.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, November 1, 2012

NGÔ MINH: HẬN THƠ Ở QUẢNG BÌNH

Bữa nay không chỉ có phê bình, xỉ vả, mạt sát nhau trên báo, trên blog về thơ, mà còn có cả hận thơ nữa. Vâng, tôi đang nói chuyện nghiêm túc. Nửa tháng 10-2012 vừa qua, ở tỉnh Quảng Bình đã diễn ra một sự cố hy hữu và đáng buồn, đáng giận. Đó là chuyện một số người làm thơ, không hiểu vì lý do gì kích động, đã  rủ nhau đi mấy trăm cây số, mang theo cả chồng bài viết về bài thơ “Con chồn người”, phô tô tới hàng trăm bản, rồi băng đĩa, về khắp xó xỉnh địa phương tổ chức các cuộc “đấu tố” nói xấu, mạt sát, chửi tục đối với thơ đương đại của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Ở đó chỉ có người phê phán mà không có người nói lại. 
 
Rõ ràng đây không phải phê bình vì sự tiến lên của nền thơ, mà do thù hận gì đó nghiêm trọng lắm, mới dàn trận đánh quyết liệt như thế. Nhóm người này gồm Nguyễn Hoài Nhơn, Lê Anh Phong, những người làm thơ hội viên Hội văn nghệ tỉnh. Trước đó, ngày 15 tháng 10, tại Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, Nguyễn Hoài Nhơn đã phô tô hàng trăm bản bài viết nói trên (đã in trên mạng “Văn nghệ và cuộc sống” của “Trung tâm phát triển Văn học Nghệ Thuật” do nhà thơ Đỗ Hoàng phụ trách), mang đến phát tán tại Đại hội.
Chưa hết, ngày 19 tháng 10, Lê Anh Phong, nhà báo sắp nghỉ hưu, lợi dung cơ quan cũ, trong lúc Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình đi công tác vắng, không thông qua trưởng phòng, đã vào phòng thu âm, trực tiếp đọc bài viết rất dung tục trên của Nguyễn Hoài Nhơn trên sóng phát thanh của tỉnh. Sau đó lại in ra đĩa đi mở nghe khắp nhiều nơi trong tỉnh. Trong những cuộc “đấu tố thơ” đó, họ đồng thời phê phán cả báo Nghệ Thuật Mới, phụ trương tháng của báo Người Hà Nội, Hội LHVHNT Hà Nội do nhà thơ Bùi Việt Mỹ làm Tổng biên tập và Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến tổ chức thực hiện, vì báo này đã dám in một lúc hai trang thơ và hai trang bài viết về thơ Hoàng Vũ Thuật. Chắc họ không biết báo này trả nhuận bút rất cao, mỗi bài thơ và lý luận phê bình đều vượt ngưỡng nhuận bút mà thông lệ đã trả!
Ở các hội thảo thơ như Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều do Viện Văn học tổ chức, toàn những GS, TS, nhà văn có tiếng, nghĩa là những người am tường lý luận văn học. Còn cuộc “hận thơ” này cả hai người tổ chức đều không mấy bạn đọc biết tiếng. Thế mà Nguyễn Hoài Nhơn và Lê Anh Phong đã kéo nhau lên Lệ Thủy, Mỹ Đức, về Quảng Ninh, Đồng Hới, ra Bố Trạch, Ba Đồn, Cao Mại (Quảng Trạch)… nghĩa là khắp các địa phương ở Quảng Bình, đến đâu cũng đọc bài viết, và vung tay chém gió, phán lung tung về các bài thơ cách tân của Hoàng Vũ Thuật  “Chính ông cùng các đồ đệ của ông đang dương cao ngọn cờ thơ vô lối như một gã rồ mà không biết mình đang chà đạp lên những giá trị đích thực của thi ca.”. Họ phê phán bài thơ “Con chồn người” của Hoàng Vũ Thuật bằng sự mở đầu mỉa mai, tục tỉu xung quanh vần “ồn”.
