.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, November 28, 2012

LÊ DỤC TÚ: ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN VIẾT TRUYỆN NGẮN ĐƯƠNG ĐẠI

Có thể nói rằng sự khởi sắc của truyện ngắn Việt Nam đương đại không chỉ là ở sự hiện diện của các cây bút trình làng những tác phẩm đầu tiên của mình từ sau Đổi mới mà trước hết có lẽ là sự lột xác của chính những cây bút gạo cội đã được bạn đọc biết đến từ lâu trên văn đàn. Bởi vậy, nhắc đến đội ngũ người viết truyện ngắn đương đại không thể không nhắc đến các gương mặt quen thuộc xuất hiện từ lâu như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Dậu, Vũ Bão, Nguyễn Kiên, Mai Ngữ, Đỗ Chu, Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa, Xuân Thiều... Nét nổi bật đáng ghi nhận của các nhà văn gạo cội này là họ đã thực sự có ý thức đổi mới ngòi bút của mình để bắt kịp với những biến chuyển của thời cuộc.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu sau khi viết Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa đã cho ra đời những truyện ngắn đột phá, mở đầu cho một kiểu tư duy mới về hiện thực và con người, như các truyện Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát. Với Bức tranh, Nguyễn Minh Châu đã chính thức mở màn cho kiểu nhân vật “tự thú, sám hối” của văn học đổi mới; còn với Phiên chợ Giát người đọc đã thấy những dấu hiệu của cảm quan hậu hiện đại trong việc thể hiện thân phận của con người qua nhân vật lão Khúng.
Ma Văn Kháng cũng gây ấn tượng cho người đọc khi cho ra đời các tập truyện Ngày đẹp trời, Trăng soi sân nhỏ và sau đó là Một mối tình si. Một mối tình si tiếp tục ghi nhận những nỗ lực tìm tòi của Ma Văn Kháng khi dấn thân vào mảng đề tài thế sự, khai thác những va đập của của nền kinh tế thị trường với sự thống trị đầy quyền lực của đồng tiền. Ngoài ra tác giả còn thâm nhập vào một miền đất mới khi đi sâu khám phá bản năng phồn thực của con người, đặc biệt là chú ý miêu tả vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ gắn với bản năng tính dục của họ, đem lại sự mềm mại, hấp dẫn cho những trang viết.
Sau nhiều tiểu thuyết có tiếng vang, Nguyễn Khải tiếp tục ghi dấu những thành công của mình ở thể loại truyện ngắn với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 cho Tập truyện ngắn và tạp văn. Truyện ngắn của Nguyễn Khải chủ yếu đề cập đến những chuyện thường ngày và những trăn trở trong chuyện nghề, chuyện đời. Sức lôi cuốn của truyện ngắn Nguyễn Khải là những phát hiện sắc sảo, tính luận đề, tính triết luận cộng với sự lôi cuốn của giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh mà có duyên.
Xuân Thiều cũng là một cây bút quân đội đã có khá nhiều truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh. Những truyện ngắn của ông viết trong vòng hơn một thập niên sau chiến tranh (in trong tập Xin đừng gõ cửa) đã quan tâm và đề cập đến những vấn đề về số phận con người trong và sau chiến tranh với một cái nhìn đổi mới. Những lưu lạc, sự hờ hững vô trách nhiệm, lòng tham, sự hèn kém, sự hãnh tiến hay nỗi cô đơn của con người được nhà văn thể hiện bằng sự trải nghiệm và bản lĩnh của một người lính đã từng đi qua những năm dài chiến tranh. Chất trữ tình tươi mát cộng với những tinh tế trong việc thể hiện tâm lý là mặt mạnh trong ngòi bút Xuân Thiều đã tạo sức cuốn hút cho tác phẩm của ông.
Nguyễn Kiên sau hàng loạt những truyện ngắn chuyên tâm về đề tài nông thôn đã cho ra đời tập truyện Những mảnh vỡ ghi nhận những đổi mới của nhà văn khi quan tâm đến những vấn đề thế sự. Với tập truyện ngắn này, người đọc thấy một Nguyễn Kiên vẫn phát huy sở trường ở bút pháp hướng nội, ở chất từng trải, hiểu lẽ đời, đã pha thêm chất tươi mới, dạt dào cảm xúc và ngồn ngộn chất sống của cuộc sống đương đại.
