.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, August 6, 2013

VALENTIN RASPUTIN: TÀI NĂNG TRẺ CẦN ĐƯỢC NÂNG ĐỠ

Các bạn thân mến! Khi được khen, tôi già đi rất nhanh. Đã nhiều lần tôi nhận ra điều đó. Sau đấy một thời gian, người ta lại bắt đầu chê tôi, và tôi lại cảm thấy  phấn chấn, trở nên khỏe khoắn hơn, dáng đi thay đổi, chữ nghĩa tự nhiên bật ra. Vì vậy, đối với tôi tốt nhất là được sống trong những hoàn cảnh thật khó khăn.
Phải nói rằng tôi gặp may trong cuộc đời. Điều này không có gì phóng đại. Tôi gặp may vì đã sinh ra trước chiến tranh mấy năm, đã cùng với  mọi người trải qua tất cả những khó khăn, gian khổ. Điều này với tôi rất cần thiết với tư cách một nhà văn. Các ông bố của chúng tôi ra trận hết, ở hậu phương chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con. Nhưng một thiếu niên như tôi thì làm được gì? Buộc phải lao động, làm việc, không bằng mọi người, tất nhiên, nhưng tuỳ theo sức của mình. Nếu không, làm sao sống sót. Nếu như tôi chạy ra sông Angara thì là để câu cá, và chúng tôi đã câu được rất nhiều. Chúng tôi thường sống bằng những con cá đó. Hơn nữa bên cạnh là rừng Taiga. Và chúng tôi thường đến đó không phải để ngắm cảnh, mà là để hái quả, nấm, hạt dẻ, hành gấu. Tất cả những thứ đó cần cho sự sống.
Làng tôi không lớn lắm, vào thời chiến, trong làng không còn một mống đàn ông nào. Cả làng được cứu sống nhờ mọi người biết đồng cam cộng khổ. Ai thiếu bánh mỳ – thì tìm thấy ở nhà hàng xóm, mọi người sống được quả thật  là nhờ nương tựa vào nhau. Tôi nhớ, khi những người lính bắt đầu từ mặt trận trở về (bố tôi về muộn hơn, vào cuối năm), lần nào họ cũng đến tất cả các nhà, và mỗi người trong chúng tôi đều được biếu khi thì cái bánh quế, khi thì khúc bánh mỳ, khi thì một món quà nào đấy. Chính sự cộng sinh đó trong công việc, trong cuộc sống, và cả trong niềm vui đã nuôi dưỡng chúng tôi. Tôi không muốn lý tưởng hoá nhân dân, có nhiều chuyện xảy ra, nhưng cái tai họa chung vào những năm đó đã gắn bó chúng tôi. Và sau này, khi đi học phổ thông ở Ust-Ilimsk, 4 năm liền tôi đã tá túc trong nhà bạn bè. Tôi được nuôi ăn như các bạn mình. Lúc ở nhà bạn này, lúc ở nhà bạn khác, và điều này cũng không thể nào quên. Quả thật, mọi người đã sống như một gia đình. Vào những kỳ nghỉ hè, khi về thăm quê cách đó 50 cây số, tôi có thể ghé vào bất cứ nhà nào, tôi được mời uống nước, ăn bánh. Phải chăng có thể so sánh với những gì đang diễn ra hôm nay? Tính cộng đồng, sự tương trợ lẫn nhau, lương tâm con người – tất cả đã giúp chúng tôi sống sót. Tôi đã viết về tuổi thơ của mình trong truyện ngắn “Những bài học tiếng Pháp”. Tất nhiên, có hư cấu, cô giáo trong truyện không đánh bạc với tôi, nhưng cô quả thật có gửi cho tôi những gói mỳ ống. Tôi đã sống bằng số mỳ đó. Khi bắt tay viết truyện ngắn này, chỉ riêng mỳ ống không đủ cho cốt truyện, nên tôi buộc phải hư cấu thêm. Và lúc bấy giờ cả làng sống như vậy, tôi nghĩ rằng cả nước Nga nông dân đã sống như vậy. Nhưng  sau này tất cả những cái đó đã biến đâu mất? Bây giờ bạn đi về làng quê của mình, nó vẫn nghèo như xưa, nhưng không còn sự chở che, đùm bọc của mọi người nữa. Ban đầu, khi những người đàn ông trở về, một lâm trường đã được thành lập, mọi người nhận được nhiều tiền, uống nhiều rượu vodka. Họ đối xử với nhau ngày càng tệ. Tôi đã viết về điều này trong truyện vừa “Đám cháy”. Cũng về quê hương thân thuộc, nhưng đã trở nên xa lạ biết bao! Tất cả những gì tốt đẹp đã bay đi đâu cả rồi. Tôi không nói rằng cần phải sống nghèo khổ. Mặc dù cái nghèo giúp con người gắn bó,  trong nghèo khổ  con  người dễ nương tựa vào nhau để sống sót hơn. Cái nghèo giúp con người sống trong sạch hơn. Sự giàu có thường làm hư hỏng con người.
