.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, January 18, 2012

PHẢI ĂN ĐÊM, UỐNG SỮA TƯƠI, ĐỦ SỨC KHỎE MỚI NÊN THÁM HIỂM “3.3.3.9 [NHỮNG MẢNH HỒN TRẦN]” CỦA NHÀ VĂN ĐẶNG THÂN


Cuốn sách: 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân như một quả bom thả vào làng văn giáp tết Nhâm Thìn. Ngay cái tựa đã đánh đố, phải chăng là cái Ba vạn Chín nghìn, hay “băm băm băm chín những mảnh trần L”, chả biết, nhưng ngộ có đứa nào đọc nhịu thì cũng sặc a-bi-đan ra mà cười. Đặng Thân là con ma nét, người băm bổ thụ tinh trên bàn phím, đàn đàn con chữ điên - sinh - thành - ảo , đứa ham đánh lộn, đứa tán tỉnh chửi tục, đứa muốn vật nhau ngủ, đứa thức dậy chưa đánh răng đã ngỏng lên đọc thơ… meeeệttttttttt. Gần 700 trang, họa bị "đao" mới đọc hết, trong khi hoa đào Hàng Lược đang khoe hàng. Một cuốn sách độc. Dù sao, nếu đọc hết thì sướng nhưng rất mệt. Khuyến nghị: phải ăn đêm, uống sữa tươi và có đủ sức khỏe mới thám hiểm được CÁI 3339 ĐÓ. Chúc mừng nhà văn Đặng Thân. Văn chương + trân trọng giới thiệu bài phát biểu của nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch HNV Việt Nam về cuốn sách trên:

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân, Đỗ Minh Tuấn tại buổi Tọa đàm
Chúng tôi đã đợi chờ đến một ngày nào đó cái bản thảo này sẽ ra mắt được, và hôm nay nó đã ra mắt, và chắc chắn là nhiều các anh các chị ở đây đã đọc nó. Đầu tiên tôi muốn gửi lời chào mừng như một người đồng nghiệp tới nhà văn Đặng Thân và cuốn sách. Trong những nhịp điệu buồn tẻ của văn chương chúng ta nhiều năm nay thì tôi cho cuốn sách này là một tiếng gõ, một sự dội, một tiếng dội nào đó trong cá nhân tôi.