Đỗ Chu với Một loài chim trên sóng lại thêm một lần nữa làm mới ngòi bút của mình để thích ứng với sự đổi mới của hiện thực và tâm lý của công chúng bạn đọc, nhưng vẫn cố gắng giữ cái “tạng” của mình. Với Một loài chim trên sóng người đọc thấy một Đỗ Chu vẫn đầy chất trữ tình và một niềm tin chất chứa vào tình yêu con người song cũng đầy chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời, về thân phận con người trước những đổi thay của thời cuộc.
Vũ Bão ra mắt bạn đọc với tập Truyện chọn lọc tập hợp những truyện ngắn viết trong thời kỳ đổi mới. Với sự kết hợp tư duy sắc sảo nhanh nhạy của một nhà báo và sự mẫn cảm, tinh tế của một nhà văn, truyện của Vũ Bão vẫn tiếp tục chinh phục bạn đọc ở giọng điệu giễu nhại, tự trào của lối văn trào lộng với tiếng cười nhân bản, hồn hậu, ở khả năng sử dụng đắc địa ngôn ngữ dân dã, đời thường và cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên.
Với Chuyện như đùa, Mai Ngữ - một nhà văn đã từng nhiều năm khoác áo lính và viết về chiến tranh cũng đã chuyển kênh sang một vùng đề tài mới, phản ánh kịp thời những đổi thay của thời cuộc. Các tình huống bi hài của cuộc sống được ông chú ý khai thác trên khía cạnh nhân văn khiến người đọc vừa cười một cách dí dỏm vừa phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Cách kể chuyện ngắn gọn với lượng thông tin cao là nét mới của ngòi bút Mai Ngữ so với những truyện viết về chiến tranh trước đây.
Các gương mặt truyện ngắn của thế hệ tiếp theo xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của văn học đổi mới đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả bởi những đột phá trong bút pháp. Đó là Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Sương Nguyệt Minh, Phan Triều Hải... Truyện ngắn của các cây bút này là tiếng nói của một thế hệ nhà văn đã thật sự có những chuyển hướng trong tư duy với những khám phá mới về hiện thực và con người.
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đã lập tức tạo nên một “hiện tượng”. Nhà văn của miền sơn cước và nông thôn đã thu hút một lượng lớn độc giả và cùng với nó là một “trào lưu” phê bình về các tác phẩm của ông. Lời đánh giá sau đây của nhà văn Nguyên Ngọc sẽ cho bạn đọc thấy một cách đầy đủ những đóng góp của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vào nền văn học Việt Nam đương đại: “Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trong trào lưu văn học đổi mới của Việt Nam, là một hiện tượng tiêu biểu nhất của trào lưu đó. Tuy nhiên trong khi văn học đổi mới đang hăng hái làm công việc phơi bày, tố cáo những hiện tượng xã hội phức tạp thì Nguyễn Huy Thiệp không lao vào dòng chảy chung đó.
Anh đi theo một con đường khác: rất sớm, từ nhiều góc độ khác nhau, đa dạng, lắm lúc khiến ta kinh ngạc, khi trực tiếp, khi qua nhiều khúc xạ phong phú, khi quyết liệt dữ dằn, thậm chí trắng trợn, khi đằm thắm giàu chất thơ, anh cố lần ngược lên cho đến ngọn nguồn của những hiện tượng xã hội ấy, gợi ra những căn nguyên tiềm ẩn lâu dài... Anh đưa văn học hiện đại Việt Nam đến một bước chuyển rất quan trọng: một nền văn học có ý thức mạnh mẽ làm chức năng là tấm gương tự soi mình của dân tộc, và của con người”.
Sau Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh cũng là cây bút gây được sự chú ý trong dư luận khi trình làng hai truyện ngắn nổi tiếng Bước qua lời nguyền và Xưa kia chị đẹp nhất làng. Với tập Bước qua lời nguyền, Tạ Duy Anh đã “báo hiệu một tấm lòng lớn, một tầm nhìn xa”. Truyện của anh, dù viết dưới góc nhìn nào, cũng đều thể hiện sự trăn trở của nhà văn về số phận con người: số phận của người nông dân dưới áp lực của những thù hận, những u tối của cơ tầng văn hóa cổ hủ lạc hậu, bi kịch của con người do chiến tranh hay do hậu quả của căn bệnh hình thức, quan liêu, bệnh thành tích, giả dối... Với giọng văn da diết, nhức nhối và cách khai thác hiện thực từ chiều sâu nhân bản, truyện của Tạ Duy Anh là “tín hiệu của một dòng văn học mới, dòng văn học bước qua lời nguyền” (Hoàng Ngọc Hiến).
