Nhà văn tuổi Nhâm Thìn sinh (vào năm 1952) cả nam lẫn nữ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có đến 10 người và ở ngoài Hội thì chắc là còn nhiều. Những con “Rồng” Nhâm Thìn mà tôi từng biết, từng gặp và bay xa là Bảo Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Dạ Ngân, Nguyễn Việt Chiến.
Nhà văn Bảo Ninh
Nhà văn Bảo Ninh sinh tại Hà Nội, nhưng quê quán thì ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bảo Ninh đã lấy tên xã của mình làm bút danh, thì cũng chứng tỏ anh nặng lòng với bổn quán.
Bảo Ninh trước đó đi bộ đội, sau về
học trường Viết văn Nguyễn Du khoá 3 năm 1985-1989.
Hồi đó Trường Viết văn nhưng là
thánh đường của thơ ca trong tâm thức của những người đi học. Ai thi đỗ vào thì
tự hào lắm. Ai thi trượt thì quả thật đau buồn. Lò Ngân Sủn nghe tin mình bị
trượt cùng Pờ Sào Mìn ôm cột xà cừ trước cổng trước Đại học Văn hoá khóc như
ri. Sủn than: - Dân tộc có mấy người mà tôi không được học trường Văn! Khoá 3
thi khá căng thẳng. Những người ở xa về thi phải học thêm một cua văn, sử trên
một tháng mới thi được.
Ấy thế mà nhiều người tốt nghiệp đại
học văn, cả Đại học Tổng hợp Văn nữa vẫn thi trượt như: Châu Hồng Thuỷ, Phạm
Việt Thư, Lò Ngân Sủn. Châu Hồng Thuỷ sau đó làm thế nào mà được đi học Trường
Goócki bên Liên Xô. Phạm Việt Thư về quê đi buôn, Lò Ngân Sủn lên lại bản quán
làm việc. Một cái treo cánh ngỗng là thơ của Sủn lại hay, lại nổi tiếng và được
anh em bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 6, khoá 7 gì đó.
Tôi vào học nghe đọc danh sách lớp
với những cái tên lạ hoắc. Hoàng Ấu Phương cũng là một cái tên lạ hoắc như thế.
Tôi chưa đọc Hoàng Ấu Phương trang nào. Anh em học viên nói: - Phương có truyện
ngắn “Bảy chú lùn và nàng Bạch Tuyết” ký tên Bảo Ninh. Tôi lại nghe Bảo Ninh
này học tổng hợp sinh mà thi đỗ Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi nghĩ: Ông này
giỏi nhỉ.
Xong khoá 3 Nguyễn Du, Bảo Ninh ra
tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” làm anh em học viên vị nể, nhưng vẫn chưa có
tiếng tăm gì. Mãi sang khoá 4, nhà thơ Lam Luyến in một xê-ri của các nhà văn
“Nỗi buồn chiến tranh”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Bến không chồng” và ba
cuốn đều được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 thời kỳ đầu đổi
mới, sau đó được tiếp các giải quốc tế, từ đấy tên tuổi Bảo Ninh nổi như cồn.
Đúng là tuổi con rồng được bay xa!
Viết về chiến tranh bản ngã thì có
nhiều người viết hay từ thời chống Pháp như “Phá Vây” của Phù Thăng, “Ba sinh
hương lửa” (trong bộ tiểu thuyết trường thiên của Doãn Quốc Sỹ). Thời chống Mỹ
“ Tâm sự người lính” (tập thơ của Đỗ Hoàng). Nhưng người thì không hợp thời,
người vì chia cắt giới tuyết nên không có tiếng tăm.
Bảo Ninh quê Quảng Bình mãi sau này
tôi mới biết.
Nhân một lần họp đồng hương, tôi
hỏi:
- Quê Quảng Bình sao trong sách
“Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh in đặt tên vậy) ông ghi quê
Hà Nội?
Bảo Ninh cười hiền lành:
- Người làm sách họ ghi, mình có
biết đâu.
Con rồng Nhâm Thìn Hoàng Nhuận Cầm
quê ở Hà Nội thì quá nổi tiếng. Nổi tiếng từ thời chống Mỹ với chùm thơ đoạt
giải nhất báo Văn nghệ năm 1972-1973. “Những người lính chúng tôi đều thuộc ít
nhiều những câu thơ thi sỹ hào hùng của anh: “Cuốn võng theo hướng súng mà đi”,
“Nghe tiếng chim trên đồi chốt”, “Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà/ Thản
nhiên con gió chạy qua/ Lách cách gần xa chuyện gì/ Khoác lác nhất nhì chuyện
sáo sậu thôi/ Chuyện nghe như ở đâu rồi/ Là lời chú vẹt đang ngồi bên kia/ Mạ
ơi ất nước cắt chia/ Tiếng kêu con cuốc đi về quả tim... Yêu chim mà chẳng lên
thăm/ Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng yên/ Mai rồi cái phút làm quen/ Lại là cái
phút cùng chim xa rồi/ Là khi xác trực thăng rơi/ Là khi xác giặc quanh đồi
ngổn ngang”.
