.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 1, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO: “PHẢI RA KHỎI CUNG VUA THÌ MỚI CÓ THƠ HAY!”


(“Nhà thơ và Tự do” – Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trò chuyện cùng bạn thơ)

( … ) Nguyễn Trọng Tạo:… Nhân các anh đang nói về Thơ và Tự do. Vậy tôi xin nói về ý này trước. Có một số nhà thơ đi đòi tự do. Họ đi đòi tự do nhưng lại không làm thơ (bởi thơ họ có khi chỉ là vè). Có những nhà thơ không đi đòi tự do, họ chỉ đóng cửa lại để làm thơ, nhưng thơ họ lại là thơ đòi Tự do. Trong thơ của họ có sự đấu tranh đòi tự do. Và có những nhà thơ bị tù, bị cấm, nhưng họ lại làm ra những bài thơ hoàn toàn Tự do. Như vậy đối với một số nhà thơ, bất chấp hoàn cảnh, họ vẫn có tự do của mình để làm thơ như họ muốn.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọc thơ trước tượng đài Nguyễn Du ở Hà Tĩnh
 trong Ngày thơ VN lần đầu tiên vào ngày 23/2/2003. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trong khi đó đáng buồn thay có những nhà thơ đang hoàn toàn tự do, thậm chí nắm cả quyền lực trong tay thì lại đi làm ra một thứ thơ nô lệ, thơ xu phụ. Như thế thì quan hệ giữa tự do và thơ ca nằm ở đâu? Trong bất cứ một thể chế nào, câu hỏi đó vẫn mãi mãi đặt ra. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà thơ cũng không được quyền khước từ ý chí đi tới tự do, con đường đi tới tự do.
Hôm nay có tự do, ngày mai có thể đã trở thành nô lệ rồi. Hôm nay ta thấy cái đang có, thì ngày mai nó lại biến mất. Sự vật luôn luôn vận động. Tôi nghĩ khái niệm của nhà Phật về sắc sắc không không chính là dạy ta một cách khác để tiếp cận với Tự do. Trong thơ ca cũng thế, chúng ta đi tới tự do như thế nào? Đó là những câu hỏi không thể một lúc trả lời xong. Những ý kiến của các anh Trần Mạnh Hảo, Du Tử Lê, Thanh Thảo là những ý kiến mà tôi rất tâm đắc, và lúc nào cũng trăn trở. Đặc biệt trong những giai đoạn lịch sử vừa qua, cuối thế kỷ XX, tự do luôn luôn là nỗi bức xúc của chúng ta.
Du Tử Lê: Tự do luôn luôn là nỗi bức xúc của chúng ta. Ý của anh Nguyễn Trọng Tạo tôi nghĩ rất hay.
Nguyễn Trọng Tạo: Thế thì anh có tự do làm thơ hay không? Tôi nghĩ rằng dưới một số thể chế nào đấy, nếu anh không tự dành cho mình tự do, thì anh chẳng bao giờ có tự do. Những thể chế mà cánh cửa tự do đang khép, nhưng không thể khép được cánh cửa ở trong anh. Điều ấy mới là quan trọng. Cánh cửa tự do của nhà thơ lúc nào cũng mở ngay cả trong những thể chế mà chúng tìm cách đóng nó lại, chỉ lúc ấy chúng ta mới có tự do.
Và nếu anh tài năng, thì anh sẽ tự mở cánh cửa Tự do ấy, và anh sẽ có thơ ca đích thực.
Còn nếu anh đòi tự do mà anh lại không có thơ hay, thì thơ của anh chỉ là vè, và nó không phục vụ cho mục đích của anh.
Gần đây cũng có những người dán cho mình nhãn hiệu là đi đòi tự do, nhưng họ lại đang tạo ra những xiềng xích mới. Tuy nhiên trong những hoàn cảnh bị đàn áp, dưới những thể chế hay những chính sách mất tự do, việc đấu tranh của những người đòi tự do dĩ nhiên bao giờ cũng là việc tốt, vấn đề là họ có đang làm văn học hay không.