Là cây bút đến nay đã cho ra đời 6 tập truyện ngắn với nhiều giải thưởng, Sương Nguyệt Minh đã định hình được một phong cách riêng ổn định nhưng cũng không ngừng đổi mới. Từ những truyện ngắn như Người ở bến sông Châu, Đi qua đồng chiều đến các tập Mười ba bến nước, Chợ tình, đặc biệt gần đây là Dị hương, nhà văn đã “viết khác mình”: “Trước nay, cái tên Sương Nguyệt Minh thường gắn liền với những câu chuyện viết về đề tài chiến tranh và nông thôn bằng ngòi bút dữ dội vẫn lung linh, trữ tình nên việc ra đời những truyện ngắn ma mị và nhiều tính dục với bút pháp huyền ảo và giả tưởng trong tập Dị hương khiến nhiều người đọc lạ lẫm bất ngờ” (Di Li).
Phạm Ngọc Tiến cũng là một trong những cây bút truyện ngắn có nhiều năm khoác áo lính. Tập truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông của anh được tặng giải B của Hội Nhà văn Việt Nam (1994) đề cập đến nhiều mảnh đời và số phận khác nhau (kể cả số phận của người lính trong và sau chiến tranh). Truyện của Phạm Ngọc Tiến không chỉ cuốn hút bạn đọc ở tính nhân văn thấm đẫm mà còn ở sự kết hợp nhiều phương thức thể hiện: quá khứ đan xen hiện tại, hiện thực xen lẫn huyền thoại với âm hưởng vừa phê phán, vừa ngợi ca.

Nhà văn Hồ Anh Thái
Xuất hiện muộn hơn một chút nhưng cái tên Hồ Anh Thái lập tức gây được sự chú ý trên văn đàn khi các tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày và Bốn lối vào nhà cười ra mắt bạn đọc. Đối tượng trong sáng tác của Hồ Anh Thái là cuộc sống thời mở cửa với những vấn đề của giới trí thức, sinh viên, công chức nhà nước, của giới trẻ. Sự xuống cấp trong nhân cách, lối sống, đạo lý, văn hóa của họ phần nào phản ánh sự xuống cấp của xã hội đương đại nhiều phức tạp và bất ổn. Tất cả những hệ lụy đó được nhà văn phô diễn trong một chất giọng khách quan, lạnh lùng, đậm chất trào phúng hài hước. Vốn tri thức phong phú cùng nghệ thuật kể chuyện và dẫn chuyện sinh động cũng là những mặt mạnh trong bút pháp trần thuật tạo nên sức hấp dẫn trong tác phẩm của Hồ Anh Thái.
Tiếp bước thế hệ của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái là một loạt gương mặt cá tính ở thế hệ 7x, 8x như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Phan Việt, Cấn Vân Khánh, Keng, Nguyễn Quỳnh Trang, Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Thị Cẩm... và một số gương mặt mới toanh xuất hiện trong các tác phẩm gần đây, mỗi người một dáng vẻ, một giọng điệu. Đây thực sự là những gương mặt mà ngay ở những tác phẩm đầu tay đã tạo được ấn tượng bởi những lạ lẫm trong khám phá hiện thực, bởi những táo bạo trong cách phơi trải tâm hồn, với cách viết đầy ngẫu hứng luôn có sự kết hợp giữa tài năng thiên bẩm và vốn tri thức văn hóa mới mẻ. 
Thế hệ này được sống trong một môi trường văn hóa có nhiều ưu thế hơn hẳn so với các thế hệ đàn anh, với sự giao lưu văn hóa toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Điều đáng ghi nhận ở thế hệ này là ý thức vươn tới những thể nghiệm mới mẻ, lạ hóa cách viết truyền thống. Nhu cầu “viết khác đi” dường như là nhu cầu chung của thế hệ này, cho dù những thể nghiệm đó có thể thành công hay thất bại để rồi cuối cùng họ không còn tái xuất hoặc sẽ vững vàng hơn trên văn đàn. Tác phẩm của lớp nhà văn này, dù đề cập đến vấn đề gì (cuộc sống chật chội trong những căn phòng ở đô thị hay bản năng gốc của con người) thì cuối cùng vẫn là để cho người đọc thấy rằng họ “đang sống với thời hiện tại và hình như trong vô thức đã mang trách nhiệm nói hộ những câu chuyện riêng tư của thế hệ mình”.
