Nhà thơ Đỗ Quyên |
Và, với các người viết khác, viết cho các đối
tượng khác, Thơ có thể sẽ làm những hành vi khác cũng trên kiềng ba chân đó.
Tôi hiểu chủ ý của câu hỏi nhưng cho
rằng, khi nói “bản sắc thơ”, ta những
muốn phổ cập hóa “bản sắc” vốn là ý
niệm khá kén bạn đồng hành; như thường là văn hóa, dân tộc, sắc dân, địa
phương, quốc gia… Ở đây, có thể hiểu bản
sắc thơ là phong cách/ phong thái
thơ, tính cách/ tính chất thơ, đặc trưng/ đặc điểm của thơ… - là các khái
niệm căn bản và quen thuộc nhưng khó có một định nghĩa chuẩn, về lý luận - phê
bình văn học cũng như thực hành sáng tạo.
Trong cảnh quan toàn cầu hóa, như
mọi lĩnh vực văn nghệ khác, với tư cách đối tượng, thơ cũng bị hoặc được thay
đổi bản sắc của mình; và với tư cách chủ thể, bản sắc thơ đã dự phần làm quá
trình toàn cầu hóa đa sắc nhiều màu hơn. Ở tương quan kép, khi thơ là kết quả,
bản sắc thơ từng bị nguy cơ hết tính thơ, mất chất thơ trong thời (hậu) hiện
đại; khi thơ là nguyên nhân, bản sắc thơ cũng phải nhận bản án Nàng Thơ đã bỏ
cuộc chơi - bỏ chú Cuội bỏ chị Hằng theo ông đại gia Bill Gates leo lên lưới!
Nhớ lại, toàn cầu hoá, với nghĩa
nguyên thủy, khởi đầu khoảng thế kỷ 15, nhất là khi F. Magellan thực hiện
chuyến viễn dương năm 1522; còn thuật ngữ “toàn cầu hoá” ra đời vào những năm
1950, và được được dùng chính thức trong giới chuyên môn và đại chúng từ những
năm 1990. Nếu theo các mốc thời gian trên tìm đến một vài hiện tượng quan trọng
của thơ thế giới qua các trào lưu văn học tiêu biểu, chúng ta không thể không
nhận ra rất nhiều đổi thay xung quanh thơ. Ví dụ: thơ, một mặt, giữ bản sắc
“truyền thống” như là hình thức đặc sắc của nghệ thuật bằng phương tiện ngôn
ngữ; mặt khác nó tự thay đổi để có thêm bản sắc “hiện đại” như thành phần của
xã hội mà ngôn ngữ là cả phương tiện lẫn mục đích. Không ít người tưởng bản sắc
và truyền thống là bất biến, là thuộc về quá khứ. Thì đây, toàn cầu hoá là ví
dụ đẹp và mạnh cho việc thay đổi khái niệm bản sắc nói chung, trong đó bản sắc
thơ giống như “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”.
Bản sắc thơ Việt là đề tài mà mọi
người, dù ở chính kiến và thẩm mỹ nào cũng có thể không quá khó khăn khi cùng
muốn đưa các nét chính yếu. Để kịp dùng tại đây, tôi sẽ nêu nhanh Dàn bài 21 đặc điểm thơ Việt mà mình
hằng lưu tâm dù chưa thể hoàn thiện…
Nói chung về thơ Việt: 1. Nhạc điệu uyển chuyển; 2. Tứ thơ quyết định ý, nghĩa và thi
ảnh; 3. Thiên về cảm tính, diễn tả;
nhiều tình mà ít chân. 4. Hình tượng
đẹp, lôi cuốn; 5. Không chuộng tư
tưởng, triết lý; 6. Ít biến động về
thi pháp; chậm thay giọng điệu; hiếm bất ngờ; 7. Ngôn ngữ tinh tế, chiều chuộng tu từ, lơ là cú pháp; 8. Cá tính tác giả không nổi trội; 9. Hình thể khá ổn cố; cấu tứ không đa
dạng; 10. Không gần văn xuôi, văn
nói; 11. Lục bát là thể loại gốc; 12. Nội dung trọng lòng yêu nước, tình
đồng bào, nghĩa gia đình; nhân bản mạnh hơn nhân sinh; 13. Hướng ngoại hơn là hướng nội: ít chất liệu đời sống cá nhân;
nặng về thời đại, thế sự, thiên nhiên; 14.
