.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, August 6, 2013

TRẦN VŨ MINH: KHÓC CƯỜI CHUYỆN SÍNH LÀM THƠ

        Những năm gần đây, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, điều kiện vật chất ngày càng được nâng cao, yếu tố tinh thần cũng được chú trọng và phát triển đa dạng hơn. Thơ là một trong những giá trị tinh thần làm đẹp cho cuộc sống, là nơi người ta tìm về sau những mỏi mệt chộn rộn của đời thường. Tuy nhiên, làm thơ để giải toả tinh thần,  để lúc vui buồn ngâm cho nhau nghe, cho tâm hồn thăng hoa thì rất đáng khuyến khích, bởi đây là nét đẹp, là truyền thống văn hóa quý báu đã có tự ngàn xưa của người Việt Nam. Nhưng sính thơ đến mức háo danh, làm “mồi ” cho các “đầu nậu” thơ thì lại khác. Đáng tiếc là hiện tượng này ngày càng xuất hiện nhiều trong “làng thơ ” hôm nay.
Giấc mơ thơ bay
       Một anh bạn tôi, sau khi được bạn bè tặng đến non…chục tập thơ trong vòng một tháng, đã dở khóc dở mếu nói đùa: “Đây đúng là thời HOÀNG KIM của thơ anh ạ. Bây giờ người người làm thơ, nhà nhà in thơ”. Nhiều người từ trước đến giờ chưa có nổi một vần thơ cho ra hồn, thế mà giờ in hẳn một tập rất hoành tráng. Thậm chí có người chỉ 5 năm mà đã cho ra tới 8 tập thơ, thật là kỷ lục của một VĐV chạy Maratông! Nếu chỉ in 300 cuốn mỗi tập, chi phí khoảng 2O ngàn một cuốn thì với 8 tập thơ, “ nhà thơ ” này mất khoảng 48 triệu đồng. Chỉ khổ cho vợ con anh phải “ Kéo cày trả nợ ” vì cơn sính thơ của chồng và bạn bè anh cũng phải chịu  cái nạn “ Bom thơ ”.
       Nắm bắt được cơn “ khát ” của một số người muốn có “ tiếng thơm” bằng thơ, các đầu nậu đã nhanh nhậy bắt lấy thời cơ, lao ngay vào cuộc. Họ lo từ việc chạy giấy phép của NXB đến in ấn và biên tập. Nếu bạn được đăng từ 5 đến 10 bài thơ và được gởi một tập thơ thì xin mời bạn đóng cho người chủ biên từ 250 đến 450 ngàn đồng. Tôi đã tìm hiểu thông tin từ phía các nhà xuất bản và được biết, để được cấp giấy phép in một tập thơ thì chỉ cần 2 đến 3 triệu đồng. Yêu cầu của NXB cũng khá thoáng là  không vi phạm chính trị, còn nghệ thuật thì không quan trọng. Có tác giả mua đến cả chục cuốn, tốn ba bốn  triệu đem tặng bạn bè thân hữu. Cũng giống anh bạn tôi, tôi cũng được tặng cả chục tập thơ kiểu này. Tôi cũng có một anh bạn tuổi đã gần sáu mươi, mấy chục năm quen nhau,  chưa bao giờ thấy anh cầm bút làm thơ. Rồi một hôm anh hồ hởi đến khoe: “Mình vừa được đăng ở tuyển tập “NHỮNG TÁC GIẢ THƠ  ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM” 10 bài thơ. Tôi cứ ngỡ mình nghe lầm, sao anh bạn mình “ Tinh anh phát tiết ” nhanh đến vậy?... Cầm tập thơ trên tay, tôi hoa cả mắt vì nó lộng lẫy quá: Bìa cứng, giấy tốt, in mầu rất đẹp, giá 450 ngàn, được một NXB có tên tuổi cấp giấy phép. (Chủ biên là một “ Nữ sỹ”, thường trú ở TP: HCM). Ảnh tác giả được in rất trang trọng với đầy đủ tiểu sử, sự nghiệp văn chương vv và vv. Tôi biết anh chưa có một bài thơ nào được đăng dù chỉ ở bản tin của phòng văn hoá thông tin huyện, thế mà lời giới thiệu về anh rất hoành tráng, cứ tưởng đây là một nhà thơ lớn nào đó chứ không phải là anh bạn giáo viên cấp một của tôi: …“Anh làm thơ như trải lòng mình, chắt lọc những ngôn từ dâng đời” và: “Đã có nhiều bài thơ đăng trong các tuyển tập cả nước…”. Anh lại đưa cho tôi xem một số tập thơ đã xuất bản từ trước, tôi toát mồ hôi khi thấy các “nhà thơ ” kiểu như anh bạn tôi nghiễm nhiên ngồi “cùng chiếu ” với các nhà thơ đã thành danh. Nếu đem thơ của các “nhà thơ ” này gửi đi, tôi tin rằng không có một tờ báo hay tạp chí nào dám đăng. Đọc mấy trăm bài thơ mà không có một bài nào hoàn chỉnh, (xin được trừ ra các nhà thơ đã thành danh) vì ở đây, kỹ thuật viết quá non nớt, ngôn từ khập khễnh, cấu tứ rời rạc thiếu chặt chẽ, ý thơ loãng và thừa, hình ảnh trong thơ nghèo nàn, dẫm lên một lối mòn và những ngôn từ gãy vụn. Tôi có cảm giác như các “ nhà thơ ” này nghĩ sao viết vậy, thấy từ nào hay hay, thinh thích là họ bê luôn vào thơ. Hình như họ cũng chưa hiểu hết nghĩa của những ngôn từ ấy có phục vụ cho chủ đề hay không, xin được đơn cử vàì  đoạn:
                                   “ Xuân đến, xuân đi, xuân trở lại
                                     Ta chẳng mong sao xuân tới hoài
                              …   Đất khách hững hờ: “ Chờ tết hả?”
                                     Quê người ngán ngẩm: “ Đón xuân ai?”…
                                                        TT- Thơ đương đại Việt Nam.

