.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, February 1, 2012

PHẠM XUÂN NGUYÊN: TÔI LỚN LÊN TỪ ĐỒNG LÀNG


Tôi không phải “sinh ra từ nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân” như nhân vật Nhâm trong thiên truyện nổi tiếng “Thương nhớ đồng quê” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng tôi đích thực lớn lên từ đồng làng và nhờ đồng làng mà tôi nên người.
Nhà LLPBVH Phạm Xuân Nguyên xuống đường (không phải xuống đồng)

Vốn là gia đình tôi sống ở thị xã Hà Tĩnh, cha tôi là viên chức nên cả nhà ăn gạo phiếu. Đầu thập niên 1960 khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bắt đầu ở miền Bắc, mọi người dân ở các phố thị đều phải sơ tán về nông thôn. Cả nhà tôi chuyển về quê mẹ ở xã Thạch Linh huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Nói là sơ tán để tránh bom đạn đánh vào các mục tiêu ở thành thị nhưng kỳ thực nơi nhà tôi ở chỉ cách thị xã có vài cây số. Nơi sơ tán vẫn là nông thôn với phong cảnh và đời sống đặc trưng là ruộng lúa bờ tre, trâu bò gà lợn, củ khoai hạt lúa, hợp tác xã viên, cấy cày gieo gặt...
Thuở ấy, ngót bốn mươi năm trước, nông thôn còn giữ được cơ bản cảnh sắc của làng quê Việt Nam. Tôi nhớ mãi đến bây giờ hai ấn tượng khi cả nhà mới dọn về quê mẹ, còn ở nhờ trong nhà người cậu. Đầu tiên là có một anh lớn hàng xóm đã trèo lên cây cau bắt ổ chim chặt rặt (chim sẻ) xuống tặng cho tôi. Ổ chim lót rơm có những con chim non chíp chiu há mỏ khiến tôi ngơ ngác, ngạc nhiên.
Và rồi tôi đã tập trèo cau và trèo được để có cho mình cảm giác đung đưa theo thân cau, cảm giác hồi hộp run run khi cho tay vào ổ chim, cả cảm giác hồn nhiên tội lỗi phá mất tổ của bầy chim ngây thơ. Kỹ năng trèo cau ấy tôi giữ được đến tận bây giờ. Trong một cuộc uống bia ở quán Bầu Bạn (Cầu Giấy) tôi đã “trổ tài” trèo không nài lên một cây cau cao khoảng ba mét hái cả buồng cau xuống chia cho bạn bè. Đó là ấn tượng thứ nhất.
Ấn tượng thứ hai là lần đầu tôi được o (cô) Thìn cho theo dắt trâu ra đồng. Để trâu ăn cỏ tự do, o dẫn tôi đi bắt dam (cua đồng) bằng cách giẫm mạnh chân trên bờ ruộng nước thế là dam trong lỗ bò ra, dam mén dam nậy (cua nhỏ cua to) lúc nhúc, chỉ việc bắt bỏ vào oi (giỏ). Ôi, cái thời ruộng đồng còn nhiều tôm cá ốc ếch lươn cua và con người sống tự nhiên bằng sản vật của trời đất!
O Thìn đưa cho tôi cầm cái chạc mũi (dây thừng buộc vào mũi trâu để chăn), bất ngờ con trâu, đúng ra là con nghé, lồng lên, giật phăng cái dây trong tay tôi làm tôi ngã ngửa và nó phóng vọt qua người. Hú vía! Nhưng cú ngã này xuống đất ruộng đã cho tôi sống cuộc đời người nông dân.
Tôi khi ấy đang vào tuổi thiếu niên, cái tuổi hình thành sức vóc cơ thể và tâm trí tình cảm. Tự nhiên là tôi hòa mình vào cuộc sống đồng ruộng thôn quê cùng với bà con nông dân, trực tiếp là với các bạn học trong thôn làng từ lớp mẫu giáo vỡ lòng trở đi.
Con nhà ăn gạo phiếu, ngày ngày chỉ việc học hành, không đến lớp thì chỉ ở nhà vui chơi, làm những việc vặt trong nhà, chẳng phải lo việc đồng áng cùng bố mẹ, không phải thức khuya dậy sớm chăn trâu bò ra đồng hay băm bèo trộn cám cho lợn ăn, không phải gắng sức gánh gồng khoai lúa ngoài đồng về nhà hay phân chuồng từ nhà ra đồng. Nhưng tôi đã tự coi mình như con cái nông dân và tập làm lụng, lao động như một người nông dân thực thụ.
