(Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình
văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo)
Quan tâm đến thị hiếu thẩm
mỹ, tâm lý của người tiếp nhận là trách nhiệm của người sáng tác và nhà phê
bình. Nếu không có người tiếp nhận thì không có tác giả, không có sự tồn tại
của tác phẩm. Đây là một đòi hỏi cần thiết đối với người sáng tác và người làm
lý luận, phê bình. Người sáng tác và nhà phê bình cần có những cách thức riêng
phục vụ bạn đọc. Do đó, để đảm bảo được xu hướng thẩm mỹ cũng như tính kịp
thời, không thể thiếu vai trò của phê bình báo chí. Kiểu
phê bình báo chí may ra còn hợp “gu” với đại đa số bạn đọc, còn kiểu phê bình
chuyên nghiệp, vì tính “hàn lâm”, tư duy khoa học của nó nên không phải là món
ăn ưa thích của số đông. Phương pháp phê bình báo chí xuất phát từ cảm xúc chủ
quan, đánh giá tác phẩm thiếu tư duy lí luận, cơ sở khoa học nhưng nó lấp kịp
thời những lỗ hổng của phê bình chuyên nghiệp.
Đỗ Lai Thúy đã chỉ ra tính
chất hai mặt của phê bình báo chí: “Một nền văn học không có tiếng nói của
báo chí là một nền văn học chết. Nhưng một nền văn học mà chỉ có tiếng nói của
báo chí thì cũng là một nền văn học chết, tuy rằng chết theo kiểu khác” [Đỗ Lai
Thúy, Phê bình văn học con lưỡng thê ấy, NXB Hội Nhà văn 2010, tr 39, 40]. Để tránh
cái chết đó, trách nhiệm thuộc về các nhà phê bình chuyên nghiệp. Người làm lý
luận, phê bình, phải hiểu, ngoài năng khiếu của bản thân cần nâng cao trình độ
chuyên môn, cần có sự tinh tế, nhạy bén trước các xu hướng văn học trên thế
giới và khả năng tư duy, lập luận khoa học. Với những người làm lý luận, phê
bình, điều tối kỵ của anh ta là tránh sự lặp lại trong phương pháp tiếp cận lý
thuyết, tiếp cận văn bản. Một đòi hỏi có tính ráo riết là nhà lý luận, phê bình
cần tiếp thu, vận dụng, thậm chí sáng tạo hệ thống lý thuyết phù hợp với xu
hướng vận động và phát triển của văn học.
Cần vận dụng lý luận linh
hoạt, không nên áp đặt, cưỡng chế, áp bức một phương pháp độc tôn nào cho một
văn bản. Bởi không có một lý thuyết nào, một phương pháp nào vận dụng, giải mã
cho toàn bộ sản phẩm văn học. Một khi, chất lượng của lý luận, phê bình được nâng
cao thì nó sẽ đồng hành với sáng tác, thậm chí, đôi khi còn là cú hích, định
hướng những khuynh hướng thẫm mỹ mới cho người sáng tác. Nó mở ra những cách
tiếp cận, xử lý mới cho các cây bút sáng tác.
Các cây bút sáng tác biết
được điểm yếu, điểm mạnh mà làm chủ ngòi bút của mình, tất nhiên, nhờ nhà phê
bình mà người sáng tác có thể bước vào một không gian mới để lạ hóa chính tác
phẩm của mình. Như vậy, với những tiêu chí như trên, ở một góc độ khác, người
làm lý luận, phê bình cũng là người sáng tác. Bản chất của phê bình văn học là
một “con vật lưỡng thê” (Đỗ Lai Thúy), do đó, người viết phê bình phải làm chủ,
điều tiết tốt mối quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật. Nhiều bài phê bình chưa
tạo được ấn tượng với người đọc bởi cách viết rối rắm, khó hiểu, và vô tình,
người đọc không thể nắm bắt, lĩnh hội được thần thái của tác phẩm. Nhấn mạnh trách
nhiệm nghề nghiệp của người làm phê bình, tôi thích cách so sánh của Đặng Tiến:
“Yêu một tác phẩm nghệ thuật, giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần
yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng
tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm” (Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb
Giao Điểm, Sài Gòn, 1972, tr.9).
