NTT: Hôm nay đọc một bài viết về nhà văn Hoàng Ngọc
Tuấn (1947-2005), bỗng thấy nhớ
những truyện ngắn của anh mà tôi được đọc từ gần 40 năm trước. Hồi đó đang
chiến tranh, không hiểu từ đâu tôi lại có được cuốn “Chuyện hai người” của anh
do An Tiêm xuất bản 1972. Toàn những câu chuyện tình buồn và đẹp. Đọc xong cứ
bâng khuâng mãi. Thương cho những số phận trong truyện. Có một điều nữa là văn
viết thật trong trẻo, sáng tác mà cứ ngỡ như chuyện thật, đó là cái thiên tài
của nhà văn. Những tên truyện cũng thật gợi, ví dụ “Lên xứ lạnh nhớ mang theo
áo ấm”…
Một điều thật thú vị là
cuối sách có một bài viết của anh kể về câu chuyện viết lách, viết ngay trên
gác của An Tiêm để An Tiêm đưa in. Những câu chuyện bếp núc văn chương và cuộc
đời hiện lên thật gần gũi và dễ thương, khiến tôi thấy cảm phục một nhà văn trẻ
cùng thời…
Sau khi đất nước thống nhất
1975 không thấy Hoàng Ngọc Tuấn viết nữa, tôi cứ se buồn mà không biết anh ở
đâu. Mãi sau khi anh mất, tôi mới biết anh vẫn ở lại Sài Gòn
và viết báo nhì nhằng kiếm sống
qua ngày với những bút danh khác. Thương thay một tài hoa.
Tôi đọc xong bài của Nguyễn Mạnh Trinh viết về Hoàng Ngọc Tuấn, rồi lần mở Google tìm kiếm, và
gặp bài Duyên Anh phỏng vấn anh trên Tuổi
Ngọc sau khi vừa xuất bản “Chuyện
hai người”. Xin giới thiệu cùng bạn:
Hoàng Ngọc Tuấn và Một Buổi Chiều
TN: Một câu hỏi
thật thừa nhưng cần thiết cho các bạn trẻ của Tuổi Ngọc: Anh Hoàng Ngọc Tuấn,
tại sao anh chọn nghề văn ?
HNT: Văn Chương không phải
là một nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường . “Văn” chọn tôi chứ tôi không
chọn “Nó” được, khi ta làm một nghề gì đó, nghề nghiệp ấy đòi hỏi một thời khóa
biểu, một giờ giấc, một số lương bổng nhất định, một số giờ nghỉ ngơi cuối tuần
như thứ bảy, chủ nhật chẳng hạn . Tôi viết văn thì không như thế . Ngày nào
cũng rong chơi như một ngày chủ nhật, và ngày nào cũng bận rộn làm việc như một
ngày thứ hai . Đêm là ngày, ngày cũng là đêm . Đời của một kẻ sáng tác không có
mùa hè hoàn toàn rảnh rang, mà là suốt năm tràn đầy mùa Xuân thôi thúc hứng
khởi .
Nhưng nếu nói một cách đơn
giản hơn, thì tôi theo đuổi chuyện văn chương vì đó là một sinh hoạt có ý nghĩa
nhất trong đời sống, theo ý kiến riêng của tôi. Sau nữa, tôi không biết làm
việc khác được ngoài sự viết .
TN: Khi đặt bút
viết dòng văn chư ơng thứ nhất, anh có nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn không ?
HNT: Tôi nghĩ là đang hình
thành, và thời gian cùng độc giả sẽ xác định tôi có thành hình được hay không .
TN: Truyện đầu tay
của anh viết vào năm nào ?
HNT: Khoảng 67 hay 68 gì đó
. Sau hai năm học ở Đại-học và bắt đầu thấy rằng những chữ mình viết ra coi có
vẻ thích thú hơn là những chữ trong cours .
TN: Anh đã viết
truyện ngắn đầu tay “Buổi Chiều Hạ Lan” như thế nào ? Xin anh nói rõ tâm trạng
của anh lúc ngồi trên bàn viết, băn khoăn về kỹ thuật, nghệ thuật .
HNT: Lúc đó tôi chẳng có
công việc làm gì cả . Buổi sáng, đang đói và thèm cà phê mà không có tiền đi
đâu được . Tôi ngồi lại một mình trong căn phòng của hội đoàn CPS (khu Khám Lớn
cũ) … Hiện tại thì trống rỗng, nhạt nhẽo, kỷ niệm thì ngọt ngào, hào hứng … thế
là tôi bắt đầu viết .
