Nguồn của dòng sông mang tên Văn Cao là tâm hồn phong phú của nhà nghệ sĩ tài
ba, trong lãnh vực âm nhạc cũng như thi ca. Sau khi ra khỏi vùng lưu vực hoang
vu của tiềm thức, dòng sông tẻ ra ba nhánh trôi miên man trong huyền ảo của
khói trắng sương mù.
Nhánh sông dài nhất
mang tên là dòng nước "Thiên Thai", dòng nước mênh mông chạy thẳng
một đường dài về phía chân trời xa thẳm. Nó biến mất trong mây khói nơi đây,
dường như cả dòng sông đã từ từ cất mình bay lên cao, còn vọng xuống tiếng róc
rách của con thuyền ai đó đang lạc về nơi tiên cảnh. Nhạc bồng lai hay sông
nước dạt dào, hai con hạc trắng vỗ cánh hay hình bóng hai chàng Lưu Nguyễn đưa
tay giã từ quê hương tục lụy, ta nghe chìm đắm trong huyền mộng mơ hồ. Có lúc
bài hát như cơn thủy triều dâng lên trầm trầm, có lúc du dương phảng phất hình
dáng một bầy tiên nữ múa hát, những trái đào màu đỏ, những thắt lưng màu xanh
da trời... Theo lời phê bình của Nietzsche thì đối với nhạc sư Richard Wagner
tất cả những gì hiển hiện đều trở thành tiếng vang và tất cả những âm vang đều
lao mình về ánh sáng mà trở thành hình ảnh, đó là một tương quan giữa thị giác
và thính giác.
Chính nhờ tương quan
này mà tiếng nhạc của Văn Cao, giá như không có lời hát, vẫn có thể dẫn đưa
chúng ta về miền sương khói của đào nguyên, thấy hiển hiện qua âm thanh một cõi
thiên thai trong sáng nhịp nhàng đầy tiếng hát ở bên kia thời gian tục lụy.
Cũng như một hòa âm tuyệt diệu có thể cho ta thấy trước mắt một bình nguyên
lồng lộng hay một sa mạc xa xăm trong tiếng trầm hùng của đoàn kỵ mã. Và cũng
nhờ tương quan giữa thị giác và thính giác ấy mà Xuân Diệu ngày nào đã nghe
được nhịp điệu trong màu vàng của rừng thông khi đến mùa tình ái trút xuống
mênh mông, phấn thông vàng hòa tấu một bản nhạc không có âm thanh mà chỉ có
tiếng nhịp nhàng của màu sắc.
Trong khi dòng sông
thiên thai đầy màu sắc của thi ca Ðông phương khuất lấp ở cuối chân trời, nhánh
sông "hiện thực" của Văn Cao bắt đầu trườn mình đi tới. Văn Cao nhạc
sĩ, và Văn Cao cũng là một nhà thơ có tài, điển hình qua bài thơ "Chiếc Xe
Xác Qua Phường Dạ Lạc". Trong bài thơ này, Văn Cao mô tả một cảnh lầm than
của xã hội, một hình ảnh tương phản vô cùng bất công khi chiếc xe xác chở thi
hài của những kẻ nghèo đói đi ngang qua một xóm ăn chơi ở Hà Nội trong vụ đói
năm 1945. Nhánh sông thứ hai của tâm hồn Văn Cao bây giờ chảy quanh co trong
một thành phố sa đọa rác rưới, những dãy hồng lâu rũ rượi mấy hình hài trụy
lạc, những chuỗi tiền gieo mạnh trong ghê lạnh của đêm trường chết chóc, những
ánh sáng vẫy người vào đêm khỏa thân khiêu vũ, những điệu kèn vô luân, hương
nha phiến chập chùng, áo thế hoa lượn lờ tìm hoan lạc, trong lúc ấy thì chiếc
xe xác âm thầm chở xác người ra khỏi thành phố khi tiếng gà bắt đầu gáy sáng.
