.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, March 6, 2012

NHỮNG CÂY BÚT “QUEN TÊN” TỪ CÁC GIẢI THƯỞNG


Không xuất hiện ồn ào trong các sự kiện văn học vài năm trở lại đây, tên tuổi và tác phẩm đủ để độc giả biết rằng họ có tham gia công việc viết văn, dẫu mỗi người đã có một nghề nghiệp ổn định nhưng chỉ sau vài cuộc thi liên tiếp giành được giải thưởng, họ đã khiến công chúng quan tâm chú ý và nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc của văn học.

Đầu tiên phải kể đến Đỗ Doãn Phương. Tính đến nay Đỗ Doãn Phương đã có 15 năm làm thơ, so với tuổi 35 hiện tại của mình thì đó dường như là một quãng thời gian khá ấn tượng dành cho thi ca. Quả thật, nếu không phải người trong cuộc thì khó ai biết Đỗ Doãn Phương từng làm thơ suốt 15 năm qua. Từ tập thơ đầu tay - Ánh chớp, cho đến tập thứ hai: Những ngọn triều nhục cảm dù không ít những “mĩ từ”, thậm chí người đọc có cảm giác “hơi bị quá” (Người quét sạch thơ trẻ) của một số nhà thơ thành danh dành cho thì hoài nghi. Họ không ít lần đặt ra câu hỏi, liệu sự ngợi ca đó có phải là con dao hai lưỡi không, liệu có giống các cây bút trẻ trước đó trong ma trận mĩ từ rồi ngủ quên?... Những phán xét xuôi ngược của dư luận thì Đỗ Doãn Phương vẫn lặng im. Không thanh minh, tranh cãi, bào chữa, biện hộ… cho bản thân mình, như thể sự chấp nhận một sản phẩm văn hoá khi đã được đến tay độc giả thì quyền phán xét là của độc giả. Mọi ồn ào rồi cũng qua đi. Ba năm sau, Đỗ Doãn Phương lại lặng lẽ mang đến tập thơ thứ ba - Hoan ca. Trước khi tập thơ này được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam thì công chúng còn biết quá ít về Hoan ca. Hoan ca không những được một giải mà những hai giải của hai Hội nghề nghiệp trung ương là Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng danh giá, lại xuất hiện sau năm bị bỏ trống buộc lòng công chúng phải tìm đọc để đưa ra cái nhìn của mình.
Cùng hiện diện với giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2011 là Đinh Thị Như Thuý, một cô gái vùng cao làm nghề giáo viên dạy văn. Tập thơ đầu tay của chị xuất hiện năm 2005 với tên gọi Đi qua mùa hạ đánh dấu bước khởi đầu đến với văn chương. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều trường hợp khác với tập thơ đầu tiên, cộng với vị trí địa lý xa xôi, độc giả chưa được biết đến nhiều. Cái tên Đinh Thị Như Thuý xuất hiện rải rác trên sau mỗi bài thơ ở các ấn phẩm báo chí như thể nói rằng, chị vẫn dành cho thơ, vẫn theo đuổi thơ một cách âm thầm. Tập thơ thứ hai của chị - Phía bên kia cây cầu từng có mặt trong vòng chung khảo của giải thưởng tư nhân Lá trầu đã gây được chú ý nhiều hơn. Kết cục thì giải thưởng này đã trao cho một tập thơ khác kéo theo sự đổi hướng của dư luận. Cùng là tập thơ được giải của Hội Nhà văn, nhưng Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thuý cũng có phần giống như Hoan ca của Đỗ Doãn Phương là khi ra đời ít được độc giả biết đến. (Khác với Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn được đánh giá cao ngay từ khi mới xuất hiện). Ngày linh hương nở sáng được giải thưởng Hội Nhà văn cộng với giải thưởng tư nhân của làng Chùa từ một bài thơ được rút trong tập đã khiến không ít người bất ngờ và làm tăng sự quan tâm của mình tới thơ Đinh Thị Như Thuý. Sự quan tâm này, một phần kiểm chứng lại đánh giá từ một hội đồng giám khảo được xem là có chuyên môn cao nhất, một phần để xem Đinh Thị Như Thuý đã có bước chuyển như thế nào so với hai tập thơ trước kia.