Tôi nghĩ rằng thế hệ tôi gặp may chính vì đã trải qua những khó khăn và sự nương tựa vào nhau để sinh tồn. Mọi người đều mừng cho nhau. Theo quan điểm của tôi, người dân Nga những năm 60 của thế kỷ trước, đã sống như vậy, nhưng đến cuối thời kỳ Xôviết thì mọi thứ đã dần dần thay đổi. Ai cũng bắt đầu tìm cách sống tốt hơn. Ai cũng muốn  giành lấy mẩu bánh mì nhỉnh hơn.
Đối với tôi, một nhà văn, hạnh phúc nhất là những năm 70 của thế kỷ trước. Và đối với nhiều người khác của thế hệ tôi cũng vậy. Hiện nay, khi bắt đầu viết văn, các bạn trẻ thường đưa bản thảo của mình cho các nhà văn nổi tiếng, mà họ thì khi đọc khi không. Còn lúc bấy giờ có những seminar dành cho các nhà văn trẻ, chúng được tổ chức thường xuyên. Năm 1965, tôi đến thành phố Chita và tham gia seminar của nhà văn Vladimir Chivilikhin. Tôi cho rằng mình gặp may. Đó là một may mắn lớn. Nếu gặp một người khác, chứ không phải Chivilikhin, có thể tôi không được may mắn như vậy, nhưng dù sao cũng không thể thất bại. Các nhà văn trẻ lúc bấy giờ được đối xử khác hẳn. Chivilikhin biết rằng đã đến thời của những người trẻ tuổi,  rằng có nhiều người tài năng. Sau seminar ở Chita, năm sau một seminar như vậy dành cho các nhà văn trẻ lại được tổ chức ở Kemerovo, sau đấy thêm nữa, thêm nữa.
Từ các seminar đó chúng tôi đồng hành vào văn học: Aleksandr Vampilov, Gennady Mashkin, Viktor Likhonosov, Viktor Potanin, và tôi. Quả thật đó là một thế hệ mạnh. Và chúng tôi sống sót dễ hơn vì có người bảo vệ chúng tôi. Đến sớm hơn một chút có Vasily Belov. Vasily Shukshin xuất hiện như một cỗ xe tự hành, từ bên ngoài, khi đã là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, và ngay tức khắc trở thành nhà văn nổi tiếng. Cũng cần lưu ý rằng những người anh cả của chúng tôi như Evgeny Nosov, Viktor Astafyev, Fyodor Abramov – ngay lập tức nhận bảo lãnh chúng tôi, điều đó giúp chúng tôi dang rộng đôi cánh. Các nhà văn một thời mặc áo lính  đó đã nâng đỡ chúng tôi trong văn học. Và chúng tôi cảm nhận được tính cộng đồng của các nhà văn. Còn nhớ, khi tôi viết truyện vừa “Sống và nhớ lấy”, Viktor Petrovich Astafyev  thậm chí còn hoảng hốt, sợ tôi sẽ bị đánh. Và ông xung phong viết lời tựa cho lần “Sống và nhớ lấy” được đăng trên tạp chí “Roman-Gazeta”; nói rằng cuốn sách không có gì xấu, không hề có sự biện minh cho hành động đào ngũ, mà  ở  đây chúng ta cần nhìn vào số phận của người phụ nữ. Và quả thật, có thể nhờ được bảo vệ như vậy nên đã  không có sự phê phán, quở trách nào xảy ra. Tác phẩm ra đời một cách trót lọt, thế thôi. Còn hai năm sau, khi viết xong truyện vừa“Vĩnh biệt Matyora”, tôi mang bản thảo đến toà soạn tạp chí “Người đương thời