.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 23, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO: “BỖNG NHỚ HỮU LOAN – MỘT TÀI THƠ ĐỘC CÁCH”






Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Chiều nay mở nhạc nghe, tình cờ gặp một số bài hát phổ nhạc từ bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan. Đó là NHỮNG ĐỒI HOA SIM của Dzũng Chinh,  ÁO ANH SỨT CHỈ ĐƯỜNG TÀ của Phạm Duy. Bài thơ này cũng được nhiều nhạc sĩ khác phổ nhạc như CHUYỆN HOA SIM của Anh Bằng,  ”Tím cả chiều hoang” (Nguyễn Đặng Mừng), “Tím cả rừng chiều” (Thu Hồ), “Tình thiên thu” (Trần Thiện Thanh)… Bỗng nhớ ông Hữu Loan – một tài thơ độc cách. Xin đăng lại bài tôi viết sau khi ông qua đời cùng với bài hát đầu tiên phổ thơ ông của Dzũng Chinh qua giọng hát Phương Dung.
___________________________

CHIỀU HOANG BIỀN BIỆT – BIỀN BIỆT HỮU LOAN 

Nghe tin nhà thơ Hữu Loan vừa qua đời, tôi bần thần nhớ lại câu thơ hay nhất của ông “Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt” trong bài thơ Màu tím hoa sim nối tiếng một thời. Bài thơ đã được in trên báo Chiến Sĩ  thời kháng chiến chống Pháp do ông làm chủ bút, rồi được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và rất phổ biến ở miền Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Nhưng sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm 1958, tên Hữu Loan cũng vắng bóng biền biệt trên văn đàn miền Bắc suốt 30 năm liền, vì ông đã bỏ Hà Nội về quê trước khi người ta chưa kịp “kỷ luật” ông với “tội” tham gia nhóm NVGP. Nhạc sĩ Văn Cao kể cho tôi biết, thuở đó vào một đêm rất khuya, Hữu Loan mang một tay nải đến nhà Văn Cao rủ nhau ra hồ Thiền Quang tâm sự trước lúc rời Hà Nội. Họ đi mãi quanh hồ cho đến gần sáng. Dù Văn Cao muốn giữ ông lại, nhưng Hữu Loan vẫn một mực ra đi quyết trở lại làm một “lão nông tri điền”. Cuối cùng, Văn Cao đã phải tiễn ông ra bến xe gần đó để về Thanh Hóa.
Sau 30 năm đốn củi, chở đá kiếm sống dưới chân núi Vân Hoàn (huyện Nga Sơn quê ông), Hữu Loan mới “tái xuất giang hồ” dọc đất nước khi có chính sách “Đổi mới” của Đảng Cộng Sản VN. Ông ra Hà Nội, vào Huế, rồi chu du vào Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ bạn bè văn nghệ.
Hồi đó tôi còn ở Huế, một anh bạn đưa Hữu Loan từ Hà Nội vào và nhờ tôi đón ông về nhà. Nhà thơ đã 72 tuổi, râu để dài, nhưng trông ông vẫn khỏe như một lực điền, nước da ngăm chắc, cặp mắt lấp lánh với nụ cười tươi. Khi uống rượu với ông, tôi được biết tháng trước ông từ Thanh Hóa ra Hà Nội thăm lại bạn bè và tá túc trong căn nhà hầm của nhà thơ Tú Sót (tức Chu Thành, biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên, 64 Bà Triệu – Hà Nội). Ông nói: Nhờ có chính sách “Đổi mới” trả lại tự do sáng tác cho các nhà văn thời NVGP ông mới quyết định tái xuất. Ông đưa tôi mấy tập thơ viết trong vở học trò. Đây là thơ ông viết trong 30 năm đốn củi, chở đá ở quê. Tôi ngồi đánh máy lại cho ông 3 trường ca và một số bài thơ.
Thơ ông cứ bậc thang lên xuống như hình thức “Đèo Cả” 40 năm trước, nó gập ghềnh và hào sảng như con đường dốc đá mà ông đã tự mình xe đá. Tôi bảo ông, dù đổi mới rồi nhưng thơ của bác vẫn khó in, bởi vẫn cái tinh thần thơ khái trực thời NVGP lên án quyết liệt những tiêu cực của xã hội kiểu bài thơ “Cũng những thằng nịnh hót” ông từng viết. Tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường mời nhà thơ đến thăm Hội Văn Nghệ nói chuyện với anh em Văn nghệ Huế.
Vì đông người nên có chiếc micro đặt trước mặt ông. Ông gạt đi. Không phải vì vướng mà vì ông không biết rằng phải nói vào đó thì tiếng ông mới được phóng to lên!!! Hóa ra 30 năm ông quên mất điều đó, khiến mọi người cười ồ. Ông nói đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm ông mới được tiếp xúc và nói chuyện với đám đông dù ông đã từng nói trước đám đông trong cuộc cách mạng tháng Tám 1945 cướp chính quyền tại thị xã Thanh Hóa mà ông là một trong những nhà lãnh đạo lúc bấy giờ.
Phải khẳng định rằng, Hữu Loan là nhà thơ cách mạng. Ông vừa làm một cán bộ cách mạng vừa cách mạng thơ. Bài thơ Đèo Cả của ông viết năm 1946 khi ông vào Liên khu 5, cùng với bài Nhớ Máu của Trần Mai Ninh đã mở ra một thời kỳ mới của thơ cách mạng với giọng thơ tráng ca hào sảng: “Đèo Cả! Đèo Cả/ Núi cao ngút/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương/ Dặm về hun hút/ Bia đá mù sương” và “Người vá áo/ Thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai/ Vênh cằm cạo râu/ Suối mang bóng người/ Soi những về đâu ?”. Rồi bài Màu tím hoa sim với một câu chuyện tình thật bi hùng: “Nhưng không chết/ Người trai khói lửa/ Mà chết/ Người gái nhỏ hậu phương./ Tôi về không gặp nàng/ Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương tàn lạnh vây quanh”. Bài thơ này đã mở ra những bài thơ nổi tiếng khác như Núi Đôi của Vũ Cao, Quê Hương của Giang Nam… Những câu chuyện tình kháng chiến ấy đều bắt nguồn từ mô-típ mà Hữu Loan đã xướng lên. Có lẽ với ý nghĩa lịch sử đó mà bài Màu tím hoa sim đã được một công ty mua bản quyền với giá 100 triệu đồng vào năm 2004, giúp tác giả sống tiếp những ngày vất vả ở quê. Sau 1954, Hữu Loan cũng là nhà thơ táo bạo cùng với Phùng Quán làm những bài thơ chống tiêu cực, mở ra một quan niêm mới cho thơ tiếp cận đời sống xã hội cần lao. Nhưng chỉ mới bắt đầu đã bị dập tắt.
Đóng góp của Hữu Loan cho thơ cách mạng là không thể phủ nhận. Tuy vậy, cuộc đời với nhiều trắc trở đã khiến ông sau khi “tái xuất” đã lại vội vã trở về cố thủ trong những tâm tư thầm kín. Theo tôi, với những bài thơ yêu nước nổi tiếng một thời, ông xứng đáng được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhưng Giải thưởng đó vẫn chưa tìm đến ông. Hy vọng, Nhà nước sẽ không bỏ sót những bài thơ xứng đáng của ông.
Giờ thì nhà thơ Hữu Loan đã vĩnh viễn xa chúng ta, những người yêu và trân trọng thơ ông lẫn nhân cách thơ của ông. Tôi vẫn muốn một lần ghé thăm ông dưới chân núi Vân Hoàn, nhưng từ nay dưới chân núi Vân Hoàn đã vắng bóng ông, một nhà thơ cách mạng cương trực, khí phách nhưng cũng đầy những câu thơ ứa lệ.
Chiều hành quân
Qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Vĩnh biệt ông, biền biệt Hữu Loan!
19.3.2010
NGUYỄN TRỌNG TẠO


