.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, November 1, 2012

NHÀ BÁO LÊ PHƯƠNG DUNG: MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ MỘT CÂU CHUYỆN BUỒN

NTT: Hôm nay là “Ngày Phụ nữ 20 tháng 10″, một ngày vui cho hơn một nửa thế giới. Tôi đang định viết một vài dòng cho những người yêu quý, thì nhận được bài viết của nhà báo Lê Phương Dung. Một câu chuyện buồn, không chỉ vì AIDS – ết hay si-đa cũng vậy, mà còn vì những khốn khó trong cuộc đời một người phụ nữ bị trượt dài vào thòng lọng cuộc đời. Một số phận hẩm hiu. Một câu chuyện xúc động. Xin giới thiệu cùng bạn. 

Buổi tối một ngày mùa đông của năm 2001, trong không khí đầm ấm của phòng ăn gia đình, tôi cùng với hai cậu con trai đang ăn cơm bỗng nhiên những tiếng thất thanh van xin của một giọng phụ nữ: “Ối ông Lương ơi, tôi van ông, xin ông đừng quẳng tôi đi như thế này, tôi có sống được mấy nả nữa đâu…”.
Tiếng rên rỉ, tiếng khóc thút thít đã làm cho tôi không thể không chú ý. Chạy ra ngoài, thì một cảnh tượng thật đau lòng đang diễn ra. Đó là người đàn ông hàng xóm, tên là Lương đang mắm môi mắm cổ lôi người đàn bà sống cùng ông, thi thoảng tôi cũng mới gặp, vì chị ta hay đi về khuya khoắt, ở trong nhà ông Lương cũng đã 3, 4 năm gì đó. Họ sống với nhau theo kiểu gá nghĩa, nên khi thấy cảnh này thì tôi cùng mấy người hàng xóm láng giềng đều phản ứng, và trách cứ ông ta.
Người phụ nữ được thể vừa thở, vừa nghẹn ngào: “Lúc tôi có tiền, có sức phục vụ ông thì ông cho tôi được “làm vợ”, bây giờ tôi ốm thế này thì sao ông lại bất nhân với tôi thế hả ông Lương ơi”.
Huỵch, ự! Câu nói chưa dứt thì người phụ nữ bị một cái đá kèm thêm một cái tát như trời giáng. Không thể chịu được thêm tôi xông ngay vào, đẩy mạnh ông ta ngã quay ra đất kèm thêm một câu cảnh cáo “nếu ông mà còn động vào chị ta thì tôi đá ông chết tươi”.
Nhìn bộ mặt ông ta lúc đó, thật lòng tôi cũng chỉ muốn đấm cho một phát, song vì lúc đó có hai đứa con cũng có mặt ở đó, cùng những người hàng xóm khu tôi nên “bố” Lược hàng xóm thân với gia đình tôi lên tiếng: “Thế bây giờ ông Lương nói xem vì sao đêm hôm thế này, mà ông lại kéo xềnh xệch “vợ” ra khỏi nhà như thế hả?”.
Ấp úng mãi thì ông ta cũng đành phải nói ra cái sự thật rúng động rằng “Bà ta bị si đa nặng lắm rồi, tôi không tống khứ đi thì để lây cả xóm à”. Mồm nói, tay ông ta (bây giờ tôi mới nhìn thấy có đeo một đôi găng cao su màu xanh) lật ngửa mặt người đàn bà đang nằm dưới sàn sân gạch của khu tôi lên. Dưới ánh đèn cao áp, mặt bà ta toàn mụn là mụn hiện ra. Thế là như một phản ứng, chả ai bảo ai, thoáng chốc cái sân rộng vừa chật người đứng xem, can ngăn thì trở nên vắng hẳn. Chỉ còn trơ lại đúng 3 người là tôi cùng hai người đó. Thật lòng tôi cũng thấy ngài ngại. Song vì là người “có tí máu mặt” ở khu phố, nên tôi cũng đành phải kìm nén “sự ghê” để đứng lại, trò chuyện khuyên nhủ.
Cuối cùng do tôi “tỉ tê” mãi thì ông Lương cũng đành cho tôi “gửi” bà ta vào cái tường sát nhà ông ta, chứ không được vào nhà của ông ta nữa. Bước đầu như thế là tạm ổn.
Tôi gọi mấy chị em phụ nữ khu nhà tôi. Hải (vợ Tiến) làm ở VPCP, chị Quế là giảng viên HVHCQGHCM. Hạnh, chị Hồng, chị Cậy, em Minh… mỗi người góp một thứ, kẻ thì ni lông, người thì chăn chiên, người thì vải… quây kín lại, làm một cái chòi nhỏ áp sát vào tường, rồi ông Lương mới lôi bà ta quay trở lại ấn vào chòi. Vừa vào đến nơi, bà ta đã rên rẩm “tôi đói quá, khát quá, ba ngày nay tôi chả có miếng gì vào bụng cả”.
