.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, March 10, 2012

PGS.TS TRƯƠNG ĐĂNG DUNG - GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC HÀ NỘI 2011: “TÔI KHÔNG NHÌN CON NGƯỜI DƯỚI NHÃN MÁC GIAI CẤP, TÔN GIÁO VÀ CHỦNG TỘC”


CÔ ĐƠN TRONG THỜI GIAN
(Lời phát biểu của Trương Đăng Dung tại Lễ trao giải thưởng của HNV Hà Nội 2011 cho tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng)
PGSTS Trương Đăng Dung và giải thưởng văn học Hà Nội
Trước hết, cho phép tôi được nói lời cảm ơn sâu sắc đến Ban chấp hành HNV Hà Nội và các Hội đồng chuyên ngành của Hội đã dành cho tôi vinh dự này. Tôi nghĩ đây là sự vinh danh thơ Việt đương đại, là sự trân trọng của đông đảo người yêu thơ hàng năm trước những tác phẩm thơ có chất lượng tốt. Tôi xin cảm ơn bạn đọc gần xa đã đón đọc và yêu thích tập thơ này của tôi. Hơn 15 bài phê bình đã in trên các tạp chí cùng với những ý kiến đánh giá về tập thơ trong khoảng thời gian ngắn kể từ khi tập thơ được xuất bản, đã nói lên điều đó. Xin cảm ơn Tạp chí Thơ và Tạp chí Sông Hương đã đăng tải những bài thơ của tôi trước khi chúng được in thành tập. Tôi cũng chân thành cảm ơn Nxb Thế giới và Songthuy bookstore, các bạn họa sĩ Văn Sáng, Đặng Thu Hương, Hoàng Hải, đã giúp cho đứa con tinh thần này của tôi ra đời với hình hài đẹp, trang nhã.
Thưa các quý vị, các bạn, Những kỉ niệm tưởng tượng là tập thơ đầu tay của tôi, kết quả của nhiều năm sáng tác. Hơn nửa thế kỉ được đi lại trên mặt đất này, với hơn 30 năm làm nghiên cứu văn học và làm thơ, đã cho tôi những trải nghiệm sâu sắc về kiếp người, về thơ. Sự trải nghiệm đó luôn gắn liền với những suy niệm triết học trong suốt quá trình sống, học tập và nghiên cứu của tôi ở các nền văn hóa khác nhau.
Tôi đã không tiếp cận các nền văn hóa theo cách phân chia chính trị về các hệ thống thế giới. Tôi cũng đã không nhìn con người theo các nhãn mác giai cấp, tôn giáo và chủng tộc. Con người là con người trong sự mong manh của kiếp sống, trong sự bất hạnh tột cùng và niềm hạnh phúc tột đỉnh của nó. Tôi đã nhận ra sự khác biệt giữa tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật. Tôi đã nhận ra thơ  là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Lí luận phê bình diễn giải cái thế giới nghệ thuật của nhà thơ, còn nhà thơ thì khám phá và giãi bày cái thế giới bên trong của chính mình. Tôi cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được một cách phong phú hơn, đa diện hơn cái tôi luôn bất an trước thế giới.
Các nhà phê bình đã chỉ ra rất đúng về bản chất của cảm thức cô đơn, thời gian và cái chết trong tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng. Quả thực, tôi đã trao cho motip khoảnh khắc một ý nghĩa quan trọng để từ đó thể hiện cảm thức thời gian trong tương quan với sự cô đơn và cái hữu hạn của kiếp người. Một khoảnh khắc có thể lóe lên điều gì đó trong đời sống hiện đại, nó ẩn dấu ý nghĩa và hạnh phúc của cả cuộc đời để rồi sẽ mất đi vĩnh viễn. Và khoảnh khắc cũng chỉ là một trong những hình thức của sự cô đơn, bởi vì ở thời hiện tại tâm hồn không chỉ cô đơn trong không gian mà cô đơn cả trong thời gian. Cô đơn thời gian là khi con người một mình trong cái khoảnh khắc hiện tại, xa cách quá khứ, đối diện với tương lai mờ mịt. Đây là nguyên nhân để con người không chỉ cảm thấy xa lạ với môi trường sống của mình mà cả với chính mình, cảm nhận được sự lạc lõng trước chính mình của quá khứ và của tương lai.
Kính thưa các quý vị, các bạn. Thế kỷ XX đã khép lại được hơn 10 năm. Chúng ta vẫn đang đối diện với một thế giới mà trí năng có lúc tỏ ra bất lực trước đời sống và những lí giải về đời sống dường như chống lại đời sống. Một thế giới của nghèo đói, bạo lực, ô nhiễm môi trường và cô đơn tập thể. Chúng ta đã chứng kiến sự điều chỉnh của thế giới trước những biến động chính trị, nhưng con người hiện đại thì vẫn bị lãng quên ngay trong những việc mà người ta thực hiện nhân danh lợi ích của con người. Nhân loại vẫn chưa tìm ra chìa khóa đích thực mở đường cho tiến bộ xã hội và bản thân đời sống hiện đại, về một phương diện nào đó, vẫn chỉ là sự kéo dài của những giá trị thời Trung cổ, trong những hình thức mới của nó mà thôi.
Xin đừng hỏi thơ có thể làm được gì trong một thế giới mà đến nỗi đau cũng cũ, nơi con người đang tiếp tục bị lãng quên! Thơ chỉ có thể có ích cho con người khi nói về con người một cách trung thực, theo cách của thơ! Không phải chỉ có tiểu thuyết mới cần phải khám phá những khía cạnh mới, phức tạp và bí ẩn hơn của đời sống; không phải chỉ có tiểu thuyết mới đang đứng trước nguy cơ bất lực trong việc khám phá cái bản thể của tồn tại đã bị tư duy giáo điều của thời hiện đại bỏ quên như ai đó từng nói, mà ngay cả thơ hiện đại cũng đang ở trong tình thế đó.
Tôi luôn ý thức về những khả năng và giới hạn của thơ, cũng như những khả năng và giới hạn của đời sống con người. Ý thức về giới hạn là cơ sở để chúng ta hi vọng về một sự vượt thoát giới hạn. Điều đó đúng với từng nhà thơ và cũng đúng với cả một nền thơ..
Xin cảm ơn! 
Hà Nội, ngày 8 tháng 3 năm 2012
PGS.TS TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

2 comments:

  1. Rất cảm ơn về bài viết của bạn, bài viết rất hay và ý nghĩa.
    Nếu có các nhu cầu về thiết kế, thi công các sản phẩm nội thất như: bàn ghế sofa, giường tủ, thi công trọn gói có thể liên hệ bên Mozza mình nhé. Click vào đây để xem chi tiết nhé các bạn:
    bàn trà gỗ
    giường ngủ hiện đại
    tu quan ao
    Thiết kế nội thất
    xưởng thi công nội thất
    hãy liên hệ cho mình nhé. Cảm ơn !
    _______________________________________________
    SIÊU THỊ GHẾ SOFA MOZZA
    Địa chỉ: 38 - Tương Mai - Hai Bà Trưng - Hà Nội
    Điện thoại: 093 628 3333 - 04 6674 9999

    ReplyDelete