của chúng ta” ngay lập tức lên đường  dự hội chợ sách Frankfurt, hoàn toàn yên tâm rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng khi trở về, tôi nghe nói rằng kiểm duyệt không cho đăng. Tất nhiên là rất khó chịu, nhưng tôi vẫn bình tĩnh đón nhận điều đó, và tự tin. Thế rồi, tôi biết rằng Yury Vasilyevich Bondarev khẩn trương triệu tập một cuộc họp của Ban thư ký Hội Nhà văn và gần như ra lệnh cho các uỷ viên trong hai ngày phải đọc xong cái truyện vừa vốn khá dài này để phát biểu ý kiến. Rồi ngay lúc đó, trước mặt tất cả mọi người, ông gọi điện thoại lên Ban chấp hành trung ương Đảng, và nói: “Ban thư ký Hội Nhà văn cho rằng cần phải khẩn trương đăng truyện vừa“Vĩnh biệt Matyora”, trong đó không có gì xấu”. Có thể, còn có nhiều cuộc thương lượng nữa, tôi không nhớ hết, nhưng tác phẩm đã được xuất bản kịp thời, trong số tháng 10, theo đúng kế hoạch.
Hiện nay người  ta nói: áp lực của kiểm duyệt, áp lực của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng  sản Liên Xô. Nhưng xin  hỏi: liệu các nhà văn có nhiều tác phẩm chưa công bố đang nằm trong ngăn kéo không? Và phải chăng nền văn học hiện naytrở nên mạnh mẽ hơn?  Sau khi truyện vừa “Vĩnh biệt Matyora” được công bố, vào mùa xuân, từ Irkutsk tôi được mời đến gặp đồng chí Zimyanin, bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, và bạn hãy nhìn xem các nhà lãnh đạo cao nhất lúc bấy giờ đối xử với nhà văn như thế nào, không phải như bây giờ. Zimyanin đích thân mời tôi đến Moskva, tới trụ sở Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô để giãi bày với tôi. Ở đâu đấy, tại một diễn đàn cao cấp  nào đấy, ông đã phát biểu rằng không thích truyện vừa này. Rằng ông không hài lòng với thái độ hoài nghi sự tiến bộ của tôi. Zimyanin cảm thấy áy náy vì đã phê phán sau lưng tôi, nên  quyết định trao đổi  trực tiếp với tôi. Chúng tôi trò chuyện gần một giờ đồng hồ. Và cuối cùng, ông nói rằng vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Vẫn như trước ông không thích truyện vừa của tôi, nhưng ngay lúc đó ông bổ sung: tôi sẽ không ngăn cản. Và quả thật, ông không bao giờ ngăn cản. Truyện vừa được xuất bản với tira lớn tại nhà xuất bản “Cận vệ trẻ”.
Xin nói thật, nhiều độc giả của tôi trong giới xuất bản và văn học hy vọng  tôi được tặng giải thưởng nhà nước năm 1976 với tác phẩm này, bởi truyện vừa “Sống và nhớ lấy” không hoàn toàn thích hợp với việc giới thiệu ra tranh giải. Nhưng vì lãnh đạo không hài lòng với “Vĩnh biệt Matyora”, nên người ta quyết định tặng giải thưởng nhà nước Liên Xô cho “Sống và nhớ lấy”. Bạn thấy đấy,  không cách này thì cách khác, dù sao tôi cũng đã đạt được nguyện vọng của mình.
