.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 23, 2012

NHÀ VĂN NGUYỄN BÍCH LAN “KẺ ĐẠO THƠ”


Truyện ngắn
Lão tôn sùng sự sáng tạo, đặc biệt mê thơ. Đối với lão, thơ nằm ngoài phạm trù vật chất, là sự đối lập của mọi loại cặn bã đang ngày một dày lên trong cuộc sống.


Thi thoảng lão nổi hứng làm thơ. Thi thoảng thơ của lão được đọc tại câu lạc bộ hưu trí của phường. Trong khi nhiều cá nhân cho rằng chỉ những người làm thơ được kết nạp vào Hội Nhà văn trung ương mới được gọi là nhà thơ, bản thân lão lại nghĩ thuần những ai có thơ được nhiều người đọc thì đều đáng được gọi là nhà thơ. Theo tiêu chuẩn ấy, lão trở thành nhà thơ một cách khá bất ngờ.
Chuyện bắt đầu từ một món lộc trời. Đầu năm ngoái khu đất ở cuối thị xã được một đại gia mua để xây dựng siêu thị. Mảnh vườn gần nghĩa địa của nhà lão được đại gia ấy thuê làm bãi đỗ xe. Chẳng phải trồng trọt lão cũng “gặt” được 200 triệu đồng! Từ đó lão cứ thấy người lâng lâng.
Mỗi lần nhìn tòa nhà siêu thị đang được xây dựng lòng lão lại dâng lên một niềm cảm hứng kỳ lạ. Lão hạ quyết tâm phải làm bằng được một bài thơ ca ngợi cái siêu thị ấy. Một buổi chiều, đứng ngắm cái tháp cao ngất trên nóc tòa nhà siêu thị đổ bóng xuống những ngôi mộ, lão cố vắt óc nghĩ ra được câu thơ mở đầu. Thế rồi những con chữ nối đuôi nhau hiện ra, chậm nhưng đều đặn như những giọt rượu đã được chưng cất.
Sau một tiếng đồng hồ thăng hoa với thơ, lão đã có trong tay một bài thơ trọn vẹn gồm chín câu thơ lục bát giăng kín cả mặt sau của một tờ lịch khổ lớn. Lão khoan thai đọc thành tiếng từng câu thơ. Mượt! Lão nghĩ tuy được làm theo thể thơ truyền thống, bài thơ rõ là một thi phẩm độc đáo. Bởi lão tin rằng trên địa cầu chẳng có nhiều bài thơ nói về một cái siêu thị, càng hiếm có một bài thơ nêu bật được sự tương phản đầy ý nghĩa giữa một thực thể non trẻ và mới mẻ của nền kinh tế thị trường và một cái nghĩa địa, một sự gợi ý rất xưa cũ, tẻ nhạt về cái chết. Lão hết sức tâm đắc với bài thơ.
Hai tháng trước khi cái siêu thị khai trương, lão lần theo các mối quan hệ, tiếp cận được với ông chủ của siêu thị. Thật trùng hợp, đại gia cũng là người mê thơ:
“Bác dùng tài năng, tâm huyết và thời gian làm một bài thơ hào sảng như vậy để ca ngợi cái siêu thị của tôi quả là quý hóa vô cùng. Tôi xin phép được sử dụng bài thơ này làm tuyên ngôn cho siêu thị. Nói đúng hơn, tôi xin mua tác quyền của bài thơ này để sử dụng một cách hợp pháp”.
Lão kiên quyết từ chối món tiền tác quyền mà ông ta đề nghị trả bởi vì với lão, thơ là một thứ nằm ngoài phạm trù vật chất. Lão tặng quyền sử dụng bài thơ cho ông chủ siêu thị.
Trước lễ khai trương, bài thơ của lão được đánh máy rõ ràng từng chữ, được phôtô thành nhiều bản kèm với thông tin quảng cáo cho siêu thị và được phát tới hàng nghìn hộ dân trong thị xã.
Lão tin rằng bài thơ đến tay ai thì người đó nhất định đọc nó từ đầu đến cuối. Lão tin rằng mình đã trở thành một nhà thơ đích thực.
Bài thơ của lão xuất hiện dưới dạng các chữ cắt dán khổ lớn trên dải băng đỏ được treo từ nóc xuống tận sảnh lớn của siêu thị trong ngày khai trương. Không những thế nó còn được đăng trên trang web của siêu thị.
Đó cũng là khởi đầu của sự kết thúc đối với giấc mơ đẹp tưởng chừng bất tận của lão.
Khi siêu thị vẫn còn đang trong tháng khuyến mãi tưng bừng thì uy tín của nó bị đe dọa. Một tác giả có bút danh là Tâm Tài lên tiếng cáo buộc siêu thị và bất cứ ai đứng sau nó tội đạo thơ. Người này chỉ rõ bài thơ được dùng làm tuyên ngôn của siêu thị có những câu được chép nguyên xi từ một bài thơ anh ta đã sáng tác cách đó chưa lâu, bài thơ đã được in trong một tập thơ kỷ niệm ngày thành lập thị xã. Trong buổi thương lượng gồm tất cả các bên có liên quan, lão kiên quyết không thừa nhận mình là kẻ đạo thơ. Lão giải thích sự cố trên là sự trùng lặp kỳ lạ trong hoạt động sáng tác. Vừa ngơi mồm, lão đã biết ngay chính mình cũng không tin được. Nhưng sự thật của lão còn khó tin hơn: lão bị bộ óc của mình phản bội, nó cho phép lão nhớ lại thơ người khác nhưng lại để mặc lão lầm tưởng là thơ của chính mình.
Ông chủ siêu thị không muốn chuyện lùm xùm lan rộng liền đề nghị bồi thường tác giả Tâm Tài một khoản tiền. Tâm Tài kiên quyết không nhận tiền. Anh ta có chung quan điểm với lão; anh ta nghĩ thuần những gì là thơ đều nằm ngoài phạm trù vật chất. Miễn bàn.
Không có chuyện kiện tụng xung quanh bài thơ, nhưng hầu hết các báo trong tỉnh đều đăng bài về vụ đạo thơ. Từ một người làm thơ tay ngang chưa đầy ba mươi tuổi, tác giả Tâm Tài bỗng nhiên trở thành ngôi sao của giới truyền thông cấp tỉnh. Từ các bài trả lời phỏng vấn đầy mỉa mai về thời buổi xuống cấp đạo đức trong hoạt động sáng tạo, anh ta hăng hái phổ biến các phương pháp làm mới thơ, quảng bá thơ...
Tác giả Tâm Tài trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tình hình cho thấy nếu có cơ hội anh ta sẵn sàng làm ngôi sao của giới truyền thông cấp quốc gia. Lo sợ bị cả nước coi là kẻ tội đồ, lão đành đến gặp Tâm Tài trực tiếp xin lỗi vì đã “sử dụng” một số câu thơ của anh ta mà không xin phép.
Sẵn máu ngông cuồng, Tâm Tài buộc lão phải thực hiện một việc chưa từng có trong làng thơ: anh ta buộc lão thề rằng từ nay về sau không làm thơ nữa!
Cực chẳng đã, lão đành chấp nhận để gã thi sĩ non choẹt đó nhấn cái nút tắt vĩnh viễn đối với toàn bộ cảm hứng thi ca của mình theo cách dứt khoát và triệt để, chẳng khác gì cách người ta dùng phương pháp triệt sản ngăn không cho các đối tượng đang ở độ tuổi sinh đẻ sinh ra những đứa con ngoài ý muốn.
NGUYỄN BÍCH LAN
Nguồn: nhà văn TPHCM

No comments:

Post a Comment