Chỉ tinh thần trách nhiệm
với nghề thì chưa đủ, mà còn cần đến những giải pháp thích hợp để các nhà lý
luận, phê bình tích cực tham gia. Tình trạng một tác phẩm đang nằm chờ xin giấy
phép ở nhà xuất bản nhưng đã được nhiều cây bút phê bình may áo xong xuôi.
Nghĩa là, tác phẩm chưa được ấn hành, xuất bản thì đã có dăm ba bài phê bình
rồi. Viết theo dạng đơn đặt hàng này cũng có hai mặt của nó: thứ nhất, các nhà
phê bình chuyên nghiệp vừa tranh thủ được thời gian để nghiên cứu sâu hơn tác
phẩm mà mình thích thú, hào hứng, vừa bù đắp vào lỗ hỏng mà bấy lâu phải nhờ
cậy phê bình báo chí, đáp ứng được tính nóng hổi, mới mẻ; thứ hai, đôi khi phải
chấp nhận viết những tác phẩm không mấy hay và chỉ mới quan tâm văn học trước
mắt còn văn học quá khứ lại bỏ trống.
Ở các báo, tạp chí, thực
trạng đặt hàng bài viết cho các nhà phê bình không ít. Bởi, có đặt hàng thì mới
có bài viết, không đặt thì cơ hội đó còn chờ khá lâu, thậm chí không có. Việc các
báo, tạp chí đặt hàng, các cuộc hội thảo về một tác phẩm, một trào lưu, một
giai đoạn văn học,… cũng là một trong những phương án kêu gọi các nhà phê bình
vào cuộc, tránh kiểu “ngủ đông”. Ngoài ra, tình trạng nhà phê bình viết theo sở
thích của mình cũng khá nhiều. Khi họ viết cái mà họ muốn, hứng thú, tất yếu,
bài viết sẽ hay. Song, điều này cũng bất cập, thích tác phẩm nào thì viết,
không thích thì bỏ qua, vô hình trung, đời sống văn học thiếu đi sự nhộn nhịp,
tính thời sự, nhiều tác phẩm hay rơi vào tình cảnh oan ức. Như thế, đội ngũ lý
luận, phê bình cần nhiều cú hích hơn nữa, sự quan tâm hơn nữa để nâng cao chất
lượng.
Đội ngũ làm lý luận, phê
bình của chúng ta hiện nay có khá hơn so với những năm trước đây. Sự xuất hiện,
tham gia của một số cây bút trẻ đã phần nào xua đi ý kiến cho rằng, lực lượng phê
bình quá mỏng so với sáng tác. Chính các cây bút lý luận, phê bình gạo cội như:
Phong Lê, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai
Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Bửu Nam, Trần Thanh Đạm, Lê Huy Bắc, Phạm Xuân Nguyên,
Nguyễn Hòa, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Hữu Sơn, Hồ Thế Hà,… đã
chuyền lửa cho các thế hệ sau như: Trần Huyền Sâm, Trần Hoài Anh, Hoài Nam,
Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Nguyễn Thanh Tâm, Mai Anh Tuấn, Nhã Thuyên,
Phan Tuấn Anh, Ngô Hương Giang, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Ánh Dương,… Người sáng tác
cũng tham gia nhiều vào hoạt động phê bình. Tuy cảm xúc có lấn át nhưng vẫn có
sự nhấn nhá của tư duy lý luận nên các bài viết này vẫn đạt giá trị nhất định, cũng
góp phần làm phong phú thêm diện mạo của phê bình. Có thể thấy qua những gương
mặt nhà thơ, nhà văn như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Phê, Đặng Hiển, Nguyễn
Trọng Tạo, Văn Chinh, Mai Văn Hoan, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Phấn,… Đội ngũ giáo
viên giảng dạy ở các trường cũng góp phần bổ sung lực lượng cho phê bình. Những
bài viết của họ ở được nghiên cứu, trình bày một cách khoa học. Có thể kể qua
như: Mai Thị Liên Giang, Dương Ánh Tuyết, Nguyễn Anh Dân, Hoàng Thị Huế, Thái
Phan Vàng Anh, Luân Nguyễn,… Ngoài ra, còn có sự tham gia của đội ngũ sinh
viên, các tác giả không chuyên, yêu thích văn học,… với không ít bài viết hay,
sâu, tuy nhiên, đa phần còn nặng về phê bình chủ quan, chưa có hệ thống lý luận
vững chắc.