Mấy chị em phụ nữ xóm tôi xúm vào mắng mỏ ông Lương sao lại tệ đến thế? Thì ông Lương nói: “Bà ấy bỏ về quê rồi, mà con đẻ bà ấy còn xua đuổi, thì tôi cũng chỉ là người ngoài, tôi nuôi tôi chả xong, lấy đâu mà cho baf0)0 ta ăn”. Như để chứng minh cho lời nói của ông Lương, người đàn bà lẩy bẩy, run rẩy nói: “Hôm tôi xin cô được vài triệu để về quê, tôi cũng có hứa là sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Vậy là tôi cố lết về, để nếu có chết thì cũng được nằm trên quê cha đất tổ, nhưng mà cháu nó đuổi tôi, em gái tôi nó cũng không chứa chấp tôi.
Tôi có nói với đứa con trai độc nhất của tôi rằng mẹ có đi làm gì, thì cũng chắt bóp dành dụm để lấy tiền cho con xây nhà, mà vợ con con đang được ở. Thì dù có thế nào mẹ cũng vẫn là bà nội của các con con mà”. Tôi nói có vậy mà nó mắng tôi. Rồi nó thuê xe chở thẳng tôi lên đây.
Đắng nghẹn, tôi hỏi: “Tôi thấy bác Hồng bảo chị xin tiền để đi chữa bệnh cơ mà. Sao giờ lại ra nông nỗi này?”. Chị Hoà, vâng người đàn bà đó có tên là Hoà, vừa nghẹn ngào nức nở, lần dở cho chúng tôi xem tờ “án tử” của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: “AIDS giai đoạn cuối”.
Tôi lạnh toát cả người. Phía sau tôi bỗng có tiếng thì thào “Má ơi! Chúng con đem cơm và thức ăn ra rồi, má mời bác này xơi cơm đi, rồi má cũng phải vào xơi cơm đi thôi, khuya quá rồi!”.
Giật mình nhìn đồng hồ thì cũng đã 23h, tôi cảm ơn hai cậu con trai mình, đồng thời cũng giục mấy người chị em hàng xóm láng giềng về nhà. Con tôi và mọi người vào rồi, tôi nán lại bên chị. Chị Hoà tựa lưng vào tường, ăn ngấu nghiến một loáng hết veo tô cơm đầy ú ụ. Lần hồi, chị Hoà cũng kể cho tôi nghe về cuộc đời mình.
Thì ra chị Hoà đã có thời là một cô thôn nữ, tuy không sắc nước, nhưng bù lại là một cơ thể tròn lẳn, chắc nịch của cô gái quê ở xã N.H, huyện Nam Trực (Nam Định). Tuổi đôi mươi chị Hoà cũng lấy chồng trong một đám cưới giản dị, nhưng được sống trọn vẹn trong hạnh phúc gia đình chưa đầy hai năm, thì chồng chị mất đột ngột trong một tai nạn, để lại người vợ trẻ, với một đứa con trai mới đầy năm. Làng quê chị chủ yếu là ruộng đồng, thuần nông. Để có tiền trang trải, thường là phải bán thóc. Nhìn thấy mấy người bạn cùng trang lứa, đi làm thêm ở thành phố về những lúc nông nhàn, tiền tiêu rủng rẻng, trong khi mình thì một đồng mua kẹo cho con thì cũng là sự “xa xỉ”. Vậy là chị Hoà gửi con cho người em gái ruột sinh đôi (chị Hoà kể với tôi là mồ côi bố mẹ từ khi 4 tuổi, hai chị em ở với bà ngoại) nuôi hộ, để theo chúng bạn đi Hà Nội tìm “vận đổi đời”. Lúc mới ra, chị cũng “nhập làng cửu vạn” chợ Đồng Xuân, nhọc nhằn vất vả, nhưng trừ ăn, trọ, tằn tiện một tháng chị cũng để giành được đôi triệu gửi về cho cô em gái và con trai mình.
Đến khi một tai nạn bất ngờ ập xuống chị, đó là lần vác một súc vải 50 kg, không may trượt chân ngã, cả súc vải đổ ập lên lưng, chị Hoà bị sụn lưng từ đó, cái tuổi 35 của gái nhà quê “đã toan về già” cộng với sự đau xương khớp hoành hành, di chứng của những ngày “ăn ít vác nặng” đã khiến cho chị Hoà phải chuyển nghề.
Mấy người bạn cùng quê, đã chung tiền sắm tặng cho chị một cái hộp gỗ, lắp kính, với dăm bảy bao thuốc lá, bao diêm, tối tối chị ra ngồi bán thuốc ở các góc công viên Bách Thảo Thủ Lệ.