       Và:                     “ Nhớ về Mẫu Mẹ Âu Cơ
                                      Sinh ra trăm trứng sử giờ còn ghi
                                      Xa xôi rừng núi kể gì
                                      Năm mươi con khỏe ra đi theo bà”…
                                                       HK – Thơ đương đại Việt Nam.
        Rồi:
                                   “ Hồ Hoàn Kiếm ở Việt Nam
                                      Tháp rùa soi bóng hào quang ngày ngày
                                      Quanh hồ liễu rủ phượng bay
                                      Rêu phong phô gấm dạn dày nắng mưa”…vv…
                                                           ĐTN -  Thơ đương đại Việt Nam
        Đây mà là thơ ư?... Nhưng gần đây các NXB đã cấp giấy phép cho không ít những tập thơ như thế ra đời từ Nam chí Bắc. Nghề ăn nên làm ra, nên hiện nay xuất hiện khá nhiều những đầu nậu kiểu này. Ở Lâm Đồng cũng có một “ Nữ sỹ ”, chị cũng là một đầu nậu thơ có cỡ, bút danh là Dòng Sông TTD. Chị có một bài thơ tự nói về thơ mình, đọc xong tôi nổi da gà: “Sáu mươi bài thơ là sáu mươi bông hoa hồng rực rỡ ”... Lần theo địa chỉ được ghi trên một tập thơ, tôi gọi điện thoại cho một chủ biên ở TP: HCM. Nghe nói tôi có ý định gửi đăng mấy bài thơ, chị mừng rỡ: “Tiền bạc bao nhiêu rồi cũng hết, đăng thơ là để lại một cái gì đó cho đời, cho con cháu mai sau”! Tôi đọc qua điện thoại cho chị nghe một bài thơ tôi mới viết, (xin được nói, tôi chỉ là lều thơ tỉnh lẻ), thế mà chị khen nào là sâu lắng, ngôn từ mới lạ, đầy tính sáng tạo, âm hưởng dạt dào đầy cảm xúc, có thể thành nhà thơ lớn ”... Nực cười! Bài thơ tôi viết và sửa cả tuần thì người đọc cũng phải nghiền ngẫm mới có thể hiểu được ý tác giả,  thế mà chỉ nghe qua, chị đã thấy hay như thế thì đích thị chị là nhà bình thơ “bậc thầy” và tôi cũng sắp thành “nhà thơ vĩ đại” đến nơi rồi! Tôi lại gọi cho một chủ biên đã có thư mời tôi đăng thơ, ở hộp thư số I bưu điện Bảy Hiền, quận Tân Bình - TP: HCM. Tôi hỏi: “Anh làm công việc biên tập thơ ở tạp chí nào?”, thì được anh ta cho biết: “Tôi là thành viên CLB thơ ca phường… quận Bình Thạnh”. Trời hỡi, một “nhà thơ ” phường xã cũng có thể biên tập thơ để xuất bản được chăng ? ??...
        Gần đây các đầu nậu rất hay tự “ tôn vinh” mình là “ nhà thơ ” và cũng hào phóng ban cho những người có thơ gửi cho họ đăng là “ nhà thơ”. Nếu ai đó không tin thì xin cứ gọi điện thoại cho “nhà thơ ”Trần Thế Ph…chủ biên của tập “ Dấu xưa”-  NXB Thanh niên 2010. Cả tỉnh Bình Thuận chỉ có bốn nhà văn, nhà thơ VN, trong gần 200 hội viên  HVHNTBT, thế mà ông Ph đã “ phong ” tới… tám người ở huyện Hàm Tân – Bình Thuận là “ nhà thơ ”, thật là hết chỗ nói.   
