.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, November 4, 2012

INRASARA – PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THƠ VN: MỪNG VÀ LO TRƯỚC “MÙA KẾT NẠP”

Mùa thu Hà Nội chưa qua, “mùa kết nạp” lại đến. Khắp nơi các ứng viên Hội Nhà văn Việt Nam ngóng về thủ đô với tâm trạng phấp phỏng, hồi hộp. Và Ban Chấp hành lẫn Ban tổ chức hội viên cùng các Hội đồng cấp tập công việc.
 
Nhà thơ Inrasara

Cấp tập và gấp rút này thể hiện đủ đầy ở bản “Thông báo của Ban tổ chức hội viên Hội Nhà văn Việt Nam” ngày 18-10-2012.
Thông báo nêu rõ: “Nhằm nâng cao chất lượng kết nạp Hội viên năm 2012 cũng như các năm tiếp theo, đề nghị tác giả bổ sung: Bản kê khai tóm tắt quá trình sáng tác và hoạt động văn học (1 trang A4); Đối với tác giả ngành Thơ tự chọn và gửi kèm 15 bài thơ… gửi về Ban Tổ chức Hội viên trước ngày 20 tháng 11 năm 2012”.
Thông báo bộc lộ một hoạt động quy củ hơn, “kỹ trị” hơn đối với một công việc nhiều năm chịu tiếng luộm thuộm, lình xình; nhưng dường như vẫn còn một lỗ hổng, khi đi vào vận hành thực tế.
Thử làm phép tính đơn giản: 300 ứng viên thơ, mỗi người nộp 15 bài thơ sẽ cho ra con số 4.500 bài thơ; đó là chưa kể 300 trang A4 tiểu sử văn học.
Nếu đến ngày hẹn 20-11-2012, tất cả nộp “hồ sơ” đầy đủ lên Ban tổ chức hội viên, sau đó Ban này cấp tập làm việc với bao thao tác: phân loại, nhân bản và cuối cùng là gửi đến các ủy viên Hội đồng. Cho dù Ban tổ chức hội viên có nhiệt tình và làm việc khoa học tới đâu cũng phải mất mươi ngày.
Giả dụ đầu năm 2013 họp xét kết nạp, thì các ủy viên Hội đồng chỉ được dành đúng một tháng cho công cuộc đọc kia! Với thời lượng như thế, đố ủy viên nào dám tự nhận gánh vác nổi trách nhiệm vinh quang và nặng nề đó?
Sự thể như thế này. Đầu năm 2011, sau cuộc bỏ phiếu xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội về, tôi cảm nhận có một trục trặc rất lớn. Tôi đã nhìn lại mình và tự kiểm rằng bản thân bị đẩy vào một tình thế chủ quan tự mình không thể chấp nhận.
Tôi tìm nguyên do và nhận định: Hội đồng đã bỏ phiếu dựa trên Bản lí lịch văn học của ứng viên vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật. Sau đó tôi xét cách bỏ phiếu của tôi (có thể cả các thành viên Hội đồng Thơ) là không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia.
Giai đoạn qua, BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã “làm theo quy chế” trong khâu xét duyệt. Không có gì sai cả, bởi quy chế đã được Đại hội thông qua.
Thế nhưng theo tôi, vì chưa cụ thể trong cách triển khai, và nhất là chưa rốt ráo để đạt khách quan tính tối thiểu, nên công cuộc dễ xảy ra hồ nghi từ phía dư luận. Dư luận, có thể không vấn đề gì cả. Đáng nói hơn là, chính thành viên Hội đồng tự nhận thấy mình chưa làm đầy đủ trách nhiệm.
Thiết nghĩ, việc biết tên tác giả trong Danh sách 300 nhà thơ là không khó. Nhưng đọc họ đến nơi đến chốn là chuyện hoàn toàn khác. Đọc đến nơi đến chốn, nghĩa là có thể nói về thơ họ mà “không cần nhìn giấy”.
