.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, June 21, 2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC BÀN VỀ TƯỚNG MẠO NHÀ VĂN: ĐẦU, TRÁN, MẮT, MŨI, MỒM, CHÂN…

Người Việt có câu “Khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra tay chân”, chắc khó mà tìm thấy một cách nói nào xác đáng rành mạch quyết đoán hơn. Người Việt cũng có câu “Làm quan có dạng, làm dáng có hình”. Cũng là cách xác định từ hình thức đến nội dung tâm hồn của người ta. Làm dáng phải có hình thể như chân dài, vòng eo. Còn làm quan tức là phẩm chất của tâm hồn bên trong rồi.

Trong bài mới đây về “Thiên bẩm”, tôi có nói sẽ bàn kỹ hơn về việc này. Tại sao? Vì có quá nhiều người viết văn làm thơ tin cậy cũng như lấy thiên bẩm ra để bảo kê cho chữ nghĩa của mình. Nhưng thiên bẩm là cái gì cơ chứ? Tất nhiên theo cách nói của họ, nghĩa là của “trời cho” không dễ minh định. Nhưng phàm là cái gì khoa học, thì người ta đều có thể phân tích, thống kê, tìm hiểu, vạch vòi. Con người sống theo thiên bẩm ú ớ, mông lung chỉ là thứ thụ động yếu hèn. Nói có nhiều thiên bẩm ư, vậy tại sao người ta phải chen ngang tìm nhóm lợi ích, ghế, rồi giải thưởng là sức mạnh con dấu xã hội? Để soi ngọn đèn vào trong xó tối ẩn nấp của thứ biện hộ bản năng hôm nay tôi xin bàn khá rốt ráo vào tài sản của thiên bẩm. Nhà tình báo Mỹ Ai-len Đalét nói “Bí mật là nguồn gốc của tội lỗi”. Những gì ú ớ, ù xọe, quanh co, những thứ chỉ là văn học tép riu bé và vừa được bao bọc trong tinh thần tối tăm chỉ là thứ tranh tối tranh sáng xẩm sờ muốn lờ đờ vơ giải.
Đây không phải là kiểu tướng học, mà là nó bao gồm cả văn hóa học, khoa học và thực tiễn. Trước hết chúng ta buộc phải chắc chắn với nhau rằng: Không thể có thiên bẩm về tư tưởng. Đặc biệt ở Việt Nam, trong văn chương cũng như các ngành khác dường như còn vắng bóng tuyệt đối nhân vật của tư tưởng. Vì thế chỉ có thiên bẩm nằm trên ngũ giác mà thôi, đó cũng là thiên bẩm nằm trên thân xác.
1-     Đầu
Có một số trường điểm ở Trung Quốc lâu nay chỉ chọn trẻ em có đầu hình tròn để vào trường. Bởi vì đầu tròn có tỉ lệ thông minh nhiều hơn bởi lẽ đầu tròn cũng là thứ hộp sọ đựng được nhiều óc nhất. Trong tướng mạo người ta rất kỵ tướng đầu bé như quả soài. Có câu “tai to mặt lớn” – tướng oai phong làm lớn, thì tất yếu nó phải ở trên một chiếc đầu tròn. Cũng có câu “tai dơi mặt chuột” – tức dạng hèn hạ, thì nó buộc phải thuộc về cái đầu quả muỗm, quả soài.
2-     Trán
Là màn hình hiện ra ngoài của não. Nó càng to càng rộng thì có nghĩa các “linh kiện” bên trong phải tương xứng với độ hoành tráng của nó. Nếp nhăn trên trán thể hiện dấu vết  của tư duy. Nếp nhăn trên trán của người Việt thường ngắn và vụn, ít có nếp nhăn chạy từ thái dương phía đông sang phía tây, bởi vì tư duy người Việt thường tủn mủn, khôn vặt, thiếu định hướng, hay thay đổi. Tuy vậy trán thấp và bé chưa hẳn đã xấu, Stalin có cái trán thấp nên rất quyết đoán. Tổng thống Reagan cũng có cái trán thấp nên đã quyết đoán trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên dám triển khai hệ thống tên lửa ở châu Âu bao vây Liên Xô.
3-     Mắt
Rất quan trọng như người ta vẫn nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Đó cũng là nhãn quan thu hái kiến thức cũng như phóng chiếu ra cái nhìn của ý thức. Mắt hiển nhiên cần sáng rõ, nhưng cũng cần sâu lắng êm đềm như nước mùa thu. Mắt không chỉ biểu hiện nhìn ra, nó còn có biểu hiện nhìn vào để thấu tỏ tâm hồn. Mắt cần nhìn thẳng. Kiêng nhất là không dám nhìn thẳng, nhìn xiêu vẹo, nhìn quanh. Nhìn thẳng thể hiện tâm hồn ngay thẳng, dám chịu trách nhiệm, dám dối mặt với thách thức của cuộc sống.
4-     Mũi
Là bộ thở, thể hiện sức khỏe cũng như nghị lực của con người.
