.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, August 7, 2013

TIA SÁNG – ĐOÀN ÁNH DƯƠNG: THẾ HỆ, Ý HỆ VÀ VẤN ĐỀ THỰC HÀNH PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Hiện nay, đời sống văn học ghi nhận sự hiện diện của một thế hệ phê bình mới, thường được gọi là “phê bình trẻ”, bao gộp các nhà phê bình sinh vào những năm trước và sau 1975, trưởng thành trong không khí của thời đổi mới và hội nhập, tham gia vào đời sống văn chương chủ yếu từ những năm đầu quá trình toàn cầu hóa của Việt Nam từ những năm đầu thiên niên kỷ mới.
Các nhà phê bình trẻ khác với thế hệ đi trước đang cùng tham gia vào đời sống văn học đầu tiên ở thực tại đất nước trong giai đoạn trưởng thành tính cách: họ không bị/được trải nghiệm chiến tranh, kinh nghiệm quá khứ như một gia tài luôn bị cật vấn bởi sự bác tạp ngày một nhiều hơn của các thông tin ngoài căn bản học đường, giao lưu văn hóa quốc tế rộng mở và nhất là internet dù chưa khiến họ trở thành “công dân thế giới” nhưng đã đưa họ tham dự vào không gian khu vực và quốc tế. Sự khác biệt trong kinh nghiệm đời sống và thẩm mỹ, theo đó, làm thành sự khác biệt trong ý thức của họ về văn chương và cuộc đời. Đối mặt với thực tại phân hóa, họ kiến tạo bản sắc của mình, và chính bản sắc được kiến tạo này sau đó quay lại đòi giải mã thực tại phân hóa làm sản sinh ra nó. Văn chương trở thành câu chuyện cho các tái khám phá của họ. Phê bình theo đó, không là mặt trận, không định hướng, không phán xét, mà là hành vi đồng sáng tạo. Cũng theo đó, phê bình không là một công cụ, một thiên chức, một nghề nghiệp, mà là một phương thức tham dự vào cuộc đời. Như là sản phẩm của một hoàn cảnh văn hóa mới, nên không phải ngẫu nhiên mà nghiên cứu văn học từ văn hóa đã trở thành một lựa chọn của họ, tác động trực tiếp đến các thực hành phê bình, làm thành biểu hiện khác biệt rõ rệt nhất trong tương quan với phê bình của các thế hệ trước.
Những thay đổi trong thực hành phê bình thể hiện một ý hướng, quan niệm, thao tác khác hẳn trước, nảy sinh từ sự phản tư truyền thống phê bình của phê bình trẻ. Dù chính ở chỗ này, và gần như là điều duy nhất, phê bình trẻ tập truyền thế hệ đi trước, dẫu là một học tập để vượt qua. Phổ biến lý luận phương Tây và ứng dụng trong phê bình, thành tựu lớn nhất của phê bình thời đổi mới, trở thành một bước đi cần thiết nhưng nhanh chóng trở nên xơ cứng bởi tính chất minh chứng cho mô hình hoặc cắt xén thực tại cho phù hợp với mô hình được vận dụng ấy. Tính chất xơ cứng của mô hình “lý luận và ứng dụng” khuyến dụng những phê bình trường hợp mang tính điển hình hóa đã triệt tiêu những phê bình trường hợp mang tính đại diện, nơi ghi nhận dấu ấn tương thích hoặc khả năng phê phán mô hình bởi tính địa phương dị biệt của đối tượng nghiên cứu như một bổ khuyết cho lý thuyết, tạo nên tính năng sản của nó. Chính từ đây, sự tiếp biến các lý thuyết phê bình văn học mới và việc lựa chọn các đối tượng nghiên cứu mới làm thành sự khác biệt của phê bình trẻ, nguyên nhân của các bất đồng ngôn ngữ phê bình khi một bộ phận của thế hệ phê bình đi trước mang quan điểm gia trưởng để phán xét nó.
Những phản ứng gần đây của một số nhà phê bình về việc du nhập các lý thuyết mới, như những lý thuyết phi marxist, những lý thuyết đương đại phản tư nhất thể hóa và hợp thức hóa quyền lực và tri thức, những lý thuyết khẳng định vị thế và sự can thiệp của trí thức đối với xã hội và quốc gia - dân tộc,… đặt ra một số vấn đề ý hệ đáng chú ý. Tại sao chủ yếu những tiếng nói lên án lại xuất phát từ thế hệ phê bình không trẻ? Tại sao một số vấn đề mang tính toàn cầu lại được cho là không xuất hiện ở Việt Nam? Tại sao lại từ chối một số lý thuyết như là một thành tựu của tư duy loài người, giúp loài người hiểu sâu sắc hơn thực tại và chính bản thân?... Có một thực tế là, có một bộ phận không nhỏ các nhà phê bình đã không tư duy cùng với sự phát triển. Quan điểm gia trưởng khiến họ áp đặt cái nhìn của bản thân cho các thực hành phê bình khác, từ khuyên nhủ, đến từ chối, thậm chí phủ nhận, lên án và quy chụp. Vẫn biết, thiết chế luôn lựa chọn tri thức hợp thức cho nó, nhưng không vì thế mà được áp đặt và/hoặc triệt tiêu các tri thức khác.

Như một hệ quả của việc thực hành phê bình từ các điểm nhìn mới, đối tượng của phê bình cũng trở nên đa dạng hơn. Ở đây phê bình trẻ tiếp tục mắc vào vấn nạn của các lên án về lựa chọn đối tượng. Tại sao lại có việc khoanh vùng đối tượng? Tại sao đối tượng này xứng đáng phê bình hơn đối tượng kia? Ngay ở nhận thức này, phê bình cũng mang tính gia trưởng, ở sự áp đặt và sự tự cao tự đại của nó. Phê bình luôn là cuộc thăm dò cái lý của sự tồn tại chứ không phải chỉ ra cái tồn tại hợp lý. Bởi nó không thể xác quyết câu trả lời hợp lý với ai, ai có quyền quyết định tồn tại ấy là hợp lý, cho ai và vì ai?

Một nền phê bình lành mạnh là một nền phê bình thúc đẩy sự phát triển của tư duy văn học. Muốn thúc đẩy được tư duy, ngoài việc theo đuổi sự vận động của mỹ học, nhà phê bình ở mỗi thế hệ đều phải cố gắng tạo lập một ngôn ngữ chung, bởi ngôn ngữ nào thì tư duy ấy, tư duy nào thì soi chiếu ý hệ ấy. Bất đồng ngôn ngữ thì không thể đối thoại, biết ngôn ngữ khác mà cố ý lờ đi thì đối thoại bất thành, hoặc chỉ có áp đặt mà không có đối thoại. Một nền phê bình không có đối thoại là một nền phê bình bảo thủ. Một nền phê bình không chấp nhận những tiếng nói khác, những suy tư và thực hành phê bình khác là một nền phê bình độc đoán. Tất cả cho thấy quan điểm gia trưởng trong phê bình, ở cả góc độ tư duy lẫn đời sống, báo hiệu cho nhiều sự xói mòn khác nữa, của công lý, luân lý và đạo đức. Một đất nước có thể không cần trau dồi văn học, như nền cộng hòa lý tưởng của Plato, nhưng không thể không cần xiển dương công lý, luân lý và đạo đức. Không tưởng thưởng công lý, luân lý và đạo đức, phê bình văn học sẽ hủy hoại vị thế và tương lai của nó.
ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Nguồn: Tia sáng

No comments:

Post a Comment