Chịu ảnh hưởng sâu nặng của thơ Đường luật; 15.
Cái Tôi ít được là chủ thể; 16. Quan
hệ Thiên - Địa - Nhân lấn át quan hệ Người - Người; con người cần thiên nhiên
hơn là ngược lại; 17. Sáng tác vượt
xa phê bình, học thuật; 18. Giỏi về
bình điểm, khá về nhận định; non về phê bình; chậm về nghiên cứu; trống về lý
luận; 19. Ngâm và vịnh là các cách
thưởng thức đồng sáng tạo; 20. Cuộc
cách mạng đầu tiên là phong trào Thơ mới 1932-1945 thay đổi hầu hết bản sắc thơ
Việt, với ảnh hưởng của thơ Pháp và từ đó tới nay với nhiều nền thơ thế giới; 21. Đóng góp hữu hiệu nhất với xã hội
thời hiện đại là dòng thơ cách mạng và thơ chiến tranh .v.v…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, rõ rằng
bản sắc thơ Việt biến đổi chậm. Tại sao? Nó có cần thiết biến đổi không? Nếu
cần, làm thế nào? Và nếu không thì sao? .v.v… Các câu hỏi đó, thiển nghĩ, không
hề dễ trả lời. Xin tâm sự và mong được hiểu đúng ý: kể từ khi biết làm thơ và
nhất là khi biết-mình-là-người-Việt, tôi thấy: Một, bản chất của thơ, so với
các loại nghệ thuật khác, vốn cực kỳ tinh tế, những gì không-thơ không thể nào
can thiệp vào; Hai, - quyết định - dân tộc Việt chúng ta phải nói là một dân
tộc khá đặc biệt, với không ít các yếu tính mà nhiều dân tộc khác không có.
Đây, một ví dụ như là nghịch lý trong vấn đề thơ: rất say mê thơ, sành thơ;
trong tiếng Việt có chữ kép “thơ ca” nhưng dân Việt ít khiếu thẩm âm mà thơ
Việt, với tôi, nhạc tính là đầu bảng! (Điều này ra ngoài bài phỏng vấn; nếu có
dịp bàn về:“Việt tính: Mã giải cho vấn đề
toàn cầu hóa bản sắc thơ”, chúng ta lại tiếp tục); Ba, nếu tạm dùng tiêu
chí theo một số điểm chính trong Dàn bài trên thì quả là bản sắc thơ Việt còn
nhiều so lệch với chuẩn mực thơ-toàn-cầu mà thực chất là chuẩn mực văn hóa,
ngôn ngữ của Tây Âu và nhất là của Bắc Mỹ.
Nhưng ngay cả thơ Trung Hoa - một
nền thi ca “hùng mạnh” đến thế, “lâu đời” đến thế, “giàu có” đến thế - cũng
không thể dễ nhập vào xu hướng thơ toàn cầu. Vấn đề của thơ Trung Hoa là ở văn
hóa ứng xử: “sông có thể cạn, núi có thể mòn”, nhưng tôi đồ rằng, văn hóa Trung
Quốc chắc sẽ không bao giờ cải đổi để lọt vào và tạo ảnh hưởng trong khuôn viên
văn hóa khác. Trong khi đó thơ Nhật là một dòng thơ Đông phương gần như duy
nhất tiếp cận, đối thoại, rồi chinh phục được thơ-toàn-cầu.
