GIẢI NHÌ
CUỘC THI “THƠ CA VÀ NGUỒN CỘI” LÀNG CHÙA LẦN THỨ 2
1. Trần Đăng Huấn với “Thổ thần” và “Người mẫu ảnh bên lề đường lá đổ”
2. Nguyễn
Giúp với “Gò Nổi” và “Nhà ngoại tôi
trăng lên”
|
TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI:
1. TRẦN ĐĂNG HUẤN
THỔ THẦN
Thổ thần, thổ thần
Ngủ gà thức đêm
Nhú lên trên bãi cỏ xanh sương lạnh
Đầu sáng vành Nhật nguyệt
Tay gậy trúc vàng, tay víu túi càn khôn
Áo thần những chùm rễ bò lan
Vết sẹo má - dấu mỏ chim mổ tìm sâu bọ
Ta không gặp thần nơi miếu cổ
Ta ngờ thần trên từng mảnh đất người phù trợ
Trong mùa vàng bụ sữa
Trong an lành nhà tranh biệt thự
Trong tiếng ho đêm nhẹ cô đơn
Ngủ ngày thức đêm
Khối im lặng mênh mông cất giữ trong lồng ngực
Bảo trợ những ngân hàng núm nhau
Nâng bước chân trần trên sỏi cát
Mỗi sớm tinh khôi, đất nứt là mầm
Xanh tiếng gọi thầm hồn của triệu năm
Lớp lớp mưa mồ hôi đẫm ướt áo Thần
Nhận ta là con của Đất
Nhận em là hoa của Trời
Thổ thần ơi!
Thổ thần
Lần tìm quẻ lân tinh
Túi càn khôn hoá giải
Hướng lên phía ánh mắt không tròng còn dò hỏi
Người nhặt lá bồ đề
Vãi mùa hạt hoa Tâm . . .
2. NGƯỜI MẪU ẢNH BÊN LỀ ĐƯỜNG LÁ ĐỔ
Búp tay non đỡ khuôn mặt nghiêng
Có phải em đương quỳ trước sen?
Thảm hoàng yến lòng xin trải lá
Yên lặng về nép phố trinh nguyên
Không thể gọi khoảnh khắc này là ảo ảnh
Bức chạm nổi vào hư vô trường vĩnh
Xuân bớt yêu kiều
Chấm mắt ướt dưới thiên thanh
Không cảm thấy có điều chi mất mát
Ấm áp ùa về trái tim ta
Hạnh phúc long lanh ánh mắt
Xin cảm ơn đời không kiêu sa
Những con đường già nua trẻ lại
Hồn nhiên ta chẳng sắm vai nào
Ngẩn ngơ một hơi thở nhẹ
Ta mãi em về trong chiêm bao
Gửi tới nơi xa bưu ảnh nhỏ
Hình em áo lính giữa ngày xanh
Mùa xuân sắc vỗ trùng trùng như sóng
Gió thổi hương qua miệt đất ấm lành.
2. NGUYỄN GIÚP
GÒ NỔI
Những thân lúa, thân bắp xanh từ đất đai
Những hạt sương tinh khiết từng giọt mà thành ban mai
Những phù sa vùi lấp đời mình mà thành bãi bờ điền địa
Hạ lưu con sông lang bạt dễ đâu quy hàng
Gò Nổi có phải mồ chôn con sông tự chết?
Linh hồn con sông thoát xác đi về triền dâu
Linh hồn con sông lẩn vào có lau
Linh hồn con sông hoá thân con người dung dị
Linh hồn mọc ra những buổi chiều mọc ra những ban mai
Buổi chiều nghe tiếng con heo kêu
Ban mai nghe tiếng con gà gáy
Giục lòng cái ăn, cái mặc
Trái bắp, củ khoai thẳng mặt một lời
Đói thì cạp đất mà ăn…
Cha mẹ nuôi con cơm trắng cá sông
Cha mẹ dạy con roi dâu với điều nhân nghĩa
Trái ớt cay đỏ mặt tía tai mà khoái chí
Con phải bơi qua sông con mới được làm người!
Như trận mạc và thi ca cần mặt trời
Như cỏ cây cần nắng
Như kẻ sĩ biết nương đâu dưới bóng tùng bóng trúc
Khỏi tiếng chim kêu mà giật mình!
Thân cha mẹ đầy đồng lui hui cày cuốc
Rồng bay lên nóc nhà thờ tộc
Hạc ra nghĩa địa đứng nhìn
Con đường không tên vặn nhánh
Gạo muối tứ phương tàn tro áo giấy
Nhíu nhăn mặt mày khăn đóng áo dài cưỡi hẫng thanh xuân
Thụng thịnh mắt nhìn gia phong khởi chinh cổ
Ngửa mặt lên trời sập xuống đất đai bổn mạng
Vái lạy tổ tiên độ trì noi gương nhân kiệt mà giang sơn
Cốt cách anh hùng áo vải mà chí lớn
Chí lớn bọc lá gừng lá nghệ mà vạn dặm mai sau
Những Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi…
Và máu trổ hoa thời những người đàn bà đánh Mỹ
Gò Nổi - một lát cắt tối ưu toàn cục!(*)
Gò Nổi tôi về mùa con sông nước lớn
Gò Nổi thẳm xanh
Thương em ngày trở trời
Gió lay chân ruộng
Đàn sếu bay
Đàn sếu bay…
(*) Phương pháp “Lát cắt Tuỵ” của Giáo sư Hoàng Tuỵ.
NHÀ NGOẠI TÔI TRĂNG LÊN
Nhà ngoại tôi bên kia sông
Nơi phù sa cơi cánh cò trắng bãi
Em chăn bò rắc vàng ngọn cỏ
Tăm cá lặn xuống chiều biệt tăm
Những ngày cánh nâu đầu trần
Ấu thơ bay không qua triền đồi
Em đứng đợi hoa ngô bật nụ
Tím bầm khúc sông
Những đôi mắt xanh đuổi theo chiều thẳm xanh
Âm ba trăng non gội tóc
Gàu khua rụng giếng làng
Sực nức em
Đinh ninh sông đã rằm
Đinh ninh ríu ran kẻ ngực
Đêm tràn giấc mơ chẽ đôi ao nhà
Tôi mang một nửa em ra đi
Quê ơi ngày mẹ tôi xưa đầy đặn
Cha tôi xưa dặm trường
Cớ sao em không đi bên đời tôi cho hết thảy như cha mẹ tôi với nhau
Cớ sao em không ra sông nhìn nướe chảy
Cớ sao em không bội thực tình yêu của tôi dành cho em
Cớ sao em qua cầu cho tôi bạt xứ
Và… như đã mùa màng rơm rạ ngủ
Cứ phù sa vô tội sông lở bồi đâu đâu
Gom hết tuổi mình xoè bàn tay lật gió
Nỗi buồn mộng du
Quê nhà chừ mặt sông ngầu ngầu say
Liêu xiêu bóng núi
Chắc đường về còn xa?
Bên kia sông đã mấy lần em mười lăm mười sáu
Khuya khoắt một nụ rằm
Nhà ngoại tôi trăng lên?
No comments:
Post a Comment