Tất cả những trò bức bối như đánh trận đó buộc người chứng kiến phải đặt câu hỏi: Phê bình hay là ác cảm, tị hiềm, thù hận?  Có phải đó là để bảo vệ “nền thơ truyền thống” hay là tự đề cao mình, hạ bệ một nhà thơ mà nhiều nhà phê bình và bạn đọc quý trọng? Làm phê bình theo cách “mở mặt trận” dồn dập như thế liệu có “chặn đứng” được lối thơ cách tân đang ngày càng thịnh hành ở Việt Nam mà báo Nghệ Thuật Mới đang cổ võ (trong đó Hoàng Vũ Thuật là một) không? Làm sao để ngăn ngừa việc phát tán tài liệu, nói xấu  một nhà văn đàng hoàng một cách tự do ở các địa phương Quảng Bình như thế? Thơ đương đại ai không thích thì không đọc, thì tìm đọc loại thơ khác. Không đồng tình thì viết bài phân tích nhã nhặn trên báo là được rồi, sao lại nổi khùng đi khắp nhân gian xỉ vả người ta thậm tệ như thế ?.v.v..Thậm vô lý. Nghe mà rầu cả người. Rất nhiều bạn đọc, bạn viết ở các địa phương trên đã điện cho tôi bày tỏ sự phản đối và những bức xúc của họ. Tôi chỉ giải bày với họ rằng, đó là những biểu hiện của lối “phê bình” chợ búa, kém văn hóa nên tránh xa. Nhưng tôi lại nghĩ mình nên nói đôi điều với các anh Nguyễn Hoài Nhơn và Lê Anh Phong và những người đang đứng sau lưng kích động, hay hùa theo hai anh, rằng: Văn chương nghệ thuật là môi trường sáng tạo vô cùng nghiệt ngã, nó dài đằng đẵng suốt đời người, phải cẩn trọng khi đốt lên ngọn lửa tị hiềm.
Về thơ truyền thống và thơ đương đại. Từ gần hai chục năm nay trên văn đàn Việt xuất  hiện một hiện tượng thơ mới, khác hẳn với thơ chống Mỹ hay thơ Việt trước đó, xin gọi là thơ đương đại. Cùng với  trường phái thơ siêu thực, tượng trưng, tân hình thức nhập khẩu vào nước ta từ những năm 60 của thế kỷ XX . Đó là một lối tư duy khác, cấu trúc khác và điệu phức khác.
Thơ đương đại là loại thơ hiện đại, loại thơ pha siêu thực, không vần, ý tứ ẩn kín, khoảng nghĩa giữa các câu thơ, chữ thơ rất rộng, nhiều chất chứa, nên nhiều người đọc khó hiểu. Có người cho đó là thơ thơ Tây dịch ra tiếng ta. Người ta gọi chung một chữ là “thơ khó”. Những nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Bình Phương, Văn Cầm Hải, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Hữu Dũng, Trương Đăng Dung, Lưu Mêlan, Nguyệt Phạm..v.v..là những nhà “thơ khó” như vậy. Một số nhà thơ U70 rồi, nhưng cũng đã tiếp nhận được lối thơ mới đó như Vũ Duy Thông, Hoàng Vũ Thuật…
Thơ của họ làm nhiều bạn trẻ thích đọc. Nhiều nhà phê bình nghiêm túc cũng cho rằng “thơ ấy là thơ mà hiện thực cuộc sống được chắt lọc qua một lăng kính hoàn toàn mới, tạo ra những thi ảnh mới mà trước đó không có…”. Nhưng nhiều nhà thơ và bạn đọc lại cho rằng, đó là loại thơ phản lại thơ truyền thống, không thể chấp nhận được. Thậm chí đã có những người phản bác loại thơ mới này vô cùng quyết liệt như nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà thơ Đỗ Hoàng, Trần Mạnh Hảo…. Nhà thơ Đỗ Hoàng gọi lối thơ đó là “thơ vô lối”. Anh đã làm hàng trăm bài thơ “dịch thơ Việt ra thơ Việt” đăng lên blog của mình, ngụ ý mỉa mai, khuyên các nhà thơ hãy trở về với thi ca truyền thống, nguồn cội. Những bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng, cả lối “dịch thơ Việt ra thơ Việt” là đáng trọng, vì họ bảo vệ lối thơ truyền thống, xét về mặt thừa kế, đã thấm vào máu thịt bạn yêu thơ Việt suốt từ năm 1933- 1945 đến nay?
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến cuộc tranh luận về “thơ mới / thơ cũ” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Nó không khác gì những cuộc tranh luận mới – cũ bây giờ. Thơ Việt lúc đó chỉ có lục bát, song thất lục bát, các bài phú, hát ca trù và thơ theo thể Đường luật . Còn Phong trào thơ Mới bắt nguồn từ thơ Pháp nhập vào ta.