Nói đến đội ngũ nhà văn viết truyện ngắn đương đại, không thể không nhắc đến đội ngũ nhà văn nữ vừa đông đảo về số lượng vừa đa dạng về tiềm năng xuất hiện từ sau Đổi mới. Đó là những gương mặt tạo nên bản sắc nữ, ghi một dấu ấn đậm nét trên văn đàn và tạo nên diện mạo mới cho văn xuôi với những “thương hiệu” từ lâu đã đi vào lòng công chúng như Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Ấm, Y Ban, Lý Lan… và gần đây là Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Cẩm, Từ Nữ Triệu Vương, Cấn Vân Khánh, Niê Thanh Mai...
Nhận diện về sự xuất hiện của những cây bút văn xuôi nữ thời kỳ đổi mới, lời giới thiệu tuyển tập Truyện ngắn của 50 tác giả nữ đã cho rằng “Sự tăng lên đến mức đột biến của các cây bút văn xuôi nữ đã làm cho những ai quan tâm đến văn chương Việt Nam đương đại không khỏi ngạc nhiên và thích thú”. Sự xuất hiện đông đảo của các cây bút nữ không chỉ đem lại cho văn chương cái Mới lẫn cái Lạ mà còn là sự khẳng định ý thức nữ quyền khi người đàn bà không còn chỉ quẩn quanh nơi xó bếp mà đã hướng đến những khung trời rộng lớn. Hành trình viết văn của họ cũng là hành trình thể hiện bản lĩnh của người cầm bút khi dám chấp nhận sự sáng tạo đơn độc và trả giá cho những niềm tin riêng của mình về cái Đẹp.
Là những cây bút nữ, nên điều các nhà văn nữ quan tâm nhiều nhất trong sáng tác của mình là thân phận của những người cùng giới được đan cài trong những câu chuyện thường ngày với những vui buồn được mất giữa cho và nhận, bất hạnh và hạnh phúc. Họ đã viết về những mảnh đời bất hạnh bằng tất cả sự thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của con người trong nhiều trạng huống khác nhau. Bên cạnh những nét chung đó, mỗi cây bút nữ lại có những bản sắc riêng khó lẫn, tạo nên cá tính và phong cách khác nhau mà chúng ta có thể nhận diện qua một số chân dung cụ thể tiêu biểu sau.
Đoàn Lê là một gương mặt nữ đã ít nhiều tạo được phong cách nghệ thuật của mình trên văn đàn sau 1975. Nhiều truyện ngắn của Đoàn Lê đã được giải thưởng và hai tập truyện ngắn được dịch ra tiếng Anh là Trinh tiết xóm chùa và Nghĩa địa xóm chùa. Dù truyện ngắn Đoàn Lê vẫn nằm trong ranh giới của truyền thống và hiện đại nhưng đã có nhiều cách tân về mặt thi pháp với một phong cách đa dạng và một văn phong tươi mới. Nhận xét về Đoàn Lê, Tạp chí Nghiệp đoàn ở Mỹ cho rằng truyện ngắn của nữ nhà văn “đã có một cái nhìn sâu vào bên trong văn hóa Việt Nam sau đổi mới” và đó là những tác phẩm “khảo sát tất cả những gì bí ẩn, tinh tế của trái tim con người”.
Truyện của Đoàn Lê được viết bằng một thứ ngôn ngữ dịu dàng, nền nã nhưng cũng đầy chất hài hước, hóm hỉnh và thấm đẫm chất triết lý sâu sắc. Sau Đoàn Lê một chút, Lê Minh Khuê được công chúng biết đến khi tập truyện ngắn Cao điểm mùa hạ với điểm nhấn là truyện Những ngôi sao xa xôi ra đời. Các tác phẩm xuất sắc của Lê Minh Khuê đã được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Nhật, Malaysia), đặc biệt tập truyện The Stars, the Earth, the River – Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1998) của Lê Minh Khuê đã được tặng giải thưởng quốc tế Byeong - Ju Lee với lời đánh giá: “Tác phẩm thời hậu chiến của bà quan tâm đến hậu quả chiến tranh đối với đất nước mình, những vấn đề sau khi thống nhất đất nước, sự nghèo đói và tình trạng xói mòn văn hóa và tinh thần khi đất nước chuyển đổi sang một xã hội tiêu thụ. Những vấn đề này được thể hiện bằng một văn phong đẹp, chua xót và trang nghiêm”.