Cuối cùng, tôi vững tin, giữa gần
một chục bộ môn văn nghệ, thơ là loại hình nghệ thuật mang bản sắc dân tộc hơn
hết. Khi Xuân Diệu viết “Ta là một, là
riêng, là thứ nhất”, cũng nên hiểu thi sĩ đã coi thơ là một chủ thể trữ
tình. Vâng: Thơ là một, là riêng, là thứ nhất! Nếu đã không thể có quan niệm
văn hóa của quốc gia này “hay” hơn văn hóa quốc gia khác, thì cũng không thể có
chuyện thơ Trung Quốc “hay” hơn nước Mỹ (cho dù “Trăng Trung Quốc” từng có mùa có thời “tròn hơn trăng nước Mỹ”!?). Thơ là văn hóa, là dân tộc. Có dân tộc
lớn mạnh, có quốc gia yếu nhỏ, có nước bé nghèo, có văn hóa trẻ; chứ không hề
có chuyện dân tộc “hay”, quốc gia “hay”, văn hóa “hay” hơn dân tộc, quốc gia,
văn hóa khác! Ấn tượng “hay” thuộc về tâm lý, tình cảm, không bao giờ khách
quan. Khi ta yêu một cái gì đó, gắn bó với nó thì cái đó trở thành “hay” với
ta, dù có thể “dở” với kẻ khác. Thơ là vậy! Nói gọn: thơ Việt là hay với người
Việt; thơ Pháp thì hay với dân Pháp v.v... Tôi khó tin có một người Việt Nam
“bình thường”, dẫu am hiểu văn hóa và ngôn ngữ Pháp hệt như dân Pháp, lại cảm
thấy thơ Pháp hay hơn thơ Việt. Thơ Pháp đúng là “mạnh và mềm” hơn thơ Việt,
“sáng và sang” hơn thơ Việt, vì thế dễ đến với các dân tộc khác hơn thơ Việt.
Thơ Mỹ “tươi trẻ” hơn thơ Nga, “lý trí” hơn thơ Nga, “gãy gọn” hơn thơ Nga, cho
nên dễ cách tân hơn thơ Nga. Thơ luôn là vậy! Trong Liên hoan Thơ châu Á - Thái
Bình Dương lần I tại Việt Nam hồi đầu năm, qua bài vở, dường như chỉ có tham
luận viên N.V. Preiaxlov là chống lại toàn cầu hóa, và ông đã dùng “vũ khí”
thơ. (Về tham luận của nhà thơ Nga ấy, tôi không ủng hộ đích của bài nhưng rất
thích logic và tính cách Nga trong đó. Theo tôi nghĩ, toàn cầu hóa có thể gây bất
lợi nào đó cho các cường quốc như Pháp, Nga; còn với Ấn Độ nước lớn, Việt Nam
nước nhỏ nhưng cùng là nước đang phát triển thì “hại bất cập lợi”). Tôi đã nói
khá dài và nhiều chỗ có thể chưa chặt chẽ, nay buộc nút: với toàn cầu hóa, các
cuộc tranh tài “cá chép vượt vũ môn” trên mọi lĩnh vực đều có thể phải đối mặt
cho mọi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Riêng ở sân thơ của đình làng thế giới, sẽ không dễ dàng thiết lập các màu sắc chung
cho tất cả lá cờ thơ đã có sắc màu
riêng, trong đó có Việt Nam!
Nhân bản hiện đại dựa trên các triết
thuyết, tôn giáo, đạo đức, khoa học, công nghệ quan trọng nhất đã làm đổi thay
đời sống của nhân loại trong thế kỷ 21. Văn bản nổi tiếng Hiến chương Nhân bản 2000: Lời kêu gọi một Chủ nghĩa nhân bản Toàn hành
tinh và Mới có lẽ là tuyên ngôn chính trị chính thống và mới nhất về tư
tưởng này? (Khoảng 10 năm trước, dịch giả Nguyễn Ước đã cho ra đời ở Toronto ấn
bản tiếng Việt đầu tiên từ toàn văn bản tiếng Anh).