Đại diện đấu tranh cho Phong trào thơ Mới có Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Thị Kiêm, Việt Sinh…Họ cho rằng: “Thơ mới phải được tự do, phải phá bỏ những niêm luật gò bó, chật chịa và khuôn sáo của Đường thi…”. Đại diện cho phái thơ cũ cũng có những tên tuổi lớn như: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Chất Hằng Dương Tự Quán, Văn Bằng, Tùng Lâm Lê Cương Phụng… Họ ra sức phản đối và công kích Thơ Mới. Rằng Thơ Mới chỉ là những tản văn “lủng củng lủng ca”, là “cho máy chạy thụt lùi”, “lập dị”, “chẳng có gì mới”… Chất Hằng Dương Tự Quán cho rằng :” Cái hình thức thơ chẳng phải đổi mới. Việc các nhà thơ nên làm ngay bây giờ là cứ theo cái hình thức thơ cổ và diễn những tư tưởng mới”.
Cuộc tranh luận “thơ mới – thơ cũ” đầu thế kỷ XX diễn ra rất quyết liệt. Quyết liệt hơn cuộc tranh luận mới – cũ thế kỷ XXI này nhiều. Họ tranh luận sôi nổi, nhưng là tranh luận trên báo, trong các cuộc hội thảo, với ngôn ngữ của trí thức văn hóa cao, từ tốn, hiểu biết, chứ không như hai bạn Nhơn, Phong đi khắp nơi, dè bỉu, nguyền rủa thơ mới như đã nói ở trên cả.
Cuộc tranh luận Thơ Mới/ Thơ Cũ đầu thế kỷ  XX kéo dài cho đến khi tượng đài phê bình thơ Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ra đời, khẳng định sự chiến thắng hoàn toàn của phong trào Thơ Mới. Có nghĩa rằng, thơ Tây đã được các nhà thơ Việt Nam “Việt hóa” để trở thành thơ truyền thống hôm nay. Thơ mới rồi sẽ cũ, nên nhà thơ Trần Dần, cây đại thụ thơ Việt Nam hiện đại đã có lúc tuyên bố “chôn thơ Tiền chiến” (tức là chôn thơ Mới). Tiếc rằng do tai nạn nghề nghiệp nên ý nguyện của ông không nhen thành “phong trào”. Nhưng sáng tác của ông thì mẫu mực về sự đổi mới thơ Việt. 
Rồi thơ đương đại cách tân sẽ đến lúc cũng trở thành “thơ truyền thống”, thành thơ cũ, khi một trường phái thơ khác ra đời và được bạn đọc chấp nhận. Đó là quy luật của nhận thức. Có điều lạ mà rất đáng mừng là thơ đương đại ( thơ cách tân) và những bài phê bình về “trường phái” thơ đó mấy năm nay phần lớn lại được in trên  báo chí do nhà nước quản lý, kể cả báo Văn Nghệ. Còn những bài viết hay ý kiến phản đối thơ đương đại đa phần chỉ in trên trang web, hay blog cá nhân , hay đọc chui trên sóng phát thanh của nhà nước, đi phát tán kiểu tờ rơi như trên. Chứng tỏ các cơ quan quản lý văn hóa văn nghệ đất nước rất tôn trọng sự tìm tòi đổi mới thơ.
Tôi là  một nhà thơ không hoàn toàn cũ mà cũng không mới hẳn. Nhưng tôi không phản đối tất cả  những cách tân về thơ. Tôi thích những bài thơ làm tôi xúc động, dù là loại thơ gì. Tôi đọc và thích rất nhiều giọng thơ in trên Nghệ Thuật Mới. Tôi nghĩ rằng có cách tân thơ Việt mới tiến về phía trước. Tìm những cách biểu hiện mới, dưới một lăng kính mới, để thơ ta đa diện, đa chiều hơn là một tất yếu. Mình không làm được thì vỗ tay cổ vũ người ta làm, sao lại dè bỉu, cản trở thậm chí thù hận? Rồi cũng có khi, có lúc trường phái “thơ khó” đó chiếm lĩnh hoàn toàn thi đàn Việt, vì nhà văn bao giờ cũng là người đi tiên phong trong đổi mới xã hội, đổi mới thể chế, đổi mới văn chương, để con người ngày càng được là người hơn.