Nhánh sông hiện thực trườn đi trong đêm tối, sương khói bây giờ là không khí ma
trơi chập chờn, là ánh đèn đỏ quạnh máu người, là đốm lửa ngã tư hư huyền, là
tiếng sáo ma quái của xe xác, là ngoại ô lầy lội mưa đêm, là tiếng gà tàn canh
báo tin những kiếp người đã ra khỏi vực... Tính chất hiện thực trong thơ Văn Cao
pha lẫn với huyền hoặc, lầm than xã hội trở thành một hình ảnh siêu thực ma
quái. Nhánh sông hiện thực đi vào thành phố không phô bày sự thật của
cuộc đời, chỉ phản chiếu hình ảnh xã hội dưới đáy nước bằng thêu dệt của tưởng
tượng, trở thành một vũ trụ thẩm mỹ có vẻ kỳ ảo dành cho văn chương, một thứ
hiện thực trừu tượng chớ không phải hiện thực xã hội. Như thế nhánh sông thứ
hai của Văn Cao vẫn là nhánh sông lẩn quất trong sương mù kỳ bí, chứng tỏ tâm
hồn Văn Cao có nhiều cảm hứng về sự huyền ảo. Trích vài dòng ra đây để dẫn
chứng cho thấy tính chất Siêu Thực còn gọi là Hiện Thực Trừu Tượng có khuynh
hướng nghiêng về Thần Bí:
"Ngã tư nghiêng
nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà
ma...
Ðôi dẫy hồng lâu cửa
mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình
hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi
phách giục
Tình tang... não nuột
khóc tàn sương
Áo thế hoa rũ rượi
lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi
đèn phù thế
Bóng tối âm thầm rụng
xuống chân cây...
Tiếng xe ma chở vội
một đêm gầy
Xác trụy lạc rũ trên
thềm lá phủ...
…
Ngã tư nghiêng nghiêng
chia nẻo
Dặt dìu cung bậc âm
dương
Tàn xuân nhễ nhại mưa
cô tịch
Ðầm đìa rả rích Phương
Ðông
Mang mang thở dài hồn
đất Trích
Lưới thép trùng
trùng khép cố đô
Cửa ô đau khổ
Bốn ngã âm u
(Nhà ta thuê mái gục
tự mùa thu
Gác cô độc hướng về
phường Dạ Lạc)
Ðêm đêm, đài canh tan
tác
Bốn vực nhạc động, vẫy
người
Dẫy đèn chao thắp đỏ
quạnh máu đời
Ta về gác gió cài then
cửa rú
Trên đường tối đêm
khỏa thân khiêu vũ
...
Ngã tư nghiêng nghiêng
xe xác
Ði vào ngõ khói Công
Yên
Thấy bâng khuâng lối
cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập
chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đang
kêu sào sạo
- Ai vạc xương đổ sọ
xuống lòng xe?
Chiếc quỷ xa qua bốn
ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang
ra khỏi vực
Mưa, mưa hằng thao
thức
Trong phố lội đìu hiu
Mưa, mưa tràn trên vực
- Hang tối gục tiêu
điều
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu ô kêu.
Nhánh sông thứ ba được
nhận thấy qua tâm hồn Văn Cao mang tên là "Bến Xuân". Ðặc điểm của
nhánh sông này là tính chất yêu đời, nhánh sông đi vào vùng sương khói thơ mộng
của mùa Xuân và tuổi trẻ, bớt vẻ huyền ảo hơn hai nhánh sông đã kể trên. Sương
mù đã bốc thành từng đám mây trắng, làm sáng tỏ một bến nước trong thành phố có
con sông chảy qua, khi gió mùa thơm ngát từng đàn én bay về, khi mùa mưa đến có
bóng người thiếu nữ đến thăm căn nhà bên chiếc cầu soi nước, khi mùa ấm áp đã
ra đi không quên mang theo lũ chim giang hồ và nàng cũng chỉ đến thăm một lần
mà thôi. Tiếng nhạc dìu dặt mỗi đêm khuya đưa con người trên dòng sông trở về bến
xuân mộng ước tương lai. Nhánh sông thứ ba vẫn là nhánh sông bắt nguồn từ tâm
hồn nhạc sĩ, nên một khi thoát ra vẫn mang dáng dấp thi ca của trên sông khói
sóng, sương mù tươi mát hơn thứ sương mù trên dòng sông hiện thực mà quái đản
của một thành phố đầy xác chết và chưa đủ không khí huyền ảo của mù sương nơi
chốn thiên thai. Nó chỉ êm ái dành cho một thời thanh bình đã mất: "Nhà
tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, đôi cánh đang cùng dật dờ trên
khắp bến xuân..."
