêu mang tên Dionysos.
Ngược lại không phải là khác đi,
nhưng làm đảo ngược: nếu trong tình yêu lý tưởng (platonique) thân xác
bị miệt thị thì nay tình yêu là thể hiện thèm muốn của thân xác; nếu tình yêu
trước đây lệ thuộc lý trí, trật tự, khám phá các giá trị được tiền kiến là cao
đẹp bền vững, thì nay tình yêu là lãnh vực hoàn toàn thuộc cảm xúc, những xung
động bất chừng của tâm sinh lý cá nhân, giai đoạn, tùy thời tiết nắng mưa.
Hai hình ảnh đặc trưng của con người
thời đại tân kỳ liên quan đến cảm xúc trai gái (thay cho tình
yêu lý tưởng Platon) mà văn chương phổ biến là Faust và Don Juan. Hai
nhân vật có trong lịch sử được biến thành nhân vật thần thoại, chuyên chở những
nội dung tiên phong báo hiệu một hướng đi của thời đại tân kỳ. Trước hết là
Faust (được Goethe diễn tả rất thần kỳ trong bản kịch Faust của ông):
Faust thông minh, tài ba, nhưng thất vọng về kiến thức trường ốc của xã hội
truyền thống từ Platon. Ông chấp nhận bán linh hồn cho quỷ
Méphistophélès, kẻ tự nhận mình là "ta là thần luôn chối bỏ", [9] để
ăn " đất" [10] một cách khoái lạc thay vì suy tư những chuyện vĩnh
cửu trên trời. Ăn bụi đất ở đây là khát vọng hiểu biết, là nhu cầu hành
động, hưởng thụ tối đa thèm muốn của thân xác. Vì đam mê, Faust đã chinh phục
Marguerite ngây thơ vô tội. Nhưng chán chê nàng, Faust bỏ bê Marguerite, kéo
theo sự thất vọng của Marguerite và nàng giết cả đứa con từ bụng dạ nàng. Faust
lại đến thăm và rủ nàng trốn. Marguerite không chọn con đường trốn thoát nhưng
chấp nhận hối hận và án tử hình để đền tội.
Don Juan là biểu tượng cho anh hùng
tình yêu thời mới. Nhân vật kỳ lạ nầy có tài chinh phục phụ nữ khắp nơi mỗi lần
hắn gặp trên cuộc sống phiêu lưu vô định của hắn. Phụ nữ đối với Don Juan là
nét mới lạ, phong phú, đa biệt của âm-tính (tức là thời gian, không gian,
bây giờ-ở đây, thế giới vật chất trong tầm tay) mà kinh nghiệm sẽ tổng hợp
thành Tổng Thể (la Totalité).
Vào thời ban đầu (thời Phục hưng đến
giai đoạn phổ biến văn chương lãng mạn), Faust, Don Juan chỉ là giấc mơ của
tuổi dậy thì, một dự tính thoát ly và đoạn tuyệt với quá khứ viển vông và thiếu
sức sống của chủ nghĩa duy lý. [11] Nhưng Faust và Don Juan không còn có gì là
nhân vật thần thoại tiểu thuyết, nhưng là thực tế phổ biến của thời đại chúng
ta.
Khi tình yêu là xung động bất chừng
của cá nhân hay của thời đại, hôn nhân và gia đình cũng thoái hóa thành những
định chế tùy nghi của nhu cầu chính trị phe phái, hay một vài trào lưu văn
chương nhất thời.
II c- Tình yêu trong mặc khải Kitô
giáo
Có thể nói rằng mạc khải Kitô giáo và toàn bộ Thánh kinh của tôn giáo nầy là sự
biểu lộ tình yêu mà thôi. Thượng Đế có tên là Tình yêu [12], hiện thân Tình yêu
nầy là Đức Kitô. Con người không thể có hữu thể nào khác hơn là hình ảnh phản
chiếu của Thiên Chúa, nói cách khác bản chất con người là tình yêu tức là
sự sống nối kết với Thượng Đế trong tình Cha-con. Kitô giáo không tìm định nghĩa
con người qua đặc tính hiểu biết. Định nghĩa nầy là định nghĩa văn hóa Hy-Lạp.
