.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, November 27, 2012

NHÀ PBVH VĂN GIÁ: XUNG QUANH CÂU CHUYỆN NGUYÊN MẪU TRONG TRUYỆN NGẮN "ĐÔI MẮT"

1.Những người hay quen nghĩ trang nghiêm, đạo mạo về hoạt động sáng tạo văn chương sẽ khó thấy một sự thật này: Nhiều khi cái nguyên cơ thúc đẩy người ta cầm bút lại rất tình cờ, bất thường, tầm thường, thậm chí có vẻ như là ba vạ và dớ dẩn nữa. Anh nung nấu một ý tưởng nào đó đã lâu, thế rồi cái ý tưởng ấy cứ đeo đuổi, ám ảnh anh. Nhưng khổ một nỗi, nó cứ nằm ì trong tâm não anh, nó không thể cất cánh lên được để hoá thân thành chữ nghĩa; lắm lúc anh đã phát chán, đã muốn bỏ, thôi không thèm đeo bám nó làm gì nữa...


Nhà văn Nam Cao
Thế rồi bỗng một hôm, một nguyên cớ ngoại cảnh rất bất ngờ từ đâu bắn vào não bộ, như thể que diêm xẹt vào lần vỏ diêm sinh, và mau chóng thành đám cháy, đám cháy chói loà, rực rỡ không cưỡng lại được.
Nam Cao trong cuộc đời sáng tạo của mình đã có được vài ba lần gặp may như thế. Một trong những lần may mắn hiếm hoi ấy, nhà văn đã cho ra đời thiên truyện Đôi mắt thật sâu sắc, nổi trội. Đó là cái lần vào quãng năm 47 - 48, đang trong thời gian anh tự nguyện  đi làm "một anh tuyên truyền viên nhãi nhép" ở khu Ba và Việt Bắc, bỗng một hôm anh cất công lên thăm gia đình nhà văn Vũ Bằng đang ở một vùng tản cư. Chuyến đi này chắc công phu lắm. Đúng như nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: "Đến lúc ra ngoài kháng chiến, một hôm anh (Nam Cao - VG) lù lù đi vào nhà tôi và đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao anh lại tìm được nơi tôi ở hay như vậy. Anh ở chơi với tôi hai ngày hai đêm. Hỏi có gì lạ không, anh bảo cũng thường thôi. Anh làm thư kí cho ông Nguyễn Sơn. Vẫn gặp anh em cũ. Tây thế nào nó cũng thua anh ạ.  Tôi mấy lần suýt chết vì bom. Nhưng có lẽ mình khổ quá nên trời đền bù cho được sống để nhìn thấy thực dân cút cả đi (...). Nam Cao vẫn bẽn lẽn thẹn thò như thế, tóc vẫn bờm như thế, mà tâm tính vẫn hồn nhiên như thế. Không biết hút thuốc lá, vẫn không uống rượu. Cả đời chưa đọc truyện Tam quốc bao giờ. Nhân có bộ Tam quốc do Phan Kế Bính dịch, nhà in Lê Văn Phúc ấn hành, tôi thắp một ngọn đèn dầu, bỏ màn xuống, hai anh em cùng đọc.

Lần thứ nhất và cũng là lần duy nhất tôi thấy Nam Cao cười lớn tiếng lúc Tào Tháo giết Lã Bá Sa. Cái đêm hôm ấy, sau này anh thuật lại trong một bài đăng trên tạp chí Văn nghệ của mặt trận. Và chính nhờ bài ấy tôi biết Nam Cao cũng có cảm tình với tôi"(1). Ở một chỗ khác, Vũ Bằng cho biết kỹ hơn về những lần Nam Cao đi về chỗ gia đình ông trong thời gian mấy năm tản cư ấy: "Nam Cao được nghỉ xả hơi về nằm khoèo với tôi, ăn cơm với cà chua và rau cải, uống nước chè tươi nhắm với tóp mỡ" (2).
Hoá ra là thế ! Họ là những người bạn thân thiết của nhau, tin cậy yêu quý nhau, có thể bỗ bã với nhau, gặp được nhau là thấy hỉ hả sung sướng, chẳng cần phải ý tứ, giữ kẽ nhau điều gì (3).
Và cái sự nung nấu vấn đề Đôi mắt kia trong một lần về thăm Vũ Bằng đã tìm được ra nguyên cớ. Bài thơ dự kiến giờ đã có tứ thơ ! Mà không chỉ có nguyên cớ không thôi, may mắn hơn, còn có hẳn một nguyên mẫu nữa kia: Anh bạn văn Vũ Bằng đi tản cư cứ lửng lửng lơ lơ, xem chừng có vẻ còn lừng khừng, không ngả hẳn rõ ràng về bên nào, rất khó xét đoán. Chủ đề thì đã có sẵn, nhân vật đây, bối cảnh đây, các chi tiết ngồn ngộn ra đây. Đúng như người bắt được của giời cho !... Có lẽ Nam Cao đã viết một mạch đầy hứng khởi câu chuyện Đôi mắt này.
2. Tài năng dựng truyện và miêu tả nhân vật của Nam Cao phải nói là đã đứng vào hàng cự phách ngay từ những năm trước cách mạng. Tài năng ấy đã có dễ đến 6 - 7 năm nay chưa có đất dụng võ, bây giờ mới được "tháo cũi sổ lồng" hả hê, đắc địa. Một làng quê vùng bán sơn địa nơi tản cư, phía trên kia sát gần là khu căn cứ địa kháng chiến, phía dưới xa một chút thôi là khu đô thị tạm chiếm mà cách đây mới chỉ ít ngày Vũ Bằng cùng biết bao nhiêu người vừa  từ đó ra đi. Giả định là có một anh nhà văn sống trong cái làng tản cư đó "chẳng yêu một cái gì, chẳng làm gì. Chúng nó chỉ có tài chửi đổng" (Nhật ký ở rừng)... Với một khả năng mẫn cảm tinh nhạy vốn có của người nghệ sĩ, Nam Cao đã chộp được một hoàn cảnh điển hình - một hoàn cảnh đầy ưu thế, nơi chứa chấp các tình huống có khả năng cọ sát nhân vật, dồn đẩy nhân vật, giúp cho mọi hoạt động, suy nghĩ, ăn nói, tâm tính của nhân vật được phát huy hết mức. Đây chính là một trong những yêu cầu của nguyên tắc điển hình hoá trong văn xuôi tự sự của chủ nghĩa hiện thực. Nam Cao đã rất xuất sắc ở điểm này. Một hoàn cảnh điển hình mới có thể là điều kiện đảm bảo cho sự xuất hiện một nhân vật điển hình. Đến lượt nó, nhân vật điển hình này vừa mang ý nghĩa đại diện tiêu biểu cho một thời đoạn lịch sử cụ thể, lại vừa là một cá thể sống động vượt qua khỏi hoàn cảnh cụ thể được miêu tả trong tác phẩm để trở thành nhân vật của cuộc đời rộng lớn, lâu dài. Hoàng trong tác phẩm Đôi mắt là một trường hợp như vậy, thực sự là một nhân vật điển hình độc đáo. Người đọc dễ dàng thống nhất với nhau ở mấy điểm sau đây:
Thứ nhất, không chú trọng vào việc khai thác và miêu tả hành động nhân vật (nhân vật hầu như không có những hành động đủ sức gây ra các biến cố), cũng không chú trọng vào quá trình tâm lý như trước đây vẫn thường làm (tuy vẫn có nhưng rất đơn giản), Nam Cao tập trung khai thác các chi tiết thuộc diện mạo bề ngoài và thế giới tiện nghi của nhân vật một cách đặc biệt chọn lọc và sắc nét. Cùng với chúng là các chi tiết thuộc về sinh hoạt tinh thần, tất cả đã dựng lên được một anh trí thức trưởng giả, lạc lõng, xa lạ với cuộc sống chung quanh.
