.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, January 27, 2012

TÔI CHƯA THẤY AI TRONG LÀNG VĂN SÀI GÒN MÀ KHÔNG MẾN ÔNG BIỀN

Nhà văn Đoàn Thạch Biền – Một mái tóc đen bảng lảng Sài Gòn

Với nhiều cây bút mới tập tễnh vào nghề viết, một trong các nhà văn thế hệ đàn anh mà họ phải gặp, người đó nhất định phải là Đoàn Thạch Biền.
Nhiều người cho rằng Đoàn Thạch Biền luôn có những ẩn số khó đoán, nhưng với tôi, ông nhà văn có mái tóc “bum - bê” này không có gì là ẩn số cả. Ngược lại, Đoàn Thạch Biền là người chân tình “thẳng ruột ngựa” rất dễ thương. Với tôi, Đoàn Thạch Biền là người mê chơi và biết chơi. Có thể nói ông chơi hoài nhưng không bao giờ chán, giống như con người ta không bao giờ chán mùa xuân vậy.
 Đoàn Thạch Biền
Một Đoàn Thạch Biền rất khác
Nhiều người cầm bút hay nói mình viết văn, viết báo như một “cái nghiệp”, tức là “sống để viết”, nghe rất huyền thoại hóa nghề cầm bút. Ông Biền thì nói nghe thực dụng hơn “viết để sống”. Thật vậy, ông viết văn hay viết báo là để sống như các nghề bình thường khác. Đôi khi, ông nói vui với các bạn trẻ: “Viết báo kiếm sống chật vật quá nên tao còn chạy xe ôm kiếm thêm”. Ông nói thế vì có bạn trẻ hỏi sao ông cứ chạy cái xe máy màu đỏ “cùi bắp” như vậy. Một lần, có bạn trẻ tin rằng ông Biền chạy xe ôm “kiếm thêm”, bạn này viết lên báo. Vợ ông Biền đọc được bài báo này, nhân lúc ông đi giao lưu Gia đình Áo trắng ở tỉnh, bà ở nhà kêu bán mất và mua cho ông cái xe mới. Nhắc chuyện này, ông Biền cười hì hì, vì nhờ thế ông có xe mới để đi. Tính ông Biền hay cà rỡn thoải mái như vậy.
Ông Biền có rất nhiều bạn, ở nước Việt Nam này, đi đâu ông Biền cũng có bạn và bạn ở đâu về Sài Gòn đều tìm đến ông. Khả năng “siêu phàm” của ông Biền là “ngồi đồng” nhậu với bạn bè từ sáng tới khuya. Ông đã ngồi quán nào là ngồi yên một chỗ, không có màn nhậu… chạy show. Do vậy chủ quán rất mến ông vì ông góp phần tăng doanh thu cho họ. Ai quen ông Biền đều biết, khi ông đứng lên một tay cầm ly, tay kia thọc vào túi quần, có nghĩa là “lão Biền” uống tới bến. Còn lúc ông mệt và say thì lúc đó ông “hắt-xì” liên tục. Câu thơ ông Biền sửa của Nguyễn Tất Nhiên và hay đọc như một điều tâm đắc trong đối nhân xử thế của mình: “Bạn bè ăn nhậu đôi khi/ Nói năng vô ý ngồi nghe đớn lòng”…
Bạn bè nhiều, nhậu “chì” là thế, nhưng ông Biền làm việc vô cùng nghiêm chỉnh. Hôm nào tới phiên ông trực báo, thì dù có gọi đến cháy điện thoại mời đi nhậu ông cũng từ chối. Thế mà có lần, Đoàn Thạch Biền bị tòa soạn treo bút. Đó là thời chưa có chuyện tư nhân liên kết với NXB in sách. Ông Biền đã viết bài nói chuyện nên cho tư nhân liên kết với NXB in sách, vì không cho liên kết thì chuyện này vẫn diễn ra. Chỉ có thế thôi mà ông bị treo bút ba tháng liền. Sau chuyện này, ông kết luận: “Đừng có cầm đèn chạy trước ô tô, việc gì đến sẽ đến, viết báo mà chạy trước, chết có ngày”.