Mặc khải Kitô giáo về con người toàn diện, thành toàn nơi Đức Kitô là
Tình Thương của Thiên Chúa đối với con người và cho mỗi người cụ thể chứ không
có gì khác.
Tình yêu đó không nhằm một đặc tính
của một bản chất nào bất kỳ: như đẹp tốt, thật v.v. Không phải yêu vì giá trị
đẹp, vì tập thể chủng loại, vì số lượng nhiều, ngay cả vì tốt lành... Trong
Kinh Thánh có ghi lại bài giảng của Đức Kitô mạc khải việc người chăn chiên
lành để lại 99 con chiên ngoan để đi tìm một con chiên lạc.
Và trái nghịch với triết học và các
chủ trương khôn ngoan của con người, tình yêu trong mạc khải Kitô giáo không
phải là xúc tác đi tìm lại bản chất cái tôi nào đó (người lưỡng tính
nguyên thủy của Aristophane) do trí khôn mình nghĩ ra [13], không
phải sự thèm khát từ bên dưới đi tìm sự viên mãn tốt lành bên trên theo định
kiến của mình như nàng Nghèo đi tìm Thần Dư-Đầy mà Socrate gợi ý. Tình
yêu phát xuất từ trên đi xuống xuống, là cho nhưng không và có cứu cánh nơi
chính nó. Thiên Chúa, nguồn tình yêu, Ngài yêu con người, đi tìm gặp con người
trước [14]. Và Ngài đã thể hiện tình yêu đối với con người bằng cách chọn lấy
cái chết cho bản thân [15] và hóa thành không "thân phận của chính
Ngài" [16].
Và trong tình yêu cứu độ Đức
Kitô đã đến làm Con của loài người (le Fils de l'homme) và sống 30 năm
trong khung cảnh một gia đình [17]; và khi lên đường công khai loan báo Tình
Yêu của Thiên Chúa, Ngài đã đến dự tiệc cưới người thân quen với mẹ Ngài tại
Cana. [18]
Nếu tình yêu Kitô giáo không thể là
phản ứng của xúc động thể lý và tâm lý nhất thời, thì tình yêu Kitô giáo ấy
cũng không hề miệt thị thân xác khi mà chính hiện thân tình yêu của Thượng Đế
là Đức Kitô đã mang lấy thân xác. Và cũng đừng hiểu lầm rằng tình yêu Kitô giáo
là dụng cụ của trí năng hay một giá trị nào ngoại tại như tập tục, gia tộc,
tiến bộ nhân loại nào đó..., nhưng qua sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi
Đức Kitô, tình yêu chính là bản tính linh ư vạn vật đưa con người lên hàng thần
thánh chứ không phải trí năng hiểu biết. Đến đây ta có thể hiểu tại sao Thánh
Augustinô lên tiếng "yêu đi rồi làm gì thì làm".
II d - Tình yêu trong văn hiến Việt
nam [19]
Câu chuyện tình luôn nằm trong tâm khảm của mỗi một người Việt Nam có lẽ là mối
tình nguyên sơ giữa hai thủy tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái [20]
do Trần Thế Pháp ghi lại và sau đó Vũ Quỳnh hiệu chính, thì tại nước Xích Quỉ
phương Nam có Sùng Lãm Lạc Long Quân cai trị dân sống trong trật tự hạnh phúc.
Nhưng Lạc Long Quân là thần nhân nên thường ẩn mặt (nơi Thủy Phủ). Lợi dụng lúc
vắng mặt của Lạc Long Quân, Đế Lai là vua Phương Bắc đến phương Nam bắt Âu Cơ
làm ái thê. Đế Lai tham lam của ngon vật lạ, của cải giàu có mà bỏ bê Âu Cơ.