Hiện diện như là một trong những đại diện xuất sắc của các cây bút cách tân từ chặng đầu tiên của văn học đổi mới, Phạm Thị Hoài nhanh chóng được bạn đọc chú ý khi chị trình diễn một lối viết hoàn toàn mới, khác hẳn với truyền thống. Tiểu thuyết Thiên sứ và sau đó là tập truyện ngắn Mê lộ đã cho thấy một phong cách văn chương khác lạ. Trong khát vọng canh tân văn học, văn chương của Phạm Thị Hoài là một cuộc dấn thân vào “trò chơi vô tăm tích”.

Nhà văn Phạm Thị Hoài
Trong cảm quan của Phạm Thị Hoài, thế giới con người là một thế giới vô cảm vô hồn, thậm chí là những thây ma, nhiều nhân vật không có tên tuổi, địa chỉ, diện mạo, thậm chí chỉ còn là những ký hiệu... Thế giới diễn ngôn của nhà văn cũng là thế giới hỗn loạn của một thứ ngôn từ “phi thẩm mỹ” mang tính phức điệu. Tiếp nhận và ảnh hưởng nhiều luồng tư tưởng phương Tây, tác phẩm của Phạm Thị Hoài là một bản hợp âm của cuộc sống trong đó có sự đan xen giữa vô thức và bản năng tính dục, giữa những buồn nản, phi lý và khát vọng hướng về cái đẹp. Truyện của chị chưa phải đã chinh phục được số đông độc giả nhưng đã chinh phục được những độc giả khát khao đổi mới văn chương.
Cùng thế hệ với Phạm Thị Hoài còn có các gương mặt truyện ngắn sáng giá như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo. Nguyễn Thị Thu Huệ được chú ý từ cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Hậu thiên đường. Cũng như nhiều cây bút nữ khác, truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ chủ yếu đề cập đến những vấn đề thường nhật của cuộc sống như tình yêu, hôn nhân và gia đình nên phần lớn nhân vật của chị là nhân vật nữ; họ luôn trăn trở trong sự kiếm tìm tình yêu đích thực và hạnh phúc nhưng đó luôn là những ảo ảnh xa vời, bởi vậy họ dễ rơi vào bi kịch. Khám phá cuộc sống ở những điều bình thường, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tỏ ra là một cây bút nữ sắc sảo khi nhìn cuộc đời theo con mắt của riêng mình. Hiện thực cuộc sống và con người được chị tái hiện không chỉ qua những trạng huống tâm lý tinh tế mà qua cả vốn ngôn ngữ miêu tả thế giới cảm giác phong phú đầy mẫn cảm, điều đó đã tạo nên dấu ấn riêng cho những tác phẩm của chị...
Y Ban lại chinh phục độc giả bằng bằng sự táo bạo và quyết liệt ở ngay những truyện ngắn đầu tay. Với 9 tập truyện ngắn đã công bố, trong đó nhiều truyện đã được giải thưởng (như truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và tập truyện Người đàn bà có ma lực), Y Ban là một cây bút được bạn đọc yêu thích bởi tác phẩm của chị luôn gây ra những luồng dư luận trái chiều. 
Cùng khai thác đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình, nếu Nguyễn Thị Thu Huệ chú ý đến vấn đề lương tâm và trách nhiệm đối với con cái, Trần Thùy Mai hướng đến những điều bình dị ấm áp, giàu tình yêu thương thì Y Ban lại chú ý khai thác những mâu thuẫn phức tạp giữa vợ chồng, con cái, giữa con người với con người, chỉ ra những bất hạnh, những nỗi đau mà con người phải gánh chịu. Tất cả những điều đó được nhà văn viết bằng một thứ ngôn ngữ tự nhiên, thô mộc với những câu văn tỉnh lược, đầy rẫy những câu hỏi tu từ, đã tạo nên một nét riêng đầy hấp lực. Viết về sex, Y Ban cũng là một trong những cây bút có cách thể hiện táo bạo và quyết liệt. 
