NHỮNG TIẾNG NÓI NGẦM VÀ MỘT THÁI ĐỘ NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH CẦN ĐƯỢC TRÂN TRỌNG
Diên Vỹ
Gửi Chu Giang,
tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,
Khoa Ngữ văn Đại
học Sư phạm Hà Nội
Bài viết này bàn về “thái
độ chính trị” Nhã Thuyên thể hiện trong tập tiểu luận Những tiếng
nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Nó
phản hồi bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” của Chu
Giang đăng trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, xuất bản ngày
30 tháng 5 năm 2013. Theo quan điểm của tôi “thái độ chính trị” của Nhã Thuyên
không mâu thuẫn với một vị trí trong trường đại học chính thống của nhà nước.
Tôi là bạn đọc, không có thẩm quyền gì để quyết định giữ Nhã Thuyên ở lại hay
không, nhưng vẫn muốn góp lời. Khi một tác phẩm đã được biết tới thì người đọc
là người có trách nhiệm với nó hơn.
Tuần báo Văn nghệ TP Hồ
Chí Minh không đăng ý kiến trái chiều.
Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã yêu cầu Nhã Thuyên thôi việc. Sau đó báo
chí dòng chính chuyển sự chú ý sang luận văn thạc sỹ về nhóm Mở Miệng Nhã
Thuyên thực hiện và bảo vệ năm 2010, một văn bản chưa được công bố rộng rãi.
Như Chu Giang viết trong số tiếp theo của Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,
loạt tiểu luận của Nhã Thuyên không đáng bàn nhiều vì nó chỉ đăng trên internet,
không mang tính pháp quy như luận văn. Tôi tưởng bài viết của mình đã thành “cũ”
thì gần đây bắt gặp một bài báo lật lại Những tiếng nói ngầm với những phán xét nặng nề khiến tôi lại thấy
mình muốn lên tiếng. Khi tiếp cận một tác phẩm chúng ta cần suy xét kĩ lưỡng
từng câu chữ của nó chứ không nên căn cứ vào đề tài nghiên cứu, đối tượng
nghiên cứu hay một chuyện bên ngoài là tác giả nhận được tài trợ của một tổ
chức quốc tế để quy kết những điều xấu. Nếu như người ta muốn phê phán những tư
tưởng “sai lệch” thì tôi e rằng việc lấy Nhã Thuyên ra làm đối tượng là một
nhầm lẫn đáng tiếc. Để góp lời vào một câu chuyện chung, tôi xin gửi bài viết
của mình cho các diễn đàn, báo chí.
Hà Nội ngày 01 tháng 08 năm
2013
___________________
1. Giới thiệu
Trước cùng một văn bản
người ta có thể có những đọc hiểu rất khác nhau. Dù không đồng tình, tôi xin
ghi nhận cách Chu Giang tiếp cận chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm của
Nhã Thuyên với bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” đăng trên trang
16-17 tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, bộ mới, xuất bản ngày
30 tháng 5 năm 2013. Theo tôi hiểu, Chu Giang quan tâm đến việc đánh giá
thái độ chính trị của người viết thể hiện qua tác phẩm. Ông cho rằng Nhã Thuyên
đã lựa chọn một vị trí rõ ràng là chống đối chính quyền và phỉ báng lịch sử dân
tộc, giống như những tác phẩm, tác giả mà cô ca tụng. Một người có thái độ
chính trị như vậy theo ông không đủ tư cách để đảm nhận công tác giáo dục văn học
trong nhà trường xã hội chủ nghĩa và bài viết của ông đề gửi Khoa Văn trường
Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi Nhã Thuyên công tác. Đó là một nỗ lực bảo vệ thế hệ
trẻ, chính quyền hiện thời và lịch sử của dân tộc đã qua. Nỗ lực này không phải
là vô ích; tuy nhiên, tôi hiểu Nhã Thuyên khác với Chu Giang nên mong được trao
đổi.Tại thời điểm này cá nhân
tôi đang làm việc cho một cơ quan nhà nước, có lòng tự hào dân tộc, kính trọng