Với tôi, trong Danh sách 300 nhà thơ tôi chỉ đọc được 15 người. Khoảng 15 người nữa tôi có đọc nhưng đã… quên. 270 nhà khác, tôi hoàn toàn chưa đọc. Vì không có cơ hội đọc. Vậy mà tôi vẫn bỏ phiếu, tôi cứ loại người mình chưa đọc ra. Như vậy là không công bằng với đồng nghiệp.
Bài viết của tôi đăng Tiền phong Chủ nhật, 20-3-2011, nhưng Ban tổ chức hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vẫn cứ nếp cũ mà làm, mặc cư dân mạng ý kiến hay dư luận ì xèo.
Thế là năm sau tôi lại tiếp tục lên tiếng: “Từ cảm tình và cảm tính đến phiếu trắng” – vẫn trên Tiền phong Chủ nhật (1-2012). Ở bài này, tôi phân tích sát sườn hơn, đưa ra biện pháp mang tính khả thi cao hơn. Tôi đã đề nghị Ban Công tác hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cần làm sớm: Yêu cầu mỗi ứng viên nộp: 1. Tiểu sử văn học, 2. Mười bài thơ tự chọn, và 3. Thông tin liên quan khác, như các thể loại bổ trợ.
Ví dụ: ứng viên thơ, cần đính kèm theo bảng tóm lược tác phẩm nếu có viết loại tiểu thuyết, phê bình… Website Hội Nhà văn Việt Nam cần lập một cột riêng đăng tất cả thông tin kia, từ đó các Ủy viên mới có cơ sở đọc và bình xét. Xét, bỏ phiếu và chịu trách nhiệm trước công luận về lá phiếu của mình.
Việc đưa các thông tin đó ra trước công chúng sẽ có tác dụng tích cực nhất định. Thứ nhất, vì nhiều nguyên do khác nhau, có thể nhiều ứng viên rút lui, từ đó danh sách ứng viên được rút bớt đáng kể; thứ hai, khi “tài năng và sự nghiệp” văn học của ứng viên được bày ra trước bàn dân thiên hạ, thì Ủy viên Hội đồng trước khi cất cử lá phiếu của mình, sẽ phải đắn đo suy nghĩ.
Điều quan trọng là, chẳng những tất cả thông tin hồ sơ trên phải được đưa lên mạng, mà nó phải được gửi đến tay ủy viên Hội đồng trước quý III của năm, để họ có được 5-6 tháng đọc, đối chiếu mà bỏ phiếu quyết định.
Có thể họ sai, nhưng họ biết mình không bị buộc vào thế xử sự bất công với đồng nghiệp. Họ không bị cảm tình, cảm tính và mơ hồ chi phối, qua đó sẵn sàng đứng ra bảo vệ chính kiến của mình. Khi đã cụ thể như vậy, các Hội đồng và cả Hội Nhà văn Việt Nam phần nào đó tránh được điều tiếng hoàn toàn không đáng có!
BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận ra sự thể, nhận ra và kịp thời ra “thông báo”. Là điều đáng hoan nghênh. Nhưng còn vận hành cụ thể? Có lẽ phải chờ xem.
Một động thái đáng hoan nghênh nữa, khi ngay đầu tháng 11-2012, website Hội Nhà văn đăng tin: “Các ứng viên xin gia nhập Hội Nhà văn tự giới thiệu tác phẩm của mình”. Nhiều người đã hưởng ứng. Mở và công khai là lành mạnh. Muộn còn hơn không!
Inrasara

Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam
Nguồn: Tiền Phong

1 comment:

  1. THỰC RA, KỂ TỪ NGÀY ÔNG HỮU THỈNH CẦM ĐẦU, CÁI HỘI NHÀ VĂN CÒN TÝ GÌ THIÊNG LIÊNG CAO QUÝ NỮA ĐÂU. NÓ XẬP XỆ MỐC MEO NHƯ CON ĐĨ GIÀ. SAO MỌI NGƯỜI CỨ TỐI MẮT TỐI MŨI LAO VÀO.

    ReplyDelete