Phong trào
Thơ mới (1932 – 1945) đã để lại nhiều thành công vang dội trên thi đàn Việt Nam
hiện đại. Với hơn nghìn thi phẩm đã và đang đến với độc giả, lượng thì nhiều mà
chất cũng đáng trọng. Trong số hàng trăm thi nhân góp mặt trong phong trào này,
chúng tôi thấy có các người cầm tinh con Rồng. Nhân mùa xuân đang về, xin có
mấy dòng giới thiệu về họ!
1. HỒ DZẾNH
Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh
hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh). Ông được biết nhiều nhất
qua tập thơ Quê ngoại với một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát phảng phất
hương vị thơ cổ Trung Hoa. Ngoài ra Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác
phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942), Thạch Lam đề
tựa.
Ông sinh năm Bính Thìn (1916) tại
tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Ông mất năm 1991 tại Hà
Nội. Hồ Dzếnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm
2007.
Trong Lời giới thiệu Tuyển
tập Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc, Nxb Văn Học 1988, nhận định: Tác phẩm
của Hồ Dzếnh không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với
bản chất trầm lắng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu
bước vào nghề viết. Tuy nhiên, với hai tập văn thơ Chân trời cũ và Quê ngoại,
Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân tài.
2. PHẠM HUY THÔNG
Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1916
(Bính Thìn) tại Hà Nội Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người có trí thông minh.
Mới 16 tuổi ông đã nổi tiếng tiên phong của phong trào Thơ mới, điển hình là
như các bài Tiếng địch sông Ô (1936), Anh-Nga (1936), …
GS. Trần Hữu Tá trong Từ điển văn
học (bộ mới) nhận xét Huy Thông như sau: Do có một căn bản học vấn
rộng, ông là một trong những thi sĩ “Thơ mới” có ý thức tìm tòi về nghệ thuật
nhiều hơn cả. Ông là người đầu tiên viết kịch thơ lãng mạn, có cố gắng cách tân
trong việc lựa chọn thể thơ, phối hợp cấu trúc, tiết điệu và câu chữ, xây dựng
hình ảnh, gieo vần, ngắt nhịp, tạo cho mình một sức cuốn hút mạnh mẽ. Thơ Huy
Thông đã ảnh hưởng đến nhiều nhà “Thơ mới” lớp sau, kể cả nhà thơ cách mạng Tố
Hữu (trang 666).
Ông mất năm 1988, tại Hà Nội, thọ 72
tuổi.
3. MỘNG SƠN
Bà tên thật là Vũ Thị Mai hay Vũ Thị
Mai Hương, sinh năm Bính Thìn (1916) tại làng Trung Lao, (Trực Ninh, Nam Định).
Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì bà chính là người phụ nữ đầu tiên
tham gia vào giới phê bình văn học Việt.
Bà học bậc trung học tại Trường Đồng
Khánh (Huế) và Hà Nội. Bà thích đọc sách, viết văn và làm thơ. Năm 17 tuổi
(1933), bà đã có bút ký Đời Nhật Anh, đăng trên báo Phụ nữ thời đàm.
Sau đó, tiếp tục sáng tác thơ văn, viết bài cho các báo: Đông Phương, Phụ nữ
thời đàm, Văn học tạp chí, Bắc Hà, Tiến bộ, Đông Tây, Mai, Tân Việt Nam, Tri
Tân, Bạn đường, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Thanh nghị,...
Năm 1935, bà bắt đầu được bạn đọc
chú ý kể từ khi bài thơ Viếng mồ lữ khách được đăng trên Văn học tạp chí
(số ra ngày 10 tháng 8 năm 1935).
Trong phong trào Thơ mới, Mộng Sơn
tích cực tham gia trường phái thơ Bạch Nga do Nguyễn Vỹ khởi xướng. Sau cuộc
kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Mộng Sơn làm biên tập viên cho nhà xuất bản
Văn học, và cộng tác với tuần báo Văn Nghệ. Nhờ tích cực đi thực tế, nên trong
thời kỳ này bà lần lượt cho xuất bản thêm nhiều tác phẩm nữa, như: Giận nhau
(tiểu thuyết, 1957), Gỡ mối (truyện vừa, 1959), Một khoảng trời xanh (tập
truyện ngắn, 1960), Tuổi mười ba (tập truyện ngắn, 1983)...
Mộng Sơn mất ngày 4 tháng 5 năm 1992
tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.