Với ý nghĩ đó, tôi hoàn toàn ủng hộ nội dung báoNghệ Thuật Mới do Nguyễn Quang Thiều chủ trương. Thực tế 9 số NTM vừa qua, tờ báo này đã có chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc. Nhà văn Nhất Lâm 75 tuổi, viết văn xuôi ở Huế số nào cũng mua NTM, đọc và khen : “Đúng là nghệ thuật mới. Truyện ngắn, văn xuôi hay. Chỉ riêng những ý kiến của Lê Kiên Thành về cha mình Lê Duẩn là rất mới và đáng đọc”. Tôi thăm dò ý kiến thì thấy, rất nhiều người đọc thích Nghệ thuật Mới. Tờ Nghệ Thuật Mới đang dần trở thành tờ báo chính thống riêng của các nhà cách tân nghệ thuật Việt Nam. Tất nhiên , trên Nghệ Thuật Mới không chỉ in “thơ khó” mà in các bài thơ, chùm thơ hay viết theo các giọng điệu khác của tác tác giả nổi tiếng như Thanh Thảo, Chế Lan Viên, Trần Nhuận Minh, Vũ Quần Phương, Ý Nhi….chứ không chỉ riêng một giọng  thơ cách tân như Hoàng Vũ Thuật va nhiều người khác…Đó là thái độ trân trọng cái hay, cái đẹp của thơ ca, kể cả thơ ca truyền thống. Không phải cứ ủng hộ cái mới là đập phá cái cũ.
Tháng nào tôi cũng ra sạp báo mua một số và đọc không sót một bài nào. Nên, khi tôi nghe nói các anh Nguyễn Hoài Nhơn, Lê Anh Phong phê phánNghệ Thuật Mới, gọi đây là “tờ báo do một nhóm người tổ chức ra để làm hại văn chương Việt” thì tôi vô cùng ngạc nhiên. Không biết câu nói đó chính xác đến mức nào. Phát ngôn như thế chứng tỏ họ chưa đọc Nghệ Thuật Mới. Hay là do họ ác cảm, tẩy chay loại “thơ khó” thường hay in trên báo này, nên nhận định cực đoan như thế. Một số tác giả (trong đó có Hoàng Vũ Thuật) có số được chọn in một lúc vài ba trang, 3 bài viết phê bình và 14 bài thơ của tác giả đó, làm họ khó chịu chăng? Đọc văn chương người khác với một lối nhìn thiếu cởi mở như thế, không nhận ra cái hay, cái đẹp là phải rồi.
Vì mấy nhà thơ Quảng Bình nói trên tổ chức dàn trận “đánh” thơ Hoàng Vũ Thuật, nên tôi phải nói đôi điều về thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Hoàng Vũ Thuật là người mô phạm, lặng lẽ cần mẫn lao động thơ hơn 40 năm nay. Anh đặc biệt say thơ mới. Từ năm 2000, Hoàng Vũ Thuật bắt đầu đổi mới thơ quyết liệt với các tập thơ quan trọng: Đám mây lơ lửng (2000); Tháp nghiêng (2003); Ngôi nhà cỏ (2010), Màu (2010). Nhà phê bình thơ Thái Doãn Hiểu cảm nhận về thơ anh: “Hoàng Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn”: Nhưng sợi dây vẫn chờ lơ lửng / quanh cổ nhà thơ / thít dần thít dần/ chầm chậm// tiếng kèn vỡ vụn / máu trào sau nụ hôn (Viết dưới tượng Exnhin). Thơ Hoàng Vũ Thuật buồn, rất buồn, nhưng như nhà thơ Vũ Quần Phương, thì “nỗi buồn đến độ sẽ tạo nên những cảm xúc trong trẻo, làm trong lại hồn người” (Lời tụa tập thơ Cỏ Mùa Thu, HVT). Trong lời phát biểu tại Đại hội Chi hội NVNH tạị Quảng Bình ngày 15-10-2012, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho rằng: “Hoàng Vũ Thuật là một trong những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam hiện nay”. Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng (Canada) thì viết :“Thơ đương đại của Hoàng Vũ Thuật “đầy những cảm thức lịch sử”. Anh có nhiều câu thơ tuyệt tác:
nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một lệnh truyền một trống giục một lời van
một trung thực một đớn hèn một điên loạn
(Nguyễn Đức Tùng Thơ đến từ đâu, NXB Lao động, 2009)
Cũng Nguyễn Đức Tùng sau khi dẫn câu thơ: Một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà / một vận hạn một thức thời một nguyền rủa đã thốt lên: “Tu từ dày đặc mà vẫn là một trong những câu thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam đương đại. Trên vai chúng, tôi rất vui mừng nhận ra gương mặt thơ của Hoàng Vũ Thuật tài hoa lộng lẫy” (Thơ đến từ đâu, tr. 447). Những nhận xét đó là rất khách quan, qua văn bản thơ, chứ lúc đó nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng cách nửa vòng trái đất, chưa hề biết mặt mũi nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vuông tròn như thế nào. Tôi là người chứng kiến điều đó.