Sự góp mặt bằng nhiều hình
thức, nhiều con đường đã đứa đến sự khởi sắc đáng kể của phê bình văn học hiện
nay. Vấn đề là làm sao để phê bình không chuyên tiến dần đến phê bình chuyên
nghiệp, bổ sung thêm lực lượng cho phê bình văn học? Có lẽ, cần có một ngôi nhà
chung, nơi hội tụ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cho các cây bút phê bình. Ví dụ,
hoạt động tổ chức bàn tròn trực tuyến cũng là một trong những cách đưa họ trở
về ngôi nhà chung. Nếu có những chuyên đề về lý luận – phê bình tại bàn tròn
trực tuyến, không chỉ thu hút các cây bút phê bình chuyên và không chuyên nhảy
vào cuộc mà còn tạo được sân chơi cởi mở, công khai, dân chủ, bình đằng. Cụ
thể, trang web của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tuy mới thành lập chưa đầy 3 năm
nhưng đã tổ chức thành công khá nhiều bàn tròn trực tuyến, nhiều nhà thơ, nhà
văn, nhà nghiên cứu, nhà lý luận – phê bình,… được đối thoại, tranh luận trực
tuyến, mạnh dạn, thẳng thắn hơn trước những vấn đề nhạy cảm. Vừa qua, tôi có gọi
điện hỏi anh Phan Hoàng, vì sao anh không tổ chức bàn tròn trực tuyến về chuyên
đề lý luận, phê bình hiện nay vậy? Anh ấy chân thành bảo: Sắp tới, trang web
của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện, bởi đó là việc làm cần thiết để
góp phần thu hút các cây bút phê bình và cũng góp phần nâng cao chất lượng đội
ngũ phê bình. Mong rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động lý luận,
phê bình hiện nay. Nếu các trang web, dành một khoảng đất cho hoạt động lý
luận, phê bình tổ chức bàn tròn trực tuyến (dài kỳ) thì chí ít, cũng là một
biện pháp hữu hiệu cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động lý luận, phê bình văn
học trong tình hình hiện nay. Và một yêu cầu khi tham gia bàn tròn trực tuyến,
người làm lý luận, phê bình phải thể hiện tính văn hóa trong bài viết cũng như tính
văn hóa trong đối thoại, trao đổi. Đối thoại, trao đổi cần đảm bảo tính dân
chủ, cởi mở. Những cuộc tranh luận cần gạt bỏ tư tưởng thủ cựu, cá nhân, bốc
thơm,… để đạt được tính khoa học, thúc đẩy sự phát triển của văn học.
Không thể xem thường các
comment của độc giả. Thời đại thông tin, toàn cầu hóa, nhiều lý thuyết phê bình
từ phương Tây đưa đến diện mạo phong phú cho lĩnh vực phê bình. Khi tác phẩm
được công bố trên internet, luôn có nhiều comment gửi phản hồi. Các comment
này, dù ít dù nhiều, mang tính khách quan, đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, đã giúp
nhà văn nhìn lại đứa con của mình, thậm chí, có thể chỉnh sửa cho những ý tưởng
đang viết dở hoặc hoàn thành tác phẩm trước khi qua kiểm duyệt của nhà xuất
bản. Tôn trọng tính dân chủ của các comment, trong “3.3.3.9 [Những mảnh hồn
trần]”, Đặng Thân đã đưa vào sách những ý kiến phản hồi, tạo sự mới lạ cho tiểu
thuyết. Đặng Thân không chỉ đưa vào sách “Lời bàn [phím...] của các netizen”,
mà còn có những lời hứa hẹn với các comment: “Mong các quý bạn đọc hãy chia sẻ cùng
tôi những ý kiến của mình và gửi tới địa chỉ email: dangthan@live.com.