Hãy lấy ví dụ về Nhân văn Giai phẩm. Sau vụ đàn áp NVGP, Hoàng Cầm (một nạn nhân) có tập thơ Về Kinh Bắc. Sau 1975, tôi đọc được bản đánh máy của tập thơ, tôi bần thần mất mấy ngày. Tôi thấy nền thơ chống Mỹ của miền Bắc, hay nền thơ của miền Nam trước 1975, không có điều ấy.
Ta con bê vàng lạc ráng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta con chào mào khát nước
Về  vườn xưa
Hạt nhãn đã đâm mầm
Sao lại có một thứ thơ xa xăm như thế. Những tài thơ của NVGP không hề có một chút tự do nào trong xã hội miền Bắc thời bấy giờ. Những nhà thơ Nhân văn Giai phẩm tìm cách thoát ra bằng một loại thơ khác, lặng lẽ, sâu kín, một thứ thơ cảm giác. Mà thơ như thế thì khó bị đánh. Nếu như họ làm một thứ thơ trực tiếp, nói thẳng tâm trạng của họ ra, thì họ còn bị đánh tan tác hơn nữa.
Nguyễn Đức Tùng: Anh gọi đó là thơ cảm giác?
Nguyễn Trọng Tạo:  Đúng, nó là thơ cảm giác. Nhưng trên cơ sở của một nền văn hóa thơ khá cao. Đối với Hoàng Cầm là một tiềm thức văn hóa kinh Bắc.
Có lần tôi nói với anh Hoàng Cầm rằng tập thơ Về kinh Bắc của anh là  tập thơ xương sống, hay hơn những tập thơ khác của anh, hay hơn Bên Kia Sông Đuống.
Về kinh Bắc đã đưa cả Hoàng Hưng lẫn Hoàng Cầm vào tù. Tức là thể chế này đã đưa một người viết ra tập thơ là Hoàng Cầm, và một người chỉ cầm tập thơ ấy trên tay là Hoàng Hưng, vào tù.
Trần Mạnh Hảo: Nhưng bây giờ thì cái thể chế ấy lại tặng Giải thưởng Nhà nước (2007) cho người làm ra tập thơ ấy.
Nguyễn Trọng Tạo:  Đúng là tặng giải thưởng. Tặng thưởng cho người đã vào tù, chứ không phải sửa sai. Họ không sửa sai. Tức là họ nói: chúng tôi không sai. Nhưng chúng tôi tặng giải thưởng.
Như thế là không đủ can đảm để nói lên một sự thật. Không sòng phẳng.
Và tôi nhắc lại một lần nữa ý của tôi rằng tập thơ Về Kinh Bắc là tập thơ trụ cột của Hoàng Cầm. Nhưng trong phần tác phẩm giải thưởng họ không nhắc đến tác phẩm này. Về Kinh Bắc không được trao giải thưởng.
Tôi muốn nói đến cách ứng xử của nhà nước đối với văn nghệ sĩ và đối với tác phẩm của họ. Tại sao Lý Bạch được vời vào cung vua rồi lại phải bỏ đi… đày. Pushkin cũng vào cung điện của Nga Hoàng rồi lại cũng bỏ đi. Tôi muốn nói là thể chế nào cũng tìm cách biến nhà thơ thành …
Trần Mạnh Hảo:  Thành nô bộc.
Nguyễn Trọng Tạo: Nhà thơ nào muốn có tự do thì đều phải bỏ đi. Nếu anh không muốn trở thành một thứ nô bộc, thì anh phải bỏ đi. Tại sao bỏ đi? Ai cũng trả lời được, chỉ vua là không!
Trần Mạnh Hảo: Đúng rồi, Nguyễn Trọng Tạo hôm nay nói rất hay.
Nguyễn Trọng Tạo: (Cười: Không phải hôm nay mới hay!). Phải ra khỏi cung vua thì mới có thơ hay. Ở nơi nào nhà thơ mở được cánh cửa tự do của mình, thì thơ họ mới có thể hay.

(Trích từ cuốn THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU - Nguyễn Đức Tùng thực hiện)

No comments:

Post a Comment