.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 22, 2012

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG LẬP: ĐẠO VĂN, XIN CHỚ XEM THƯỜNG !

Tình trạng đạo văn, nói rộng ra là ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người khác, đang là một vấn nạn chưa có lời giải. Thực ra đạo văn không phải câu chuyện mới mẻ gì, xưa nay đều có cả. Trước đây công nghệ thông tin thấp kém, tài liệu thất tán khó tìm, muốn đạo cũng chẳng dễ gì. Vào cái thời lấy đức làm trọng, chữ sĩ được đề cao, đạo văn bị coi như hành động xấu xa nhất của kẻ sĩ. Một vụ đạo văn thôi đủ để cả nước xôn xao, vết nhục đạo văn muôn đời khó rửa.

Ngày nay khác nhiều, khi mà công nghệ thông tin ở trình độ rất cao thì cũng trúng luôn thời cái lợi được tôn sùng, cái đức suy vi, chữ sĩ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Chưa bao giờ việc đạo văn dễ dàng như thời này, nguồn tài liệu mênh mông, vào google là cái gì cũng có, chỉ cần copy and pastelà xong, đó là cơ hội ngàn vàng cho đạo tặc văn hoá hoành hành.
Từ văn học đến khoa học, từ âm nhạc, hội hoạ đến nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh, sân khấu, xuất bản, báo chí v.v không nơi nào không có đạo văn, các vụ ăn cắp trắng trợn và trơ trẽn vẫn xảy ra hằng ngày. Thực tế đạo văn đã trở thành một tệ nạn xã hội, có thể gọi là quốc nạn, mức độ nguy hiểm của nó không kém gì quốc nạn tham nhũng.
Trong khi dư luận xã hội lên án gay gắt thì những người có trách nhiệm thường vẫn xem nhẹ, coi đạo văn chỉ là chuyện vặt, chỉ là những tranh chấp cá nhân. Nhiều vụ được đưa ra ánh sáng buộc phải xử lý thì cũng chỉ là những xử lý hành chính khá nhẹ nhàng, chủ yếu là nhắc nhở. Đạo văn tuồng như vẫn là vấn đề văn hoá, rất ít khi pháp luật chú tâm việc này, khi người bị hại quyết liệt kiện cáo, toà án vẫn được mở nhưng mục tiêu là hoà giải theo cách chín bỏ làm mười.
Ứng xử với tệ nạn này theo cách trong nhà đóng cửa bảo nhau, nếu buộc phải xử lý thì cũng xử lý nửa vời để xoa dịu dư luận hơn là răn đe, thậm chí nhiều người còn cho đó là hành vi ăn cắp có văn hoá, không coi đó là tội trạng. Điều đó đã vô tình thúc đẩy nạn đạo văn phát triển.
Nếu chúng ta biết rằng hằng năm có hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật được xào xáo từ ý tưởng của người khác, lấy cắp từ vài câu đến vài chương, đánh đồng trích dẫn với sáng tác, luộc lại từ thoại đến nhân vật, bê nguyên xi câu chuyện của người khác thành chuyện của mình…tạo ra hàng loạt những tên tuổi dởm ngập ngụa trong môi trường văn hoá, sẽ thấy mức độ nguy hại của nạn đạo văn đang điễn ra như thế nào.
Văn học nghệ thuật là nơi được nhiều người biết đến và quan tâm, đạo văn rất dễ bị phát hiện mà đám đạo chích vẫn không chừa, với Khoa học kĩ thuật, nơi mà mối quan tâm hạn chế trong một số đồng nghiệp thì đạo văn xảy ra trắng trợn và tràn ngập vượt ra ngoài tầm kiểm soát của số đông.
Từ những luận văn tiến sĩ, những cuốn từ điển, sách giáo khoa, những công trình cá nhân đến những dự án lớn bé, những công trình tập thể… nếu rà soát kĩ lưỡng sẽ thấy phần sáng tạo chiếm một tỉ lệ quá nhỏ so với phần photocopy. Với những xảo thuật khôn khéo trộn lẫn giữa tham khảo và trích dẫn, nguồn dịch và biên khảo, sao chép và hiệu đính… đã tạo ra tấn bi hài khổng lồ của cái gọi là công trình khoa học, cùng với hàng trăm học hàm học vị thật giả bất phân.
Nguy hiểm hơn cả là từ những hành vi đạo văn khi trắng trợn khi khôn khéo của người lớn đã làm cho lớp trẻ hoặc có cái nhìn khinh thị đối với thầy cô, cha anh họ, hoặc hồn nhiên làm theo người lớn không biết sợ hãi, xấu hổ. Ở nhà trường sinh viên, học sinh coi đạo văn chỉ xảy ra khi và chỉ khi cóp bài của bạn, còn việc sao chép từ sách vở, việc copy and pastetừ mạng là chuyện rất bình thường, cả thầy lẫn trò đều không coi đó là đạo, là ăn cắp.
Thực trạng đó chẳng những làm băng hoại đạo lý, tạo ra một tầng lớp ăn cắp không biết xấu hổ mà còn làm tê liệt khả năng sáng tạo trong toàn bộ xã hội. Nếu không kịp thời ngăn chặn tệ nạn đáng xấu hổ này thì một ngày không xa sáng tạo không còn là khát vọng của trí thức, thay vào đó là những trò phi đạo đức chỉ để kiếm chác danh lợi mà thôi. Khi đó đất nước ta sẽ thế nào, sẽ đi về đâu?
NGUYỄN QUANG LẬP
Theo quechoa.info

No comments:

Post a Comment