Rất mong sẽ được thấy ý kiến/ lời bàn [bình] của bạn xuất hiện trong cuốn sách
này khi tái bản. Xin cảm ơn rất nhiều!” [3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], NXB Hội
Nhà văn, tr 658]. Như vậy, xét thấy, ở một góc độ nào đó, các comment cũng là
một kiểu phê bình. Các comment tuy ngắn, thiên về chủ quan của mỗi người, nhưng
ít ra cũng góp phần tạo nên không khí sôi động, dân chủ cho phê bình.
Cần thấy được vai trò,
trách nhiệm quan trọng của người làm phê bình văn học dịch. Lý luận luôn đòi
hỏi cái mới để có thể đồng hành, theo kịp người sáng tác. Khó có thể giải mã
cái mới bằng hệ thống lý luận lỗi thời. Trách nhiệm này thuộc về những người làm
phê bình văn học dịch. Các nhà phê bình văn học dịch luôn tiếp cận lý thuyết
phương Tây, đưa đến những luồng lý luận mới phục vụ cho phê bình. Một đòi hỏi
cao với những người làm phê bình văn học dịch, cách tiếp cận phải có sáng tạo,
tiếp thu phù hợp với xu hướng phát triển của văn học. Cần tránh tình trạng,
thích lý thuyết nào thì xơi ngay lý thuyết đó, mà phải làm sao để lý luận
phương Tây được thâu tóm kịp thời, góp phần thúc đẩy hiệu quả lý luận, phê bình
văn học, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam trong thời đại
toàn cầu hóa.
Lý luận, phê bình văn
học cần có sân chơi rộng hơn. Việc Hội đồng LLPB TW đã cho ra mắt Tạp chí LLPB,
là một việc làm thiết thực, nâng cao hoạt động LLPB. Nhưng chỉ có mỗi tờ tạp chí
đó phục vụ cho LLPB thì đã đủ điều kiện để lý luận phê bình đạt chất lượng,
hiệu quả chưa? Tôi nghĩ, cần có sự đồng bộ trong các báo, tạp chí về vấn đề tạo
sân chơi cho hoạt động lý luận phê bình. Các tờ báo, tạp chí từ TW đến địa
phương, dù ít dù nhiều, đã dành sự quan tâm cho lý luận phê bình. Song sự quan
tâm ấy chỉ thực hiện khi nhắm vào một lý luận nào đó mới, một bài phê bình phục
vụ cho các tác giả địa phương, nơi tờ báo ra đời hoặc tác giả đó phải có tên
tuổi và cũng được viết bởi những cây bút có tên tuổi. Vô tình, bớt đi những
gương mặt đang dự định dấn thân vào hoạt động lý luận phê bình và những tác
giả, tác phẩm hay của các tác giả trẻ. Hành động này vô tình ít nhiều gây cản
trở cho sự phát triển, nhất là sự kì thị, phân biệt mà đáng ra không nên tồn
tại trong hoạt động lý luận, phê bình văn học.
Vấn đề nhuận bút đối với
một bài lý luận phê bình quá khiêm tốn, không thể bù đắp được công sức tra cứu,
tìm kiếm tài liệu, dịch thuật,… đã nói đi nói lại nhiều năm qua. Tôi nghĩ, muốn
nâng cao chất lượng của lý luận phê bình, trước tiên, phải giải quyết triệt để
vấn đề cơm ăn áo mặc đã. Có như vậy, các nhà phê bình chuyên nghiệp mới chuyên
tâm, thực sự yêu nghề, ở lại với nghề. Nếu không thì vẫn cứ xảy ra tình trạng
thiếu hụt, thưa vắng đội ngũ lý luận phê bình và vẫn tiếp tục đề ra các giải
pháp một cách chiếu lệ.
Hiện nay, lý luận, phê bình
phát triển chưa đồng đều. Nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật như âm nhạc, mỹ
thuật, nhiếp ảnh,… còn thưa vắng các cây bút lý luận, phê bình, nhất là lớp trẻ.
Đa phần, họ vừa là người sáng tác vừa là nhà nghiên cứu, nhà lý luận, phê bình.
Sự thiếu hụt này dễ dàng đưa đến sự so sánh về lực lượng của lý luận, phê bình
với sáng tác. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả, cần thực hiện
đồng bộ các giải pháp để lý luận, phê bình bung rào cản, khẳng định được vị
thế, vai trò định hướng.
H.T.A
Nguồn: VNQĐ
No comments:
Post a Comment