Giáo sư âm nhạc Trần
Văn Khê khi phê bình bản nhạc "Trường Ca Con Ðường Cái Quan" của nhạc
sĩ Phạm Duy, có nhận xét là đoạn cuối của bản trường ca không có mang nhiều hơi
hám dân ca của miền Nam, nhất là tiếng nhạc của những câu "Người về
Tiền Giang đi về xa xăm, người về Hậu Giang xây tổ uyên ương" không có
tí gì là nhạc Việt cả, và hình như nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng miền Nam chịu ảnh
hưởng Âu Châu nặng nên hành khúc Cửu Long Giang phải có hơi hám nhạc Âu Tây.
Chúng ta, không phải ai cũng biết nhiều về âm nhạc, nhưng cũng xin có vài ý
kiến nhân đó làm một kết thúc cho bài viết về Văn Cao. Ta nghĩ là khi đến đoạn
cuối của bản trường ca, nhạc sĩ Phạm Duy hơi lưỡng lự như mất nguồn cảm hứng về
dân ca, lý do vì nhạc sĩ chưa cảm thấy thích thú lắm dân ca của miền Nam, dân
ca ở đây chưa thấm sâu vào tâm hồn của ông. Nhưng bản hành khúc Cửu Long Giang
vẫn hay, diễn tả được cái triền miên và mênh mông của dòng nước xuôi chảy về
cuối chân trời. Ðiều đó chứng tỏ hình ảnh cụ thể của dòng sông tràn đầy đã nhập
tâm vào người nhạc sĩ để hóa thân thành những tiếng nhạc tha thiết hiếm có, nói
rõ hơn, nguồn cảm hứng của Phạm Duy không phải dân ca miền Nam mà chính là dòng
nước ngọt ngào cũng như tình người hòa thuận của miền Nam.
Ðó chỉ là sự cảm nghĩ
theo chủ quan, không biết có xa xôi lắm không. Từ cảm nghĩ hình ảnh thiên nhiên
hóa thân vào âm thanh nghệ thuật, ta có thể nhận định ngược lại là âm thanh
cũng có thể cho ta hình dung ra một quang cảnh nào đó. Tiếng nhạc du dương
trong trẻo của bản "Thiên Thai" cho thấy trước mắt một vùng thần tiên
mây khói; tiếng nhạc êm đềm của bản "Bến Xuân" là màu tươi mát của
khói sóng trên sông; và bài thơ huyền hoặc "Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ
Lạc"… cả ba là những dòng sông phảng phất một thứ sương mù kỳ ảo, tuy khác
biệt đôi chút về màu sắc, nhưng từ nguồn một tâm hồn thơ mộng Văn Cao, nhạc sĩ
thời tiền chiến.
Trích từ Tạp chí Văn
Học số 115, Sài Gòn, tháng 9 năm 1970. Xin đính kèm 2 hình bìa của
Tạp chí Văn Học sưu tầm được trong diễn-đàn“Sachxua.net” (có đóng dấu G.G.X.):
Tạp chí Văn Học
số 115 (tháng 9 năm 1970)
Tạp chí Văn Học
số 185, Sài Gòn, tháng 6 năm 1974 (bài của Trần Văn Nam trong Tạp chí
này:“Nhân Bài Hồi Ký Của Hồ Dzếnh, Bàn Về Bốn Giai đoạn Nhận Thức Thi Ca”).
TRẦN VĂN NAM
No comments:
Post a Comment