Hồ Chí Minh và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Tuy vậy tôi vẫn xin được bất đồng với
tất cả những luận điểm của Chu Giang về Nhã Thuyên. Thái độ chính trị của Nhã
Thuyên nếu đúng như Chu Giang mô tả có mâu thuẫn với nhiệm vụ giảng dạy văn học
trong nhà trường chính thống hay không, không phải là điều mà tôi quan tâm bởi
thực sự tôi thấy Nhã Thuyên không có thái độ như thế. Trong bài viết này, tôi
sẽ trình bày cách hiểu của tôi về thái độ chính trị Nhã Thuyên thể
hiện qua chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18
đến 26 tháng 10 năm 2012. Tôi cho rằng cô ấy đã thể hiện một thái độ đúng đắn
với đạo đức của một người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học. Đó là
một thái độ trung lập với các đảng phái chính trị và chế độ xã hội nhưng cam
kết theo đuổi trí tuệ và các giá trị nhân văn trong phạm vi nghiên cứu của
mình. Theo tôi đây không phải là thái độ đúng đắn duy nhất nhưng đó là
một lựa chọn cần được tôn trọng nếu như ngành nhân văn của Việt Nam muốn đem
lại những giá trị nhân văn cho đời sống. Những tiếng nói ngầm chưa tìm
được chỗ đứng trên diễn đàn văn học chính thống (Da Màu là một diễn đàn văn học
mạng phi chính thống) nhưng việc Nhã Thuyên giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học
Sư phạm Hà Nội là một dấu hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.
2. Vị trí của nhà
phê bình: trung lập với các đảng phái chính trị, chế độ xã hội và cam kết với
những giá trị nhân văn
Tôi không thấy Nhã Thuyên
lựa chọn vị trí ca tụng “những tiếng nói ngầm”. Nhã Thuyên lựa chọn tìm hiểu
“một phiến cảnh thơ ca còn chưa sáng rõ” và đã làm điều đó với sự trân trọng đối
tượng nghiên cứu của mình. Người nghiên cứu, ngay cả khi tìm hiểu kẻ thù hay
những tội nhân bị cả xã hội nguyền rủa, có lẽ cũng cần giữ cái đức ấy.
Tôi xin dẫn lại đoạn văn
trong lời ngỏ của Nhã Thuyên mà chính Chu Giang đã trích: “Tôi muốn làm nổi bật
lên qua các tiểu luận hình ảnh của một không gian văn học năng động với những
tác giả tỏ ra cam kết với lựa chọn phản biện và đổi mới văn chương, những người
dường như đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh
nghiệm chống đối, nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng
tạo một thế giới thay thế.”
Khi đọc đoạn văn bản này
tôi để ý đến việc Nhã Thuyên dùng hai từ “tỏ ra” và “dường như” để bày ra một
thái độ cẩn trọng. Còn không gian văn học đó có “năng động” hay không thì tùy quan
niệm của từng người. Tôi đồng tình với cách dùng từ “năng động” của tác giả và
không cho rằng tính từ ấy có nghĩa ngợi ca. Những sáng tác và ấn phẩm phi chính
thống đang có đời sống của chúng. Dòng văn học phản kháng tồn tại trong bất cứ
một chế độ xã hội nào chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của Việt Nam.
Đoạn văn vừa trích dẫn chỉ
thể hiện đối tượng nghiên cứu của tác phẩm còn vị trí của người nghiên cứu được
Nhã Thuyên trình bày ở một đoạn văn khác trong lời ngỏ: “Tôi đang ở giữa cái bên
lề và trung tâm, ở giữa hiện tại và quá khứ, ở giữa những đứt gãy và kết nối,
giữa những phân lập và sự nhập nhằng, giữa sự sáng tỏ và rối loạn, giữa sự đi
lên và thoái hóa, tôi đang đứng chênh vênh để nhìn ra bên ngoài và nhìn vào bên
trong, vừa như kẻ ngoại cuộc vừa như người trong cuộc, nhưng là lựa chọn không
đứng về phía sự trấn áp.”
