Người ta thường gọi Nguyễn Trọng Tạo là “nhà thơ – nhạc sĩ”, lại có người gọi ông là “nhà báo – họa sĩ”. Người nghệ sĩ nổi tiếng đa tài này phải sắm quá nhiều vai trong làng văn nghệ, thậm chí nghĩ đến rượu là người ta cũng lại gọi ông để cuộc rượu thêm vui. Nhưng trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, ông đã thổ lộ rằng, “Thơ mới là cái nghiệp của tôi”.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và NSƯT Minh Phương
trong buổi ra mắt sách Thơ & Trường ca. Ảnh: Pham Mi Ly
trong buổi ra mắt sách Thơ & Trường ca. Ảnh: Pham Mi Ly
Hôm ông ra mắt tập sách sơ tuyển “Thơ và Trường ca”
tại Trung tâm Văn Hóa Đông Tây, tôi ghé đến vào buổi tối, thấy rất đông người
đang vừa uống rượu vừa nghe ông trò chuyện về thơ và nghe các ca sĩ hát những
bài hát phổ thơ. Những bài hát người ta phổ thơ ông và những bài hát ông phổ
thơ thi hữu. Một cuộc ra mắt sách thật ấn tượng, kéo dài suốt từ 9 giờ sáng đến
10 giờ đêm. Cầm tập sách dày gần 600 trang do ông ký tặng, tôi run run cảm động
không chỉ vì tình cảm chân thành của ông dành cho độc giả, mà còn thấy cảm phục
trước sức sáng tạo cường tráng của ông cho nghệ thuật. Riêng thơ, ông cũng đã
có đủ cả nghìn trang…
Tôi chăm chú đọc thơ ông từ hồi còn sinh viên. Bài thơ
mà bọn sinh viên chúng tôi hồi đó thường chép vào sổ tay là bài thơ “Không
đề” ông viết khi đến Qui Nhơn thăm người bạn là nhà thơ Ngô Thế Oanh. Theo
ông kể lại thì lúc ấy thấy trên bàn bạn ông bức ảnh một thanh nữ có đôi mắt rất
giống đôi mắt người yêu cũ của bạn. Thế là bài thơ tặng bạn được viết ra. Đó là
một bài thơ thật buồn và thật đẹp cứ ám ảnh mãi người đọc:
…anh trót để ngôi sao bay khỏi cát
biếc xanh em, mãi chớp sáng vòm trời
điều CÓ THỂ đã hoá thành KHÔNG THỂ
biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi…
Lần đầu đọc bài thơ ấy tôi cứ tưởng ông viết để tặng
mối tình đầu của mình. Vâng mối tình đầu thì bao giờ cũng đẹp và… buồn. Nhưng
thơ tình của ông không phải để kể lại câu chuyện đẹp và buồn, mà vượt lên trên
là sự chiêm nghiệm về tình yêu với những triết lý sâu xa. Đó là “bí mật” tài
tình của nhà thơ, như có dây rợ vô hình buộc mãi vào lòng người. Đó cũng là cái
khác của ông với nhiều nhà thơ tình khác. Thơ tình của Nguyễn Trọng Tạo được
nhiều người thích là vì vậy. Ông đẩy đến tận cùng cả những điều người khác
không dám viết ra, nên người ta thấy thơ ông thật, như ông từng quan niệm “Thơ
chưa hay thì thơ nói thật lòng”, nghĩa là làm sao nói ra được sự thật
trong lòng mình dù có thế nào chăng nữa. Câu thơ khao khát sự thật đó làm nhiều
người phải ngẫm ngợi, còn nữ nhà thơ Mỹ Mary E. Croy thì thán phục “đó là
một câu thơ lỗi lạc của Nguyễn Trọng Tạo. Câu thơ ấy đã trải tôi phẳng lì khi
tôi đọc nó, bởi sự thông thái của một nhà thơ – người không những hiểu nghệ
thuật của ngôn từ, mà còn hiểu về quá trình đời sống”. Đúng vậy, ông đã
đẩy tận cùng đời sống vào thơ:
tôi yêu em, tôi tìm điều dễ ghét
ở trong em. Em đừng vội giận hờn
em yêu tôi em tìm điều đáng ghét
ở trong tôi. Và em hiểu tôi hơn
Và khi ông viết: “những ngọn gió chẳng hề mang tư
tưởng/ cũng thổi dịu mùa hè, thổi buốt mùa đông” thì chính là lúc ông đã
đẩy thơ lên một tầm tư tưởng mới từ triết lý về tính đối lập-thống nhất hai mặt
của tình yêu và cuộc sống. Cách nói về tình yêu trong thơ Nguyễn Trọng Tạo luôn
đa chiều, nhiều cung bậc, nhưng dù hạnh phúc hay đau buồn thì vẫn thể hiện một
sự sống hết mình cho tình yêu:
chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Bài thơ “Chia” của ông đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc
và được hát lên ở khắp nơi đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Cho đến khi đã
lục tuần, ông vẫn viết thơ tình đam mê và mãnh liệt, chỉ trong 2 năm đã có mấy
chục bài thơ để xuất bản thành tập “Em Đàn Bà” làm ngỡ ngàng độc giả
bởi bút pháp trẻ trung và hiện đại. Tôi không ngạc nhiên khi đọc những nhận xét
của Mary E. Croy so sánh thơ tình của ông với Pablo Neruda – nhà thơ Chile từng
đoạt giải Nobel: “Nhưng có lẽ hơn tất cả, có sự tương đồng giữa thơ Nguyễn
Trọng Tạo với thơ của Pablo Neruda. Rất nhiều bài thơ tràn đầy nhạc điệu tình
yêu – điều này làm chúng rất ám ảnh. Đối với cả Nguyễn Trọng Tạo và Neruda, bài
hát tình yêu được sức mạnh thiên nhiên giải thoát khỏi những đè nén nhân tạo.