Tôi cảm thấy, vào những năm 70 của thế kỷ trước có một bầu không khí trong lành nào đó trong văn học. Không phải mọi chuyện  hoàn toàn êm đẹp, nhưng dù sao công việc sáng tác lúc bấy giờ dễ chịu và thoải mái. Và không phải một mình tôi cảm thấy như vậy. Trong những năm đó, đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị. Lúc bấy giờ chúng tôi vui mừng cho thành công của nhau biết bao. Tôi cảm thấy rằng hiện nay các nhà văn không có được niềm vui đó, các nhà văn trẻ lại càng hay đố kỵ nhau hơn. Còn chúng tôi thực sự thán phục thành công của nhau, những Viktor Potanin, Vasily Belov, Viktor Likhonosov. Và mọi người viết thư cho nhau. Chúng tôi công khai ủng hộ  nhau. Còn chúng ta hiện nay thậm chí viết thư cho nhau cũng lười…
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.  Chẳng bao lâu bắt đầu giai đoạn trì trệ. Mà nhân dân quả là chưa được chuẩn bị tinh thần để đương đầu với điều đó. Và theo tôi, ở đây một phần có lỗi của các cấp chính quyền. Một thời gian dài, họ đã phớt lờ toàn bộ lịch sử nước Nga, bỏ quên các nhà sử học nổi tiếng của chúng ta. Còn nhớ, sau đấy chúng tôi đã gặp nhau lại tại Uỷ ban xuất bản và đề nghị tạm thời hoãn việc in sách của các nhà văn để xuất bản các công trình về lịch sử của Solovyev, Kluychevsky, Kostomarov và những người khác. Nhân dân không biết đến lịch sử hào hùng của mình. Có thể, nếu như vào những năm đó, người dân được đọc hàng triệu bản sách thì có thể họ đã khác,  đã xử sự cách khác khi đi vào cuộc cải tổ. Hiện nay chúng ta thật khó hình dung  nổi vì  sao chúng ta lại có thể lãng quên lịch sử của chính mình?
Có thể nói gì về những năm 90 của thế kỷ trước… Trong bối cảnh đất nước bị sụp đổ, ít ai tìm thấy niềm vui, và vì thế nền văn học không tiến triển. Các nhà văn chỉ viết  chính luận. Hiện nay tôi cũng đang chuẩn bị xuất bản cuốn văn chính luận của mình tại nhà xuất bản Safonov ở Sibir.
Tôi sẽ làm gì tiếp theo ư? Dù sao tôi cũng đã ngoài 70 tuổi. Thời gian không còn nhiều nữa. Nhưng tôi sẽ không im lặng. Văn chính luận, tất nhiên, tôi sẽ viết. Cố gắng viết cả văn xuôi. Mặc dù viết lách bây giờ ngày càng khó khăn hơn. Tôi tự an ủi bằng việc quan sát các nhà văn cổ điển: lấy ví dụ Turgenev – rõ ràng những tác phẩm cuối đời của ông được viết bởi một bàn tay không tự tin như hồi trẻ. Thậm chí cũng có thể nói như vậy về Lev Tolstoy. Còn Dostoyevsky thì không sống thọ. Nhưng tôi có cảm giác với Dostoyevsky điều đó có thể sẽ không xảy ra. Nhiều nhà văn mệt mỏi khi về già. Cây bút trong tay họ trở nên bất lực. Tôi không muốn đẩy sự việc tới tình trạng đó. Hễ phát hiện ra mình đuối sức là cần phải nói dứt khoát rằng: thôi đủ. Có thể viết hồi ký cho con cháu mình đọc. Nhưng dù sao tôi vẫn hy vọng mình còn viết được một cái gì đấy.
Hy vọng rằng sẽ xuất hiện những nhà văn Nga tài năng, những nhà văn nhân dân tầm cỡ Evgeny Nosov hay Vasily Shukshin. Không thể nào khác được. Và để có được điều đó  cần phải viết sao để nhân dân thừa nhận đó là nền văn học của mình, gẫn gũi đến mức không thể xa rời. Và lúc bấy giờ văn học chúng ta mới có thể lấy lại cả phẩm giá của mình lẫn sức mạnh đạo đức, và tầm ảnh hưởng đối với nhân dân.
Trần Hậu (Theo Báo Ngày mai)
Nguồn: Phong Điệp

1 comment:

  1. trong điều kiện môi trường đa dạng về văn hóa, nó đã tạo ra sự giao lưu và tính tiếp biến giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, tạo lập môi trường giao lưu giữa văn hóa giữa các nơi trên thế giới, các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới cho thấy, tạo lập một môi trường đa văn hóa không những không cản trở mà còn tạo động lực cho sự phát triển của quốc gia.

    ReplyDelete