.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, November 1, 2012

NÓNG HẦM HẬP: 300 NGƯỜI CÓ ĐƠN XIN GIA NHẬP HỘI NHÀ VĂN QUA CON ĐƯỜNG THƠ


Nhà nhà mần thơ, ngành ngành mần thơ, tiểu gia mần thơ, đại gia mần thơ… Có vị kê khai thành tích vào bìa 4 có đến gần 2 chục giải thưởng trung ương và địa phương, nhưng tên thì lạ hoắc lạ huơ. Dân văn nghệ vốn lắm trò, nên mới tếu táo chuyện VN có đến 5 mùa (thêm mùa kết nạp).
Nhớ cái ảnh trước đây của nhà thơ Văn Công Hùng đưa lên mạng, chụp cảnh Ban chấp hành Hội Nhà văn, sau khi bỏ phiếu xong, mỗi người 1 tư thế, người thì khum tay che chắn nhắn tin, người thì nghiêng mình xuống mặt bàn gọi điện, người thì lạch tạch laptop thông báo vội vàng trên blog…
Có chuyện vui, một bác nhà thơ sau khi ngoại giao, đến lúc bỏ phiếu đều nhận được tin nhắn từ các ủy viên BCH “Em bỏ phiếu cho bác rồi ”, “Bác yên tâm, không ai xứng đáng vào hội hơn bác đâu”, “Ngon lành cành đào rồi bác nhé”,… Sướng tê người. Đếm đi đếm lại tin nhắn hồi âm thì cũng có khoảng 80% đều khẳng định là đã bỏ phiếu cho mình. Như vậy là thừa số phiếu ủng hộ kết nạp rồi. Bia bật bòm bọp…
Đến lúc có danh sách chính thức, mới té ngửa ra mình tạch. Được nhõn 1 phiếu, mà bác ủy viên chấp hành nào cũng nhận, nó là... của mình, đau thế.

Cú như thú. Bác này mần hẳn đơn gửi Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh và kiện Ban chấp hành Hội Nhà văn... gian lận trong khâu kiểm phiếu. Sau, nghe nỉ non thế nào, lại rút lại đơn kiện để năm tới được ưu ái hơn, chứ cứ chửi, cứ kiện thế thì có đến mồng thất cũng lạc… hội.
Thế mới hay hậu trường kết nạp nhà văn cũng vui đáo để. Năm nay, nghe đồn siết lại số lượng kết nạp hội viên mới, càng khiến dân tình xôn xao, nôn nao…
Trân trọng giới thiệu ý kiến ngắn Thầy bói xem thơ của nhà thơ Đặng Huy Giang (Bài đã đăng trên Văn nghệ Công an). (Văn chương +)