Làng văn và làng báo viết mảng văn nghệ tại TP. HCM, có thể nói Đoàn Thạch Biền là “ma xó”, vì cái gì ông cũng biết. Cuối năm 2011, tôi và ông Biền cùng khá đông nhà báo về Bến Tre thăm nhà văn Trang Thế Hy. Gặp lão nhà văn - người hiền của văn học Nam Bộ (chữ của nhà văn Nguyên Ngọc) - các nhà báo liên tục chụp hình. Nhà văn Trang Thế Hy tế nhị, nói: “Tốt khoe, xấu che. Tôi già yếu như vầy, xấu lắm, các nhà báo chụp hình kỷ niệm thì được chứ đừng in báo”. Trang Thế Hy vừa nói xong, Đoàn Thạch Biền tiếp: “Em nhớ họa sĩ Nguyễn Trung có vẽ chân dung anh đẹp lắm, bức chân dung này Nguyễn Trung có tặng anh không?”. Nhà văn Trang Thế Hy như chợt nhớ ra, đứng lên dẫn đường cho các nhà báo xem chân dung của mình do danh họa Nguyễn Trung vẽ.
Tôi thuộc lớp đàn em Đoàn Thạch Biền, có việc gì thắc mắc trong nghề báo, tôi đều tham khảo ý kiến ông, nhất là các bài viết về nhân vật. Có những nhân vật, ông Biền nói “tay này được lắm, không xạo”, người khác ông nhận xét “mày cẩn thận, cha nội này nó hay tạo huyền thoại cho mình” hoặc “ông này khó tính lắm, gặp chả, mày nên hỏi câu này câu này… thì chả sẽ sướng như gãi trúng chỗ ngứa”, v.v... Kiểm chứng lại, những điều ông Biền nhận xét về các nhân vật mà tôi tiếp xúc viết bài đều đúng cả.
Mới đây, Đoàn Thạch Biền kêu tôi đến nhà tặng lại tôi một xấp hình chân dung văn nghệ sĩ do ông chụp bằng máy phim khi còn hành nghề phóng viên. Trong xấp hình này, tôi chợt nhận ra một gương mặt non tơ đang ôm đàn hát. Hỏi Đoàn Thạch Biền, là ai mà trông quen quá, người này hiện nay hẳn rất nổi tiếng? Đoàn Thạch Biền nói người trong hình là Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Hỏi tiếp sao hồi đó thằng Dũng “khùng” chưa ai biết nó là ai mà Đoàn Thạch Biền đã chụp hình nó để làm gì? Đoàn Thạch Biền hóm hỉnh: “Nguyễn Quang Dũng giống ông Nguyễn Quang Sáng như đúc. Ông Sáng là người nổi tiếng nên từ đó tao suy ra thằng Dũng sau này cũng sẽ nổi tiếng như cha nó”.
Sự thực thì, Nguyễn Quang Dũng thời đi học rất ham chơi, sợ thằng Dũng ham chơi bậy bạ sai “quan điểm lập trường” nên nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã gởi “cục cưng” cho ông Biền. Thời đó, Nguyễn Quang Dũng sáng tác ca khúc, biết chơi đàn, nên những buổi văn nghệ kiểu Gia đình Áo trắng đều có Dũng “khùng” góp vui. Sau mỗi màn Dũng “khùng” diễn, đều có mấy em gái áo trắng lên tặng hoa, điều này góp phần quan trọng giúp Dũng “khùng” biết cách chơi thế nào cho nhã, cho đời biết tiếng người biết tên.
Có thời, nhà văn Đoàn Thạch Biền được gọi là Biền “đô-la”, vì ông đối đãi với bạn văn cứ như một tỷ phú đô-la thứ thiệt. Nhà thơ Vũ Trọng Quang từng mở quán Trống Đồng có hẳn một phòng riêng sơn màu xanh theo ý muốn dành riêng để ông Biền tiếp khách. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có truyện ngắn Con ma da viết về bia ôm rất hay cũng do ông Biền mời đàn anh đi “hát hò”. Thời bia ôm mới xuất hiện trở lại tại Sài Gòn, ông Biền có những quán mối ruột vì vô quán là ông “bao hết”. Lúc đó, bia ôm còn thanh lịch lắm, kiểu như các cụ đi hát ả đào ngày xưa. Các em gái đẹp và đàn hát rất hay. Một lần ông Biền và Nguyễn Quang Sáng thách nhau xem ai viết về bia ôm hay hơn. Vì ông Sáng ở rừng về, ông Biền ở Sài Gòn chốn ăn chơi nên viết về các món ăn chơi để thử tài nhau. “Không ngờ cha Sáng giỏi thiệt, viết cái Con ma da quá siêu, ổng ở rừng mà viết được vậy khiến tao phục tài” - Đoàn Thạch Biền không hề cân nhắc khi khen bất kỳ đồng nghiệp nào, miễn là họ có tài.
Từ cử nhân xuống còn tiểu học

