.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 9, 2012

TỪ BLOG ĐẾN SÁCH VÀ “CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN NHÀ VĂN TỪ MẠNG ẢO”

Năm năm trước, trên báo SGGP, cụm từ “ cuộc cách mạng trong sáng tác” đã được dùng để bàn về hiện tượng các tác phẩm được xuất bản từ blog. Bài báo này viết: “Với ưu thế về tính đơn giản, khả năng phát tán, truyền bá cao nhất hiện nay, blog đang trở thành một hiện tượng ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội trong đó có cả văn học. Không còn thuần túy là một phương thức thể hiện trên thế giới ảo, nhiều tác phẩm văn học từ blog đã vươn ra thành các tác phẩm văn học chính thống.”

Bài báo trên cũng dẫn ra rằng: Trên thế giới, hiện tượng xuất bản sáng tác văn học từ blog không còn là điều mới lạ. Thậm chí tại châu Âu, để xuất bản một tác phẩm từ blog, vấn đề chỉ còn là vài cái click chuột như với dự án xuất bản sách của NXB New Pamphleteer (Mỹ). Bất kỳ ai muốn tác phẩm trên blog của mình được in thành sách chỉ cần đăng ký trực tuyến, tác phẩm của họ sẽ được in thành những cuốn sách khổ 10x15, dày 40 - 80 trang với giá bán 4 USD. Nếu sách bán được, tác giả sẽ hưởng 30% lợi nhuận. Với sự phát triển mạnh mẽ của thể loại văn học từ blog này, người ta đã sáng lập hẳn một giải thưởng văn học dành riêng cho những sáng tác dạng này với tên gọi Lulu Blooker Prize (blooker ghép từ chữ book và chữ blog).
Và “cơn lốc” xuất bản sách từ blog cũng đã nhanh chóng ập đến Việt Nam. Người được nhắc đến nhiều như một tác giả tiên phong cho làn sóng xuất bản mới này là Trần Thu Trang với Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, Nhật kí tình yêu tio... Tiếp đó là tác giả Trang Hạ với tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử, cùng một loạt sách dịch từ văn học mạng Trung Quốc như  Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Lỡ tay chạm ngực con gái, Mẹ điên. Ngay sau đó là hàng loạt các tác giả cùng nhập cuộc: Hà Kin với Truyện tình New York. Keng với : Dị bản, Hồng gai, Đôi mắt không còn rơi nước, Muốn chết. Gào, với Cho em gần anh thêm chút nữa; Nhật kí son môi. Vân Lam với Đàn bà nhẹ dạ. Trần Đình Dũng với Quà của bố. Phan An với Quẩn quanh trong tổ. Mới đây nhất là Hoàng Anh Tú với Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa – cuốn sách được quảng cáo là đã có hơn 3 triệu lượt người đọc trên Internet.
Giới sáng tác chuyên nghiệp cũng hào hứng với viết sáng tác trên blog cá nhân. Nhiều tác phẩm của họ đã xuất hiện trên mạng sau đó mới in thành sách. Có thể kể đến những tác giả tiêu biểu như Đặng Thiều Quang với Chờ tuyết rơi, Bóng giai nhân. Di Li với Trại hoa đỏ. Ngay cả nhà văn “gạo cội” Nguyễn Quang Lập cũng hào hứng với làn sóng mới trên mạng ảo. Chính nhờ những entry trên blog Quê Choa, Kí ức vụn đã ra đời.
Có thể nói danh mục các tác phẩm xuất bản từ blog ngày một nối dài hơn, được các đơn vị làm sách chuộng hơn. Cuộc săn tìm tác giả mới được các đơn vị làm sách ráo riết thực hiện. Blog nào đang hot? Vấn đề nào đang được cư dân mạng quan tâm? Các mạng xã hội như facebook, blogspot, yume… trở thành những “địa chỉ nóng”, thu hút không chỉ giới trẻ thích nhốt mình hàng giờ vào đó, mà ngay cả cánh xuất bản cũng thích… lang thang, ngó nghiêng, tìm kiếm. Từ những cuộc “săn lùng” mạng ảo đã khai sinh ra những cuốn sách mới, những tác giả mới.
Thế nhưng việc nhiều tác phẩm văn học từ blog được xếp chung với các tác phẩm văn học chính thống khiến không ít người cảm thấy băn khoăn, ngờ vực. Chất lượng các tác phẩm văn học chẳng lẽ đang bị xem nhẹ? Chẳng lẽ thị trường quyết định chất lượng của một tác phẩm? Chẳng lẽ những cuốn sách đó có thể gọi là tác phẩm văn học? Những tác giả mới bước ra từ mạng ảo đó, liệu có thể mang danh xưng là nhà văn hay không? Việc trở thành nhà văn chẳng lẽ lại dễ dàng như thế? Nhà văn phải chăng đang trở thành một danh xưng thời thượng rồi chăng?
Một ví dụ minh chứng cho nỗi ngờ vực này. Xin trích một đoạn trong cái gọi là “truyện ngắn của Gào”, có nhan đề “Có đàn ông trong toilet nữ”. Dù có thể bạn đỏ mặt, nhưng hãy kiên nhẫn đọc hết đoạn trích ngắn này:
Tôi đái!
Một nữ nhân buồn đái thì sẽ đái bởi vì cô ta phải đi đái.
Cho dù cô ta là một người có thu nhập cao hay thấp.
Cho dù cô ta là học sinh hay sinh viên?
Cho dù cô ta là đàn bà hay con gái!
Cho dù cô ta giàu có hay cô ta là bất kì ai, nghèo khó.
Thì cô ta…