Võ Thị Hảo đã được biết đến như một cây bút truyện ngắn có cá tính với tập Biển cứu rỗi được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, trong đó truyện Người sót lại của rừng cười đã gây nhiều chú ý trong dư luận. Truyện của Võ Thị Hảo chinh phục bạn đọc bởi tấm lòng nhân ái của một người đàn bà cầm bút nặng tình yêu con người và cuộc đời với lối viết giàu tư duy hướng nội, nhẹ nhàng mà sắc sảo, riết róng mà đồng cảm. Cũng như nhiều nhà văn nữ khác, đậm đặc trong các trang viết của Võ Thị Hảo là chân dung những người đàn bà với những vui buồn, sướng khổ, được mất của đời người. Họ có thể bất hạnh với nhiều bi kịch ngang trái nhưng vẫn luôn hiện lên với trái tim trong sáng, thánh thiện, giàu đức hy sinh và một tâm hồn nhân ái, bao dung... Cũng như Võ Thị Hảo, mối quan tâm của Võ Thị Xuân Hà là số phận những người đàn bà, nhưng người đàn bà trong truyện của chị có những nét riêng đầy bí ẩn. Ở họ luôn có sự xáo trộn giữa cái tốt và cái xấu, đầy lòng vị tha nhưng cũng ích kỷ, rất tự tin nhưng cũng dễ bị cám dỗ, sống yên phận nhưng không phải ngoan ngoãn chấp nhận số phận đã an bài. Không sắc sảo và bạo liệt như Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban nhưng truyện của Võ Thị Xuân Hà hấp dẫn người đọc bởi giọng văn điềm đạm có phần trầm lắng, bởi cái đậm đà duyên dáng, cay nghiệt mà vẫn dịu dàng, trần trụi khắc nghiệt nhưng lại mơ mộng hư ảo.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh
 Thuộc thế hệ lớp sau, Phan Thị Vàng Anh ngay khi xuất hiện đã trở thành một hiện tượng văn học. Tập truyện ngắn Khi người ta trẻ của chị ra đời đã khuấy động bầu không khí phê bình văn học. Nhà văn Nguyễn Khải đã gọi chị là “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy”. Tuy chỉ mới xuất bản hai tập truyện ngắn Khi người ta trẻ và Hội chợ nhưng Phan Thị Vàng Anh đã sớm định hình một cá tính khó lẫn: ngắn gọn, sắc sảo, thâm thúy, trí tuệ. Cái độc đáo của Phan Thị Vàng Anh là chị đã “biết cách lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những điều tưởng chừng nhạt nhẽo”. Nhiều truyện của chị chỉ là những truyện mini nhưng đã làm cho người đọc phải bất ngờ về ý tưởng mới lạ cũng như giọng điệu - những ý tưởng và giọng điệu chỉ có thể có được “khi người ta trẻ”. 
Sau Phan Thị Vàng Anh, văn đàn Việt Nam một lần nữa lại nổi sóng khi nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện. Nguyễn Ngọc Tư được bạn đọc biết đến lần đầu từ tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt và đã trở thành một cái tên hot được tìm kiếm nhiều nhất trên văn đàn khi cho ra đời truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Khác với các cây bút trẻ khác, Nguyễn Ngọc Tư không chinh phục bạn đọc bằng những cách tân lạ lẫm trong lối viết hay những “đại tự sự” trong truyện của mình. Chị chỉ viết về những mảnh đời bình dị quanh mình - những mảnh đời bất hạnh, hẩm hiu hay những niềm vui giản dị, bé nhỏ của con người Nam Bộ trong cuộc sống thường ngày. Qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, nghèo khó, bộc trực ấy ẩn chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế trong cách đối nhân xử thế… tất cả được thể hiện trong một thứ ngôn ngữ hồn nhiên, thô mộc, đậm đặc chất phương ngữ Nam Bộ.
Con đường đi của truyện ngắn Việt Nam còn đang ở phía trước, sẽ lại còn nhiều thế hệ cầm bút mới kế tiếp. Ghi nhận thành tựu của văn học đổi mới cũng là khẳng định sự đóng góp lớn lao và sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ những người cầm bút. Một sự lớn mạnh dự báo những tín hiệu tốt lành với nhiều bứt phá cho một nền văn học tương lai.

LÊ DỤC TÚ


No comments:

Post a Comment