Vị trí Nhã Thuyên lựa chọn
là sự chênh vênh ở giữa. Chu Giang trích dẫn lại rằng Nhã Thuyên lựa chọn
“không đứng về phía trấn áp” và tự ngầm hiểu phía trấn áp là phía chính quyền. Thật
ra bất cứ một cá nhân nào cũng có thể trấn áp những người khác. Theo tôi hiểu,
“không đứng về phía trấn áp” có nghĩa là nhà phê bình không tìm hiểu dòng văn
học phản kháng với sẵn mong muốn trấn áp nó.
Nhã Thuyên không viết phê
bình với sự khách quan lạnh lùng của khoa học. Cô ấy chọn một đường hướng
nghiên cứu nhân văn cam kết với sự trân trọng giá trị văn chương của “những
hiện diện vắng mặt”. Sự trung lập mà tôi muốn nói ở đây là sự trung lập với các
tham vọng chính trị nhằm xây dựng hay lật đổ một chính quyền. Nhã Thuyên đã rất
kỹ tính khi không tự mình dùng một từ ngữ nào thể hiện định kiến với chính
quyền và lịch sử dân tộc. Không biết nhầm lẫn của Chu Giang đã diễn ra như thế
nào nhưng toàn bộ những từ ngữ thể hiện định kiến với chính quyền và lịch
sử dân tộc là của các tác giả và tác phẩm mà Nhã Thuyên nghiên cứu hoặc chúng
mô tả một vấn đề là đối tượng quan tâm của các tác giả và tác phẩm đó. Tôi đã
cất công tìm xem cụm từ “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Chu
Giang trích dẫn được Nhã Thuyên sử dụng trong trường hợp nào và tìm thấy nó
trong một câu viết tại đó nó được nhắc tới như một vấn đề mà các nhà thơ phản kháng
quan tâm. Trong khi các nhà thơ phản kháng bày tỏ thái độ chống đối chế độ thì
Nhã Thuyên không chọn vị trí đó. Người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng tại
sao Nhã Thuyên lại hứng thú với không gian văn học phản kháng nếu như cô ấy
không muốn trấn áp hay tuyên truyền những luận điểm chống chính quyền. Tôi
không biết rõ câu trả lời, và cũng không cần phải biết, nhưng nếu thử suy đoán,
ta có thể thấy những lý do rất con người. Sự cấm kỵ một số đề tài nghiên cứu
trong nhà trường có thể đã khơi gợi trí tò mò của nhà nghiên cứu. Cũng có thể
cô ấy giàu lòng trắc ẩn với các thân phận bên lề. Hoặc thơ ca phản kháng
có những giá trị văn chương thực sự cuốn hút.
3. Vấn đề nghiên
cứu của Những tiếng nói ngầm: Mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị
Tôi đã dành nhiều công sức
để đọc các tiểu luận của Nhã Thuyên và thấy rằng nhà phê bình này xác định công
việc của mình là đi tìm giá trị văn chương của những tiếng nói chống đối chứ
không phải là phán xét thái độ chính trị của những tiếng nói ấy. Dòng văn
học ngầm thường hấp dẫn người đọc bởi thái độ chính trị của nó, và Nhã Thuyên
muốn hướng sự quan tâm của mình và bạn đọc sang một vấn đề khác: tính văn học
nghệ thuật của những sáng tác có đặc trưng chính trị đó. Có thể nói văn học
nghệ thuật không tách khỏi chính trị, nhưng chúng cũng không trùng khớp hoàn
toàn nên tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị là một lao động trí tuệ
có ý nghĩa. Với tôi, cách đặt vấn đề của nhà phê bình không hề gượng ép, nó hợp
với những băn khoăn của tôi. Tôi không sẵn một tâm thế ngợi ca dòng văn học
phản kháng. Tôi đã gặp những tác phẩm mà nếu không phải là bàn chuyện chính trị
thì chẳng đáng chú ý vì chúng không có gì thú vị về ý tưởng hay ngôn từ. Ở một
chiều khác, tôi nghĩ rằng không tìm hiểu giá trị văn chương của dòng văn học
này thì không công bằng, với bản thân mình và nhất là với văn chương.