Đọc cuốn sách này mang nhiều cảm giác phức tạp, vừa hứng thú, vừa có cảm giác ngờ vực, vừa có cái gì đó nhiều lúc mệt mỏi, và có nhiều lúc cảm giác đầy phấn khích và tò mò. Ở đây tôi xin phát biểu một cách rất là đơn giản trong bước đầu bàn về cuốn sách này, bởi vì sau đó có những người khác, những người làm công tác nghiên cứu thực thụ, họ sẽ có những phương pháp, những chìa khóa để đọc văn bản khá phức tạp này.
Trước kia tôi có viết một hai cuốn tiểu thuyết nhưng sau tôi thấy rằng chúng không phải tiểu thuyết bởi vì chúng quá dở, nên tôi đã bỏ viết tiểu thuyết từ cách đây 20 năm rồi. Cho đến cuốn tiểu thuyết của anh Đặng Thân thì khi đọc nó tôi nhận thấy một điều là có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một cuốn tiểu thuyết với hình thức như vậy. Và tôi cam đoan rằng không ít các nhà văn đang viết tiểu thuyết sẽ ngờ vực nó, sẽ phản biện nó, và có thể sẽ chống đối nó, rằng đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng tôi cho rằng không chỉ ở đây và hôm nay chúng ta bàn luận về nó. Chúng ta nên tiếp tục bàn luận về nó.
Đứng danh nghĩa cá nhân, tôi muốn đề cử cuốn sách này cho Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2012. Nó còn phụ thuộc vào Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, và tôi hy vọng rằng, nếu nó trở thành một cuốn sách lọt vào chung khảo của văn xuôi năm 2012 thì tôi cho đấy là một điều rất lý thú. Đó là một điều cũng công bằng, và nó sẽ tạo nên những vấn đề, mở ra những điều của văn xuôi đương đại chúng ta, đặc biệt là tiểu thuyết. Vì tiểu thuyết của Việt Nam hầu hết chúng ta viết theo một cách kể chuyện thông thường nhất, đơn giản, và cái sự bùng phá về thi pháp hầu như rất ít.
Cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Đặng Thân cho tôi cái cảm giác là nó giống như một tờ báo trong đó có rất nhiều thứ, giống như một computer... Ở đây có văn bản của thi ca, có văn bản của lịch sử, có văn bản của lý luận phê bình… Ở đây có những văn bản khác nữa, và có cả những văn bản quá hiện đại như ngôn ngữ-hình thức của chat, hay là comment trên các blog và các trang web. Nhất là ở đây các văn bản đều tách rời nhau, không phụ thuộc nhau, đứng độc lập với nhau, và những câu chuyện đôi khi cũng đứng rời tách biệt nhau hoàn toàn. Nhưng ở đây sự tách biệt này không phải sự rời rã, mà có một sự liên thông, sự liên kết mà tôi nghĩ rằng rất chặt chẽ. Tôi chỉ lấy cuộc sống của cá nhân mình thôi để thấy rằng cuốn tiểu thuyết này nó hội tụ tất cả những gì tôi đang sống, đang phải sống, đang được sống và sẽ sống.
Có một chút những vấn đề của ngày hôm nay, có một chút những vấn đề của lịch sử, có một chút những vấn đề của quá khứ, có một chút những câu chuyện vụn vặt, có một chút của những vấn đề cực kỳ lớn mà nhân loại đã từng bàn luận mà không đi đến thống nhất nào cả. Nó có phản biện, có giễu nhại, có các nhận xét khác, có thi ca và tất cả… Cuốn sách tổng hợp tất cả và với những văn bản của những thể loại khác biệt nhau, điều cuối cùng nó trùng vào một thông tin quan trọng nhất: nó khơi mở định nghĩa, xác lập cái bản chất của đời sống, bản chất của xã hội chúng ta đang sống mà trong cuốn sách đó đã tạo dựng nên. Nó làm cho những điều chúng ta tưởng chừng quen thuộc, như một nhân vật như Hitler chẳng hạn, thì lại gợi mở ra làm chúng ta muốn tìm lại lịch sử của Hitler để đọc lại nữa, từ những gợi ý, từ những khai mở trong những văn bản của Đặng Thân trong cuốn sách này.
Tôi nghĩ rằng với cuốn sách này, các anh các chị làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình sẽ nói rất sâu sắc, sẽ nói nhiều hơn và mang tính khoa học cao hơn. Lời mở đầu của tôi chỉ như một cảm xúc của người đọc. Và thêm một lần nữa tôi muốn nói rằng tôi hoàn toàn vui mừng khi cái bản thảo này sau nhiều năm đã được ra đời. Tôi vẫn còn nhớ cái bản thảo đầu tiên, và cái bản thảo này của anh Đặng Thân không biết có khác biệt gì nhau không. Có thể có những điều đã được thay đổi, thế nhưng tổng thể của tất cả vẫn cuốn tôi với những cảm giác như vậy sau 3-4 năm. Những cảm giác, cảm xúc, những suy ngẫm về cuốn sách này không hề đổi thay, và tôi có thể nói là trong văn xuôi của chúng ta ở Việt Nam thì cuốn sách này tôi cho nó là một hiện tượng, không phải ở sự phá cách, nhưng ở đây một sự nghiêm túc đến cho chúng ta, đến riêng cá nhân tôi, phải học tập lại.
Và tôi đã nhìn lại những văn bản tôi đã từng viết trong truyện ngắn trước kia, trong tiểu thuyết của thời xa xôi rồi và trong những văn bản thơ mà tôi đã nghĩ rằng nó rất hiện đại. Tôi có viết một trường ca gọi là “Trường ca Lò mổ” trong đó có tiểu luận, có công văn, có giấy khai sinh, có kịch, có đối thoại, có các sách biên tập… Hiện trong trường ca mới của tôi có đủ các thể loại, nhưng, khi đọc sách của Đặng Thân tôi thấy rằng nó chỉ là một chương nhỏ bé về hình thức, về cách tân so với cuốn của anh Thân mà thôi.