Lạc Long Quân trở về nhân gian và
thấy Âu Cơ bị khống chế, nên đưa về Long Trang kết nghĩa vợ chồng. Đế Lai không
đủ sức giành lại Âu Cơ nên trở về Phương Bắc. Long Quân và Âu Cơ ăn ở với nhau
giáp một năm thì sinh được một bọc trăm trứng. Sau bảy ngày thì mỗi trứng nở
một con trai không cần ăn ưống mà tự nhiên khôn lớn.
Nhưng Long Quân là thần nên lại ẩn
giấu. Không thấy và gặp được Long Quân, Âu Cơ lại nhớ Phương Bắc và lên đường
về quê của Đế Lai. Nhưng Hoàng Đế là vua Phương Bắc lúc bấy giờ ngăn cản nên
trong lúc túng quẫn, mẹ con nàng nhớ và cầu cứu Lạc Long Quân. Long Quân hẹn
gặp nàng tại Tương Dạ. Nhưng trong lần gặp gỡ nầy, Long Quân cho nàng hay thân
phận của chàng là thần thánh nên giữa chàng và nàng nay cách trở. Mối liên kết
của nàng Âu Cơ và Long Quân là sự sống của nàng và thể hiện trong nỗi nhớ.
Giải minh
Trước khi biết Lạc Long Quân, Âu Cơ đã biết một mối tình, nhưng Đế Lai là hiện
thân của sự sa đọa, vong thân của con người: đối với Đế Lai, Âu Cơ chỉ còn là
cớ để tranh giành uy lực với Lạc Long quân, và cả cuộc sống của ông chỉ
là cuộc đuổi bắt đồ vật bên ngoài, đến nỗi quẳng bỏ Âu Cơ mà không hề bận tâm. (Đây
là ràng buộc của dục và chấp ngã trong tư tưởng nhà Phật)
Mối tình chân thật đến với Âu cơ do
từ bên trên, do Thần Thánh, ban cho nàng và nâng nàng lên ngang thần thánh.
Tình yêu đó đủ sức đẩy lui tình trạng vong thân, tình yêu ấy cứu độ nàng. (Âu
Cơ ngộ được duyên cứu độ).
Và mối tình Long Quân và Âu Cơ được
tồn dưỡng chẳng những không phải chỉ do những giá trị vật chất bên ngoài mà Đế
Lai tìm kiếm, hoặc ngay cả những cảm xúc vui buồn bất chừng bên ngoài vì có mặt
hay không có mặt, nhưng còn do sự nối kết nguyên sơ bên trong (tâm đạo), do
nguồn gốc thần thánh của tình yêu.
Thay lời kết
Như thân phận Âu Cơ khi Thần Thánh Long Quân ẩn mặt, chúng ta choáng váng trước
những dòng nước xoáy cuốn hút chúng ta, gia đình, con em chúng ta vào những
vùng đất vô định. Chúng ta cảm thấy cô đơn đang lội nơi dòng sông mà kỳ thực
mình không hề quen thuộc. Những giá trị yêu thương giữa đôi lứa, giữa các thành
phần trong gia đình cha con, anh em... như bị thách thức không phải chỉ vì
phương cách biểu lộ khác nhau, mà hình như biến thái về bản chất đến độ chúng
ta không biết còn mối tương quan vợ chồng, thân thuộc nào nữa, ngoài những liên
lạc sổ sách kinh tế và trợ cấp do luật pháp xã hội qui định! Đã đến lúc
chúng ta thấy cứu nhà, cứu nước không phải chỉ thuộc lãnh vực chính trị
mà thôi mà còn thuộc lãnh vực văn hóa; và cao điểm và cùng đích của văn hóa là
yêu thương. Nhưng yêu thương thế nào thì mới phải lẽ ?