Nghề bán thuốc cũng không kiếm được là bao. Chị Hoà kể, có hôm ngồi dài đến 1, 2 giờ sáng mà chỉ bán không hết một bao, tiền lãi cả ngày không đủ ăn nổi bát phở 10 ngàn. Nhưng chị cũng vẫn thấy mấy “đồng nghiệp” thì lại rất rủng rẻng. “Thế rồi, hôm đó cũng như mọi buổi tối, khi đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài – chị Hoà kể về cái buổi tối đầu tiên – có một người đàn ông đến mua một điếu thuốc, ngồi hút tại chỗ, mặc dù điếu ba số 555 chỉ có 2 ngàn đồng, nhưng ông ta đưa hẳn cho chị 10 ngàn mà không lấy lại. Cảm động về sự “hào hiệp” của ông ta, chị Hoà cũng bắt chuyện mặn mà. Thế rồi lúc lâu sau ông ta rủ: “Về chỗ anh đi, anh cho mấy trăm mà tiêu”.
Thấy vậy, chị gật đầu đồng ý ngay. Thu dọn “quầy, tủ” chị nhảy lên xe máy của người đàn ông lạ. Vì xe đi lạng lách, nên chị phải ôm chặt lấy lưng người ông ta. Một cảm giác lạ cũng tự nhiên trỗi dậy trong chị, từ ngày người chồng mất đi, thì chị vẫn “tiết hạnh khả phong” vì cũng chỉ là loại “dưới mức trung bình” nên thật ra không giữ gìn, thì cũng chả có ai dòm ngó. Thế nên khi người đàn ông chở chị về nhà, thì ra đó là một lán trại công trường, và chị Hoà đã “tự nguyện dâng hiến”. Đó là lần đầu tiên chị bước vào nghề “bán thân, nuôi miệng”.
“Vừa có tiền tiêu, lại vừa thỏa mãn khát khao cô ạ”. Tôi đắng lòng nghe chị ta rủ rỉ kể lại việc hành nghề vừa dại dột, vừa ngu dốt, buông thả đến mang bệnh mang tật vào người như thế. Tôi cũng rùng mình khi chị ta nói có đêm chị ta “đi tua” được 5, 6 người.
Thế còn ông Lương? Chị cho biết thực chất ông Lương cũng chỉ là một trong những khách của chị, cách chừng 4 năm, ông Lương cũng hay ra tìm gái, thì mỗi lần đưa chị Hoà về nhà “vui vẻ” thì đều cho chị Hoà ngủ “trừ nợ”. Thế là một bên có nhà, một bên có tình, cứ “trao đi đổi lại” dần dần bén hơi. Chị Hoà về hẳn nhà ông, ban ngày nấu cơm ăn xong ngủ li bì, tối tối lại vác đồ lề đi bán. Tất nhiên kết cục xấu đã xảy ra với chị là không thể tránh khỏi. Trong hàng trăm người đàn ông đã “trao gửi thân xác” với chị, ai là người gieo rắc, và ngược lại chị cũng sẽ gieo hoạ cho những người đàn ông sống buông thả, hám của lạ?
…Đêm đó tôi nhịn đói, thức trắng bên người đàn bà mà thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Ngày hôm sau, khu tôi tôi họp “khẩn cấp”. Tôi là người chịu trách nhiệm đứng ra “bảo lãnh, ký kết” với 115 để đưa chị Hoà vào nằm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cũng như chịu mọi chi phí. Được 4 ngày, thì người của Bệnh viện gọi trực tiếp cho tôi báo tin chị Hoà đã mất, tôi cùng tổ dân phố đứng ra lo chu toàn đám tang cho người xấu số. Không một người thân…
Có một chuyện mà tôi chưa bao giờ kể với ai. Đó là khi chị Hoà mất được vài tháng, thì một đêm tôi đang nằm ngủ ở phòng riêng của tôi ở tầng 3 và mơ thấy chị về gọi tên tôi. Tôi hỏi “Chị là ai, mà cần gì ở tôi?”. Thì có tiếng trả lời: “Tôi là Đảm. Cô ơi tôi đói lắm…”.
Ngày hôm sau tôi có hỏi mấy bác rằng có biết tên ai là Đảm ở trong khu mình mới chết không, thì mọi người đều ngơ ngác với cái tên lạ hoắc đó. Đến khi tôi hỏi bác Hồng thì giật bắn người vì bác Hồng nói Đinh Thị Đảm chính là tên khai sinh của chị Hoà, vì bác Hồng đã có lần được chị Hoà cho xem chứng minh nhân dân. Lúc đó tôi mới thấy sợ. Không hiểu thực hư thế nào, có thể tôi đã nghe chị Hòa nhắc đến tên Đảm của chị, rồi quên đi và trong cơn mơ nhớ lại, nhưng cứ theo phong tục, tôi đi sắm tiền, vàng để đốt cho chị. Từ đó tôi không còn mơ thấy chị Đảm nữa. Nhưng câu chuyện về cuộc đời chị luôn trong tâm tưởng tôi. Ông Lương thì cũng bán nhà đi biệt từ ngày đó.
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, đã xảy ra ở chính nơi tôi sinh sống, cũng đã hơn chục năm trôi qua, tôi xin chép lại mong làm bài học cho ai đó trên cuộc đời này
LÊ PHƯƠNG DUNG




