Trước hết cần khẳng định một cách dứt khoát
rằng, giá trị nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ của thơ ca không phụ thuộc vào sự
phân chia tuổi tác, địa phương, dân tộc hay cũ - mới... mà chỉ có thơ hay và
thơ không hay. Nếu chỉ nhìn vào độ tuổi, điểm thời gian mà tác giả và tác phẩm
xuất hiện trên văn đàn để phân chia là không thỏa đáng vì những điều ấy chưa nói
được gì về nội dung tác phẩm, giá trị nghệ thuật và bản chất hoạt động sáng tạo
của chủ thể thẩm mỹ.
Các nhà thơ trẻ trình diễn trong Ngày hội thơ Việt Nam - 2013 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. |
Thơ trẻ - sân chơi đa thanh sắc
Sân chơi của thơ trẻ những năm gần đây đã có
những thành tựu rất đáng ghi nhận. Các gương mặt thơ trẻ trong các ngày hội thơ
Việt Nam
hằng năm, xét về một khía cạnh nào đấy là rất đáng khích lệ. Họ đến với nhau không
vì sự nổi tiếng trong làng thơ ca Việt Nam. Tuổi đời, nghề nghiệp, quê
hương,... không giống nhau, nhưng lại có chung một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ
và một thái độ ứng xử văn hóa. Những câu thơ, bài thơ họ đọc, họ diễn ở Văn
Miếu vào các ngày thơ Việt Nam đúng vào dịp rằm tháng Giêng (Nguyên Tiêu) và
các bài thơ được chọn in trong một số tập, có thể chỉ là ngọn gió thoảng giữa
mênh mông rộng dài của lịch sử thơ Việt, nhưng với họ cốt là có chỗ để được nói
lên tiếng nói của thế hệ mình.
Ghi nhận sự đa thanh sắc của thơ trẻ cũng là
cách nhìn nhận thơ trong đời sống đương đại, không còn là độc quyền của một hay
một nhóm người nào đấy có sẵn trong tay "sổ đỏ" cứ thế mà đi rao
giảng về thơ, dạy cho lớp người sinh sau đẻ muộn cách làm thơ. Nó cũng không
phải độc quyền của một hay vài ba khuynh hướng thơ nào đấy: truyền thống hay
cách tân, lai căng hay tắc tị, trung ương hay địa phương, trẻ hay già,... mà nó
là tất cả. Chỉ biết rằng như các cụ ta đã có câu rất chí lý: "Cha lươn không
cần phải đào lỗ cho lươn". Lớp trẻ hôm nay cũng vậy, tự biết mình phải
hành xử với thơ ra sao, chứ không đợi ai đó "cầm tay chỉ việc". Những
người trẻ tuổi, thế hệ con cháu chúng ta không chỉ biết cách làm thơ, mà đã có
những người còn làm thơ hay.
Chúng ta hãy "dấn thân" vào nhóm các
gương mặt thơ trẻ trong "Thơ trẻ 360 độ", dù rằng họ chưa thể đại
diện cho tất cả các nhà thơ thời Ú. Nhưng đấy là một cơ sở khá vững chắc để
chúng ta có thể tin vào những bước đi tiếp theo của họ trên con đường nghệ
thuật lắm chông gai, đầy trớ trêu và nghiệt ngã này.
Nguyễn Quang Hưng mải mê đi tìm thi hứng sáng
tạo cho mình ở các lễ hội dân gian truyền thống, ở đấy có nhiều tích cũ, trò
xưa được phô diễn: Tóc pha sương phủ sông Hồng, mây Ðáy/ Xúy Vân chạnh lòng
biết nói năng chi.../ Về bãi Tự Nhiên vùi mình trong cát/ Ðợi em ngự duyên
hoàng hậu ngược dòng... (Tìm Tấm).