Em đã bỏ phiếu cho bác rồi nhé! Hihi. Ảnh: blog VCH
__________________________

THẦY BÓI… XEM THƠ



Hiện có khoảng 300 người có đơn xin gia nhập Hội Nhà văn qua con đường thơ. Con số này luôn ổn định, cho dù sau mỗi năm, thường có khoảng trên dưới 20 người trở thành hội viên (ngành thơ). Như thế có nghĩa: Nếu năm nay rút đi khoảng 20 người, thì năm sau lại có bằng ngần ấy người được bổ sung trong danh sách chờ Hội đồng thơ và Ban chấp hành Hội Nhà văn bỏ phiếu xét, duyệt…
Nhưng danh sách này, xét về thực chất, vẫn là… ảo nhiều hơn thực. Nói “ảo nhiều hơn thực” là ít nhiều có cơ sở. Thứ nhất, có khá nhiều người “xếp hàng” đã rất lâu năm, do khả năng còn quá nhiều hạn chế nên chưa bao giờ hoặc sẽ không bao giờ lọt vào “tầm ngắm”. Thứ hai, có khá nhiều người từ nhiều năm nay đã không còn làm thơ hoặc không còn liên can gì đến thơ. Thứ ba, có khá nhiều người lâu nay, vì quá thờ ơ, đã không còn nhớ việc mình làm thủ tục ngày nào. Thứ tư, cũng có một số người, vì hoặc quá tự tin hoặc không đủ kiên trì chờ đợi, đã lặng lẽ rút lui… Cho nên, trong danh sách 300 người nói trên, chắc chỉ có vài chục người còn mới, còn nhiệt tình và được coi là "ứng viên" có hy vọng.
Đã nhiều năm nay, cụ thể là hai năm nay, khi trở thành "người trong cuộc", tôi thấy chưa thấy năm nào các ủy viên Hội đồng thơ có một tập thơ (nộp trong hồ sơ của những người xin gia nhập Hội Nhà văn) nào trong tay. Hầu như chúng tôi chỉ biết tên các tập thơ này qua sự thống kê của Ban tổ chức hội viên. Căn cứ để chúng tôi bỏ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào trí nhớ hoặc mối quan tâm qua sự đọc trước đó của từng cá nhân. Việc này cũng có cái khó: Thơ của các tác giả xuất bản với số lượng không đáng kể, lại không lưu hành rộng rãi và số người (cho dù đã là nhà thơ) đọc nhau cũng rất ít. Tuy đã nhiều lần chúng tôi có ý kiến về việc này, nhưng vẫn không thấy ai ra tay… khắc phục. Cho nên, nếu có một ai đó bị một ai đó trong Hội đồng thơ bỏ sót, cũng là điều khó tránh khỏi.
Có lẽ vì lý do này mà nhà thơ Inrasara mới có sáng kiến: Đề nghị những ai đã có đơn… nên tự chọn lấy 10 bài thơ hay nhất của mình, trực tiếp gửi về các uỷ viên Hội đồng thơ chăng?
Ngoài 2 tập thơ đã xuất bản nộp bởi quy định, theo tôi, Ban tổ chức hội viên khi nhận hồ sơ và lên danh sách, cũng nên mở ngoặc thêm phần giải thưởng của từng người (nếu có). Đây cũng là căn cứ để tính thêm điểm như kiểu tính thêm điểm cho học sinh khi thi đại học. Có thể tính thêm số điểm từ 1 đến 2 điểm chẳng hạn cho những người đã đoạt giải thưởng văn học ở cấp địa phương, cấp trung ương khi xét. Nếu có phần tính thêm này, hẳn một số người sẽ có thêm lợi thế và có thêm hy vọng để phấn đấu. Chưa kể, biết đâu nhờ có phần tính thêm này mà hệ thống giải thưởng văn học trong nước có thể được đề cao thêm, tôn vinh thêm.
Năm nay, được biết BCH Hội Nhà văn đã có chủ trương nâng cao chất lượng hội viên bằng cách giảm số lượng kết nạp hội viên mới. Theo chúng tôi, việc này cũng là cần thiết và nên làm. Có người cho rằng: Ở một chừng mực nào đó, làm thế cũng biểu hiện của sự chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác. Cũng có người đặt ra câu hỏi: Thế từ nhiều năm qua, không phải là BCH Hội nhà văn đã không để "sổng" về mặt chất lượng một số hội viên, vậy thì sẽ phải khắc phục như thế nào? Không lẽ BCH Hội Nhà văn lại phải tiến hành một cuộc rà soát tổng thể?
Trên đây là một số ý kiến mà tôi rút ra được sau 2 năm tham gia Hội đồng thơ. Riêng cái gạch đầu dòng thứ 2 (không được cung cấp thơ để đọc, để làm căn cứ bỏ phiếu) làm tôi băn khoăn mãi. Bởi vì nếu cứ "nguyễn y vân" như thế này thì những người như tôi, chắc chắn sẽ bị biến thành "thày bói xem thơ" tự lúc nào không hay.

ĐẶNG HUY GIANG

No comments:

Post a Comment