Hay bài thơ sau đây, viết tặng một người bạn  ở Hội An, trong số 14 bài thơ của Hoàng Vũ  Thuật in ở Nghệ Thuật Mới số 8, cũng là bài thơ rất hay . Mời bạn đọc tự cảm nhận toàn văn :
đêm và những ngọn đèn dầu 
Gửi H
những ngọn đèn dầu đom đóm nhỏ xíu
dọc bờ sông Hoài
đủ soi nửa gương mặt mất ngủ
nửa kia
thao thức đợi ngày
que hương điểm chút sáng sau cùng
dật dờ
đôi bóng
cúi đầu dưới vòm cong chùa Cầu
nước nhiều quá vừa bơi vừa thở
chân gập
rồi lại duỗi
trong thẳm sâu anh đọc hết đường đi ngôn từ
và những ghi chú bên lề
sẽ có một ngày ta quay về nơi đó thắp ngọn dầu khuya
sen giấc hồ
thấm tận đáy ruột
Hội An, 5/12/2011
Hội Nhà văn Việt Nam đã ghi nhận sự dấn thân trong đổi mới thơ của Hoàng Vũ Thuật bằng tặng thưởng cho tập thơ Tháp nghiêng. Thật xứng đáng!
Về bài thơ Con chồn người mà Nguyễn Hoài Nhơn trong bài viết “ĐỌC BÀI THƠ “CON CHỒN NGƯỜI” -ÁC Ý CỦA NGƯỜI THƠ,  HAY CON CHỒN ÁC ?” mang đi đọc khắp nơi, cho rằng: “Ta có thể coi đây là thứ thơ – phản thơ thì đúng hơn. Xác chữ thì nhiều mà hồn thơ thì mục ruỗng, khô tong”. Thật ra, bài thơ Con chồn người đã in VNQĐ tháng 7 năm 2012 cùng hai bài khác nữa. Đây là một tuyên ngôn sống, ý thức công dân của người viết đối với thứ người lươn lẹo như chồn đang nảy nòi nhan nhản hiện nay: chưa bao giờ thấy mi làm người/ biết xấu hổ/ biết ăn năn và biết/ kẻ lừa… Bài thơ không có gì là khó hiểu, “ác ý” cả.
Nhà thơ Đỗ Hoàng đã “dịch thơ Hoàng Vũ Thuật sang tiếng Việt” nhiều bài, bài “Con chồn người” cũng được Nguyễn Hoài Nhơn dịch ra thơ lục bát truyền thống. Người “dịch” đã hiểu thơ đương đại của Hoàng Vũ Thuật để dịch ra thơ truyền thống, sao lại bảo thơ ấy không ai hiểu?
Chúng tôi (tôi, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan…) cùng quê, cùng một lứa bên trời lận đận với thơ. Rất thân nhau trong cuộc sống, nhưng  thơ viết ra thì mỗi người một khác. Chúng tôi hoàn toàn trân trọng, cổ vũ những thành công mà bạn mình tạo được.
Nếu làm thơ mà giống nhau thì cả Hội nhà văn Việt Nam gần 900 hội viên thơ chỉ cần một người làm thơ là đủ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một cuộc sinh hoạt thơ ở Huế hơn 20 năm trước đã cho rằng :” Thơ là phải mới. Chúng ta cứ nệ theo vần luật thì chẳng khác gì viết lời cho một làn điệu dân ca đã có sẵn”.
Với suy nghĩ như thế, thơ Nguyễn Khoa Điềm ngày càng mới, ngày càng sâu sắc. Đó là điều tôi muốn gửi đến hai người làm thơ ở Quảng Bình, anh Nhơn và anh Phong, mong các anh hãy sống đẹp, viết ra cái của mình cho hay để mọi người tán thưởng, không nên mất thời gian và tâm sức vào sự “căm hận” vô lối loại thơ đương đại của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và những người khác.
Huế, 10/2012
NGÔ MINH

No comments:

Post a Comment