Cũng còn đó một Nguyễn Anh Vũ quyết liệt,
không chấp nhận mộng tưởng, dù chỉ trong giấc mơ bên một Nguyễn Phan Quế Mai
cuộn chảy chất hiện đại của tư duy thời công nghệ với xa lộ thông tin, mạng
in-tơ-nét, điện thoại di động: Úp mặt vào ngày/ Ngày cuốn em đi bằng email điện
thoại/ Những con chữ chạy/ Ðuổi theo em theo em... (Vòng xoáy), đi bên cạnh một
Huyền Minh chân thật, giản dị như cách nghĩ và cách nói của người dân tộc thiểu
số vùng cao: Sinh ra ở trên đá/ Lớn lên từ ruột đá/ Ăn mèn mén bằng muôi gỗ/
Uống nước đun bằng ấm đồng/ Ði trên con đường núi/ Mọi đỉnh núi/ Ðều thấp hơn
đầu gối.../ Thương anh/ Em giữ lửa suốt mùa đông... (Ðiều giản dị)...
Ngay cả cách đặt tên bài thơ có vẻ như ngẫu
hứng này: "FF3", "FF (n+1)" của Ðiệp Giang, hay "Tấu
khúc IV", "Phụ lục 4" của Lệ Bình Quan, cũng đủ cho ta thấy họ
làm thơ không "vụ" điều gì, làm thơ để cho mình một cách hồn nhiên và
vô tư, dám làm và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Ðấy có lẽ chính là
điểm mạnh, nét nổi trội của thơ trẻ trong khoảng gần chục năm trở lại đây.
Thiết nghĩ, chúng ta cần một thái độ khách quan hơn trong đánh giá nhận định,
nhất là đối với thơ trẻ. Chẳng phải mọi đồ cũ, cây già đều là của quý, nhưng
cũng không thể nói mọi đồ mới, cây non đều là thứ bỏ đi. Vấn đề là sự chắt lọc
qua thời gian và không gian, công chúng yêu thích thơ ca sẽ cho chúng ta câu
trả lời đích thực đâu cái hay, cái đẹp của thơ trẻ.
Bớt đi những định kiến hẹp hòi với thơ trẻ
Ðiều đáng nói nhất là, với việc xuất hiện ngày
càng nhiều những gương mặt thơ trẻ hôm nay trên văn đàn cho thấy thơ vẫn là một
sân chơi đầy hấp dẫn đối với giới trẻ. Cuộc sống đương đại với những đổi thay
đến chóng mặt, những bộn bề lo toan thường trực hiện ra trong tâm trí như thế
nào thì họ viết như thế ấy. Những người trẻ cầm bút làm thơ hôm nay, dù có
người được, có người chưa được đọc và học về lý thuyết thơ hiện đại, nhưng điều
ấy có lẽ chẳng can hệ nhiều đến chất lượng nội dung nghệ thuật thơ của họ. Họ
thấy hứng thì làm, trước hết như một thú chơi tao nhã, hay một cách
"giết" thời gian bằng văn hóa, hoặc giả là giải stress cũng chẳng
sao. Còn để thành một nhà thơ có "nghệ hiệu" như các bậc tài danh
xưa: Chế Lan Viên, 17 tuổi xuất bản "Ðiêu tàn"; Xuân Diệu, 22 tuổi đã
có "Thơ Thơ"; Huy Cận, 21 tuổi có "Lửa thiêng"; Nguyễn
Bính, 22 tuổi có "Lỡ bước sang ngang"... hay như thần đồng thơ Trần
Ðăng Khoa, mới lên 8 tuổi, đã có thơ được đăng báo. Năm mới 10 tuổi (1968), tập
thơ đầu tiên của Trần Ðăng Khoa "Từ góc sân nhà em" và tập thơ tiếp
theo là "Góc sân và khoảng trời" đã gây tiếng vang, làm xôn xao dư
luận thời ấy, thì chắc chắn các nhà thơ trẻ hôm nay ít ai mơ tới. Chính cái sự
chưa/ không "mơ" ấy làm họ càng đáng yêu, đáng quý biết bao.