Chu Giang có thể không thừa
nhận những giá trị văn chương của các tác phẩm và tác giả như Nhã Thuyên nêu
ra, nhưng Nhã Thuyên không hề ca ngợi lập trường chống chế độ và phỉ báng lịch
sử. Nhã Thuyên chỉ nhận định rằng trong lịch sử văn học Việt Nam thì dòng văn
học phản kháng mà cô nghiên cứu đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa nhà
thơ và thể chế, trình diễn những quan niệm mới về thi ca, và để lại một vài bài
thơ làm cô xúc động. Nhã Thuyên xúc động trước Nguyễn Quốc Chánh chắc chắn
không phải là vì cô có chung quan điểm chống chế độ và phỉ báng lịch sử mà vì
ông là một con người có những nỗi đau, những tìm tòi và những câu thơ đẹp. Cô
viết: “Đến giờ, tôi vẫn xúc động khi lần giở những trang sách cũ, lần giở những
trang mạng để đọc ông, không phải một biểu tượng của chịu đựng và phản kháng,
mà như một thi sĩ, kẻ luôn tìm cách vượt qua những giới hạn của cá nhân mình để
tra vấn những tiềm năng thơ ca mới, những không gian mới cho thơ.” Chu Giang
phê phán tư tưởng của Nguyễn Quốc Chánh, tuy nhiên điều này lại không hề liên
quan tới Nhã Thuyên bởi cô không quan tâm tới việc phán xét thái độ chính
trị của các tác giả đúng hay là sai, lợi hay hại cho sự phát triển kinh tế,
chính trị, xã hội của đất nước. Nhã Thuyên không thể trả lời câu hỏi nghiên cứu
của Chu Giang vì đây không phải là công trình cộng tác giữa Nhã Thuyên và Chu
Giang. Chu Giang sẽ cần tự viết riêng một tập tiểu luận khác để phát triển cách
nhìn của mình. Những tiếng nói ngầm là sự xử lý hai câu hỏi nghiên cứu
chính:
- Mối quan hệ giữa nhà thơ về thể chế được gợi ra như thế nào từ những tiếng nói ngầm?
- Đâu là những đóng góp mang
tính thi ca của những tiếng nói ngầm?
Theo tôi đó là những câu hỏi nghiên cứu có chất lượng – nghĩa là chúng đáng để hỏi và có thể trả lời.
Khi một nhà phê bình tìm
kiếm giá trị văn chương của dòng văn học ngầm thì chưa chắc ấy đã là một sự
thiên vị bởi càng khát khao nhìn thấy cái hay cái đẹp thì người ta lại càng
phải chất vấn những gì mình gặp. Nhã Thuyên chất vấn những tiếng nói ngầm
một cách quyết liệt, nhưng không phải là chất vấn về tính đúng sai của quan điểm
chính trị. Như tôi đã trình bày ở trên, đó không phải là câu hỏi nghiên cứu Nhã
Thuyên đặt ra. Cô chất vấn tính thi ca và diễn đạt những chất vấn của mình với
một thứ ngôn ngữ tôn trọng mọi người. Những người chờ đợi một thứ ngôn ngữ nhạo
báng dòng văn học chống đối có thể thất vọng, nhưng những người có một số khúc
mắc về giá trị văn chương của dòng văn học này có thể tìm thấy những sẻ chia.
