TP - Báo Văn nghệ Trẻ vừa kể về một “ông trẻ” 8X mở ra cái gọi là “CLB
Sáng tác VHNT Việt Nam”, phong cho 4.500 cụ già khắp các tỉnh thành là “nhà
thơ” để thu phí.
“Ông trẻ” lập ra 15 chi nhánh khắp
nơi, cấp cả dấu má, rồi tự đứng ra trao kỷ niệm chương, bằng khen, cấp thẻ hội
viên búa xua, gì cũng phải kèm tiền. Các cụ muốn in thơ riêng, thơ chung, bất biết
chất lượng ra sao, có lẫn cẫn “cầm nhầm” thơ của ai không, miễn có tiền là
xong. In ấn, xuất bản, phát hành bao trọn gói.
Mới đây, có mấy cụ ở tỉnh Bình
Thuận “tố” tập thơ của cụ nọ cùng tỉnh được “ông trẻ” thầu in thu tiền, mà
trong đó gặp vô số câu thế này: “Con đã về nơi Bác ở xưa/Vẫn xoài cam bưởi trái
đong đưa/Vẫn hồ nước mát reo tăm cá/Vẫn nắng ban mai rợp bóng dừa” (Viếng lăng
Bác). Rồi thì “Lô nhô dưới bến mươi thuyền thúng/Lác đác trên bờ những quán
cây” (Đồi Dương Hồ Tôm). Cụ Tố Hữu và Bà Huyện Thanh Quan sống dậy không biết
khóc cười được mấy tiếng! Báo chí hô hoán, thì nhà xuất bản V. đứng tên dưới
sách cũng nhanh chóng cho rằng, “không hề tổ chức biên tập, liên kết và cấp
quyết định xuất bản cho cuốn sách này”!
“Thi ca hay lắm, bạn chưa vào chưa
biết đâu! Hãy cứ dấn thân mới thấy sự nghiệt ngã của nó và thấy được điều kỳ
diệu”- đó là tâm sự của ông “nhà thơ - Chủ tịch CLB sáng tác” tự phong nọ trong
bài báo lăng xê trên mạng vietbao.vn của tác giả có tên giống một nhà văn. Lục
vào trang cá nhân trên mạng của “ông Chủ tịch”, thì thấy cái còm-men: “Sao cuốn
sách (…) – tập thơ tuyển chọn do em phụ trách biến luôn, vậy em? Thơ và kinh
phí đóng góp đã 4 năm rồi. Cô Liên chờ mãi 4 năm rồi không thấy!”. Rõ là thi ca
nghiệt ngã, còn điều kỳ diệu chưa thấy đâu!
Thơ trẻ lắm cãi vã, thơ già lắm
nghiệt ngã. Cái sự “thơ phú lăng nhăng” càng ngày trở thành món “nợ xấu”. Nhưng
đất sống cho những “ông thần” đầu nậu thơ ca lại ngày một thênh thang, thế mới
đau.
“Đốt. Đem bán cân. Thế nhưng hết
đống ấy lại có đống khác…Không thích cũng mặc, người ta cứ gửi tặng, đem giết
hoặc bỏ tù người ta đi à”. Là cụ Nguyễn Tuân đang than về sách biếu tặng trong thiên
ký sự “Chiếc lư đồng mắt cua”. Từ trên 70 năm trước đã có nạn ấy rồi, giờ nhớ
lại để mà tự an ủi vậy.
No comments:
Post a Comment