Thứ hai, ngôn ngữ đối thoại giữa hai nhân vật được dụng công hết mức. Đây là thủ pháp đắc địa nhất, là yếu tố nghệ thuật chính yếu làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Hoàng là một tay ăn nói rất sắc sảo, cái sắc sảo của một anh sống bằng nghề chữ nghĩa, một cái lưỡi nhọn có hạng. Nam Cao càng để cho Hoàng ăn nói sắc sảo, hay ho, thú vị bao nhiêu thì nhân vật lại càng hiện ra như là một kẻ nhẫn tâm, độc địa bấy nhiêu. Khi nội dung đối thoại chuyển hướng sang những đối tượng không phải là nhân dân, mà là các lãnh tụ, chính khách chẳng hạn, thì sự sắc sảo vẫn giữ nguyên, nhưng không còn sự cay độc nữa, khẩu khí giờ đây đã chuyển sang màu sắc của sự tán dóc, chuyện phiếm phòng trà.
Thứ ba, là sự dụng công vào các chi tiết nghệ thuật. Nhân vật Hoàng trong thiên truyện ngắn này có ba chi tiết nghệ thuật đặc biệt trọng lượng: Con chó béc - giê xuất hiện đầu truyện kéo theo sự liên tưởng đến những ngày gia đình Hoàng ở Hà Nội trước kia, hai vợ chồng thi nhau kể tội người nhà quê đến mức "nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối"; và chi tiết Hoàng cho rằng cần "phải viết một cái gì để ghi lại cái thời này. Nếu khéo làm còn có thể hay bằng mấy cái Số đỏ của Vũ Trọng Phụng". Ngoài ba chi tiết ấy còn có một chi tiết "kinh người" nữa ở phần cuối truyện: "Mỗi khi đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu: Tài thật ! Tài thật ! Tài đến thế là cùng ! Tiên sư anh Tào Tháo !...". Các nhà giảng văn đã bình giảng rất hay về mấy chi tiết thần tình này, xin phép không nói lại nữa(4).
Nhấn mạnh mấy dụng công nghệ thuật xuất sắc như vậy để muốn nói rằng Hoàng đã trở thành một nhân vật điển hình độc đáo, có nét khác biệt ngay cả với nhân vật trí thức trong sáng tạo của Nam Cao những năm trước cách mạng. Bút pháp Nam Cao không ngừng vận động và biến đổi trên cơ sở những hạt nhân cốt lõi đã được định hình từ những Chí Phèo, Lão Hạc, Giăng sáng, Đời thừa... Nhân vật Hoàng rõ ràng đã hiện ra như một trí thức trưởng giả, ích kỉ, có phần tàn nhẫn, đồng thời là một nhà văn lạc lõng, lệch lạc, rất gần với cái mà người ta quen gọi là "phản động". Nhờ việc xây dựng nhân vật Hoàng như một phản  đề đối với nhân vật Độ như một chính đề, vấn đề Đôi mắt hiện lên sống động và giàu sức thuyết phục. Chả thế mà nhà văn Tô Hoài coi tác phẩm này là một tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ nhà văn đi theo kháng chiến. Tác phẩm Đôi mắt xứng đáng được tôn vinh như vậy.
3. Sức sống của một truyện ngắn, tiểu thuyết, suy cho cùng là phụ thuộc vào sức sống của nhân vật. Đôi mắt không nằm ngoài quy luật này, mà ở đây nhân vật Hoàng chính là một hiện thân đầy sức thuyết phục. Nhưng nếu lần trở về nguồn mạch của sự sáng tạo thì mọi sự thẩm định sẽ không còn đóng khung trong bản thân tác phẩm nữa, mà có liên quan đến vấn đề nguyên cớ và nguyên mẫu, đến sự tiếp nhận không vô tư của bạn đọc. Số là một vài chi tiết ít nhiều có liên quan đến đời tư của Vũ Bằng dưới bàn tay nhào nặn, tái tạo như thể phù phép của Nam Cao đã góp phần tạo dựng nên một chân dung nhân vật sắc nét và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn đọc. Tự mỗi chi tiết mang sức thuyết phục lớn, lại cộng thêm những lời đồn thổi trong giới văn chương, khiến không ít người đã đồng nhất nhân vật Hoàng với nhà văn Vũ Bằng. Mặc dù, trên thực tế, chưa có một lần giấy trắng mực đen, nhưng sự "xuất bản miệng" như vậy của những người trong giới, nhất là trong giới văn chương học đường, không phải là hiếm gặp.
Đã thế, nếu cứ nhăm nhăm đối chiếu vào tiểu sử Vũ Bằng, quả là có thấy những hành vi chính trị đáng "khả nghi": Năm 1948 từ vùng tản cư dinh tê vào thành Hà Nội, ở trong thành đã viết cho nhiều tờ báo, kể cả những tờ thân Pháp, thân Nhật; đến năm 1954 lại di cư vào Nam, mặc dù đã có người của tổ chức Văn nghệ kháng chiến viết thư tha thiết vận động ở lại; suốt từ đó cho đến ngày miền Nam giải phóng, ông hoạt động báo chí ở Sài Gòn và đã có lúc làm báo cho một tổ chức báo chí lớn của chế độ Diệm v.v và v.v…Thế là từ một con người thực ngoài đời (được Nam Cao khai thác, vay mượn một vài chi tiết) đã nhập vào nhân vật Hoàng trong Đôi mắt, rồi đến lượt nhân vật này lại nhập vào thân phận Vũ Bằng thực ngoài đời, tư cách nhà văn Vũ Bằng nhanh chóng trở thành một hư truyền,  và là một  hư truyền theo chiều nghịch, đầy bất lợi cho thanh danh tác giả. Hư truyền này được khởi lên từ cái ngày ông dinh tê vào thành, lại được dịp loang rộng ra, được củng cố thêm bằng Đôi mắt ngay từ khi tác phẩm vừa ra đời, và vẫn tồn tại nguyên cho đến tận ngày hôm nay, khi mà nhà văn Vũ Bằng đã giã từ cõi thế được 15 năm chẵn - thời gian đúng bằng đoạn đời dâu bể của nàng Kiều. Cũng đến tận hôm nay chúng ta mới được biết Vũ Bằng là một chiến sĩ tình báo cách mạng, mới biết hoá ra  Vũ Bằng dinh tê vào thành là do sự điều động của tổ chức, mới biết năm 1954 ông vào Nam cũng là đi theo chỉ thị của tổ chức phân công. Để tạo cho mình một vỏ bọc an toàn nhất nhằm che mắt kẻ thù, còn gì  tốt hơn là  chủ động hứng lấy một "cái án" dinh tê, chịu mang tiếng là quay lưng với cách mạng và kháng chiến, cộng tác với Pháp, Nhật trước kia và Mỹ - Diệm sau này v.v. Ông đã là một nhà văn - chiến sĩ, vừa viết văn làm báo một cách hợp pháp trong lòng địch, vừa hoạt động tình báo cống hiến một cách thầm lặng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Một cái nhìn thực sự khoa học phải xuất phát từ chính bản thân tác phẩm. Hoàng là một nhân vật văn học, là một sản phẩm nghệ thuật. Hoàng đi từ một vài chi tiết thuộc về nguyên mẫu Vũ Bằng, lấy đó làm nguyên cớ, chứ Hoàng tuyệt nhiên không phải là Vũ Bằng. Đến đây, câu nói có tính chất kinh điển của nhà văn Lỗ Tấn mà không mấy ai không biết lại có sức thuyết phục kì lạ. Ông viết: "Đại để những việc viết ra đều có một chút duyên do nghe thấy hoặc trông thấy, nhưng quyết không dùng nguyên một sự thực ấy, mà chỉ lấy một phần rồi cải tạo thêm, phát triển ra cho đến khi hầu như có thể phát biểu trọn vẹn ý kiến của tôi mới thôi. Nguyên mẫu nhân vật cũng vậy, không dùng một người nào, thường là miệng ở Triết Giang, mặt ở Bắc Kinh, áo quần ở Sơn Tây, là một vai trò được ghép lại" (5). Nam Cao đã thực sự đi theo cách thức này một cách vững vàng và hiệu quả. Đây là nguyên tắc hư cấu và điển hình hoá nghệ thuật mà bất cứ cây bút hiện thực bậc thầy nào cũng phải đi theo. Nếu nhìn vào các sáng tác của Nam Cao những năm trước cách mạng, ta thấy hầu hết các tác phẩm thuộc đề tài trí thức đều mang tính tự truyện, khá rõ bóng dáng của chính bản thân ông và gia cảnh của ông. Bên cạnh các nhân vật chính là nhà văn, nhà giáo còn có hình ảnh các bà vợ của họ. Hầu hết các bà vợ đều đáo để cả, đều chua ngoa, đanh đá, dằn hắt, đay nghiến, thậm chí có lúc ích kỉ và tàn nhẫn (cũng chỉ vì khổ quá mà nên). Các nhà nghiên cứu đều cho rằng trong hình ảnh nhân vật các bà vợ ấy có thấp thoáng dáng nét của bà vợ Nam Cao, chỉ có điều giữa các nhân vật văn học đó và con người thực ngoài đời đối lập hẳn nhau về bản chất. Chắc hẳn là một vài dáng nét thuộc ngoại hình, cử chỉ, vài câu nói, vài thói quen... của nguyên mẫu đã được khai thác. Kể cả một vài khiếm khuyết về tâm tính của nguyên mẫu (nếu có, "nhân vô thập toàn" mà !) - chúng không cơ bản, không là bản chất, chỉ là những hiện tượng bề ngoài - cũng đã được biến thành vật liệu để xây dựng nhân vật, được phóng đại lên hết cỡ để trở thành những nét bản chất chính của nhân vật. Như vậy hình ảnh nhân vật các bà vợ trong sáng tạo Nam Cao so với nguyên mẫu là những hình ảnh trái chiều. Ví dụ này cho thấy việc khai thác nguyên mẫu không phải bao giờ cũng theo cách thức thuận chiều, đồng hướng với nguyên mẫu, nghĩa là tính cách nguyên mẫu xấu tốt thế nào sẽ đi vào nhân vật như thế ấy. Còn có một cách nữa là hư cấu, khai thác nghịch chiều, trái hướng với nguyên mẫu, nguyên mẫu vốn là người tốt khi đi vào tác phẩm lại trở thành một chân dung biếm hoạ hoặc hí hoạ. Nhân vật Hoàng trong Đôi mắt hẳn là một trường hợp được hư cấu nghịch chiều như vậy.
Nội chỉ một điều trên đây thôi cũng cho phép chúng ta đã đến lúc thanh toán được cái nhìn gán ghép, suy diễn về nhân vật Hoàng, cho rằng Hoàng là Vũ Bằng, hoặc Nam Cao viết ra để ám chỉ Vũ Bằng. Một nhân cách cao quý như Nam Cao không bao giờ chịu để cho ngòi bút của mình mang cái tiếng đi ám chỉ người khác, bất kể đó là ai. Chắc hẳn, cũng như mỗi khi suy tư về văn chương, Nam Cao sẽ không ngần ngại cho đó là một hành vi "bất lương", "đê tiện", "bỉ ổi", "khốn nạn" - những từ thường vang  lên dõng dạc trong tác phẩm của ông những năm trước cách mạng.
Vả lại, một "lí lịch đỏ" của nhà văn - chiến sĩ Vũ Bằng cũng đã là một minh chứng hùng hồn góp phần hoá giải triệt để cho cái hư truyền tai hại kia, trả lại cho Vũ Bằng một nhân cách và tầm vóc mà ông xứng đáng được hưởng. Có thể nói rằng từ nay trở đi, nhà văn Vũ Bằng mới thực sự được đứng trong đội ngũ của những nhà văn cách mạng, các sáng tạo của ông mới thực sự được coi là một trong những thành tựu có giá trị của nền văn học dân tộc.
4. Phụ lục: Lẽ ra bài viết này có thể kết thúc được rồi nhưng sẵn có mấy tư liệu trong tay liên quan tới vấn đề mà ta đang bàn, nên xin phép được công bố ra đây. Xét thấy cũng là việc làm hữu ích. Tôi đã có dịp đi gặp để hỏi mấy nhà văn cao niên về Vũ Bằng và Đôi mắt trước khi tôi công bố thông tin Vũ Bằng là nhà văn cách mạng và là chiến sĩ tình báo của ta. Ngoài ý kiến của nhà văn Tô Hoài vẫn như trong bài viết Vũ Bằng - Thương nhớ mười hai, còn có một vài ý kiến khác nữa. Có ý kiến nghiêng về phía chê trách Nam Cao, cho rằng Nam Cao viết về bạn mình như thế là không nên, là hơi ác (nhà văn Thanh Châu). Có ý kiến lại cho rằng có thể Vũ Bằng là nguyên mẫu của nhân vật Hoàng, nhưng nguyên mẫu chỉ là cái cớ để Nam Cao nói chuyện khác. Không phải là nếu lấy Vũ Bằng ra làm nguyên mẫu tức là Nam Cao "chửi" Vũ Bằng. Hai cái này rất khác nhau (nhà văn Kim Lân). Riêng anh Vũ Hoàng Tuấn - người con duy nhất của nhà văn Vũ Bằng với bà Nguyễn Thị Quỳ có kể lại với tôi rằng: Hồi theo bố mẹ đi tản cư anh đã mười một, mười hai tuổi. Nam Cao vốn là chỗ thân tình với gia đình anh. Anh nhớ rất rõ là một hôm Nam Cao về chơi thăm nhà anh ở nơi tản cư, anh thấy bố anh và Nam Cao rất hứng khởi bàn với nhau về chuyện định viết một cái gì đó. Đại khái anh vẫn nhớ là bố anh kể một thôi một hồi bằng cái giọng bực bõ về những thói xấu của bọn trưởng giả lắm tiền nhiều của dân Hà Nội đang tản cư ở làng Đàn Đông (Phủ Lý Nhân - Hà Nam) cùng nơi gia đình Vũ Bằng. Ông nói rằng có những mụ đàn bà buôn bán, mặc áo dài, cổ và tay đeo toàn vàng, nhỏm nhẻm nhai trầu, thỉnh thoảng lại lấy hai ngón tay vuốt nước trầu hai bên mép trông rất hách dịch; chiều chiều mấy bà này chờ người nông dân đem những giỏ cua tép vừa kiếm được từ dưới ruộng lên, rồi lấy chân đá đá vào giỏ, vừa hỏi mua vừa dè bỉu chê bai, ra cái vẻ ta đây thành thị hợm của, khinh người nhà quê khố rách áo ôm. Ở làng bên cạnh cũng lại có mấy ông bà sẵn của từ Hà Nội chạy về suốt ngày rủ nhau chơi tổ tôm, mạt chược, nhìn dân quê như cỏ rác... Bố anh bảo với Nam Cao "Toa viết đi ! Viết về bọn nó đi ! Moa không thể viết được ! Bọn người này đáng viết lắm !". Anh Tuấn sôi nổi: "Tôi đã từng kể chi tiết mỗi lần Nam Cao về nhà tôi chơi hay cho tôi ngồi lên đầu gối, có lần mẹ tôi bổ bưởi, nấu canh cua mời Nam Cao ăn, rồi Nam Cao bày cách chữa cho tôi nếu như chẳng may bị cua cắp tay... ở trong một bài báo đã đăng (6). Nhà tôi và chú Nam Cao thân nhau ghê lắm, không thể có chuyện lại ăng-ti nhau được...".
Vẫn như trước đây, tình yêu nồng nhiệt của tôi đối với nhà văn Nam Cao không hề suy giảm, và tôi vẫn cho rằng Đôi mắt là một tác phẩm tầm cỡ. Lại tự suy xét về bản thân, cũng đã có lúc không thể vượt qua được thói thường của miệng đời đồn thổi nên có thoáng chút bất công đối với Vũ Bằng. Khi mà tư liệu không có thì âu cũng là chuyện khó tránh khỏi. Đến hôm nay tình hình đã khác. Nhà văn Vũ Bằng - cả cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông đã có một địa vị vững chãi trong tôi với tất cả tình yêu và lòng kính trọng.

Nhà PBVH Văn Giá

Chú thích:
(1) Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, Nxb Văn hoá -Thông tin, 1993.
Vũ Bằng nói về "cái bài đăng trên tạp chí Văn nghệ của Mặt trận" có lẽ đó chính là tác phẩm Đôi mắt chăng? Nếu quả đúng thế thật, mà Vũ Bằng còn khẳng định: "Chính nhờ bài ấy tôi được biết Nam Cao cũng có cảm tình với tôi" thì mới thấy họ thân nhau đến thế nào. Họ đã vui vẻ chấp nhận biến mình thành tài liệu để cho bạn mình hư cấu nghệ thuật. Thậm chí còn thấy khoái khi có bóng dáng của mình trong tác phẩm của bạn nữa. Ôi dào, có gì quan trọng đâu, cậu đưa mình vào sách của cậu là làm sang cho mình ấy chứ!…Cái cung cách của Vũ Bằng rất có thể là như thế.
(2). Vũ Bằng, Sđd
(3)Xem thêm bài Nam Cao: Nhà văn không biết khóc của Vũ Bằng đăng trên Tạp chí Văn học, SG, số 95, ra ngày 15-10-1969.
(4).Xem bài của Đỗ Kim Hồi về tác phẩm Đôi mắt, in trong Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1997.
(5). Lỗ Tấn,Tôi đã viết tiểu thuyết như thế nào? Chuyển dẫn từ Giáo trình Lý luận văn học, ĐHSP, Nxb Giáo dục, tập 1, 1986.
(6) Xem báo Tiền phong chủ nhật số 47, ra ngày 22/ 11/ 1998 và số 49, ra ngày 2/12/1998
(7)Tô Hoài, Vũ Bằng- Thương nhớ mười hai, Tạp chí Văn học, số 1- 1991.
" Trong kháng chiến chống Pháp, chuyến Nam Cao từ Hà Nam lên Việt Bắc đã gặp vợ chồng anh Vũ Bằng đương tản cư ở vùng trung du Quế Quyền trên đường vào Chi Nê. Nam Cao kể lại cho tôi nghe cuộc gặp mặt này. Rồi truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao viết đúng như câu chuyện của anh, chỉ có nhân vật chính được đặt tên là Hoàng (…). Đọc các hồi ký Vũ Bằng về bạn bè kháng chiến, biết được Vũ Bằng có nghe người ta kể truyện ngắn ấy của Nam Cao, và rồi Đôi mắt cũng đã đến tay anh. Vũ Bằng viết rằng anh bằng lòng Nam Cao đã miêu tả anh như thế, con người mơ màng bước vào trường kỳ kháng chiến, cái anh chàng nửa chán đời, nửa yêu đời, nửa thông minh nửa dở hơi, vừa đi kháng chiến vừa sợ kháng chiến cứ khật khưỡng trong nước sôi lửa bỏng như thế. Con người ấy bộc lộ tình cảm thước đo cuộc sống cũng đánh giá mình vậy".
Với một cung cách như vậy, quả là Vũ Bằng lâm vào tình thế rất dễ bị hiểu lầm
(8) Vũ Hoàng Tuấn, Vài kỉ niệm về bố tôi, in trên báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh, số ra ngày 30/11/1994


Truyện ngắn ĐÔI MẮT
Nam Cao

    Anh thanh niên làng chỉ một cái cổng gạch nhỏ, quay lại bảo tôi:
    - Ngõ này đây, ông Hoàng ở đây.
    - Cám ơn anh nhé. Lát nữa tôi sẽ sang nhà anh chơi.
    Tôi vỗ vai anh bảo vậy. Tôi toan vào. Anh vội ngăn tôi lại:
    - Khoan đã. Anh để em gọi cho anh trong nhà xích con chó lại. Con chó to và dữ lắm.
    Tôi mở to đôi mắt, khẽ reo lên một tiếng thú vị. Tôi nhớ đến những lần đến chơi nhà anh Hoàng ở Hà Nội. Bấm chuông xong, bao giờ tôi cũng phải chờ anh Hoàng thân hành ra nắm chặt cái vòng da ở cổ một con chó tây to bằng con bê, dúi đầu nó vào gầm cái cầu thang, rồi mới có đủ can đảm bước vội qua đằng sau cái đuôi nó để vào phòng khách.
    Tôi rất sợ con chó giống Ðức hung hăng ấy. Sợ đến nỗi một lần đến chơi, không thấy anh Hoàng ra đứng tấn để giữ nó lại buồn rầu báo cho tôi biết nó chết rồi, thì mặc dầu có làm ra mặt tiếc với anh, thật tình thấy nhẹ cả người. Con chó chết vào giữa cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình. Không phải vì chủ nó không tìm nổi mỗi ngày vài lạng thịt bò để nó ăn. Anh Hoàng là một nhà văn, nhưng đồng thời cũng là một tay chợ đen rất tài tình. Khi chúng tôi đến nơi chỉ còn một dúm xương và rất nhiều bản thảo chẳng biết bán cho ai, anh Hoàng vẫn phong lưu, con chó của anh chưa phải nhịn bữa nào. Nhưng xác người chết đói ngập phố phường. Nó chết có lẽ vì chén phải thịt người ươn hay vì hút phải nhiều xú khí. Thảm hại thay cho nó.
    Thế mà bây giờ đến thăm anh Hoàng ở chỗ gia đình anh tản cư về, cách Hà Nội hàng trăm cây số, tôi lại được nghe đến một con chó dữ. Thật là thú vị! Tôi cười nho nhỏ. Chẳng biết tôi cười gì, anh thanh niên cũng nhe răng ra cười. Ðáp lại tiếng anh gọi, tiếng những chiếc guốc mỏng mảnh quét trên sân gạch nổi lên, lẹc khẹc và mau mắn. Một thằng bé mũ nồi đen, áo len xám, chạy ra. Một đôi mắt đen lay láy nhìn tôi.
    - Bác Ðộ, ba ơi! Bác Ðộ!
    Thằng Ngữ, con anh Hoàng. Nó chẳng kịp chào tôi, ngoắt chạy trở vào, reo rối rít.
    - Cái gì? Cái gì? Hừm!
    Tiếng trầm trầm nhưng lại có vẻ nạt nộ của anh Hoàng hỏi nó. (Bao giờ nói với con, anh Hoàng cũng có cái giọng dậm doạ buồn cười ấy). Thằng bé líu ríu những gì tôi nghe không rõ. Rồi thấy tiếng thanh thanh của chị Hoàng giục con:
    - Ngữ xích con chó lại. Xích con chó lại cái cột tít đằng kia.
    Anh Hoàng đi ra. Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả, bởi vì người khí béo quá, vừa bước vừa bơi hai cánh tay kềnh khệnh ra hai bên, những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá. Cái dáng điệu nặng nề ấy, hồi còn ở Hà Nội anh mặc quần áo tây cả bộ, trông chỉ thấy là chững chạc và hơi bệ vệ. Bây giờ nó lộ ra khá rõ ràng trong bộ áo ngủ màu xanh nhạt, phủ một cái áo len trắng nó nịt người anh đến nỗi không còn thở được.
    Anh đứng lại bên trong cổng, một bàn tay múp míp hơi chìa về phía tôi, đầu hơi ngửa về đằng sau, miệng hé mở, bộ điệu một người ngạc nhiên hay mừng rỡ quá. Tôi có thì giờ nhận rõ một sự thay đổi trên bộ mặt đầy đặn của anh: trên mép một cái vành móng ngựa ria, như một cái bàn chải nhỏ.
    Sững người ra một lúc, rồi anh mới lâm li kêu lên những tiếng ở trong cổ họng:
    - Ối giời ơi! Anh! Quý hoá quá!
    Anh quay lại:
    - Mình ơi! Anh Ðộ thật. Xa thế mà anh ấy cũng chịu khó đến thăm chúng mình.
    Chị Hoàng lúc bấy giờ đã chạy ra, tay còn đang cài nốt khuy chiếc áo dài màu gạch vừa mới mặc vội vào để ra đón khách. Người đàn bà vồn vã:
    - Mong bác mãi. Lúc thằng cháu mới chạy vào, nhà tôi cứ tưởng nó trông nhầm. Cứ tưởng bác ở cách hàng mười lăm hai mươi cây số.
    Bắt tay tôi xong, anh Hoàng dịu dàng đẩy tôi đi trước. Chị vợ đã nhanh nhẹn chạy trước vào nhà, dọn bàn dọn ghế. Sao lại có sự săn đón cảm động như thế được? Tôi đâm ngờ những ý nghĩ không tốt của tôi về anh, từ hồi Tổng khởi nghĩa trở đi. Sau Tổng khởi nghĩa, anh Hoàng đối với tôi đột nhiên nhạt hẳn đi. Mấy lần tôi đến chơi với anh, định để xem anh thay đổi thế nào trong cuộc thay đổi lớn của dân tộc chúng ta, nhưng đều không gặp anh. Cửa nhà anh đóng luôn luôn. Thằng nhỏ nhà anh đứng bên trong cái cửa nhìn qua một lỗ con, bao giờ cũng hỏi cặn kẽ tên tôi, để một lúc sau ra bảo tôi rằng ông nó không có nhà.
    Mấy lần đều như vậy cả nên tôi đã sinh nghi. Lần cuối cùng, trước khi bấm chuông, tôi còn nghe thấy tiếng vợ chồng anh. Nhưng thằng nhỏ vẫn quả quyết rằng ông bà nó về trại những từ tối hôm trước kia rồi. Ðã đích xác là anh không muốn tiếp tôi. Chẳng hiểu vì sao. Nhưng từ đấy tôi không đến nữa. Mỗi lần gặp nhau ở ngoài đường, chúng tôi chỉ bắt tay nhau một cách rất lạnh lùng, hỏi thăm nhau một câu chiếu lệ, rồi ai đi đường nấy. Tôi đã biết Hoàng vẫn có tính tự nhiên "đá" bạn một cách đột ngột, vì những cớ mà chỉ mình anh biết. Có khi chỉ là vì một tác phẩm của người bạn ấy được cảm tình của một nhà phê bình đã chê một vài tác phẩm của anh. Có khi cũng chẳng cần đến thế. Anh có thể là một người bạn rất thân của anh Hoàng khi anh chỉ là một nhà văn ở tỉnh xa chỉ góp mặt với Hà Nội bằng những bài gửi về đăng báo, nhưng nếu anh lại về sống hẳn ở thủ đô, giao thiệp với ít nhiều nhà văn khác, anh sẽ không phải là bạn anh Hoàng nữa. Có lẽ anh Hoàng biết cái giới văn nghệ sĩ Hà Nội chửi anh nhiều quá.
    Riêng tôi, trước đây, tôi vẫn không hiểu sao người ta có thể khinh ghét anh nhiều thế. Tận đến lúc bị anh đá tôi mới hiểu. Tôn còn được hiểu rõ ràng hơn. Vào cái hồi quân đội Ðồng minh vào giải giáp quân Nhật ở nước ta, một số gái kiếm tiền trút bộ đầm ra để mặc bộ áo Tầu. Còn anh bạn của tôi, chẳng biết bám được ông má chín nào, ra một tờ báo hằng ngày để chửi vung lên. Chửi hết cả mọi người rồi anh mới lôi đến một số bạn cũ của anh ra. Toàn là những người hiền lành, xưa nay chưa hề chạm đến một sợi tóc của anh. Nhưng tên họ trên những tờ báo của phong trào giải phóng quốc gia được hoan nghênh làm ngứa mắt anh. Anh hằn học mỉa họ là những nhà văn vô sản và cho họ là một bọn khố rách áo ôm đã đến ngày mả phát, ăn mặc và tẩm bổ hết cả phần thiên hạ. Tôi cười nhạt. Không phải tôi khó chịu vì những lời vu cáo của anh. Tôi khó chịu chính vì thấy đến tận lúc ấy mà vẫn còn một số nhà văn Việt Nam dùng ngòi bút mình để làm những việc đê tiện thế. Anh Hoàng vẫn là con người cũ. Anh không chịu đổi. Tôi đã tưởng anh với tôi chẳng bao giờ còn thân mật với nhau trở lại. Nhưng sao gặp tôi lần này anh lại hân hoan đến thế? Anh đã đủ thì giờ để lột xác rồi chăng? Hay cuộc kháng chiến mãnh liệt của dân ta đã quét sạch khỏi đầu anh những cái gì cũ còn sót lại? Thật tình, tôi rất cảm động khi nghe thấy anh kể lể:
    - Chẳng ngày nào chúng tôi không nhắc đến anh. Nguyên một hôm xem tờ báo của ông hàng xóm thấy có bài của anh, tôi đoán anh làm tuyên truyền ở tỉnh này. Tiện gặp một cán bộ về làng, tôi nhờ gửi cho anh một bức thư. Cũng là gửi cầu may. Thật không dám chắc thư đến tay anh. Mà có đến, có lẽ anh nhiều việc, cũng khó lòng về chơi với chúng tôi. Thế mà lại được gặp anh. Trông anh không lấy gì làm khoẻ mà sao anh đi bộ tài thế? Mà sao anh lại tìm vào được đúng làng này? Hồi mới đến đây, tôi ra khỏi nhà độ mươi bước là đã lạc. Nhiều ngõ quá mà ngõ nào cũng giống ngõ nào. Có khi ra đồng về cũng nhầm ngõ.
   
Cái nhà Hoàng ở nhờ có thể gọi là rộng rãi. Ba gian nhà gạch sạch sẽ. Hàng hiên rộng ở ngoài. Sân gạch, tường hoa. Một mảnh vườn trồng rau tươi rười rượi. Xinh xắn lắm. Thích nhất là gia đình anh được ở cả nhà. Chủ nhân cũng là người buôn bán trên Hà Nội. Ông thường nhờ vốn liếng và mối hàng của vợ chồng anh. Còn gì hơn là lúc này trả nghĩa lại nhau. Ông đã dọn sang nhà ông bố ở liền bên, nhường lại nhà cho anh hoàn toàn sử dụng. Anh cho tôi biết thế và bảo tiếp:
    - Giá chúng tôi chưa tìm được nhà ông thì chưa biết ra sao. Tôi thấy nhiều người tản cư khổ lắm. Anh tính có đời nào anh ruột tản cư về nhà em mà đến lúc vợ đẻ, em bắt ra một cái lều ngoài vườn để đẻ!
    Tôi cho anh biết người nhà quê mình có tục kiêng.
    - Thì đã đành là vậy. Anh nói giọng tức tối và bất bình - Thì đã đành là vậy, nhưng lúc này còn kiêng kỵ gì? Mà có những thế thôi đâu! Thấy anh bây giờ khổ sở, em đã chẳng thương, lại còn xỉa xói, nhắc đến những lúc hoang phí trước để mà xỉ vả. Nào "lúc có tiền thì chẳng biết ăn biết nhịn để dè, chỉ biết nay gà mai chó!", nào "lúc buôn bán phát tài, bảo gửi tiền về quê tậu ruộng vườn thì bảo không cần vườn ruộng, để tậu nhà ở tỉnh kia, bây giờ không bám lấy nhà ở tỉnh đi?" Tệ lắm! Anh tính mấy đời mới có một phen loạn lạc thế này? Có tiền, thằng nào chẳng ăn chơi? Có mấy người cứ còm cọm làm như trâu, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, ở thì chui rúc thế nào cho xong thôi, để tiền mà tậu vườn, tậu ruộng như họ?
    Chị Hoàng tiếp lời chồng:
    - Họ làm chính chúng tôi cũng đâm lo. Có thể nói rằng trong một trăm người thì chín mươi người cho rằng Tây không đời nào dám đánh mình. Mãi đến lúc có lệnh tản cư tôi vẫn cho là mình tản cư để doạ nó thôi. Thế rồi đùng một cái, đánh nhau. Chúng tôi chạy được người chứ của thì chạy làm sao kịp? May mà còn vớt vát được ít tiền, một ít hàng để ở cái trại của chúng tôi, ở ngoại thành. Khéo lắm thì ăn được độ một năm. Ðến lúc hết tất nhiên là phải khổ rồi. Chỉ sợ đến lúc ấy, họ lại mỉa lại. Thành thử bây giờ, lý ra thì có muốn ăn một con gà chưa đến nỗi không mua nổi mà ăn, nhưng ăn lại sợ người ta biết, sau này người ta nói cho thì nhục.
    Họ tàn nhẫn lắm cơ, bác ạ!
    Anh Hoàng cười:
    - Mà sao họ đã bận rộn nhiều đến thế mà vẫn còn thì giờ chú ý đến những người chung quanh nhiều đến thế? Anh chỉ giết một con gà ngày mai cả làng này đã biết. Này, anh mới đến chơi thế mà lúc nãy tôi đã thấy có người nấp nom rồi. Ngày mai thế nào chuyện anh đến chơi tôi cũng đã chạy khắp làng. Họ sẽ kể rất rạch ròi tên anh, tuổi anh, anh béo gầy thế nào, có bao nhiêu nốt ruồi ở mặt, có mấy lỗ rách ở ống quần bên trái.
    Tôi mỉm cười, cắt nghĩa cho anh hiểu: lúc này họ cần để ý đến những người lạ mặt tới làng. Tôi chắc mấy người nấp nom tôi là mấy người có trách nhiệm trong uỷ ban, mấy anh tự vệ.
    - Lại còn các ông ủy ban với các bố tự vệ nữa mới chết người ta chứ! Họ vừa ngố vừa nhặng sị. Ðàn bà chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn giắt trong quần! Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười lăm phút, thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy. Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi, hỏi nữa. Anh vừa ra khỏi làng, sực nhớ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi. Hình như họ cho cái việc hỏi giấy là thú lắm.
    Anh cười gằn một tiếng, nhìn bao trùm cả người tôi, hỏi:
    - Anh sống ở nhà quê nhiều, anh có hiểu tâm lý của họ không?
    Anh thử cắt nghĩa hộ tôi tại làm sao họ lại nhiêu khê đến thế?
    Từ trước đến nay, tôi chỉ hoàn toàn ở Hà Nội, thành thử chỉ mới biết những người nhà quê qua những truyện ngắn của anh. Bây giờ gần họ, tôi quả là thấy không nhịn được. Không chịu được!
   
Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối. Vợ chồng anh thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các ông thanh niên, các bà phụ nữ mới bây giờ lại càng lố lăng. Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả dân tân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ! Họ mà tóm được ai thì có mà chạy lên trời! Thế nào họ cũng tuyên truyền cho hàng giờ. Có lẽ họ cho những người ở Hà Nội về như vợ chồng anh đều lạc hậu, chưa giác ngộ nên họ không bỏ lỡ một dịp nào để tuyên truyền vợ chồng anh. Mà tuyên truyền như thế nào!
    Anh trợn mắt bảo tôi:
    - Tôi kể cho anh nghe chuyện này thế nào anh cũng cho là bịa. Nhưng tôi có bịa một tí nào, tôi chết. Một hôm, tôi đi chợ huyện chơi. ở nhà đã hỏi đường cẩn thận rồi, nhưng đến một ngã ba, lại quên béng mất, không biết phải rẽ lối nào. Ðành đứng lại, chờ có người đi qua thì hỏi. Chờ mãi mới thấy một ông thanh niên nghễu nghện vác một bó tre đi tới. Tôi chào rồi hỏi: "Ði chợ huyện lối nào, ông làm ơn chỉ giúp tôi!" Anh ta trố mặt nhìn tôi chẳng rằng chẳng nói, như nhìn một giống người lạ mới từ Hoả tinh rơi xuống. Tôi biết hiệu, rút giấy đưa cho anh xem rồi lại hỏi. Bây giờ anh ta mới bảo: "Ông cứ đi lối này, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cách đồng, vào đường gạch làng Ngò, vòng qua đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa là đến chợ". Ðại khái thế, chứ không hoàn toàn đúng thế. Chỉ biết là nó lôi thôi rắc rối, nhiều bên phải bên trái quá, đến nỗi tôi không tài nhận nhận được. Anh ta bày cho tôi một cách: đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì theo. Tôi cho là phải. Anh ta cười bảo: "Thôi thế chào ông. Cháu vô phép ông đi trước. Cháu vội lắm. Cháu phải vác ngay bó tre này lên Thượng để làm công tác phá hoại, cản cơ giới hoá tối tân của địch. Cuộc trường kỳ kháng chiến của ta phải chia làm ba giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là ..." Anh ta cứ thế, đọc thuộc lòng cho tôi nghe cả một bài dài đến năm trang giấy.
    Chị Hoàng cười rú lên. Tôi cũng cười, nhưng có lẽ cái cười chẳng được tươi cho lắm. Anh thấy cần phải thề lần nữa:
    - Tôi có bịa thì tôi chết. Mà tôi lại thề với anh rằng lúc ấy tôi ngạc nhiên quá, không còn cười được, vả lại cũng không dám cười. Cười, nhỡ anh ta đánh cho thì tai hại. Nhưng từ hôm ấy ngày nào tôi cũng bắt nhà tôi đóng cổng suốt ngày không dám đi đâu nữa.
    Tôi cười gượng. Ðiều muốn nói với anh, tôi đành giấu kín trong lòng không nói nữa. Tôi biết chẳng đời nào anh nhận làm một anh tuyên truyền nhãi nhép như tôi. Vả lại dầu có rủ được anh làm như tôi, khoác cái ba lô lên vai, đi hết làng nọ đến làng kia để nhận xét nông thôn một cách kỹ càng hơn cũng chẳng ích gì. Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài "ba giai đoạn" nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.
    Tôi biết lắm. Trước mặt người đàn anh trong văn giới ấy, tôi chỉ là một kẻ non dại, mới tập tọng học nghề. Bởi vậy tôi không dám nói hết những ý nghĩa của tôi ra. Tôi chỉ rụt rè và đưa ra vài điểm nhận xét:
    - Có nhiều cái kỳ lạ lắm. Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta. Tôi gần gũi họ rất nhiều. Tôi đã gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, nheo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương. Nghe các ông nói đến "sức mạnh quần chúng", tôi rất nghi ngờ. Tôi vẫn cho rằng đa số nước mình là nông dân, mà nông dân nước mình thì vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng. Cái thời Lê Lợi, Quang Trung, có lẽ đã chết hẳn rồi, chẳng bao giờ còn trở lại. Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi đã ngả ngửa người. Té ra người nông dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng, mà làm cách mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung Bộ. Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là "nựu đạn", hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh, mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm. Mà không hề bận tâm đến vợ con, nhà cửa, như họ vẫn thường thế nữa. Gặp họ, anh không thể tưởng tượng được rằng chính những người ấy, chỉ trước đây dăm tháng, giá có bị anh lính lệ ghẹo vợ ngay trước mặt cũng chỉ đành im thin thít mà đi, đi một quãng thật xa rồi mới dám lẩm bẩm chửi thầm vài tiếng, còn bao nhiêu ghen tức đành là đem về nhà trút vào má vợ.
    Hoàng nhếch một khoé môi lên, gay gắt:
    - Nhưng anh vẫn không thể chối được rằng họ có nhiều cái ngố không chịu được. Tôi thấy có nhiều ông tự vệ hay cả vệ quốc quân nữa táy máy nghịch súng hay lựu đạn làm chết người như bỡn. Nhiều ông cầm đến một khẩu súng kiểu lạ, không biết bắn thế nào. Nước mình như vậy, suốt đời không được mó đến khẩu súng thì làm gì biết bắn, họ đánh mãi rồi cũng biết. Thì cứ để cho họ đánh Tây đi! Nhưng tai hại là người ta lại cứ muốn cho họ làm uỷ ban nọ, uỷ ban kia nữa, thế mới chết người ta chứ! Nói thí dụ ngay như cái thằng chủ tịch uỷ ban khu phố tôi ở Hà Nội lúc chưa đánh nhau, nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm uỷ ban thế nào mà bắt nó làm uỷ ban? Ông chủ tịch làng này, xem giấy của nhà tôi, thấy đề Nguyễn Thục Hiền, cứ nhất định bảo là giấy mượn của đàn ông. Theo ông ấy, thì đàn bà ai cũng phải là thị này, thị nọ. Chị Hoàng cười nhiều quá, phát ho, chảy cả nước mắt ra. Rút khăn tay lau nước mắt xong, chị chép miệng lắc đầu, bảo tôi:
    - Giá bác ở đây thì nhiều lúc bác cũng cười đến chết. Thế mà ông chủ tịch ấy cứ nằn nì mãi hai ba lượt, yêu cầu nhà tôi dạy bình dân học vụ hay làm tuyên truyền giúp.
    Anh chồng tiếp:
    - Tôi chẳng có việc gì làm, lắm lúc cũng buồn. Nhưng công tác với những người như vậy thì anh bảo công tác làm sao được? Ðành để các ông ấy gọi là phản động.
    Muống lảng chuyện, tôi hỏi:
    - Lúc này nhiều thì giờ thế, chắc anh viết được. Anh đã viết được cái gì thú chưa?
    - Chưa, bởi vì ngay đến một cái bàn viết ra hồn cũng không còn nữa. Nhưng thế nào chúng mình cũng phải viết một cái gì để ghi lại cái thời này. Nếu khéo làm còn có thể hay bằng mấy cái "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng. Phụng nó còn sống đến lúc này phải biết!
   
Cơm chiều xong vào lúc bốn giờ, Hoàng mời tôi cùng đi với vợ chồng anh đến chơi nhà mấy người ở phố cũng tản cư về. Có đâu một ông tuần phu về hưu, một ông đốc học bị thải hồi vì một vụ hiếp học trò, một cụ phán già trước đây chuyên môn sống về nghề lo kiện, hay chạy cửu phẩm cho thiên hạ. Anh chẳng ưa gì họ bởi vì họ chẳng biết gì đến văn chương nghệ thuật, chỉ tổ tôm là giỏi.
    Nói chuyện với họ chán phè. Nhưng nếu chẳng giao thiệp với họ thì cũng chẳng biết đến chơi nhà ai được nữa. Anh vừa đi vừa tâm sự nhỏ với tôi như vậy, và thì thầm kề sát tai tôi những cái thối nát, ngu ngốc, gàn dở, rởm đời của từng người một, trong khi chúng tôi bước chầm chậm để đợi chị Hoàng ra sau chúng tôi một chút.
    Chị Hoàng rảo bước để theo kịp chúng tôi. Hai má đỏ ứng vì lửa bếp. Chị cắt nghĩa sự chậm trễ của chị:
    - Tôi xem lại nồi khoai lang vùi, để lát nữa về ăn. ở đây cao lương mỹ vị chẳng có gì, nhưng được cái thức ăn vặt thì sẵn. Bác ở chơi đây, mai tôi xem nhà ai có mía to mua mấy cây về ướp hoa bưởi ăn thơm lắm.
    Ðến một cái cổng gạch lớn có dây leo, anh Hoàng giật dây chuông.
    Một thằng bé chạy ra, lễ phép chào:
    - Lạy ông!
    - Không dám. Cụ Phạm có nhà không cậu?
    - Bẩm ông, cụ sang bên ông đốc.
    - Sao thấy nói ông đốc ở đây từ sáng?
    - Bẩm không ạ! Sáng nay không thấy ông đốc sang chơi bên này.
    Chúng tôi quay trở lại. Qua mấy cái ngõ ngoằn ngoèo khác, đến một cái cổng gạch có dây leo khác. Một chị vú ẵm em đứng cổng:
    - Lạy ông! Lạy bà!
    - Không dám. Ông đốc có nhà hay đi chơi vắng?
    - Bẩm ông, ông đốc con sang cụ tuần.
    - Sao bên cụ tuần bảo sang đây?
    - Bẩm ông, không ạ!
    Anh Hoàng quay ra. Ði được mấy bước, anh quay lại khẽ bảo vợ:
    - Các bố lại tổ tôm. Mụ Yên Kỷ cũng không có nhà, phải không?
    Con mụ ấy cũng là đệ tử tổ tôm hạng nặng. Chắc họ tụ tập ở đây hay ở bên nhà cụ Phạm, sai người gác cổng.
    Chị Hoàng không có ý kiến gì. Anh Hoàng vỗ vai bảo tôi:
    - Anh nghĩ có buồn không? Tri thức thì thế đấy. Còn dân thì... như anh đã biết.
    Tôi thầm rủa sự tình cờ sao lại xô đẩy anh về đây cùng với bằng ấy thứ cặn bã của giới thượng lưu trí thức. Sao anh không đi theo bộ đội, đi diễn kịch tuyên truyền nhập bọn với các đoàn văn hoá kháng chiến để được thấy những sinh viên, công chức sung vào vệ quốc quân, những bác sĩ sốt sắng làm việc trong các viện khảo cứu hay các viện quân y, những bạn văn nghệ sĩ của anh đang mê mải đi sâu vào quần chúng để học họ và dạy họ, đồng thời tìm những cảm hứng mới cho văn nghệ?
    Tôi cười nhạt:
    - Nghe anh nói, tôi nản quá. Như vậy cuộc kháng chiến của ta có lẽ đến hỏng à?
    Anh chộp lấy câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột:
    - Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm. Anh tính tượng trưng cho phong trào giải phóng cả một cái đệ tứ cường quốc là Ðại Pháp, mà chỉ có đến thằng Ðờ-Gôn.
    Tôi nhắc đến tên mấy nhân vật kháng chiến khác của Pháp, còn đáng tiêu biểu bằng mấy Ðờ-Gôn. Anh lắc đầu:
    - Bằng thế nào được Hồ Chí Minh!
    Và anh tiếp:
    - Ông Cụ làm những việc nó cừ quá, đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, ông Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường. Những cú như cú Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 thì đến chính thằng Mỹ cũng phải lắc đầu: nó cho rằng không thể nào bịp ông già nổi. Thằng Pháp thì nghĩa là gì? Bệt lắm rồi. Không có thằng Mỹ xúi thì làm gì Pháp dám trở mặt phản Hiệp định mồng 6 tháng 3? Mình cho nó như vậy đã là phúc đời nhà nó lắm rồi. Ðáng lẽ nó phải bám chằng chằng lấy chứ?
    Buổi tối ăn khoai vùi xong, uống mấy tuần trà rồi đi nằm sớm. Anh sợ tôi đã đi hàng mười cây số, lại ngồi nói chuyện suốt từ lúc đến, chắc không thể ngồi được nữa. Vả lại tuy chưa buồn ngủ nhưng nằm đắp chăn cho ấm và buông màn cho khỏi muỗi thì vẫn tốt. Hai cái giường nhỏ kề song song, cách nhau có một lối đi nhỏ. Màn tuyn trắng toát. Chỉ trông cũng đã thấy thơm tho và thoải mái.
    Hoàng với tôi đi nằm trước. Một gói thuốc lá thơm và một bao diêm đặt ở bên cạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá ở đầu giường. Tôi để nguyên cả quần áo tây và chỉ ngay ngáy lo đêm nay một vài chú rận có thể rời sơ-mi tôi để du lịch ra cái chăn bông thoang thoảng nước hoa. Mọi hôm tôi vẫn đắp chăn chung với anh em thợ nhà in, cái giống ký sinh trùng hay phản chủ ấy, ở người tôi, không dám cam đoan là tuyệt nhiên không có.
    Chị Hoàng thu dọn đồ đạc, đóng cửa, rồi đem một cây đèn to lại chỗ cây giường chúng tôi, lấy ra một cái chai. Anh Hoàng trông thấy, hỏi:
    - Mình thắp đèn to đấy à?
    - Vâng, tôi đổ thêm dầu đã.
    Anh Hoàng hỏi tôi:
    - Anh có thích đọc Tam Quốc không?
    Tôi thú thật là chưa bao giờ được xem trọn bộ.
    - Thế thì thật là đáng tiếc. Trong tất cả các tiểu thuyết Ðông Tây, có hai quyển tôi mê nhất là Tam Quốc và Ðông Chu Liệt Quốc. Về cái môn tiểu thuyết thì thằng Tàu nhất. Nhưng cũng chỉ có hai bộ ấy thôi. Thuỷ Hử cũng hay, chẳng kém Tam Quốc và Ðông Chu Liệt Quốc. Những tiểu thuyết khác hay đến đâu, anh cũng chỉ đọc một câu. Ðọc đến lần thứ hai là giảm thú rồi. Nhưng Tam Quốc với Ðông Chu thì đọc đi đọc lại mãi vẫn thấy thú như mới đọc.
    - Anh có hai bộ ấy ở đây không?
    - Bộ Ðông Chu mất ở Hà Nội, không đem đi được. Thế mới sầu đời chứ! Hận quá, may mà bộ Tam Quốc lại để ở ngoại thành, đem đi được. Nếu không thì buồn đến chết.
    Anh gạt tàn thuốc lá rồi bảo tiếp:
    - Sở dĩ lúc này tôi hỏi anh là có thích đọc Tam Quốc không là vì mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi có cái thú đọc một vài hồi Tam Quốc rồi mới ngủ. Nhưng hôm nay anh không biết có nên bỏ cái lệ ấy đi không? Nếu anh thích nói chuyện thì nghỉ một tối để chúng mình nói chuyện cũng chẳng sao.
    Cố nhiên là tôi mời vợ chồng anh cứ giữ lệ thường. Anh có vẻ mừng rỡ lắm:
    - Vâng, nếu anh cho phép thì ta cứ đọc. Chúng mình cùng nghe rồi lúc nào buồn ngủ thì ta ngủ. Tôi trông anh hơi mệt có lẽ cần ngủ sớm. Không biết đèn sáng lại đọc thế có phiền anh không?
    Tôi cho anh biết là tôi vẫn ngủ ngay trong nhà in, đèn sáng và máy chạy ầm ầm, ở đây chăn ấm thế này thì dẫu súng có nổ ngay ở liền bên tôi vẫn ngủ ngon lành lắm. Anh cười cùng cục trong cổ như một con gà trống:
    - Vâng, thế thì ta cứ đọc. Mình lấy ra đi.
    Chị Hoàng chạy lại bíp lấy một quyển sách bìa dày, gáy da, đem lại.
    - Mình đọc hay tôi đọc?
    - Mình đọc đi.
    Chị để cây đèn lên trên cái đôn thấp ở đầu giường, cởi áo dài lên giường nằm cạnh thằng con đã chui vào chăn trước.
    - Hôm qua đọc đến đâu rồi nhỉ. Hình như...
    - Không cần, mình đọc lại cái đoạn thằng Tào Tháo nó tán Quan Công ấy. Thế nào? Theo ý anh thì Tào Tháo có giỏi không?
    Tôi trả lời qua loa cho xong chuyện:
    - Tôi thấy nói là nó giỏi.
    - Giỏi lắm anh ạ! Giỏi nhất Tam Quốc. Sao nó tài đến thế.
    Chị Hoàng đã tìm thấy, bắt đầu cất tiếng thanh thanh đọc. Anh Hoàng vừa hút thuốc lá vừa nghe. Mỗi khi đọc đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu:
    - Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo.

Nguồn:

No comments:

Post a Comment