.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 22, 2012

LẠI CHUYỆN ĐẠO VĂN: THỪA TỰ HÀO NHƯNG QUÁ THIẾU TỰ TRỌNG

Tuần qua, sự kiện chủ tịch hội Nhà văn TP Cần Thơ Trương Thanh Liêm bị phát hiện sao chép bài của người khác để đăng báo như một vết nhơ làm tổn thương cả cộng đồng. Có lẽ chưa bao giờ, lòng tự trọng lại trở thành một giá trị quá… xa xỉ với trí thức như bây giờ. Vì sao vậy?

“Đạo” là chuyện cơm bữa!
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ăn cắp trong mọi lĩnh vực đều đáng lên án, trong văn học càng đáng lên án hơn, vì văn học dạy người ta cách làm người. Ông nói: “Nếu lòng tự trọng cá nhân không có thì làm sao có thể dạy người khác. Với chức vụ chủ tịch hội nhà văn, lẽ ra anh ấy phải là người phê phán, ngăn chặn, phát hiện chuyện đạo văn, nhưng chính anh ta lại ngang nhiên coi thường mọi người, xúc phạm đến hội viên của mình. Thật không còndo nào biện minh được. Chúng ta đang xây dựng một xã hội hiện đại, xã hội công dân, đề cao lao động sáng tạo của con người, phải có ý thức tôn trọng con người, tôn trọng phẩm giá và những thành quả của mỗi người. Người có lòng tự trọng, có văn hoá, dù chỉ là trích một câu, một chữ, cũng phải chú thích rõ ràng để người đọc hiểu đó là của ai”.
Đề cập đến nạn đạo văn trong nghiên cứu khoa học, TS Trần Nam Dũng (đại học Khoa học tư nhiên TP.HCM) cho rằng: “Chuyện đạo văn trong các luận án thạc sĩ diễn ra như cơm bữa, khiến tôi mỗi lần phản biện luôn phải nhắc đi nhắc lại chuyện đó. Mới đây, một vị phụ huynh đã gửi thư cho tôi than phiền vì có bài báo đăng trên một tạp chí khoa học giống y như bài trong tập tài liệu của tôi. Hỏi ra mới biết bài giảng ấy tôi để lại ở một ngôi trường mình đã dạy. Ở Việt Nam, vấn nạn này không được để ý lắm trong các hoạt động học thuật, trong khi ở nước ngoài, ngay từ cấp tiểu học, trung học, người ta đã giáo dục rất kỹ từ cách viết, cách tham khảo, dẫn nguồn… trong các bài luận. Chuyện đạo văn cũng như văn hoá giao thông, nếu số đông chưa được giáo dục về lòng tự trọng, chưa hiểu biết về tác hại của nó, chưa có biện pháp chế tài nghiêm khắc, sẽ ngày càng tràn lan như một dịch bệnh”.
Dưới góc nhìn một nhà văn, Nguyễn Quang Thiều không chỉ phẫn nộ, ông xem đây là thực trạng đau lòng của xã hội: “Sáng tạo là một giá trị thiêng liêng của người nghệ sĩ. Tôi không tưởng tượng nổi một nghệ sĩ lại có thể ăn cắp ý tưởng của người khác, biến thành tác phẩm của mình. Lỗi này không phải vì tiền, vì nhuận bút cũng rất ít ỏi, đó là sự sa sút lớn về đạo đức, nhân cách. Cách đây 20 năm, tôi rất bất ngờ khi phát hiện ra một vụ đạo văn nào đó, đến giờ, tỷ lệ ấy ngày càng tăng, đến nỗi nó trở thành… bình thường. Đó mới là điều đáng sợ nhất. Tôi từng chứng kiến một cán bộ tham nhũng bị tuyên án vẫn mỉm cười thản nhiên trước ống kính. Người ta không còn xấu hổ nữa. Ngày xưa, có người chỉ vì ăn cắp một quả trứng mà xấu hổ đến mức phải bỏ làng ra đi. Giờ thì có cán bộ tham nhũng hàng tỉ đồng, có những vị giáo sư đạo văn một cách trắng trợn vẫn nhơn nhơn giảng đạo đức cho người khác… Có một sự băng hoại rất lớn trong đạo đức xã hội đang làm tổn thương mọi giá trị của con người!”
Lỗi tại giáo dục?
Nhà văn Nhật Chiêu, người nhiều lần từng là nạn nhân của chuyện đạo văn, chỉ ra lỗ hổng lớn nhất trong giáo dục, lâu dần đã trở thành một “thuộc tính” dân tộc: “Người vô danh tiểu tốt đạo của người danh tiếng còn hiểu được, nhưng thật khó hiểu khi người có danh, có quyền lại đạo của người vô danh. Chuyện đạo chích, đạo tặc, đạo văn đáng lẽ phải ngày càng ít đi, nhất là khi đã có luật, nhưng không hiểu tại sao càng ngày càng tràn ngập trong mọi lĩnh vực, từ chốn thâm nghiêm như môi trường đại học cho đến những nơi bình thường nhất. Khi lòng tự trọng, liêm sỉ, lương tri không còn nữa, cái gì người ta cũng dám làm. Luật pháp lúc đó cũng chịu thua thôi. Tôi nghĩ lỗi lớn nhất nằm ở giáo dục.
Chúng ta rất giỏi giáo dục lòng tự hào, nhưng lại rất dở giáo dục lòng tự trọng. Nước mình anh hùng nhất? Chiến đấu giỏi nhất? Chúng ta đang theo đuổi những cái phù phiếm mà quên đi giá trị căn bản, tự mình vỗ ngực khoe khoang hơn người. Lòng tự trọng cá nhân và tự trọng cộng đồng phải được coi là một giá trị phổ quát, trọng tâm, để mỗi con người biết xin lỗi, biết nhận trách nhiệm, biết tự khinh mình trước khi người khác khinh mình, biết mình bất tài vô dụng để luôn học hỏi thêm. Tự trọng để không cần phải tự hào phô trương, không chạy theo thành tích. Tự trọng, để biết tôi không hơn thiên hạ, nhưng không làm bẩn tôi, không làm lệch tôi. Xây chùa lớn nhất để làm gì, xây trường đại học cả trăm tầng, lớn nhất Đông Nam Á để làm gì khi chúng ta chỉ sản xuất ra quá nhiều con người tự hào, mà quá ít những con người tự trọng. Tự trọng, để biết mình là mình, để mỗi người phải làm việc cho tốt, mới có thể đưa đất nước tiến lên”.
KIM YẾN
Theo SGTT

No comments:

Post a Comment