TN: Anh viết bao
lâu thì xong “Buổi Chiều Hạ Lan” .
HNT: Trong một buổi sáng .
TN: Trước đó anh
nghĩ bao lâu về “nó” ?
HNT: Đêm hôm trước . Đêm
tối, ánh sáng, cô đơn, và viết, thế là có “Buổi Chiều Hạ Lan” .
TN: Như thế là anh
viết từ ngót năm năm nay, có thể, đã hết bị gọi là “người viết mới” nhưng anh
có khó chịu khi bị các ngự sử văn chương ở đây coi anh như một cây viết mới ?
HNT: Chưa thấy ai gọi tôi
như thế . Tôi không có mặt trong hai số báo đặc biệt của tạp chí Văn về những
cây bút trẻ . Những danh xưng đặt trước tên của tác giả như “cây bút mới”, “cây
bút trẻ”, nhà văn thời danh” …v..v .. không có ý nghĩa nào đối với một nhà văn
đích thực và những độc giả trưởng thành . Điều đáng kể là những cái đi sau tên
tác giả, nghĩa là tác phẩm .
Mới, đổi mới luôn luôn là ước vọng của tôi . Cho đến nay, tôi luôn luôn
phải xài bút mới vì trung bình mỗi tuần tôi đánh mất tối thiểu hai cây bút
nguyên tử .
TN: Một truyện
ngắn, theo anh, nên xây dựng ra sao ? Anh cũng cho biết những yếu tố cần thiết
phải có cho một truyện ngắn .
HNT: Trong một cuộc phỏng
vấn mới đây của Tuổi Ngọc, tôi thấy nhà văn Vũ Hạnh đã có những ý kiến khá đầy
đủ về vấn đề này . Tuổi Ngọc cũng đã làm một loạt bài phỏng vấn nhiều tác giả
về đề tài này rồi . Tôi không có ý kiến nào độc đáo thêm nữa .
Đối với riêng tôi, thì một
truyện ngắn của tôi nên xây dựng theo một kiến trúc của tôi . Những yếu tố của
tôi sẽ không cần thiết cho ai cả .
TN: Bây giờ anh
viết còn khó khăn, còn dập đi xóa lại như “thuở ban đầu” ?
HNT: Luôn luôn khó khăn, luôn
luôn dập đi xóa lại . Giờ hấp hối của tôi rồi cũng đẹp như “thuở ban đầu” .
TN: Anh có “học
hỏi” thêm được điều gì mới lạ ở những người phê bình tác phẩm mới của anh ?
HNT: Họ thường kết luận là
chờ đợi và tin tưởng ở những tác phẩm mới hơn của tôi . Tôi mong họ giữ mãi
niềm tin đó, vì đó cũng là niềm tin mạnh mẽ của tôi . Bây giờ chỉ còn việc biến
niềm tin thành hành động .
TN: Và những bức
thư của độc giả – nhất là độc giả phái nữ – gửi về khích lệ và ngưỡng mộ anh ?
HNT: Tôi “học hỏi” ở những
lá thư này nhiều hơn bất cứ một cuốn sách khảo luận văn học nào . Điều khích lệ
nhất là họ cho tôi thấy cái khối độc giả “vô danh và thầm lặng” trở thành những
con người sống động . Lời nói bao giờ cũng thú vị hơn im lặng . Tôi không muốn
được ngưỡng mộ, tôi muốn được chia xẻ và thương mến .
TN: Tại sao anh bỏ
dở dang truyện dài “Tuổi Trẻ Hư Không” đăng trên tạp chí Bách Khoa ?
HNT: Hồi đó tôi kẹt nhiều
chuyện và mệt quá . Và đề tài cuốn tiểu thuyết đó có nhiều đòi hỏi quá khó khăn
. Nhưng đến bây giờ thì tôi cũng đã hoàn tất truyện dài đó, với nhan đề mới là
“Tuổi Trẻ Tuổi Trẻ”, sẽ xuất bản vào cuối năm 1972 .
TN: Anh thấy viết
truyện ngắn thú vị hay truyện dài thú vị ?
HNT: Viết truyện ngắn thú
hơn vì được sống liền với cảm hứng và tình cảm còn mới, còn nóng “sốt” của mình
. Truyện dài đòi hỏi những kỹ thuật, sự làm việc của lý trí … và nhất là sự
“trung thành” gắn bó lâu dài với tác phẩm . Như thế, không còn là nỗi thú vị
ngắn ngủi mà là một cuộc chinh phục đầy say sưa và đầy cả gian lao .