4. NGÂN GIANG
Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế,
các bút danh khác: Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên. Bà sinh năm Bính Thìn
(1916) trong một gia đình Nho học tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Năm 16 tuổi, bà
in tập thơ đầu tiên Giọt lệ xuân, ký bút danh Hạnh Liên. Năm 20 tuổi, bà
viết cho tờ Ngọ báo, Bắc Hà, năm 21 tuổi, bà có thơ in chung trong cuốn Duyên
văn. Năm 22 tuổi (1938), bà rời Hà Nội vào Sài Gòn, viết cho Điện Tín
nhật báo, báo Mai. Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết thứ
bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn bà... Năm 1939, thi phẩm Trưng nữ
vương ra mắt, gây tiếng vang trên thi đàn. Đầu năm 1944, bà cho in tập thơ Tiếng
vọng sông Ngân.
Năm 1949, do hoàn cảnh gia đình, bà
quay về Hà Nội, vẫn làm thơ đăng trên các báo Hồ Gươm, Quê hương, Tia sáng,
Giang sơn... ký bút danh Nàng không tên. Về sau, bà Ngân Giang sống
hẩm hiu cô quạnh cho đến khi từ giã cõi đời ngày 17 tháng 8 năm 2002.
Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam,
Nxb Văn hóa Thông tin, 1999 cho biết: Tiếng thơ Ngân Giang một thời vang
vọng, như có lần thi sĩ Đông Hồ (1906-1969) lúc giảng dạy tại Đại học văn khoa
Sài Gòn, khi giới thiệu bài Trưng Nữ vương của bà, vừa ngâm xong bài
thơ, ông đột quỵ. Sinh viên đưa đi cấp cứu nhưng vừa đến bệnh viện thì ông ra
người thiên cổ. Âu cũng là một thi thoại văn chương đáng trân trọng.
5. PHAN KHẮC KHOAN
Phan Khắc Khoan sinh năm Bính Thìn
(1916) bút hiệu: Chàng Chương, Hồng Chương. Ông cùng với Phạm Huy Thông, là hai
người đầu tiên sáng tác ra thể loại kịch thơ ở Việt Nam, và đã có những vở diễn
thành công trên sân khấu. Ông người làng Yên Lăng, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ
An.
Năm 1940, vở kịch thơ Trần Can
của ông ra đời. Kể từ đó, ông liên tiếp cho xuất bản hoặc cho trình diễn nhiều
kịch bản mới. Ngoài viết kịch, Phan Khắc Khoan còn làm thơ, viết bài bình luận
cho các báo chí đương thời, như: Phong Hóa, Hà Nội tân văn, tuần báo Quê
hương, Thế giới Mới, Tri tân, Trung Bắc chủ nhật,...
Trong Thi nhân Việt Nam có
đoạn Hoài Thanh – Hoài Chân viết: Hình như một cuộc tình duyên không toại đã
vì tác giả khơi nguồn thơ...Cả tập Xa xa đượm một mối buồn vô hạn, một nỗi nhớ
không nguôi. Tuy chỉ là nỗi lòng riêng, nhưng lời thơ nhân đó có cái buồn bát
ngát, cái nhớ nhung khó hiểu của những nơi trời nước mênh mông...
Năm 1998, Phan Khắc Khoan mất tại Hà
Nội, thọ 82 tuổi.
6. VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Vũ Hoàng Chương sinh năm Bính Thìn
(1916), tại Nam Định, nhưng quê gốc ở Hưng Yên. Thơ ông sang trọng, có dư vị
hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương. Tác phẩm của ông gồm,
các tập thơ: Thơ say (1940)/ Mây (1943)/ Thơ lửa (cùng Đoàn Văn Cừ, 1948)/
Rừng phong (1954)/ Hoa đăng (1959)/ Tâm sự kẻ sang Tần (1961)/ Lửa từ bi
(1963)/ Ta đợi em từ 30 năm (1970)/ Đời vắng em rồi say với ai (1971)/ Chúng ta
mất hết chỉ còn nhau (1973)...; các kịch thơ: Trương Chi (1944)/ Vân
muội (1944)/ Hồng diệp (1944), …
Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại
Sài Gòn.
Nhận xét về thơ ông, Hoài Thanh –
Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã viết: Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng
một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng
Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc
dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều
mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa.
Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng...