6 comments:

  1. Hà Trang

    Em thích nhất câu nói cảnh cáo đối với người đàn ông trong cơn hăng máu đánh người " nếu ông mà động vào chị ta thì tôi sẽ đá ông chết tươi". Câu nói này và hành động của chị cho thấy rõ con người, ngay thẳng, bộc trực và dám bất chấp nguy hiểm làm việc nghĩa giúp người.

    Chúc chị luôn mạnh khỏe và làm nhiều điều tốt cho đời.

    ReplyDelete
  2. Lê Giang

    Trang ơi, cậu khen làm gì Madam Dung này. Madam này vừa xinh đẹp, giàu có, thông minh và giỏi giang. Madam này luôn được báo đài, đồng nghiệp và thậm chí hàng xóm nữa ca ngợi nhiều vì làm việc thiện rồi. Việc giúp người đàn bà này thì có là cái gì so với nhiều việc làm của Madam.

    ReplyDelete
  3. Hà Trang

    Trang khoogn đồng ý với ý kiến của Giang đâu. Việc nghĩa dù là lớn hay nhỏ đều đáng ca ngợi. Chị Dung đã làm nhiều việc thiện nhưng qua việc này Trang thấy cảm phục chị vô cùng. Nhiều người giầu có người ta có thể cho minh hàng chục triệu thậm chí trăm triệu đồng nhưng họ không trực tiếp giúp người như chị Dung đâu.
    Bởi vì họ rất sợ sự phiền phức và bệnh tật. Đằng này chị Dung dám can ngăn hành đồng sai trái và giúp người phụ nữ đáng thương mặc dù biệt chị mắc căn bệnh lây nhiễm thế ký.

    Đáng nể phục, quý hóa và ca ngợi nhiều nhiều ý chứ.

    ReplyDelete
  4. Lê Giang,

    À ý Giang là chị Dung còn nhiều cái đáng khen nữa, chứ việc này chỉ là một trong nhiều việc nghĩa chị làm thôi.

    ReplyDelete
  5. Hoài Nam,

    Thân ái gửi tới nhà báo Phương Dung lời chào chân trọng và ngưỡng mộ.

    Chú xin tự giới thiệu với Phương Dung tên chú là Hoài Nam, nguyên là cán bộ Văn Hóa.Nhiều năm chú bỏ công nghiên cứu về Nét văn hóa của người phụ nữ Việt nam nói riêng và phụ nữ Hà nội nói riêng. Chú luôn đặt câu hỏi làm sao có được nhiều hơn hình ảnh người phụ nữ đẹp toàn diện như xưa ?.

    Qua báo chí, chú được biết về cháu. Chú thiết nghĩ: thật may vẫn còn có những phụ nữ Hà Nội như cháu ngoài việc khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực kinh tế, biết lo toan chăm sóc gia đình và quan tâm tới xã hội. Chú thật sự nể, phục cháu- một người phụ nữ chân yếu tay mềm- nhưng dám bảo vệ chị Hòa trước một người đàn ông vũ phu. Không lời dạy bảo hay bài giảng nào đối với con trẻ giá trị hơn hành động nhân nghĩa mà cháu làm đâu Dung ạ. Chú tin chắc không chỉ con trai cháu mà nhiều bạn trẻ sẽ nhìn tấm gương của cháu mà học tập.Cảm ơn cháu!.Cháu đã và đang góp phần duy trì và làm mới nét đẹp của người Hà Thành- người phụ nữ Thủ đô thanh lịch văn minh hôm nay và mãi mãi mai sau.

