.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 16, 2012

ĐÀO TẤN THƠ VÀ TỪ - CÔNG TRÌNH BIÊN KHẢO CÔNG PHU VÀ GIÁ TRỊ


Công trình biên khảo Đào Tấn Thơ và Từ (NXB Sân khấu, 2003) là kết quả tổng hợp một đời nghiên cứu của cụ Vũ Ngọc Liễn, trải qua một quá trình chỉnh lý, hiệu đính và bổ sung từ thành quả ban đầu năm 1987 của tập thể tác giả cuốn Thơ và Từ Đào Tấn cũng do cụ Vũ Ngọc Liễn chủ biên. Tác phẩm này trong bộ ba công trình về Đào Tấn đã đem lại một chân dung khá toàn diện về danh nhân đất nước Đào Tấn, xứng đáng được vinh danh.
Vậy mà đáng buồn thay, khi những thành quả từ công trình này tiếp tục được khai thác có hiệu quả, làm tư liệu quý báu cho các luận văn cao học, giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thì lại có những người đưa lên báo chí cho rằng tác phẩm Đào Tấn Thơ và Từ là công trình đạo văn (!)
Chúng tôi, những người nghiên cứu văn chương trung đại ngạc nhiên và sửng sốt khi toàn bộ những điều dẫn trong bài viết của tác giả Minh Tâm đăng trên báo Tiền Phong ngày 19 tháng 2 năm 2012 với tiêu đề “Âm mưu giật giải nhờ…đạo văn người đã khuất”. Giật gân hơn, trang mạng vanchuongplusvn còn đăng lại nguyên “bài gốc” ngay sau đó với tiêu đề “Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn bạo gan đạo văn của nhà thơ Xuân Diệu và Hoàng Trung Thông, “âm mưu giật giải thưởng Nhà nước 2011 !?” với đầy đủ dã tâm gây ra tai tiếng lùm xùm hòng đưa nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn khỏi danh sách xét giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Điều được đưa lên giật thành tít bài rất hùng hồn, kết cụ Vũ là “đạo văn” đã được triển khai thành nội dung xuyên tạc của bài báo, khiến tác giả “tá hỏa” là : từ công trình 7 tác giả “Thơ và Từ Đào Tấn” để chuyển thành công trình 1 tác giả “Đào Tấn Thơ và Từ”.  Đó là sự đánh tráo khái niệm trắng trợn, và theo luận điệu này thì có thể nói nhiều công trình nghiên cứu khác mà giới học thuật khi ghi thư mục tham khảo vẫn chỉ để tên tác giả chủ biên, cũng là công trình ăn cắp, “đạo văn”.
 
Huống chi, từ tài liệu tập hợp ban đầu của nhóm nghiên cứu chỉ là những phác thảo sơ bộ, sau này khi tập hợp biên khảo, hiệu đính trong Đào Tấn Thơ và Từ, tác giả Vũ Ngọc Liễn đã bổ sung thêm 94 tác phẩm của cụ Đào Tấn, cùng với sự cộng tác của nhiều cộng sự.
Sự xuyên tạc trắng trợn đầy ác ý tiếp tục được triển khai cho có vẻ khách quan và “đáng tin cậy” khi viện dẫn ra nhà nghiên cứu, phê bình Ngô Thảo lại chính là điều khôi hài tố cáo dụng ý của người viết, bời chính ông Ngô Thảo “lần đầu tiên nghe nói Vũ Ngọc Liễn đạo văn”. Xuyên tạc rằng 7 tác giả chỉ còn “duy nhất một người sống sót” là cụ Vũ Ngọc Liễn, trong khi ông Nguyễn Thanh Hiện vẫn còn sống và viết khỏe, mà suốt 9 năm qua từ khi công trình này ra đời lại không hề có ý kiến. Khi cuốn này cùng với Đào Tấn Tuồng hát bội, Đào Tấn qua thư tịchGóp nhặt dọc đường được đề cử giải thưởng Nhà nước, nếu có vấn đề gì thì nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Hiện đã phải lên tiếng. Có lẽ những người nghiên cứu chân chính như ông Nguyễn Thanh Hiện hiểu rõ công phu của người chủ biên năm xưa cũng là người biên khảo công trình bộ ba được Nhà nước tin tưởng đặt hàng, quyết không thể làm việc tùy tiện được. Chưa kể, trong toàn bộ những phần giới thiệu, bạt, phiên âm, hiệu đính, dịch nghĩa, dịch thơ tác già Vũ Ngọc Liễn đều ghi rõ tên từng tác giả tham gia: Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Mịch quang, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỉ, Yến Lan, Giang Tân, Nguyễn Thanh Hiện, Huỳnh Chương Hưng, Văn Trọng Hùng Thanh Thảo… Trân trọng phần đóng góp của đồng nghiệp, ghi rõ nguồn gốc thì có phải là “đạo văn” chăng? 201 bài thơ và từ chữ Hán là phần tài liệu cụ Vũ Ngọc Liễn nắm giữ cũng được công bố cho giới học thuật, bổ sung nguồn tư liệu rất quí cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn đúng hơn về cụ Đào Tấn, không lẽ tác giả Minh Tâm nào đó sẽ cho là “đạo văn” chăng?
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói: khi biên soạn những công trình rất có giá trị này, cụ Vũ Ngọc Liễn hẳn không phải sắp đặt một “âm mưu giật giải” gì cả, mà bắt nguồn từ tình cảm trân trọng giá trị văn hóa của tiền nhân, cùng biết bao người “góp nhặt cát đá” mà thành. 7 tác giả biên soạn ban đầu, đến hàng chục tác giả sau đó tiếp tục góp công, chẳng ai tâm địa rắp ranh chút tư lợi nào. Và cũng chẳng khiến một vị Minh Tâm nào đó mà tà tâm định làm “luật sư đại diện người âm” để trổ nghề kiện cáo! Nhiều người tham gia để cuốn Đào Tấn Thơ và Từ đến với độc giả còn sống cả đấy: Nguyễn Thanh Hiện, nhà thơ Thanh Thảo, Huỳnh Chương Hưng, Văn Trọng Hùng…, họ đều chính danh và là những tên tuổi có uy tín, sao không ai phản ứng suốt bao nhiêu năm trời?
Những công trình biên khảo văn chương của cụ Vũ Ngọc Liễn theo như tác giả bài viết xếp vào lĩnh vực “sưu tầm nghiên cứu văn bản học” và phớt lờ công phu hiệu đính, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ với một khối lượng không nhỏ của riêng cụ Vũ Ngọc Liễn (96/187 bài có thơ dịch- 14 bài từ phiên âm), đơn giản hóa là “người sưu tầm” hòng phủ nhận cụ chỉ là một sự lập lờ tà tâm nữa của kẻ vu khống.
Chúng tôi xin khẳng định: những điều cụ Vũ Ngọc Liễn đã cống hiến cho văn chương nước nhà hoàn toàn xứng đáng được vinh danh. Còn những luận điệu lu loa cố tình bóp méo, đổi trắng thay đen không đánh lừa được ai.
Riêng tôi, với tư cách là con cháu của cụ Đào Tấn, xin gửi lời tri ân đến cụ Vũ Ngọc Liễn vì những nỗ lực đưa tên tuổi của danh nhân Đào Tấn sáng mãi trong lòng dân tộc.
TRẦN HÀ NAM
(Nguồn: - Blog Trần Hà Nam)


No comments:

Post a Comment