       Sự thiếu và thừa ngôn từ trong các thi tập kiểu này khá phổ biến, vì vậy khó có bài thơ nào hay. Sự rung cảm trước hiện thực cuộc sống thì người làm thơ nào cũng có. Cái quan trọng là từ những rung cảm đó, người viết phải làm sao cho thành được thơ thì còn phụ thuộc vào năng khiếu, vốn sống, vốn ngôn từ và quy trình “ lao động thơ ” của người làm thơ. Gía trị của thơ ẩn chứa trong sự hồn nhiên của chữ nghĩa, giầu hình tượng và có tính khái quát cao, chuyển tải được ý tưởng. Có như thế, ý thơ mới “lấp lánh đằng sau ngôn từ ” và có như thế, thơ mới thực sự là thơ.
Làm thơ trên đường
      Làm thơ là khám phá và đọc thơ cũng là khám phá. Người ta chỉ khám phá cái mới, cái hay, cái chưa biết tức là khám phá cái đẹp, bởi thơ là “ Ngọc đã được mài, vàng đã được tinh luyện và nước nho đã được cất thành rượu”. Chứ cái vừa quen vừa lởm khởm thì khám phá làm gì cho mệt. Ở các tập thơ này, ta thật khó phân biệt được đâu là thơ, đâu là ca dao và đâu là văn vần, bởi phần lớn các “ Nhà thơ” này chưa hiểu được ở mỗi loại đều có nét riêng, phong cách riêng, nên ở đây dường như đã được họ trộn lẫn tất cả. Ngoài ra còn có các “ Nghệ sỹ ” ( tự xưng ) ở TPHCM liên tục gọi điện mời tôi làm một CD về thơ, giá cũng rất “mềm ” - chỉ từ mot trieu đến trieu ruoi một bài. Thử làm một phép tính với giá cả tôi đã kể trên, trừ các chi phí cho giấy phép xuất bản và in ấn, sẽ thấy được ở mỗi tập thơ, CD thơ, hoặc một dạng ấn phẩm nào đó mà các đầu nậu  “sáng tạo” ra, thì có thể thấy họ đã thu lợi như thế nào trong các “thi vụ”.
      Thật tiếc, các “chủ biên” và nhà xuất bản không biết do vô tình hay hữu ý đang khơi dậy một tâm lý “sính thơ ” thay vì yêu thơ, khiến cho việc làm thơ và in thơ trở thành một cái mốt, một mối quan hệ sòng phẳng mà ở đó các bên cùng có lợi: Bên có nhu cầu thì thỏa mãn vì tưởng như mình đang được “nở mày nở mặt ” với đời. Đầu nậu thì hốt tiền, NXB cũng tăng thêm thu nhập. Cũng không biết có phải vì lợi nhuận hay vô cảm mà họ đã mặc nhiên quên đi những giá trị đích thực của thơ, họ đã và đang làm cho những người yêu thơ quay lưng lại với thơ, bởi ở đây, thơ đang có sự đánh đồng “Vàng thau lẫn lộn ” khiến thơ của các nhà thơ đích thực cùng chịu chung số phận với thơ “ làng xã ”. Để rồi các bài thơ, các tập thơ hay cũng bị rơi vào quên lãng. Cơ chế thị trường chăng? Thật đáng buồn!  Tôi đã chạnh lòng khi nhớ lại hai câu kết trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, một kiệt tác vĩ đại là thế mà Người đã khiêm tốn biết nhường nào:
                                  “ Lời quê chắp nhặt dông dài
                          Mua vui cũng được một vài trống canh.”
      Làm thơ không phải là nghĩa vụ, vì thế nếu chưa có nhu cầu viết hoặc chưa viết được thì “ Các nhà thơ ” ơi xin hãy làm độc giả, và các NXB ơi xin hãy vì cái hay, cái đẹp của thơ mà “ Gạn đục khơi trong ” . Bớt đi những câu thơ nhàm chán thì cuộc sống sẽ thanh cao và đẹp hơn rất nhiều.
TRẦN VŨ MINH

1 comment:

  1. Rất hay, cám ơn đã share. Mình có 1 trang
    Nhạc hay với nhiều bài nhạc việt đang hot hiện nay nè. Mọi người nghe thử nha !

    ReplyDelete