[1] Những tác phẩm tời kỳ đầu của
Platon ghi lại trung thưc con người và tưởng của Socrate. Những tác phẩm thời
kỳ II của ông là tư tưởng của một Platon chịu ảnh hưởng của phái ngụy biện (sophistes
trong đó có Aristophan.).Trong những tác phẩm thời kỳ II nầy, Socrate đượcc
nêu lên chẳng qua là phóng ảnh của Platon.
[2] Aristophane là người đương thời
với Socrate, một thi sĩ say sưa, đã từng mai mĩa trong tác phẩm Mây Mù (les
Nuées) và sau đó đã lên án Socrate.
[3] PLATON, Le Banquet 189 d.
[4] Sđd 191 d.
[5] Sđd 203 b-c.
[6] Sđd 203-204.
[7] Tích cách thoát tục coi nhẹ thân
xác, đề cao cõi vô hình và đồng hóa vô hình - vô cảm với siêu nhiên … trong tư
tưởng Platon chi phối văn hóa Tây Phương thời Trung cổ và Thượng
cổ ; đường hướng đó cũng có những nét tương đồng với nhiều văn hóa
khác trong lịch sử nhân loại. Mặc khải Kitô giáo như chúng ta sẽ thấy lấy Tình
Yêu là bản tính và cùng đích : một trực giác khác biệt hoàn toàn với triết
học Platon. Tuy nhiên trong một thời kỳ « hội nhập », lịch sử Kitô
giáo và nhiều nhà thần học đã xem Platon như là một nhà tư tưởng « dọn
đường » cho Kitô giáo. Nền đạo đức Kitô giáo do đó chịu ảnh hưởng rất
nhiều quan điểm siêu nhiên nầy của Platon. Theo đó, siêu nhiên được hiểu
là vô hình, vượt trên thân xác hũu hình, chứ không phải là thấm nhập tình yêu
thương mà Thiên Chúa ban cho con người qua Đức Kitô.
[8] GOETHE, Faust. Bản dịch
của Gérard DE NERVAL, GF, paris, 1964, tr. 60.
[9] « Je suis l’esprit qui
toujours nie», Sđd tr. 69.
[10] « Je veux qu’il mange
la poussière avec délices, comme le serpent mon cousin » Sđd tr.
45.
[11] Văn chương lãng mạng tiền
chiến Việt nam dường như sao chépdư phóng nầy. Chúng ta nhớ lại mấy vần thơ của
Xuân Diệu :
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,
Để tâm hồn ràng buộc bởi muôn giây,
Hay chia sẽ bởi trăm tình yêm mến.
[12] IGa 4, 7-8.
[13] Đây là điểm khác biệt căn
cơ giữa Kitô giáo và truyền thống văn hóa Hy lạp-Tây phương. Hũu thể căn
nguyên nền tảng của văn hóa Hy lạp là bản chất tự đủ cho mình, vĩnh cửu
và bất biến nhưng không yêu kẻ khác bao giờ. Nền tảng tối thượng của Kitô giáo
là Thiên Chúa-Yêu Thương, là Cha của mọi người. Mẫu mực nhân tính nơi Đức
Giêsu Kitô là Logos, một Tình Thương, một mối Tương Giao giữa Thiên Chúa
và con người và giữa con người với nhau, chứ không phải là tự-thân (le soi)
đóng kín, tự đủ cho mình.
[14] Ga 15, 16.
[15] Ga 15, 13.
[16] Xem Pl 2,6-11.
[17] Lc 2, 39-40.
[18] Ga 2,1-12.
[19] Xem
NGUYỄN Đăng Trúc, Văn hiến, nền tảng của minh triết, xb Định Hướng, Reichstett, 1999.
[20] Bản dịch của Gs Lê Hữu Mục.
NGUYỄN
ĐĂNG TRÚC
No comments:
Post a Comment