Về lĩnh vực văn xuôi, gần đây nổi lên tên tuổi của Võ Diệu Thanh một cô giáo dạy mĩ thuật tiểu học ở An Giang. Yêu văn chương từ nhỏ, chị bắt đầu viết văn năm 18 tuổi và từng đoạt giải văn học ở tỉnh nhà như sự khởi đầu đầy khích lệ. Võ Diệu Thanh từng bỏ viết trong khoảng thời gian khá dài - 8 năm. Những tưởng sự bỏ bút này cũng thường tình như lựa chọn của người viết trẻ muốn đi trên con đường khác bằng phẳng hơn văn chương. Vậy mà văn chương với Võ Diệu Thanh là một duyên nợ khó rời bỏ, nó thôi thúc chị sự quay lại và nối tiếp từ năm 2004. Sau hơn năm năm cầm bút trở lại, những bản thảo thầm lặng được viết ra rồi gửi đi. Sự lặng lẽ ấy được đền đáp bằng giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ tư. Cũng từ giải thưởng này, tên tuổi của Võ Diệu Thanh được nhắc đến nhiều hơn. Như một cái đà đầy hứng khởi sau cú hích đầu tiên, Võ Diệu Thanh đã liên tiếp có thêm các giải thưởng văn chương. Đó là giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên mạng Yume cùng giải nhì và giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 4. Liên tiếp được các giải thưởng văn chương không chỉ khiến độc giả chú ý mà còn đoán già đoán non, phải chăng miền Tây Nam bộ sắp có thêm một “Nguyễn Ngọc Tư”?. Đúng là nhắc đến Võ Diệu Thanh nhiều người hay so sánh với Nguyễn Ngọc Tư bởi sự kỳ vọng của công chúng yêu văn chương. So sánh, kỳ vọng… khiến độc giả không thể không đọc tác phẩm của chị.
Nguyễn Xuân Thuỷ cũng là một cây bút văn xuôi đáng chú ý trong thời gian qua. Trưởng thành từ môi trường quân đội cùng với nghề báo, văn chương đã song hành với Nguyễn Xuân Thuỷ. So với các cây bút trên thì Nguyễn Xuân Thuỷ có một bề dày sáng tác cũng như thành tích không hề khiêm tốn. Tính đến nay, anh đã có 7 đầu sách với nhiều thể loại, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí và thiếu nhi. Giải thưởng đạt được cũng khá đa dạng thể loại cũng như thứ bậc; từ giải bút kí, truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến Tạp chí nhà văn, đến giải nhất tiểu thuyết của cuộc thi Vì bình yên Tổ Quốc cùng với nhiều tặng thưởng cho cuốn tiểu thuyết viết về quần đảo Trường Sa… Tuy nhiên, phải đến thời điểm cuối năm 2010 và đầu năm 2011 Nguyễn Xuân Thuỷ mới trở thành cái tên được độc giả quan tâm chú ý. Là vì thời điểm này, anh được giải cao nhất từ cuốn tiểu thuyết Sát thủ online trong cuộc thi Vì bình yên Tổ Quốc của bộ công an. Tiếp sau đó là sự cộng hưởng từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về người lính Trường Sa trong lúc biển đông đang có tranh chấp căng thẳng. Việc tái bản Biển xanh màu lá cùng với tác phẩm dành cho thiếu nhi - Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của độc giả khắp mọi miền Tổ quốc.
Sau mỗi cuộc thi, sau mỗi giải thưởng được trao dù có không ít những ý kiến trái chiều, chưa thật hài lòng đối với công chúng văn học. Nhưng rõ ràng giải thưởng - ít nhất cho đến thời điểm này vẫn có giá trị với người cầm bút trong việc xác lập tên tuổi của mình trước độc giả. Giải thưởng, bên cạnh giá trị vật chất còn có giá trị tinh thần. Nó như chiếc giấy thông hành cho những cái tên mới và lạ trở nên thân quen trong giới văn học để các tác phẩm trong tương lai được chào đón.
Sở dĩ một cây bút liên tiếp được giải thưởng trong thời gian ngắn khiến độc giả phải chú ý và tìm đọc không phải vì tên của họ được báo chí nhắc đến nhiều, mà vì mỗi cuộc thi đều có tiêu chí và quan điểm của ban giám khảo khác nhau. Ban giám khảo càng có tên tuổi và uy tín thì càng tạo được lòng tin với độc giả và ngược lại. Việc tiếp cận với tác phẩm cũng là để kiểm định lại sự thẩm định đó.
Nhìn đời sống văn học trong thời gian gần đây, chúng ta ít phải chứng kiến những rùm beng, những ồn ào của người viết trẻ. Dường như họ đã ý thức được sự lặng lẽ là đáng quý và cần thiết của người cầm bút. Sự chín chắn và bản lĩnh đôi khi không phải là cái gì quá lớn, nó nằm ngay trong cái âm thầm lặng lẽ đó. Đến một thời điểm nhất định những im lặng ấy sẽ phần nào được xoá bỏ bởi bạn đọc tìm đến tác giả, muốn biết về tác giả qua các bài phỏng vấn và chân dung.
Tất nhiên, giải thưởng chưa bao giờ là cái đích cuối cùng của người viết trẻ. Tất cả vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Nói trước hay dự đoán một điều gì cho các cây bút trẻ hiện giờ là quá sớm. Nhưng hi vọng, sau mọi nỗ lực, sau mỗi giải thưởng các tên tuổi đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả sẽ tiếp tục được toả sáng. Đó cũng là lý giải vì sao mà đến giờ các cuộc thi văn chương vẫn không ngừng được mở ra và không ngừng tăng về số lượng người tham dự.
Hà Anh
(VHQN)

_______________________


_______________________

No comments:

Post a Comment