Nhã Thuyên không chỉ trình bày về các đóng góp của những tiếng nói ngầm mà còn
chỉ ra những nguy cơ mà thơ ca phản kháng chế độ có thể rơi vào. Từ những phần
viết của Nhã Thuyên tôi nhìn thấy ba nguy cơ chính. Một là phản kháng chế độ có
thể bị biến thành một yếu tố câu khách. Nó thỏa mãn sự hiếu kỳ của người đời
hoặc có thể tận dụng cho các mưu đồ chính trị. Hai là thơ ca phản kháng có thể
không có giá trị thơ ca mà chỉ giống như việc người ta chống đối hoặc ủng hộ
chế bộ bằng các hành vi khác. Ba là thơ ca phản kháng có khi cũng chỉ là sản
phẩm nô lệ mà thôi. Cô viết: “Có điều, tự do là bất khả nếu chúng ta chỉ là sản
phẩm nô lệ, dù ngợi ca hay chống đối…” Ở tiểu luận “Thơ ca của sự phủ định
và sự phủ định thơ ca”, Nhã Thuyên gợi ra rằng tính chính trị của thơ ca không
thể chỉ hiểu đơn giản là sự quan tâm tới việc chống đối hoặc ủng hộ chế độ. Thơ
phản kháng cũng chẳng khác vì những văn bản tuyên truyền mà chính nó ghét bỏ
nếu như nó không đạt tới tính chính trị của thơ ca- sự khơi dậy những điều mới
mẻ.
Tóm lại, với cách đọc hiểu
của tôi, tác phẩm Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên về cơ bản là một
nghiên cứu mang tính chất vấn chứ không phải là một trình hiện những luận điểm
ca tụng. Nếu có cái gì đó khiến người ta có thể nhầm lẫn với sự tán dương thì
ấy là sự trân trọng tác giả dành cho đối tượng nghiên cứu, sự tìm tòi và nâng
niu những giá trị nhân văn.
4. Lời kết
Tác phẩm phê bình của Nhã
Thuyên “có vấn đề” có lẽ chủ yếu là vì nó tìm hiểu một chủ đề bị cho là cấm kỵ.
Cô nghiên cứu một mảng thơ ca viết bởi những người chống lại các định chế xã
hội, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cô ra sức ủng hộ sự chống chế độ
và giải thiêng lịch sử. Lẽ dĩ nhiên người ta có thể lý luận rằng những xúc động
của Nhã Thuyên trước dòng văn học ngầm có thể xui khiến người đọc có cảm tình
với dòng văn học này và từ đó họ có thể bị tiêm nhiễm những quan điểm, ngôn ngữ
độc hại nào đó. Cứ cho là có khả năng như vậy đi thì tôi nghĩ rằng khả năng đó
là quá nhỏ. Văn chương của Nhã Thuyên không phải là thứ dễ đọc. Người đọc của
cô là những người có học và tự chủ về lập trường chính trị.
Chu Giang và Nhã Thuyên là
những người phê bình ở những thế hệ cách nhau khá xa. Trong đời sống chính trị
của cả nước, có những chủ đề cấm kỵ thời xưa nay đã được đem ra thảo luận công
khai trước Quốc hội, ví dụ như luật hôn nhân đồng tính và đề xuất đổi tên đất
nước. Có cần coi dòng văn học phản kháng là một đề tài cấm kỵ nữa không? Về bản
chất, dòng văn học này khác với các vấn đề xã hội nêu trên ở chỗ nó công khai
chống lại chính quyền hiện thời. Tôi không cho rằng các diễn đàn chính thống
của nhà nước cần ủng hộ dòng văn học này bằng cách xuất bản những tác phẩm của
nó hay đem vào nội dung giảng dạy của nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi cũng
không cho rằng cần phải cản trở và loại trừ những nỗ lực tìm hiểu dòng văn học
phản kháng hay quy định sẵn rằng bất cứ nghiên cứu nào về dòng văn học này cũng
phải nói xấu nó. Chúng ta có thể cần quan tâm tới thái độ chính trị của một
người để xét duyệt một vị trí trong nhà trường chính thống, thì ngay cả khi ấy
thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện ở Những tiếng nói ngầm là một
thái độ mang tính xây dựng nên được hệ thống trân trọng. Việc cô có một vị trí
ở Khoa Văn trường Đại học Sư phạm đem lại môt hình ảnh tốt đẹp về một chính
quyền tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận. Đấy chẳng phải là một thành tựu
hay sao?
© 2013 Diên Vỹ & pro&contra
No comments:
Post a Comment