Tôi theo bạn bè và cha mẹ họ ra đồng, tập làm những công việc đồng áng. Dùng liềm gặt lúa thế này, bó lúa thành từng lượm thế này để đầu bờ, rồi chất các lượm lúa vào gióng gánh về sân phơi. Gánh lúa đặt lên vai là phải đi một mạch cho tới nơi, không được dừng lại vì dừng lại, đặt gánh xuống nghỉ ngơi, thì theo quán tính những hạt lúa từ bông sẽ bị văng ra rụng xuống. Bới (dỡ) khoai thì dùng cuốc hoặc cào tư (bốn răng) cào sáu (sáu răng) khéo léo bổ vào vồng (luống) khoai sao cho khi kéo ra thì đất vỡ để lộ những dây khoai nhiều củ mà không củ nào bị răng cào đâm vào làm nát. Bới lạc thì phải lay gốc lạc cho đến khi kéo lên dễ dàng khỏi mặt đất không bị đứt rễ củ nào, nếu giật mạnh ngay thì là mất hết củ.
Tôi đã lớn dần lên trong thời chiến tranh trên ruộng đồng của một làng quê nghèo như vậy. Buổi đầu gánh chưa quen, vai đau nhừ, đòn gánh liên tục đổi vai, đi một quãng ngắn mà tưởng như dài vạn dặm. Dần rồi quen, mức nặng của từng gánh cứ tăng lên, nhất là mỗi khi gánh phân chuồng ra nộp hợp tác xã.
Nhà tôi không nuôi lợn vì không làm nông, không phải lấy phân bón ruộng. Tôi đến nhà bạn gánh cùng, gánh giúp, đua nhau gánh tăng cân, cho đến khi tôi gánh năm chục cân thấy nhẹ nhàng, bước đi thoải mái không phải chạy gằn nữa. Bà con thôn xóm trong đội sản xuất thấy tôi theo việc nhà nông như vậy đã đề nghị ông đội trưởng mở cho tôi một cuốn sổ xã viên, cũng ghi công điểm những việc tôi làm, đến mùa cũng chia lúa chia khoai cho tôi theo công điểm.
Ra thắp hương cho cha mẹ tôi lại được đứng giữa đồng, xõa mái tóc đã bạc phần nhiều cho gió đồng thổi bay mà ngậm ngùi hoài niệm.
Cánh đồng đã mở ra cho tôi thấy sức sống của người nông dân, cho tôi hiểu biết đời sống của nông thôn. Tôi còn cực đoan nông dân hơn nhiều bạn bè nông thôn. Hồi ấy thời chiến áo quần chủ yếu màu sẫm để ngụy trang. Học sinh thỉnh thoảng có được miếng vải sáng màu may quần may áo thì rất thích. Tôi trái lại, con nhà thị xã không phải phơi nắng phơi mưa có thể diện đồ may bằng vải mua phiếu cung cấp, nhưng tôi lại chơi một chiếc áo cánh nu (nâu). Tôi mặc riết nó đến sờn vai bạc màu, cả khi đi học cũng như đi phố, ra đồng, lại kèm theo một chiếc nón nhỏ trên đầu, khiến cho ngay từ khi tuổi nhỏ tôi đã nhiều lần bị nhầm gọi là “ông”.
Trong nhật ký học sinh tôi còn ghi lại mấy câu vần cảm thán mình: Tôi chưa già ai cũng gọi bằng ông/Vì màu áo nâu sồng dân dã/Người chưa quen cứ nhìn tôi rất lạ/Người quen rồi vẫn không khỏi ngạc nhiên... Có thể gọi đó là một thứ “gàn” cũng được. Nhưng càng lớn tôi càng nhận thấy đằng sau sự bình lặng, yên ả của làng mạc thôn quê ruộng đồng, có những nỗi niềm chất chứa. Tôi ra ruộng làm vì ý thích của mình, còn những người nông dân đầu tắt mặt tối trên đồng quanh năm suốt tháng là vì miếng cơm manh áo.
Tôi bây giờ về quê buồn vui lẫn lộn. Xã Thạch Linh ngày trước nay đã một nửa lên phố. Mộ cha mẹ tôi vẫn nằm ở giữa đồng làng, bên những thửa ruộng ngày càng thu hẹp lại vì tốc độ mở mang đường sá và xây dựng nhà cửa trong giấc mơ đô thị đổi đời. Mỗi lần về quê tôi vẫn thích bước chân trên con đường làng còn bóng tre, đi ra ngoài cánh đồng còn cây lúa, để cho ký ức kéo mình ngược lại những tháng ngày tuổi nhỏ...
Phạm Xuân Nguyên

No comments:

Post a Comment