Tôi không biết nhiều về ảnh hưởng
của nhân bản hiện đại trong văn chương, nhưng có ấn tượng rằng, nhân bản hiện
đại xuất phát từ các phạm vi, lĩnh vực “đại tự sự” nên nó tác động mạnh tới
tiểu thuyết, truyện ký, kịch nhiều hơn là với thơ; vì văn xuôi thường coi trọng
đề tài, trong khi ở thơ là cách viết. Và cũng vì, trong văn nhiều chủ đề ta-bu
vẫn có thể nói “thẳng tưng”, còn thơ mà động đến thánh chiến, bạo loạn, vô
luân, môi sinh... nếu không cao tay thì hết thành thơ! Trong ý nghĩa này, tôi
thêm hiểu vì sao Giải Nobel văn học năm 1974 khi đã dành cho H. Martinson - chủ
nhân của các tác phẩm “có từ giọt sương
đến vũ trụ”, nhất là trường ca Aniana
(1956) được xem như “lịch sử tượng trưng
của loài người đã đánh mất những giá trị tinh thần, và Martinson được gọi là
nhà thơ đầu tiên của thời đại vũ trụ” (vi.wikipedia.org). Thật cảm kích và may mắn khi bản tiếng
Việt của "một trong những sử thi vĩ
đại nhất của thời hiện đại" đang được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông
Tây (Việt Nam) cùng Bộ Văn hóa Thụy Điển cho hoàn thành, với lời tựa rằng, “Lời cảnh báo của Harry Martinson không
thừa. (…) Hành tinh của chúng ta vẫn chưa bị khai tử chính là nhờ những hồi
chuông báo động liên tục, kế tiếp nhau không mệt mỏi như thế.” (Hoàng Hưng)
Có điều này tôi luôn áy náy: trong
khi chủ nghĩa nhân bản hiện đại thể hiện ưu việt của mình là tiếp tục bảo vệ
con người ở kỷ nguyên khoa học mang tinh thần toàn cầu hóa, nhưng lại vô cùng
khắc nghiệt trước phong cách phản biện của tư tưởng hậu hiện đại - sản phẩm cụ
thể của toàn cầu hóa. Như thế có “đắc nhân tâm” không? Lại nhớ bài Thất bộ thi lưu truyền của Tào Thực thời
Tam Quốc: “Cẳng đậu đun hạt đậu/ Hạt đậu
khóc hu hu/ Cùng sinh ra một gốc/ Nỡ hại nhau thế ru?”
Vì khuôn khổ của tờ báo, cho tôi nói
chỉ trong chủ điểm toàn cầu hóa, chứ không bàn đến câu chuyện muôn thuở về quan
hệ tay đôi Tự do và Thi ca. Trong kiềng ba chân ở câu hỏi 1, Tự do là chân ít
thay đổi tên gọi nhất, nhưng không vì thế mà không mang các hình hài mới. Biết
bao định nghĩa về Tự do, biết bao lời thơ về Tự do mà bài Tự do (Liberté) của P.
Éluard gần thế kỷ nay luôn là biểu tượng! Thời gian vật lý và không gian địa lý
có định nghĩa lại Tự do không? Có! Chính Toàn cầu hóa đang cho Tự do một dáng
vóc khác hẳn. Nội dung cuộc phỏng vấn này cũng có thể hiểu là: Nhà thơ trong
thời Toàn cầu hóa dùng đôi cánh Tự do để sáng tạo sao cho Thơ giữ Bản sắc dân
tộc mà không mất hút trong không gian khoáng đạt hơn không gian quốc gia gốc
gác.
Đôi cánh Tự do của văn nghệ sĩ
thường hình thành từ ít nhất hai điều: phong thái của tác giả (Nội lực) và môi
trường xã hội, thời đại, chính quyền (Ngoại cảnh). Khác với văn xuôi, chất Tự
do của các trang thơ là do nội lực tác giả quyết định. Bởi thế, quan hệ giữa
thơ và sự tự do của con người trong bối cảnh toàn cầu hóa không khác nhiều lắm
với khi “đèn quốc gia nào quốc gia nấy rạng”.
Hiện nay, thường ở đa số nước khác
chỉ có hai thành phần quyết định sinh mệnh thơ đương đại trên nền thi ca quốc
gia; đó là thi sĩ và độc giả. Xã hội làm phụ trợ. Nhà nước chủ yếu là cái hầu bao xì mân-nì khi cần. Nền thơ Việt
Nam đang có bốn thành phần: nhà thơ, bạn đọc, xã hội (công chúng, tổ chức, hội
đoàn…) và nhà nước. Xem ra bốn chân của bàn-thơ-Việt đều là “VIP”! Mà khó có
VIP chịu thua VIP nào? Như thế, làm gì cũng phải ngó nghiêng kê chèn sao cho
yên bằng với “mặt đất” - cuộc sống toàn cầu hóa với đủ các loại “sóng thần”,
“động đất” từ kinh tế cho chí đạo đức. Bởi vậy, 101 vấn đề, hay cũng như dở,
xung quanh thơ Việt trong các giai đoạn Hậu chiến, Hậu đổi mới sinh ra từ đó
tới nay mà câu hỏi trên là một.