Tôi luôn luôn nghĩ rằng tác phẩm nó luôn mang tính đa văn bản nào đó, nó trôi qua từng số phận, từng người đọc và nó sẽ mở ra thêm một văn bản. Cái văn bản của anh Đặng Thân có thể là cái văn bản thứ nhất. Và khi tôi đọc tôi cũng có một tinh thần với nó, tôi đồng cảm hay không đồng cảm, tôi cảm thấy buồn bực hay là tôi vui thì một văn bản khác đã hiện diện trong tôi và nó cần thiết cho tôi. Và ở đây với một cuốn sách đôi khi rất khó thống nhất.
Có một đặc điểm quan trọng tôi nhận thấy trong cuốn sách của anh Đặng Thân là nó xóa đi tất cả thói quen, hầu hết thói quen của chúng ta, về một cuốn sách, về một vấn đề, về cách hành văn. Nó xóa đi thói quen và chúng ta bắt đầu rối loạn… Việc anh Đặng Thân có thể dùng rất nhiều font chữ, lại có comment, lại có “bàn [phím]”… thì tôi cho rằng ở đây không phải là một sự tùy tiện (theo quan niệm của tôi, như một bạn đọc đơn độc với những khả năng nhất định chứ không phải đại diện cho bất kỳ một người thứ hai bên cạnh tôi ở đây)…
Tôi đã nhìn thấy cuốn sách và tôi đã bước vào như một đời sống thực sự. Ở đây, trong cuốn sách, giống như một xã hội. Không phải một hội trường sang trọng làm nên đời sống, mà cái nhà vệ sinh cũng làm nên đời sống. Không phải là ông Chủ tịch nước làm nên đời sống, mà một kẻ ăn cắp có một điều gì dày vò cũng làm nên đời sống. Khi chúng ta ngồi trong hội trường nói những điều cao siêu thì một người bán bún ngoài kia đang cố gắng bán lạng bún cuối cùng. Tất cả, nếu chúng ta nhìn từ phía cao nhìn xuống thì chúng ta thấy hiện diện tất cả, bình đẳng, đa dạng và tất cả cấu thành một đời sống mà chúng ta được sống hoặc phải gánh chịu đời sống đó.
Tôi quan niệm như vậy. Tôi nhận ra anh Thân thực ra đơn giản. Anh ấy trình bày tất cả những cái gì đang hiện diện trong đời sống. Lúc nãy có một người nói về nhân vật ảo, nhưng tôi nghĩ rằng không có nhân vật ảo nào cả. Tất cả, “bàn [phím]” muốn trở thành “bàn [phím]” đích thực, Hitler phải trở thành Hitler đích thực với tất cả những gì của ông ta, và những cô này những cậu kia, tất cả… thì tôi nghĩ rằng ở đây mỗi nỗ lực của một nhân vật, kể cả nhân vật mà vô tri vô giác như cái “bàn phím”, ví dụ, thì họ nỗ lực trở thành chính họ. Tôi nhận ra thế, dù có thể anh Đặng Thân không nói điều đó, cái thông điệp của anh không gửi điều đó nhưng tôi nhận thấy, tôi nhận thông điệp từ anh. Và mỗi chúng ta sẽ nhận được một thông điệp nào đó trong cuốn sách này.
Sự buồn tẻ của thế gian này, sự hứng khởi của thế gian này, sự phức tạp của thế gian này, sự suy đồi của thế gian này, hay là khát vọng bé bỏng, hay niềm hy vọng rất mơ hồ trong cuốn sách này của thế gian này, thì tôi nghĩ rằng cách đọc của chúng ta phải khác. Trước kia tôi đọc rất khác. Tôi đọc đầy phiến diện, tôi đọc những cái gì rất du dương.
Và nếu ai đã một lần đọc truyện ngắn của tôi từ thuở trước, thì đấy là những truyện ngắn du dương, dịu dàng, buồn bã, đèm đẹp với những câu chuyện của những người phụ nữ dọc sông Đáy… thì nó mở ra. Cái xúc cảm mà một cuốn sách mang lại cho chúng ta sự thích thú bởi hai điều: nó làm cho chúng ta run rẩy, là một; nó làm cho chúng ta suy ngẫm, là một cách khác.
Đó là vài ý sơ lược ban đầu của tôi về cuốn sách này. Và tôi nghĩ rằng chúng ta hãy nên đọc nó, và đọc lại. Cá nhân tôi sẽ đọc lại, để tôi tìm kiếm trong đó một văn bản khác nữa ngoài cái văn bản hiển lộ trên cái sự typo hóa của cuốn sách này.
Một lần nữa xin cám ơn anh Đặng Thân đã mang đến một tác phẩm mà tôi nghĩ rằng nó làm cho những người có tính nghiêm túc trong nghề nghiệp, đặc biệt trong sáng tạo văn xuôi, phải suy ngẫm về nó.
7/1/2012
Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU
Phát biểu khai mạc Tọa đàm về “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân” do Trung tâm Văn hóa Pháp (l’Espace) tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 7/1/2012.

Một số hình ảnh buổi Tọa đàm:

 Nhà PBVH Đỗ Ngọc Yên
Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức: So sánh Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp là sai lầm...
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán
Tây cũng nghiêng ngó...
GS Phạm Toàn
Đạo diễn Quốc Trọng (ảnh trên) chăm chú khi nghe TS Nguyễn Thị Minh Thái phát biểu:
Nhà PBVH Đỗ Lai Thúy so sánh giữa Đặng Thân nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một sự man rợ...
Buổi Tọa đàm tại Trung tâm Văn hóa Pháp 24 Tràng  Tiền, Hà Nội


1 comment:

  1. Cuốn sách đã được xuất hành chưa ạ.
    Linh Cường – Nhân viên Marketing
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Các cách để tìm một nhiếp ảnh gia phù hợp
    • Hoặc Cac cach de tim mot nhiep anh gia phu hop

    ReplyDelete