TN: So sánh “Hình
Như Là Tình Yêu” với “Chuyện Hai Người” là tác phẩm mới nhất của anh, anh có
thấy mới ra không ?
HNT: Có lẽ bớt ngây thơ và
hồn nhiên hơn . Điều đó hơi buồn nhưng làm sao tránh được mọi người đều phải
lớn . Nhưng tôi cũng mong rằng nếu càng ngày tâm hồn tôi càng “già” hơn đôi
chút thì chữ nghĩa cũng phải già thêm mới được .
TN: Anh đã đọc và
mê những tác phẩm nào trước khi viết văn ?
HNT: Tôi đọc qua bản dịch,
hầu hết những tác phẩm của các tác giả danh tiếng quốc tế . Ở Việt Nam, tôi mê đọc
thơ hơn là văn xuôi . Tôi thích Saroyan, mến Salinger, phục Dostoievsky nhưng
chẳng mê ai cả . Không những trước khi viết không thôi, mà bây giờ và về sau
tôi vẫn đọc mãi mãi .
TN: Anh có bị ảnh
hưởng ở họ ít nhiều không ?
HNT: Tôi không biết . Người
đọc sẽ dễ thấy hơn tôi . Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít
nhiều tinh hoa nhân loại . Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc, nhưng con người
sáng tác nào cũng phải sống với cuộc đời, nhận lấy những dấu vết của cuộc đời
và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người .
TN: Anh có viết văn
ở quán cà phê không ?
HNT: Không, ở quán cà phê,
tôi tán gẫu với bạn bè, nhìn ngắm đường phố . Và uống cà phê .
TN: Anh đã bằng
lòng lắm về những tác phẩm đã xuất bản của anh chưa ?
HNT: Chưa tác phẩm nào tôi
“bằng lòng lắm” cả . Tôi chẳng bao giờ hài lòng về tôi, có lẽ ngay cho đến tác
phẩm cuối cùng .
TN: Câu hỏi chót
của tôi: Có phải chỉ theo học ban C hay học Văn Khoa mới viết văn được ?
HNT: Ai nói thế ? Cô
Ngọc Minh viết trên Tuổi Ngọc học ban B đó .
Tuổi Ngọc thực hiện
.
_______
(*)
Hoàng Ngọc Tuấn (HNT) : tên
thật, bút hiệu
Bút hiệu khác : Hoàng Hạ Lan
Bút hiệu khác : Hoàng Hạ Lan
Sinh ngày 20-5-1947 (năm
Đinh Hợi) tại Huế
Mất lúc 2giờ50 ngày 9-7-2005 tại bệnh viện Vạn Hạnh Quận 10 SàiGòn sau một thời gian lâm trọng bệnh.
Mất lúc 2giờ50 ngày 9-7-2005 tại bệnh viện Vạn Hạnh Quận 10 SàiGòn sau một thời gian lâm trọng bệnh.
HNT thời nhỏ học ở Ban Mê
Thuột. Theo bậc trung học ở trường Bán Công và Quốc Học Huế. Bậc đại học ở Văn
Khoa SàiGòn (Ban Triết) .
HNT khởi viết các truyện
ngắn vào khoảng 1966/1967 phần lớn đăng ở tạp chí Bách Khoa SG, qua sự giới
thiệu ưu ái và trân trọng của nhà văn Võ Phiến. Ông đã nhanh chóng trở thành
một trong những nhà văn được ưa thích nhất thời bấy giờ bởi tính chất thơ mộng
của văn chương HNT giữa thời đại chiến tranh ngột ngạt.
TÁC PHẨM :
- Hình Như Là Tình Yêu : Quán văn xuất bản năm 1971 tại SàiGòn . Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ nhất năm 2005 tại SàiGòn.
- Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau : Quế Sơn, 1971 – SàiGòn (*)
- Thư Về Đường Sơn Cúc : Thời Mới, 1972 – SàiGòn
- Cô Bé Treo Mùng : Trí Đăng, 1972 – SàiGòn. Trí Đăng tái bản lần thứ nhất 1973- SàiGòn
- Chuyện Hai Người : An Tiêm, 1972 – SàiGòn
- Nhà Có Hoa Mimosa Vàng: An Tiêm, 1973 – SàiGòn
- Học Trò : Vàng Son, 1973 – SàiGòn
- Hôn Lễ : Nguyễn Đình Vượng, 1974 – SàiGòn
- Đôi Môi Dạ Hương : Dạ Hương, 1975 – SàiGòn
HNT sống đời độc thân và
gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống trước khi lìa đời.
No comments:
Post a Comment