Dù tôi không phải là người dễ chấp nhận một số
khuynh hướng văn chương hôm nay, nhưng cũng rất ít kỳ thị với những gì khác
biệt quan niệm cá nhân, nên khi đọc các nhà thơ trẻ gần đây, tôi vẫn thèm được
trẻ như họ để mà giãi bày, mà thỏ thẻ. Các thế hệ từ 7X trở về trước, thật khó
mà có được những cảm hứng tươi mới, cách nghĩ và lối viết của các tác giả trẻ
trong tập "Mùa yêu" như thế này.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Nương tha thiết nhớ
nhung: Thời gian... mất dấu/ Xao xác ngã rẽ đời/ Có đôi mắt long lanh thầm thỉ
màu hoa nhớ/ Bong bóng vỡ rồi mộng mị biết tìm đâu? (Hoa Bóng mơ). Còn giọng
thơ Tóc Mây lại da diết, như muốn níu giữ lại những kỷ niệm xưa: Em gửi lại
giấc mơ/ Và những môi hôn xa vời/ Cuối mùa/ Còn sót lại tiếng thở dài chênh
vênh le lói... (Bước qua).
Trong tình yêu thương đối với mẹ, trước cuộc
sống đầy lo toan thì Nguyễn Ðức Phú Thọ bộc bạch: ... những vì sao buồn/ như
đốm lửa đêm đông/... dẫu đi đến cuối cuộc hành trình con biết/ chẳng bao giờ
con đi hết/ những vì sao trong mắt mẹ, mẹ ơi... (Những vì sao trong mắt mẹ). Cao
Phú Cường nghĩ về mẹ đầy xót xa: Giữa đêm xuân đương vui/ Nghe tiếng rao mẹ
lạc/ Trở trăn, bùi ngùi.../ Thương mẹ/ Mẹ ơi! (Xuân).
Nguyễn Thanh Thúy Hằng lại day dứt nỗi niềm xa
ngái: ... Xa nhau trăm mối nghìn thương/ Xa nhau một mối đoạn trường. Xa
nhau.../ Vầng trăng chết ở bờ ao/ Ðêm sương hoa rụng phía sau thềm nhà (Tơ
Lòng). Còn Trần Mỹ Hiền trong "Mùa yêu" vừa rất hiện đại, mãnh liệt
nhưng cũng ngập tràn khát vọng yêu: Trái chín đầu cành/ đòi hiến ngọt đôi
môi.../ Trưa nực buồn/ Gió lẻ/ không thổi bùng ân ái/ Nguội lạnh/ cơn mơ đòi/
trao thân.../ Ta cởi lớp rong rêu/ lưng trần/ ngực trần/ phơi thân/ đợi/ mùa
yêu... (Mùa Yêu).
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng có một số nhà
thơ trẻ loay hoay lập danh, lập ngôn, thường bắt công chúng phải đọc và chấp
nhận thơ mình một cách vội vã đôi khi còn chưa chín về cảm xúc lẫn ngôn ngữ
thơ. Không ít người đã thoát ly đời sống cộng đồng, khai thác quá sâu vào những
mất mát, nỗi buồn cá nhân, biến thơ mình thành một thứ độc thoại nội tâm với những
câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, không có những tiếng nói chia sẻ với cộng đồng nên khó
tìm được sự cộng hưởng, ít có khả năng lan tỏa, tương tự như khuynh hướng thơ
"tắc tị" của nhóm "Xuân Thu nhã tập" đầu những năm 40 của
thế kỷ trước.
Nhà thơ Trần Ðăng Khoa đã có lý khi cho rằng: Thơ
trẻ không còn chỉ tồn tại một dòng duy nhất, mà nhiều người vẫn cho là
"non nớt" mà đã thể hiện được sự phong phú, thâm trầm rất đáng quý ở
những cây bút trẻ. Dám đương đầu với những thử nghiệm mới từ suy nghĩ đến cách
thể hiện và ngôn ngữ thơ, cho dù dư luận có nhiều đánh giá khen chê khác nhau
là điều khó tránh khỏi, nhưng rất đáng khích lệ. Cái đích cuối cùng vẫn là
những vần thơ hay, cái mà công chúng luôn chờ mong ở giới trẻ hôm nay.
ÐỖ NGỌC YÊN
Can I make money with your bankroll? - Work Tomakemoney
ReplyDeleteHow do I หารายได้เสริม make money with money? You can do so by using our debit and credit cards using the Bank Transfer.