Sau hậu chiến 1975, Hoàng Nhuận Cầm
vẫn tiếp tục làm thơ mà đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn với tập thơ “Xúc xắc
mùa thu” khoảng năm 1994. Sau hậu chiến có một thời gian con rồng Cầm lao đao
về kinh tế.
Lúc tôi làm ở Diễn đàn Văn nghệ Việt
Nam có chọn in cho Cầm một chùm thơ. Thời đó Diễn đàn Văn nghệ cũng khó khăn
nên nhuận bút trả chậm lắm, “Hôm nay hai ba tháng tám/ Thi sỹ Tế Hanh đến
lĩnh tiền/ Nhuận bút in bài từ dịp tết/ Nợ đìa tác giả triền miên...”. Hôm
đó Hoàng Nhuận Cầm cũng đến lĩnh nhuận bút cùng Tế Hanh. Tế Hành buồn xo nhờ gã
xích lô chở về. Tôi đang ái ngại cho cụ Tế Hanh chưa xong thì gặp Cầm. Tạp chí
chưa có tiền, nghe thế, người Cầm xịu xuống, da mặt tai tái lại càng tái hơn.
Ánh mắt Cầm dại đi với một vẻ thảng thốt buồn cực độ khi biết nhà mình hết tiền
và không đào đâu ra tiền! Tôi đã trăm lần như thế nên tôi chia sẻ nỗi thất vọng
của Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm lúc ấy!
Cầm không chỉ làm thơ mà còn làm
diễn viên, biên kịch. Bác sỹ Hoa Súng trên ti vi nổi tiếng một thời. Bây giờ là
phim "Mùi cỏ cháy" cũng được đánh giá tốt. Vừa rồi được giải thưởng
Bông sen bạc.
Nhà văn tuổi Nhâm Thìn nổi tiếng với
tiểu thuyết "Gia đình bé mọn" - Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2004 là
Dạ Ngân. Chị quê ở Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang. Khác với các nhà văn trên, Dạ
Ngân ở trong miền Nam thời tạm chiến. Mới thuở thiếu thời chị đã ra Cứ đi làm
liên lạc, viết báo tuyên truyền cổ động. Sau 1975, Dạ Ngân nổi tiếng là cây bút
văn xuôi của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà văn Dạ Ngân
Tôi gặp ở Trường Viết văn Nguyễn Du
khoá 5. Năm 1993 chị ra Hà Nội học tập.
Tôi hỏi:
- Chị viết văn đã là tác gia, chị
còn đi học văn?
Dạ Ngân khiêm nhường trả lời: - Anh
coi, chúng tôi đi kháng chiến có học hành trường lớp gì nhiều đâu. Muốn viết
dài hơn, muốn đi tiếp con đường văn chương không thể không đi học thêm về văn
chương.
Chúng tôi qua trường Viết văn Nguyễn
Du, chúng tôi biết điều ấy.
Thực ra nhà văn không nhất thiết
phải học trường viết văn Nguyễn Du, nhất là học sinh phổ thông không nên vào
học trường viết văn khi mình mới mười tám, đôi mươi. Nếu có học thì khoan ra
các báo văn chương làm việc, tìm một công việc khác ngoài văn chương. “Như
quả dục học thi/ Công phu tại thi ngoai (Nếu con muốn học thơ thì thơ hay ở
ngoài cuộc đời) - (Lục Du - Đời Tống). Nhưng nhà văn nếu được học trường
viết văn thì vẫn hơn.
Bảo Ninh và Dạ Ngân vào học mới có
hai tác phẩm nổi tiếng là “Nỗi buồn chiến tranh”, “Gia đình bé mọn”.
Con rồng Nhâm Thìn nổi tiếng không
kém ba con trên là Nguyễn Việt Chiến. Nguyễn Việt Chiến cũng quê Hà Nội. Anh
từng đi bộ đội, học đại học, làm báo, sáng tác thơ. Chỗ làm việc khá lâu là báo
Thanh Niên. Anh đoạt giải thưởng thơ báo Văn nghệ năm 1989, năm 1990; giải
thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004, giải nhì thơ Tạp chí Văn nghệ Quân
đội nhiều lần. Nguyễn Việt Chiến là cây bút thơ tài hoa được bạn đọc sau hậu
chiến đón nhận.
Một lần đi đám tang nhà văn Kim Lân, mấy anh em kéo ra quán bia cỏ, tôi nói vui:
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Một lần đi đám tang nhà văn Kim Lân, mấy anh em kéo ra quán bia cỏ, tôi nói vui:
- Nguyễn Việt Chiến cùng quê, cùng
tuổi với Hoàng Nhuận Cầm nhưng thời chống Mỹ thơ Cầm nổi tiếng.
Chiến cười cười:
- Thời ấy là thời thơ véo von. Cầm
chả viết: “ Mùa thu này ta hát khắp Trường sơn/ Trên đỉnh Trường Sơn ta
hát...”
Chúng tôi ai cũng phì cười. Thời
đánh giặc, khát vọng thống nhất đất nước ai cũng phải cố lên là một việc đương
nhiên thôi.
Mỗi người mỗi vẻ nhưng họ đều là
những con rồng Nhâm Thìn bay xa!
Đỗ Hoàng
No comments:
Post a Comment