.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 1, 2012

PHAN HOÀNG: THƠ VIỆT CẦN BỨT PHÁ, VƯỢT THOÁT KHỎI TÌNH CẢNH NÔ LỆ HÓA VỀ THÔNG TIN TOÀN CẦU

Mỗi người sinh ra đều gắn với cái “gien” của quê hương, nguồn cội, dân tộc mình. Nhà thơ chính là người mang cái “gien trội”, văn bản hoá cái bản sắc nơi mình sinh ra, cất lên tiếng nói về nỗi đau, cái đẹp, ước mơ, dự cảm, hy vọng… Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thơ Việt vẫn giữ được cái “gien” bản sắc của mình, trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của thi ca nhân loại. 
Nhà thơ Phan Hoàng (TP HCM)
Tư duy ngôn ngữ luôn vận động, phát triển không ngừng. Trong ngôn ngữ Việt, chúng ta luôn biết cách tiếp thu những cái hay từ nền văn hoá của các dân tộc khác. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ tinh lọc. Vì vậy, việc các nhà thơ vừa giữ được bản sắc thơ Việt vừa tìm tòi, cách tân và tiếp thu tư duy ngôn ngữ tinh hoa nhân loại để nâng tầm thơ Việt là điều cần thiết.Hãy thử hình dung, nền văn hoá Việt Nam sẽ đi về đâu nếu chúng ta không có sự tiếp thu những ngôn ngữ gốc Hán, Pháp, Anh, Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,… để làm giàu có cho tiếng Việt. Cũng như nền thi ca Việt Nam sẽ đi về đâu nếu chúng ta chỉ dẫm chân tại chỗ với các thể thơ lục bát, tứ tuyệt hay song thất lục bát, với những lối tư duy thơ chỉ đơn thuần niêm luật, vần điệu của những thế kỷ trước.
Ở tất cả mọi dân tộc, mọi thời đại, nhân bản luôn là vấn đề cốt lõi cho sự tồn tại của con người, sự tồn vong của dân tộc hay thể chế. Ở thời kỳ hiện đại này cũng vậy. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay của chúng ta là khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì hình như vấn đề nhân bản nảy sinh nhiều điều đáng lo ngại: ngoài xã hội thì đầy thủ đoạn lừa dối hại nhau trong kinh doanh, nạn tham nhũng cửa quyền hoành hành, cướp giết hãm hiếp thường xuyên xảy ra, thầy giáo quấy rối tình dục sinh viên, học trò đánh thầy cô các người mẫu khoả thân vô tội vạ, đồng nghiệp mạt sát sau không còn văn hoá trên mạng...; còn trong nhiều gia đình thì vợ đốt chồng, cha hiếp con, con đánh chửi và thậm chí giết cha mẹ… Những chuyện đó không còn cá biệt nữa mà nhan nhản hàng ngày trên truyền thông báo chí. Sự sợ hãi, mất niềm tin vào đời sống ám ảnh không ít người dân.
Trong khi đó, theo tôi, các nhà thơ chưa có thói quen dấn thân nhiều vào đời sống để góp phần cảnh báo, phản biện những cái xấu và dự cảm, hướng thiện những điều tốt đẹp về đời sống. Không ít nhà thơ vẫn đi bên lề đời sống, xa rời những vấn đề cốt lõi của nhân bản hiện đại.Khi sáng tác một bài thơ, người làm thơ hoàn toàn tự do trong thế giới sáng tạo riêng mình. Không có được sự tự do về tâm hồn, tư tưởng, thẩm mỹ thì người làm thơ chỉ có thể “minh hoạ” đơn thuần cho một đối tượng nào đó. 

Muốn vượt qua lằn ranh toàn cầu hoá về thông tin thì thơ Việt không nên tự mình “nô lệ hoá” cho bể thông tin ấy. Thơ Việt cần có bản lĩnh, tự tin và không ngừng khám phá, học hỏi, chọn lọc những cái hay từ nền thi ca các dân tộc khác để “bay” trên đôi cánh thơ riêng mình.

 
(Nguồn: Văn nghệ trẻ)

No comments:

Post a Comment