Với các nhà thơ Việt: Còn biết làm gì
hơn, giống như lời Lê-nin: Làm thơ, làm thơ nữa, làm thơ mãi! Chỉ sợ nhà thơ
hết thơ, khi trang chữ không còn là trang giấy cũ mà nay đã là cả không gian vô
hạn của thế giới phẳng. Không có biên giới địa lý, lằn ranh ngôn từ nào cấm cản
được thơ, dù - có vẻ nghịch lý - thơ là riêng tư nhất, khó chuyển dịch nhất!
Với bạn đọc thơ: Hãy trở thành đồng
tác giả của chúng tôi!
Với xã hội và với nhà nước: Xin dành
sang diễn đàn khác. Nhưng tôi không kìm nêu một ý kiến cụ thể vừa phác thảo:
Nên chăng Hội Nhà văn Việt Nam (hay là Hội Nhà văn Hà Nội, Viện Văn Học Việt
Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Làng Chùa xã Sơn
Công, Trang mạng Thơ Tân hình thức Việt v.v… - miễn là tổ chức, diễn
đàn, địa phương nào trong hay ngoài hình chữ S có tâm có tầm với tam giác vàng Thơ Việt - Bản sắc dân tộc Việt - Toàn cầu
hóa) tổ chức Hội thảo, đại để, “Vấn
đề bản sắc thơ Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa: Thuận và nghịch?”. Các
điều trên chưa có gì đáng nói. “Độc” là ở chỗ Hội thảo này mang hình thức như
một… cuộc thi! Các tham luận viên tạm không “tung tăng” nữa mà “Thi lệnh như
sơn” phải làm đúng dàn bài; ví như: 1. Dẫn giải tiêu chí của riêng mình
về bản sắc thơ Việt; 2. Trả lời các
câu hỏi của Ban tổ chức (Tại sao bản sắc thơ Việt thường chỉ bay lượn như sáo
diều trên lũy tre làng cánh đồng thôn, kể cả khi ra đến phố thị Bolsa? Nó có
cần thiết quá giang máy bay tên lửa trong thế giới phẳng không? Nếu cần thì làm
sao? Và nếu không? v.v…); 3. Nêu các
câu hỏi cho Ban tổ chức (và chúng có thể trở thành câu hỏi để Ban tổ chức hỏi
lại Tham luận viên trong các kỳ sau)? 4.
Sau Hội thảo trao giải thưởng cho tham luận đáng đồng tiền bát gạo nhất (Sẵn
dịp, làm tiền lệ loại Giải thưởng Phê bình - Nghiên cứu - Lý luận thơ Việt mà
nước Nam ta chưa có; bên xứ Ăng-lê có Giải
thưởng Job Hatchet dành cho phê bình văn học) 5. Làm Kỷ yếu, dịch ra các thứ tiếng chính (và cả tiếng Thụy Điển)
rồi phát hành khắp thế giới phẳng bằng đủ các kiểu phương tiện tiểu ngạch đại
luồng; 6. Lập một Hội đồng chuyên môn
“thửa” các loại “chuông” từ kết quả của Hội thảo, và cắt cử những gương mặt
giọng nói xứng đáng mang đi "đánh xứ người"; 7; v.v…; 8. Lặp lại các
Điều 1 - 7 sau vài năm tùy hiệu quả.
Để kết thúc, mời tất cả hãy cùng
thay chữ “thơ” vào chữ “văn hóa” trong câu sau: “Ngày nay, do sự suy yếu của các đường biên quốc gia, chúng ta thấy được
những nền văn hóa nhỏ bé, thầm lặng,
từng bị lãng quên đang hồi sinh và bộc lộ những dấu hiệu sống tích cực trong
dàn hòa tấu vĩ đại của một hành tinh đang toàn cầu hóa.” (Mario Vargas
Llosa; theo Văn nghệ)
(Nguồn: Văn nghệ trẻ)
Ný nuận về thơ của "cái thùng rỗng" Vancourver này nghe thật vớ vẩn. Thà cứ kêu ông ổng như cái gọi là trường [kêu] ca của mình thì người ta còn biết được Đỗ Quyên thực sự là một cái thùng. Hãy thôi trường [kêu] ca đi, mất thì giờ của người đọc lắm, để tài vặt của mình mà làm việc khác bác Cuốc lủi ạ.
ReplyDelete