Là tôi và chiếc váy Prada, trong đôi giày Gucci và chiếc túi LV. Không đồng bộ! Nhưng “xịn” là đủ.
Vẫn phải đi đái. Tại đây. Khi buồn đái!
Vâng, đoạn trích trên liệu có thể gọi đó là văn chương? Còn nhiều những “tác phẩm” khác nữa, được tác giả này viết ra, khiến người đọc không khỏi đỏ mặt và phân vân. Đây là văn chương ư?
Điều này cũng giúp lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến việc có tới hai anti fan trên Facebook được lập ra để “ném đá” “nhà văn” Gào; để phản ứng lại văn chương cũng như lối hành xử thiếu văn hóa của cô. Theo thống kê của báo điện tử Vietnamnet, trang anti Gào được 7585 người like với khẩu hiệu: “Hãy like vì một nền văn chương lành mạnh”.  Con số này vẫn chưa dừng lại mà đang tăng thêm từng ngày. Còn trang “Những người muốn chửi rủa và ghét Gào” cũng có tới 299 người đánh dấu là “thích”.  
Thế nhưng “hiện tượng Gào” vẫn mặc nhiên tồn tại, những cuốn sách ít giá trị văn chương vẫn xuất bản và tái bản. Những buổi kí tặng sách vẫn diễn ra rôm rả.
Có người đã nói vui rằng đây là một ví dụ tiêu biểu cho cái tạm gọi là “công nghệ chế biến nhà văn từ mạng ảo”. Các nhân vật bước ra từ mạng ảo, xuất hiện như một hot boy hay hot girl. Thông tin về họ, hình ảnh của họ được báo chí thị trường đua nhau khai thác , trong khi các nhà văn chân chính  thì im lặng. Im lặng cũng là một thái độ.
Trong một bài viết của mình, nhà thơ Bình Nguyên Trang bày tỏ thái độ: Những sản phẩm làm ô nhiễm đời sống văn hóa có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều, vì nó vẫn được "bảo trợ" bởi một bộ phận công chúng tò mò, thiếu hiểu biết. Đấy là trong âm nhạc. Còn trong văn học thì sao? Có hay không những tác phẩm văn học mang tính "thảm họa" như vậy nhưng lại mang đến cho tác giả của nó những ảo tưởng về sự nổi tiếng? Câu trả lời là có. Và nguy hại ở đây là không chỉ Internet mà ngay cả các đơn vị xuất bản, truyền thông, với cơ chế in ấn dễ dàng đã không ngừng tiếp tay cho những sản phẩm văn học kém chất lượng ra đời. Bên cạnh đó, sự thờ ơ, vắng lặng của đời sống phê bình đã khiến cho nhiều giá trị văn học bị đảo lộn, nhập nhằng, làm hoang mang công chúng...
Tất nhiên đây không phải là trường hợp phổ biến. Vẫn có những tác phẩm xuất bản từ blog đã lấy được cảm tình của độc giả, ví như cuốn Quà của bố (Trần Đình Dũng). Tuy nhiên phải thừa nhận một điều, sự thuận tiện của các mạng xã hội dường như đã “góp phần” dễ dãi hóa các chuẩn mực in ấn xuất bản. Có vẻ như gi gỉ gì gi, tất tật những entry mang mầu sắc tâm sự, than vãn, kể lể… trên mạng nếu có page view cao đều có cơ hội một ngày đẹp trời nọ xuất hiện ngoài hiệu sách.  Người viết cũng nhanh. Người đọc cũng nhanh. Tiêu chí page view cao như một cãi bẫy với cả người viết và người đọc. Nhưng viết nhanh, đọc nhanh thì cũng quên nhanh.
Hãy thử quan sát xem: để tạo  page view, nhiều báo mạng đã bị thổi còi vì việc giăng ra quá nhiều lộ hàng, khoe hàng của các “sao xẹt”. Để page view cao, nhiều  tờ báo chạy theo các vụ án cướp – giết – hiếp, và sự khai thác quá đà của họ vô tình khiến cho cái ác như được cổ súy và kích động đối với giới trẻ. Thành ra lợi bất cập hại.
Có những tác giả, khai thác quá chi tiết, quá thô thiển chuyện tình dục trên các trang viết của mình. Nhất thời, cuốn sách có thể tạo thành hiện tượng best seller vì độc giả tò mò. Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, liệu ai còn nhớ đến những tác phẩm như vậy. Và việc gắn cho nó mác “văn chương” thì khác gì là chúng ta đang xúc phạm văn chương đích thực.
Có một vị đại diện cho đơn vị làm sách nọ chia sẻ lúc tán gẫu ngoài hội trường rằng: chúng tôi mua sách của cô ấy, không biết nó có phải là văn học hay không, nhưng giới trẻ họ thích đọc. Có người mua thì có người bán. Chúng tôi bán cái mà thị trường cần. Quy luật cung cầu mà. Rõ ràng như một cộng một là hai!
Nhà thơ Đoàn Thạch Biền chia sẻ: "Ngày xưa có văn học truyền miệng, giờ có văn học truyền mạng, điều đó cũng hợp với thời đại khoa học tiên tiến. Truyền khẩu, truyền mạng, in ấn... tất cả chỉ là phương tiện. Vấn đề quan trọng nhất của một tác phẩm là giá trị thật được độc giả công nhận. Điều này, với các tác phẩm bước ra từ blog, vẫn còn một khoảng cách khá lớn".
Vâng, người viết người đọc có lẽ nên tỉnh táo với những khoảng cách ấy, nếu không muốn một ngày nọ, thấy mình bị mất phương hướng.

NHẤT NGUYÊN

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

No comments:

Post a Comment