7. XUÂN DIỆU
Xuân Diệu sinh ngày 2 tháng 2 năm
1916 (Bính Thìn), là nhà thơ mới nhất trong phong trào Thơ mới (Hoài
Thanh – Hoài Chân). Ông nổi tiếng từ tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió.
Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 -
1944, thể hiện một triết lý vội vàng, một cảm giác không có ai bè bạn
nổi nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, hừng hực sức sống. Ông còn có bút
danh là Trảo Nha, vì quê ông ở làng Trảo Nha, (Can Lộc, Hà Tĩnh). Là cây đại
thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ
(một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút
ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham
gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người
sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông mất năm 1985, được truy tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
8. YẾN LAN
Yến Lan sinh năm Bính Thìn (1916),
tên thật là Lâm Thanh Lang, ông còn có bút danh khác là Xuân Khải, quê ở huyện
An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống
bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc
Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất
Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc
Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn với những trăng,
xương, máu, hồn ma... trong thơ. Bến My Lăng là thi phẩm nổi tiếng,
gắn liền với tên tuổi của Yến Lan. Ông mất năm 1998, được truy tặng Giải thưởng
Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
9. BÍCH KHÊ
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương,
sinh năm 1916 (Bính Thìn), tại xã Phước Lộc (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ngoài bút
hiệu Bích Khê, ông còn ký bút hiệu Lê Mộng Thu.
Trước khi đến với Thơ mới, một thời
gian dài (1931-1936), Bích Khê đã viết ca trù, thơ Đường luật, đăng trên các
báo Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ Năm, Người mới...
Sau 1937, ông chuyển hẳn sang Thơ
mới do sự tác động và chịu nhiều ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử. Tinh huyết là
tập thơ duy nhất ra đời (năm 1939) khi ông còn sống và rất được người yêu thơ
chú ý. Ngày 17 tháng 1 năm 1946, Bích Khê lìa bỏ cõi đời và cõi thơ lúc 30
tuổi.
Trong lời tựa tập thơ Tinh huyết
của Bích Khê, Hàn Mặc Tử viết: Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa
hoa thần dị... Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác
nhau: Thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc...Sự điên cuồng ấy uyên
nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự “Đau khổ”...
Theo Hoài Thanh và Hoài Chân thì
Bích Khê có những câu thơ hay nhất Việt Nam, như: Ô! hay buồn vương cây ngô
đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông...
Hay: Nàng là tuyết hay da nàng
tuyết điểm?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương...
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam,
thì: Với Tinh huyết, "Thơ mới" chuyển từ lãng mạn sang tượng trưng
và siêu thực. Ở Tinh huyết phần lớn là bí hiểm, nhưng vẫn có thể nhìn thấy
trong đó một hồn thơ đắm đuối, cuồng nhiệt. Nhà thơ có nhiều tìm tòi đổi mới
thơ ca theo hướng chủ nghĩa hiện đại, đi sâu vào cõi vô thức. Có một số bài,
một số câu ý tứ mới mẻ, nhạc điệu du dương...
10. NGUYỄN THÚC NHUẬN
Bút danh: Thúc Tề, Lãng tử, sinh năm
Bính Thìn (1916), tại Thừa Thiên. Trước ông học ở trường Quy Nhơn, sau vào học
tại trường Quốc học Huế, rồi gia nhập vào làng báo. Ông viết cho các tờ: Hà Nội
báo, Văn học tạp chí, Mai, Dân quyền và làm chủ bút Đông Dương tuần báo ở Sài
Gòn.
Năm 1946, Thúc Tề mất khi mới 30
tuổi. Thúc Tề làm thơ rất ít, hiện chỉ lưu giữ được 5 bài, đó là: Phù dung
và nhan sắc, Trăng mơ, Xuân lên đường, Em buồn và Nợ văn.
11. XUÂN TÂM
Xuân Tâm tên thật Phan Hạp, sinh năm
Bính Thìn (1916), tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khởi đầu, Xuân Tâm theo học
Trường Chaigneau, rồi trường Quốc Học Huế và đậu bằng Thành chung. Năm 1941,
ông cho xuất bản tập thơ Lời tim non, trong đó có nhiều bài ông sáng tác
từ năm 1935, tức lúc ông 19 tuổi. Ngoài ra, ông còn có tập thơ: Hương giữa
mùa, Hoa cuối mùa...
Hiện ông đang ở Hà Nội.
BÙI TÚY PHƯỢNG
No comments:
Post a Comment