    Chú chúc cháu luôn: làm một bông hoa để nếu người lạ dừng lại một phút ngắm nhìn, ngưỡng mộ và sẽ thấy một cảm giác ngọt ngào, thanh thản để quên đi một chút những nhọc nhằn.

    Thân ái


    ReplyDelete
  6. Các cô, chú bạn của mẹ Nga

    Dung ơi,

    Cô Sinh (vợ chú Hiệu), chú Thoa, cô Hợi, cô Ngọc, chí Tín, chú Tiến và cô Tính Đen đây. Cô chắc cháu vẫn nhớ các cô, chú - bạn của mẹ Nga đúng không ?.

    Nhân 25 năm ngày mất của mẹ Nga, vì ở xa và không có điều kiện, các cô, chú nhờ cháu thắp một nén nhang tưởng nhớ vong linh hồn chị Nga. Phương Mít ơi (cô chú muốn gọi tên hồi nhỏ của cháu), mỗi khi ngày 20-11, ngày Hiến Chương nhà giáo Việt Nam đến, các cô chú ở đây, cảm giác nhớ chị Nga vô cùng. Đối với chúng tôi, chị Nga đúng là một tấm gương về một người thầy thân yêu: tư cách đạo đức tốt, phương pháp sư phạm giỏi. Không chỉ các con, cháu mà ngay cả những người đồng nghiệp trẻ tuổi chúng tôi cũng luôn nhận được sự dìu dắt, dạy bảo của chị. Chị luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức chúng tôi: Đó là một người chị, người thầy đôn hậu và mẫu mực, có kiểu tư duy sâu sắc, tư duy đa tuyến theo chiều sâu, có phương pháp sư phạm khải phát trí tuệ của người nghe, giúp họ hiểu nội dung được truyền đạt sâu sắc, đầy hứng thú mới lạ. Tư duy đó giúp chúng ta suy nghĩ chính xác, nhạy bén, linh hoạt, nhiều chiều, hiệu quả, tối ưu.

    Hồi tưởng lại những vui buồn các cô, chú đã trải qua cùng mẹ Nga những ngày tháng khó khăn của thập kỷ 50, khi cháu còn là một cô bé Phương Mít lũn cũn và vô cùng đáng yêu ôm quả mít về phòng ( nơi cô Sinh ở cùng với mẹ Nga) để mẹ chia mời mọi người cùng thưởng thức; Những thời kỳ chị Nga nửa đêm, nửa hôm mực dù tay phải bị thương nhưng do chị thuận tay trái và có nghiệp vụ y tá nên chị vẫn thức lăn xả vào chữa trị vết thương cho mọi người; Nhớ lại những lời chỉ bảo ân cần mà chị Nga đã dạy, khiến các em - những người đồng nghiệp trẻ tuổi và các con nghe như nuốt từng lời, mê say lâng lâng khi hành động, lời dạy của chị rọi vào tâm hồn chúng tôi những ý tưởng mới, xúc cảm nồng thắm.

    Chị cũng luôn chỉ bảo chúng tôi: "Đạo đức con người xoay quanh chữ nhân. Đó là tình cảm, là tình con người, khác với loài thú vật". Chữ nhân bao gồm chữ "nhân" là người bên trái, chữ "nhị" là hai bên phải. Nhân là tình cảm nối kết, gắn bó giữa hai người. Có hòa hợp giữa người này với người khác mới thành nhân. Có thấu hiểu bản thân, thông cảm với người khác mới thành nhân. Các cô , chú đã chứng kiến tận mắt những việc làm nghĩa của chị, việc dạy dỗ con cái rất sư phạm, thiết thực qua cả lời nói và việc làm. Từ ấu thơ, cháu và các em đã được mẹ Nga dạy chữ, dạy làm người. Chị luôn dõi theo từng bước đi, từng thuận lợi hay khó khăn mà các bạn bè, đồng nghiệp, các con gặp phải để tiếp tục chỉ bảo ân cần, truyền lửa cho mọi người tiếp tục phấn để đạt thành tích cao. Vì được đào luyện trong môi trường gia giáo, đầy tri thức và nhân văn như vậy nên các con chị Nga và đặc biệt là cháu đều thành đạt và luôn nghe lời mẹ làm việc thiện giúp ích cho đời. Cháu đang làm rất tốt lời dạy bảo của người mẹ kinh yêu đấy cháu ạ. Hãy tiếp tục phát huy nhé Dung !

    Cô chú tin rằng dưới suối vàng, chị Nga rất mãn nguyện vì có những người con thông minh, thành đạt và nhân hậu như các cháu.



    ReplyDelete