5-     Mồm
Rất quan trọng, với nhà văn đặc biệt quan trọng, vì văn học là ngôn ngữ. Cái mồm cũng là cơ quan thể hiện nhiều nhất dục vọng của con người ở trên mặt. Ăn uống chẳng hạn, với mồm nó có thể bị khép lỗi tham ăn, tục uống, nói phét. Mồm cũng là cơ quan trí tuệ khi nó đóng vai trò phát ngôn. Người Trung Quốc có câu “quân tử đấu khẩu, tiểu nhân đấu tay chân”. Người có trí tuệ thì phải đấu lời, đấu ý, chứ không thể nói càn, rồi xù lên đòi đánh nhau. Vũ lực chỉ là tiếng nói của đám tay chân vũ phu, cũng như tiểu nhân.
6-     Bàn tay
Bàn tay là thể hiện của hành động vì não nghĩ gì tay làm nấy. Với nhà văn bàn tay lại càng quan trọng vì đó là cơ quan viết văn. Bàn tay còn là biểu hiện của tâm hồn. Bàn tay của các văn nhân như Tagore chẳng hạn rất đẹp bởi nó biểu hiện tâm hồn nho nhã cao quí. Bàn tay cũng là xúc giác, với ngón tay tù hãm xấu xí, không cách gì nó có xúc giác nhạy bén?!
7-     Chân
Nhà văn phải ngồi nhiều nên phải có tướng ngồi vững như núi Thái sơn. Người Việt nói về người tư cách tốt là “đứng đắn” chỉ đơn giản là những người đứng ngồi ngay ngắn. Ngồi xiêu vẹo là thể tạng yếu cũng như tư cách yếu, dâm đãng. Con ngựa chân đẹp vì nó sinh ra để chạy. Lính tráng chân chạy thì có tướng láu táu. Tướng tá ngồi trong màn trướng thì có tướng vịt bầu vì không cần chạy mà chỉ cần ngồi ở cơ quan tham mưu. Nhà văn cũng phải có tướng ngổi như vịt bầu. Nhà văn mà chân chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, tỉnh này qua huyện nọ, dự thảo này đến hội nghị kia, đó là người sáng tác bằng chân chạy chứ không phải bằng tay viết. Người Trung Quốc có câu “Người làm tướng ngồi trong màn trướng mà biết việc ở ngoài ngàn dặm”. Trái lại chạy đi chạy lại như cù quay thì chỉ là cách lập công của lính tráng chứ đâu phải của bộ não nhà văn?!
Giờ chúng ta hãy soi vào các nhà văn Việt. đặc biệt mấy anh ti toe mấy chữ đã ngứa ngáy làm mấy câu mấy dòng ghép lại thành bài thơ, thập chí thành cả trường ca không cốt truyện và nhân vật. Theo triết gia Socrate thì người tài năng nhất khoát phải có một diện mạo tuấn tú. Mấy nhà văn của chúng ta có được diện mạo tuấn tú? Mấy người có một hộp sọ cứng cáp với chiếc đầu ngẩng lên kiêu hãnh? Một cái trán cao sáng sủa với những nếp nhăn chạy hết màn hình? Có bao nhiêu mũi hin, mũi tẹt vươn lên thành sức khỏe và nghị lực, hay chỉ ngâm nga mấy dòng thơ? Có bao nhiêu người nhìn thẳng với cặp mắt trong sáng vô tư hay lúc nhúc chỉ toàn mẹo vặt “khôn ăn người”? Có bao nhiêu người rèn luyện ngôn ngữ bằng lời ăn tiếng nói mạch lạc sáng sủa hàng ngày hay họ chỉ cãi vã hiếu thắng bằng ngôn ngữ vặn vẹo xỏ xiên? Có bao nhiêu người có bàn tay thể hiện sự cao quí của tâm hồn cũng như lao động viết văn? Hay đó chỉ là những  bàn tay còn chân lấp tay bùn vội vàng đổi từ ruộng lúa sang trang viết đòi gặt hái vinh quang của câu vần?
Những ai cậy vào thiên bẩm thử soi lại mình xem mình có gì ưu việt hẳn? Một cành trúc rõ ràng hơn một chiếc lá. Nhưng nếu cành trúc đó không được chế tác thành cây sáo, thì một cái lá gấp lại thổi theo giai điệu vẫn còn hơn cành trúc khô bị ném vào lửa để thành củi. Mà muốn làm cây sáo thì sao? Người ta buộc phải hiểu âm học – cũng là khoa học để chế tác nó. Ở đời vạn vật đều sinh ra từ chất liệu tự nhiên, như quả na, quả ổi, gỗ thông, gỗ mít,. Con công khoe lông, con sáo khoe mỏ, con chim khoe hót… Người ta cũng vậy ai chẳng có thiên bẩm, bàn làm gì, cái chính là người ta đã làm gì để hạt giống thiên bẩm đó nở hoa kết quả gấp trăm gấp ngàn lần. Một mẩu trúc sau khi khoe thiên bẩm lại chui đầu vào lửa làm củi thì có gì để nói? Một tâm hồn khoe mình có thiên phú đặc biệt sau lại làm vài câu thơ ngắn tũn ngâm nga bên đầu chiếu làm duyên cho mấy miếng lòng và vài ly rượu nhạt thì có gì đâu?
15/06/2013
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment