.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 1, 2012

MỘT NHÀ THƠ KIÊM NHÀ BÁO Ở ĐẤT CẢNG HẢI PHÒNG KHÔNG BIẾT ĐI XE MÁY, KHÔNG DÙNG ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Mới đây gặp nhà thơ Thi Hoàng, tôi thấy ông có vẻ ngầu hơn, với bộ ria rậm và chiếc răng nanh hổ lủng lẳng treo trên ngực, chứ không còn hình ảnh rắn rỏi, mặc áo xanh công nhân, mà tôi gặp lần đầu cách đây hơn 30 năm, cùng với chiếc xe đạp phải phanh bằng chân, trên đường phố Hải Phòng. Nhưng đến nay sự đổi mới về giao thông của ông vẫn là số không, bởi ông vẫn tòng teng dạo phố, với xe đạp cũ chỉ vài trăm ngàn.

Nhà thơ Vương Tâm và Thi Hoàng
Nói ông là người lập dị cũng không hẳn; bởi lẽ chẳng bao giờ ông tạo quái chiêu gì để làm cho mình nổi trội. Nhưng hiện nay, đúng là chỉ có ông, một nhà thơ kiêm nhà báo duy nhất của đất cảng Hải Phòng không biết đi xe máy, không dùng điện thoại di động và, tất nhiên không xúng xính chiếc Laptop như ai.
1- Ông nổi tiếng khá sớm, ở tuổi 25, với bài “Ở giữa cây và nền trời”, in trên báo Văn Nghệ, năm 1968. Trong bài có hai câu thơ, rất lạ mà ai yêu thơ cũng nhớ đến: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc”. Nhưng thực ra ông làm thơ không nhiều. 
Mãi đến tận 1976, ngoài 30 tuổi Thi Hoàng mới cho in riêng tập thơ đầu tiên: “Nhịp sóng”. Rồi đến 10 năm sau ông mới cho ra lò trường ca “Ba phần tư trái đất” (1986). Mạch trường ca đã kéo ông cho tới gần 10 năm tiếp theo để ra đời tác phẩm “Gọi nhau qua vách núi” (1995). Sau đó là các tập thơ “Đóm đóm và sao” (1997), “Bóng ai gió tạt” (2001), “Cộng sinh với những khoảng trống” (2005). Rồi tới năm 2011, nhà thơ mới trình làng liền hai cuốn; Đó là tuyển tập lần một “Thi Hoàng - Thơ và Trường ca”, cùng với tập thơ mới “Chìm vào mật nóng”.
Riêng tuyển tập thơ Thi Hoàng, phát hành đầu năm 2011 thì ông lại không quan tâm mấy, vì do một người bạn mến mộ ông làm hết mọi công đoạn từ A đến Z. Quả nhiên cuốn này tưởng như là tuyển tập nhưng lại không hề có tư liệu gì và kể cả không có ảnh tác giả. Thậm chí ông còn nói trong đó có những bài ông không thích và nếu có dịp làm lại ông sẽ không chọn.
Tuy xuất bản không thật nhiều, nhưng thơ Thi Hoàng lại tạo được dư luận sâu rộng bởi sự cách tân về ngôn từ, độc đáo với những ý tứ lạ và táo bạo trong cách diễn đạt. Ông được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1996); Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2001) và các giải văn học ở Hải Phòng. Đặc biệt đến năm 2007, ông đã được Nhà nước trao giải thưởng cho các tập thơ “Ba phần tư trái đất”, “Nhịp sóng”, “Gọi nhau qua vách núi” “Bóng ai gió tạt”.
Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” ông quan niệm vậy; Thơ ông đúng là như thế. Tuy được mệnh danh là nhà thơ cách tân sớm nhất và là một gương mặt thơ độc đáo trong làng thơ Việt Nam và có công đóng góp cho sự đổi mới thơ ca Việt hiện đại, nhưng ông lại không hề cho là vậy. Không ít lần ông nói mình bị khoác lên cái áo to quá khổ, vì ông không nghĩ mình đang cách tân thơ và bộc bạch rằng: “Tôi chỉ cố trau chuốt những câu thơ bằng tư duy hình tượng thôi.
Ông quan niệm, văn chương nói chung và thơ nói riêng phải quyến rũ người đọc, chứ không nên đuổi bắt độc giả. Dường như quan niệm ấy đã theo đuổi ông ngay từ những bài thơ đầu tiên và dần dần tạo nên một phong cách thơ Thi Hoàng với những tìm tòi câu chữ, ý tứ có sức quyến rũ gợi mở nhiều kênh cảm xúc và thông tin ẩn chứa khá bất ngờ. Ta có thể tìm ra những chữ đậm chất Thi Hoàng trong các tập thơ như “Mê mướt gió”, “Nắng ứa”, “ngén ngày”, “thơm muôn muốt”, “Rún rín”, “hoàng hôn ni lông”, “im lặng săn chắc”, “đêm ím mịm”…hay các câu thơ khá trau chuốt như: “Đen nhười nhượi tóc em - mắt nhắm nghịm” hoặc “ngờ ngẫn hoa bờ rào - khói bếp vương thui thủi”… Người đọc luôn ngẩn ngơ với những câu thơ kiểu như:
“Gửi vào đâu địa chỉ tuổi lên mười
Gửi vào đâu những ngày thừa khoảng trống
Một đầu đường chẳng có ai trong ngóng
Một buổi chiều không biết cất vào đâu”
Hay trong trường ca “Gọi nhau qua vách núi” ai cũng có thể nhớ đến khổ thơ:
Anh gọi tên em từ bùn lầy cho tới nhuỵ sen
Gọi em trong lần vỏ cây sau mưa còn thẫm nước
Gọi nhau trong tiếng kèn dám ma tiễn đưa người đã chết…”
Trong quá trình làm thơ và chau chuốt những câu chữ, ông thường rất mạnh dạn, đôi khi tạo được một không gian nhiều chiều cho sự phát hiện của chính người đọc. Và họ đã cùng có dịp chia sẻ với tác giả qua những câu thơ dạn dĩ như: “Phật bà quan âm núm vú rất săn - Cho bú mớm những hiền lành thân thiện” (X Quang), trong tập “Chìm vào mật nóng”. Cũng trong bài này, tác giả còn dẫn dắt người đọc theo những cảm xúc táo bạo: “Chữ đeo kính râm - chữ đeo bao cao su… chữ mải chơi bời”, hoặc rất độc đáo như: “Tiếng gà gáy thọc vào túi quần tìm tiền lẻ - tiền lẻ làm sao mua được bình minh.
Nhà thơ Thi Hoàng cũng rất ngại ai đó cho mình là một tài năng và ít khi biểu lộ mình trước đám đông. Ông chỉ sáng tác khi có cảm xúc thật sự và nếu đọc lại thấy nhạt thì chẳng bao giờ dám công bố. Tiêu chí thơ cần quyến rũ độc giả đã làm ông vất vả, cực nhọc trong việc khổ luyện cho câu chữ. Vậy nên có người tổng kết, cứ mỗi lần hoàn thành một tập thơ là nhà thơ Thi Hoàng đều phát ốm là có thật. Thậm chí có lần còn phải đi bệnh viện. Nhà thơ chợt phì cười nhấn mạnh, khi kể chuyện với tôi những điều tưởng như rất vớ vẩn trong cuộc đời của mình. Nhưng lao động, lao động và lao động một cách khắt khe để tạo dựng một phong cách thơ hiện đại như Thi Hoàng thì quả là một hiện tượng và là một bài học về sự kiên trì với định hướng nghệ thuật cho rất nhiều tác giả trẻ. Bởi họ luôn luôn ngưỡng mộ ông, đọc ông và học những gì mà ông đã gây dựng trong suốt nửa thế kỷ sáng tạo thơ ca. Nói ông là một trong những gương mặt tiêu biểu trong hàng ngũ nhà thơ cách tân, luôn có trách nhiệm với bạn đọc, sáng tạo một lối nói mới, một giọng điệu riêng, chính vì lẽ đó.
2- Có thể nhiều người nghĩ, trước đây với tuổi trẻ lại tài hoa thế, chắc Thi Hoàng sẽ có nhiều người đẹp vây quanh. Tôi cũng tò mò hỏi về chuyện tình yêu xưa nay, thì ông chỉ cười khì khì, rồi tặc lưỡi kể, quả cũng có hai mối tình vắt vai, nhưng đúng với nghĩa chỉ để hong khô nhanh chóng với gió biển mà thôi.
Chuyện với cô thứ nhất xẩy ra vào thập kỷ 60, xinh đẹp và đài các thì anh chàng thợ Hoàng Văn Bộ (tên thật của nhà thơ Thi Hoàng) ngày ấy chỉ nhìn từ xa mà mơ. Quen biết đấy nhưng lại không dám tỏ tình. Bạn bè túm tụm hồi đó còn có Nguyễn Khắc Phục, nhà văn nổi tiếng sau này, và một họa sĩ trẻ nữa. Tất cả bàn tán đến độ xúi Thi Hoàng viết một lá thư tỏ tình, xem sao. Chàng thi sĩ liền thể hiện những con chữ da diết trong tâm hồn và bày tỏ tình cảm với cô bé, rồi nhờ anh bạn hoạ sĩ nọ đến tận nhà người đẹp gửi. Thi Hoàng và Nguyễn Khắc Phục hồi hộp chờ đợi ở quán trà gần đó. 
Lát sau anh bạn về cười tươi thông báo kết quả là đã đưa thư rồi. Trái tim Thi Hoàng đập loạn lên vì lo bị cô gái từ chối hay mắng mỏ. Nhưng anh bạn nói là không và rất vui vẻ là đằng khác. Thi Hoàng ra về trong tâm trạng xao xuyến và chờ đón tin tốt lành. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mãi chẳng thấy tín hiệu gì. Thi Hoàng sốt ruột hỏi lại anh bạn mới hay là, lá thư đó mới chỉ gửi đến tay bà mẹ thôi; anh bạn còn khuyên Thi Hoàng là yên chí không sợ mất lá thư ấy đâu. Thế là sôi hỏng bỏng không. Thời kỳ này, thành phố Hải Phòng lại đang sôi nổi trong cuộc chiến đấu, chống giặc Mỹ ném bom phá hoại, nên anh chàng họ Hoàng kia đã xung phong đi bộ đội bỏ lại mối “tình là tình nhiều lúc có như không” của mình. Nhưng để ghi dấu tình yêu hụt đầu tiên ấy, Thi Hoàng đã viết bài thơ “Tình ca ngõ nhỏ”. Bài thơ cũng đã từng được in trên báo Văn Nghệ.
Chuyện tình hờ vắt vai thứ hai là duyên sự tưởng như đến tới nơi với Thi Hoàng và con gái nhà văn Nguyên Hồng. Thời điểm này Thi Hoàng đã giải ngũ, về làm việc tại Hội Văn nghệ Hải Phòng, từ năm 1976. Nhà thơ trẻ của đất biển ngày ấy sáng giá lắm và đầy triển vọng nên được nhà văn Nguyên Hồng yêu mến và còn có ý định gả cô con gái của ông, tên là Thư vừa học ở Ba Lan trở về, cho Thi Hoàng.
Kể đến đây, ông tủm tỉm cười rồi nói, đúng là đời cứ ngỡ như là mơ, đến nỗi ông Nguyên Hồng còn quyết định nếu hai đứa thành hôn, sẽ cho Thi Hoàng một con lợn để làm lễ cưới. Sau mới biết tình yêu là bể khổ, nếu quá hy vọng và đón chờ nó. Thi Hoàng trở nên dửng dưng vì biết cô con gái rượu của nhà văn có phong cách sống rất “tây”, chẳng thể hoà hợp được thân phận nghèo như mình. Vậy là từ đó, dù tuổi đã ngoài 30, nhưng Thi Hoàng không còn những cảm xúc của sự chờ đợi hay hồi hộp mong ngóng nào nữa, và chỉ tập trung vào công việc.
Mãi tới 15 năm sau, khi ấy thi sĩ đã sắp đến tuổi lên lão, nghĩa là 47 tuổi, ai cũng coi anh như một quả bom câm của Hải Phòng, thì một làn sóng tin lạ đến với anh em bạn bè, rằng Thi Hoàng sắp cưới con gái của một người bạn. Ai cũng bán tín bán nghi, nhưng đó lại là sự thật, đúng như câu hát “Tình là tình nhiều khi không mà có”. Thi Hoàng còn nói chuyện xảy ra như một giấc mơ, khi được người bạn vong niên chủ động gợi ý, sẽ gả con gái cho mình. Không phải sắc nước hương trời nhưng cô gái kia, mặn mà, thanh tú và đỏm dáng lắm. Mến mộ tài năng và sẵn có thiện cảm với nhà thơ mỗi khi đến chơi, thế là cô chấp nhận duyên phận, cho dù nhà thơ hơn mình 20 tuổi.
Thi Hoàng ví mình như mèo mù vớ được cá rán vậy. Còn nay ai đó khi gọi điện đến nhà, và nếu nghe giọng chị Bích, vợ ông thưa ở đầu máy, thì tôi đoán chắc thể nào cũng hỏi: Bố cháu có nhà không? Bởi giọng chị trong trẻo, trẻ trung lắm.

3- Thật lạ, tôi nghe có người nói ông đã trở thành tỷ phú vì bán đất bán nhà, hiện giầu có lắm. Tôi ngờ ngợ, đúng là trước đây, nếu ai đến ngôi nhà cũ của Thi Hoàng, cũng phải mê miếng đất của ông, vì nó ở ngay mặt ngõ và lại rộng tới 300m2.
Một ngôi nhà vườn y như ở đất Huế vậy, với cách bố trí tiểu cảnh ngoài sân, trong nhà khá ấn tượng. Ông lại có thú sưu tầm cổ vật và những sản phẩm văn hoá như tranh, chữ, bình, lọ, đĩa, khay… nên người đến thăm thường nán lại để nghe ông kể chuyện, cùng đàm đạo thơ ca và uống rượu.
Ai cũng khen ông giỏi xoay sở, vì trước khi về mảnh đất này, gia đình ông chỉ ở một căn hộ tập thể khoảng 12m2. Nhưng thực ra ông nghĩ mình do may mà được. Ông kể, lận đận mãi, suốt 15 năm, với cảnh tù hãm trong 4 bức tường quây kín như chiếc thùng công ten nơ vậy. Tuy sau đó, được một người bạn chuyển đổi cho một căn nhà khoảng 18m2, nhưng ông vẫn quyết tâm đổi đời, bằng một quyết định táo bạo, liều mua miếng đất rộng với giá rẻ, cho dù người ta đồn thổi đó là miếng đất “ma”, vì ở đây đã có hai đứa bé chết trong bể nước mưa. Mảnh đất để hoang từ lâu không ai dám mua, nhưng ông đã dọn về năm 2001.
Vậy là ông đã trị được “ma” bằng sự ân tình hương khói và lòng thành với cuộc đời. Chính trên mảnh đất này, ông đã viết những bài thơ và trường ca nổi tiếng. Nhưng rồi câu chuyện “ma” ấy đã trôi theo thời gian, vì ông và gia đình sống ở đó đều khoẻ mạnh và thành đạt. Năm trước, con gái duy nhất của ông đã yên bề gia thất, sinh con trai nhưng vẫn ở cùng vợ chồng ông. Tuy nhiên do hoàn cảnh eo hẹp, ngôi nhà cấp bốn xuống cấp trầm trọng, không có khả tiền sửa chữa, nâng cấp và xây thêm, ông ngậm ngùi mà không biết xoay sở ra sao. May sao, giữa năm 2010 có người đến năn nỉ dạm mua, với giá thị trường cũng đủ để ông mua một nền đất, trong khu đô thị mới và xây nhà cao tầng cho vợ chồng con gái ở cùng.
Ông bỗng dưng trở thành “tỉ phú” là thế. Ai trêu vui, ông hóm hỉnh nói mình chỉ là nhà giầu tạm thời. Bởi ông mới tậu một nền đất 60m2, trong khu đô thị mới đã mất 2 tỉ tư, xây nhà hết hơn một tỉ nữa, vậy là chỉ còn chút ít để dưỡng già. Coi như chuyển ngang. Nhưng ông lại coi tiền chẳng là cái gì so với đứa cháu ngoại của ông vừa ra đời được vài tháng. Thằng bé kháu khỉnh, mũm mĩm như một chú búp bê lớn của ông Thi Hoàng vậy.
Nhà thì đang xây, có lẽ phải tới sang năm mới xong. Sang xuân Nhâm Thìn này gia đình ăn tết ở ngôi nhà đang thuê ở gần đó, nhưng ông rất vui vì sự chuyển động này, cho dù đã chớm tuổi 70. Ông bế cháu cười rung chòm râu và nhìn sang ngôi nhà mới đang ngày một cao lên trước mặt.
4 - Mải chuyện, ông sực nhớ đến tập thơ “Chìm vào mật nóng” mới xuất bản, định viết lời đề tặng tôi. Nhìn chữ ký rất thoáng và đơn giản của ông, tôi chợt hỏi về bút danh Thi Hoàng, mà ông đã chọn từ khi còn trẻ. Ông nhíu mắt rồi từ tốn nói bao nỗi phiền hà về cái tên “Vua thơ”, bị đồn thổi ở Hải Phòng thuở nào. Ông nói, khi còn trẻ nào có biết chữ nho nhe gì đâu, chỉ với ý nghĩ anh chàng họ Hoàng làm thơ, nên lấy cái tên Thi Hoàng cho lạ thế thôi. Vậy mà, có thời ông bị người đời cho là kiêu căng xưng hùng, xưng bá ở cõi thơ đất cảng này.
Ấy thế rồi ông lại tự an ủi, hãy lấy đó làm danh dự và tự nhủ cố gắng viết sao cho xứng với cái tên đã đeo đuổi mình suốt cả đời. Và rồi mọi sự đã đến, ông đã đoạt nhiều giải thưởng, với cái tên rất thơ ấy. Nhưng đang vui chuyện, ông bất ngờ trầm lắng, như có tâm sự nào đó còn trắc ẩn. Hoá ra, khi tôi nói đến Giải thưởng Nhà nước về VHNT mà ông được trao, thật là vinh dự cho Hải Phòng, thì ông chạnh lòng, vì chẳng hề ai coi nó là gì cả. Thậm chí ông còn nói một cách chua cay rằng, đến tay trưởng phòng văn hoá phường cũng chẳng thèm biết đến, chứ nói gì quan chức thành phố.
Chuyện nhận giải thưởng đã trôi qua bốn năm, vậy mà sự ám ảnh về không có một “Bóng ai gió tạt” ấy, cũng vẫn là sự ngậm ngùi với ông, một người âm thầm, trọn đời dâng hiến với những hình tượng thi ca làm cảm hoá lòng người. Tôi bỗng giật mình vì sự bày tỏ rất đáng quan tâm và cần được chia sẻ từ lời “Gọi nhau qua vách núi” mà ông đã ghi dấu ấn đặc sắc cho nền văn học nước nhà.
Tôi lật mở tập thơ mới của ông, chợt dừng lại ở bài “Chấm than”, trang 24, bởi gặp một câu thơ: “Sự thật như gai góc mà ta dẫm phải”. Đọc rồi tôi gập sách và ngồi im lặng bên ông.
Vương Tâm

No comments:

Post a Comment