Tiểu sử nhà thơ Hữu Loan:
 
Ông tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông học Thành chung ở Thanh Hóa, đậu tú tài Tây năm 1938 tại Hà Nội (vì vậy ở quê thường gọi là cậu Tú Loan). Thời đó, bằng tú tài rất hiếm, rất ít người có nên ông được mời vào làm trong Sở Dây thép (Bưu điện) Hà Nội nhưng ông không làm mà đi dạy học và đã từng là cộng tác viên của các tập san văn học xuất bản tại Hà Nội. Năm 1939 ông tham gia Mặt trận Bình Dân rồi về tham gia Mặt trận Việt Minh tại thị xã Thanh Hóa.
Năm 1943, ông gây dựng phong trào Việt Minh ở quê nhà, và khi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, rồi được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tình nguyện đi bộ đội, phục vụ trong sư đoàn 304 và làm chính trị viên tiểu đoàn, đồng thời làm chủ bút tờ Chiến Sĩ của sư đoàn.
Tháng 2 năm 1948, ông cưới cô Lê Đỗ Thị Ninh là người học trò cũ mới 16 tuổi. Cưới nhau xong, ông lại lên đường ra mặt trận. Ba tháng sau, ông được tin người vợ trẻ tuổi ở nơi quê chết đuối. Ông quá đau khổ, viết lại chuyện hai người thành bài thơ Màu tím hoa sim.
Năm 1954, cưới Phạm Thị Nhu cô gái 17 tuổi. Cuộc hôn nhân này đã cho ông 10 người con và hơn 30 người cháu.
Đầu năm 1955, ra khỏi quân đội, ông về Hà Nội xin vào làm việc tại báo Văn Nghệ. Trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do nhà văn Phan Khôi chủ trương. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, ông bỏ Hà Nội về sống tại quê nhà và mất vào lúc 19 giờ ngày 18.3.2010
Các tác phẩm: Một số bài thơ đã được nổi tiếng: Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Yên mô, Hoa lúa, Tình Thủ đô… và tập Thơ Hữu Loan
Tại miền Nam, bài Màu tím hoa sim đã được hai nhạc sĩ Dũng Chinh và Phạm Duy phổ nhạc, mỗi người theo cách riêng của mình nhưng đều nổi tiếng.
Vào tháng 10 năm 2004, Màu tím hoa sim đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (viết tắt: vitek VTB) mua bản quyền với giá 100 triệu đồng.

No comments:

Post a Comment