Đời Biền cũng có lúc quá khổ phải làm Biền “rên la” chứ không hẳn chỉ là Biền “đô-la”. Lý lịch trích ngang của nhà văn Đoàn Thạch Biền tưởng bình thường nhưng có nhiều điểm lạ. Chẳng hạn ông tự khai rằng trước năm 1975 đi dạy học, sau 1975 làm nông ở Bảo Lộc - Lâm Đồng, rồi làm công nhân ở TP.HCM, sau làm báo Công nhân giải phóng. Sự thực thì Đoàn Thạch Biền từng học triết học tại ĐH Văn khoa Sài Gòn. Học xong triết học, Đoàn Thạch Biền học thêm sư phạm để đi dạy học, vì làm thầy giáo không phải cầm súng ra trận.
Đoàn Thạch Biền tên thật là Phạm Đức Thịnh từng dạy học ở Bình Thuận đến năm 1975 thì nghỉ lên Bảo Lộc trồng cà phê. Trước năm 1975, thầy Biền viết văn ký tên Nguyễn Thanh Trịnh - ông nói là mê một cô cùng tên nên lấy làm bút danh. Với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh, năm 1973 từng đoạt giải Văn học quốc gia (miền Nam), nhiều người quen gọi là giải thưởng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm đó, Nguyễn Thanh Trịnh đoạt giải với tập kịch bản văn học.
Mặc dù sống bằng đồng lương nhà giáo, nhưng khi đó Nguyễn Thanh Trịnh sống khá phong lưu. Mỗi cuối tuần, ông đều đón xe đò từ Bình Thuận về Sài Gòn để đến rạp xem phim, đi mua sách đọc. Chính quyền Sài Gòn lúc đó thiết lập một xã hội quân sự, nên dù dạy học, nhà giáo Phạm Đức Thịnh vẫn có tên trong quân đội để nếu xảy ra “tổng động binh” thì ông có quân hàm đeo ngay. Những người lính bất đắc dĩ như Phạm Đức Thịnh được gọi là sĩ quan “biệt phái”.
Giải phóng miền Nam năm 1975, theo nguyên tắc thì những người làm việc cho chế độ cũ như nhà giáo Phạm Đức Thịnh phải ra trình diện chính quyền mới. Ông thật thà khai với cán bộ tiếp quản mình là thầy giáo nhưng là sĩ quan biệt phái. Chẳng hiểu ông cán bộ tiếp quản nghe lầm hoặc hiểu lầm, mà suy luận rằng: “Biệt phái là một nhánh của biệt kích”. Thế là thay vì đi học tập vài ngày rồi về trường dạy học tiếp, nhà giáo Phạm Đức Thịnh phải học tập đến nửa năm ròng và bị “mất dạy” ngay sau đó.
Về lại Sài Gòn, để thích nghi với cuộc sống mới, nhà giáo Phạm Đức Thịnh bán nhà lên cao nguyên Bảo Lộc trồng cà phê làm kinh tế mới. Cà phê gần đến ngày thu hoạch, thì có lệnh chặt bỏ vì nó là cây tư bản. Ông nhà văn chuyển sang trồng dâu bán cho người nuôi tằm. Cây dâu mới xanh lá thì trong vùng xuất hiện nạn FULRO, ban đêm cả nhà ông phải xách mùng mền chiếu gối đi ngủ tập thể có bộ đội canh gác. Quá nản với cảnh sống như vậy, ông nhà văn tìm đường về lại Sài Gòn.
Ở Sài Gòn thời tem phiếu bao cấp, không có việc làm được nhà nước công nhận thì không có sổ gạo để nuôi vợ con. Rất may lúc này, người chú sĩ quan Việt cộng của Phạm Đức Thịnh, tư vấn: “Nhà vợ mày là dân Bảy Hiền có nghề dệt, chắc mày cũng biết dệt. Xin đi làm công nhân ngành dệt đi con”. Ông chú giới thiệu Phạm Đức Thịnh đến xin việc ở một nhà máy dệt tại Thủ Đức. Mọi việc có vẻ thuận lợi thì lý lịch của ông lại cản trở ông. Do thật thà, ông khai trong đơn xin việc là có trình độ học vấn cử nhân. Nhà máy dệt nói là họ cần công nhân chứ không nhận cử nhân. Thế là ông chú của ông lại bày vẽ tiếp, Phạm Đức Thịnh đem 3 lượng vàng hối lộ sửa lại từ cử nhân Phạm Đức Thịnh xuống còn trình độ tiểu học để được nhận vô làm công nhân.
Tuy đứng máy dệt ồn ào, nhưng máu văn sĩ trong người vẫn còn nguyên, nên ông viết bài cộng tác với báo Công nhân giải phóng. Lúc này bút danh Nguyễn Thanh Trịnh đã thuộc về quá khứ, ông mê cô bán cơm sườn gần cổng nhà máy dệt tên Biền, thỉnh thoảng cho ông “ghi sổ”, nên đã ký Đoàn Thạch Biền cho đến nay. Từ những bài viết cộng tác, báo Công nhân giải phóng mời ông về làm phóng viên đến lúc nghỉ hưu.
Mặc dù đã nhận sổ hưu, nhưng Đoàn Thạch Biền vẫn cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà thơ Lê Minh Quốc chăm lo tờ Áo trắng. Tất nhiên, Đoàn Thạch Biền vẫn vậy, mái tóc bum-bê vẫn nhuộm cho đen nhánh, vẫn quần jeans bụi… Đi mà như mơ giữa phố xá Sài Gòn.
Tôi chưa thấy ai trong làng văn Sài Gòn mà không mến ông Biền.
Trần Hoàng Nhân

No comments:

Post a Comment