Trong thơ của cả hai người, ta có cảm giác rằng tình yêu có cuộc sống riêng của
nó, không bị ràng buộc bởi người yêu và người được yêu”. Nhận xét đó khiến
tôi nhớ lại bài “Thơ tình gửi người không quen” của ông viết về thời
chống Mỹ cứu nước. Bài thơ là tâm sự của một người lính bị thương được một cô
gái cõng đi dưới bom đạn: “là khi chợt tỉnh cơn mê/ nhận ra mái tóc bộn bề
ngực tôi/ là khi tim đập bồi hồi/ nhận ra gương mặt của người… không quen”.
Và đoạn kết bài thơ như một bài ca nhân văn đi tìm người không quen để tri
ân:
cho thơ tôi được nói lời
tình-yêu-tôi, gửi tới người-tôi-yêu
bởi tôi tin những sớm chiều:
người không quen… sống rất nhiều cho tôi
Lối triết lý thật giản dị trong thơ Nguyễn Trọng Tạo
luôn mang tính nhân văn sâu sắc, bởi đó là những chiêm nghiệm cuộc đời, những
cảm xúc lạ của một tâm hồn thi sĩ đa đoan.
*
Thơ Nguyễn Trọng Tạo thường đặt ra những câu hỏi nóng
bỏng trước đời sống và thời cuộc. Những câu hỏi không dễ trả lời. Và ông tìm
cách trả lời những câu hỏi đó. Ông trả lời với tư cách người lính, tư cách công
dân và tư cách nhà thơ. Đó là khi thơ đã đẩy tới hoài nghi để làm sáng tỏ bản
chất của sự vật, đẩy tới bi kịch để tìm đến lạc quan, đẩy tới cái ác để nhận ra
chân thiện mỹ… Những bài thơ viết về chiến tranh của ông làm lay động tâm
hồn người lính một cách chân thực hiếm thấy:
Em ơi em, em trong trắng vô tư
Nếu em đã đem lòng yêu người lính
Giờ tan ca đừng mong người yêu đón
Ngước sao trời hãy tin đấy là anh!
Nếu em đã đem lòng yêu người lính
Giờ tan ca đừng mong người yêu đón
Ngước sao trời hãy tin đấy là anh!
Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình
Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học
Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc
Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều
Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học
Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc
Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều
Phải chăng đấy chính là cách trả lời cho cuộc sống thời
chiến nhiều vất vả hy sinh? Những câu thơ như vậy không chỉ chia sẻ với người
lính mà còn chia sẻ với cả hậu phương một thời trận mạc. Có thể nói, trong
những ngày gian khó nhất của đất nước sau cuộc chiến 20 năm và tiếp theo là
cuộc chiến tranh biên giới, thơ Nguyễn Trọng Tạo không hề lên gân, mà ông lặng
lẽ lý giải nó bằng những bài thơ gan ruột. “Tản mạn thời tôi sống” là
một bài thơ như thế, bài thơ đã làm chấn động lòng người ngay khi nó vừa được
công bố trên báo Văn Nghệ (9/1981) với câu hỏi được lặp lại: “Thời tôi sống
có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Và sự
thật trong câu hỏi đó là gì? Là một thời đại rất nhiều lo âu, bạn-thù, cũ-mới,
anh hùng và phản trắc…
Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
……..
như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá
thời tôi sống thêm một lần súng nổ
trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy!
Có người nói đó là thơ “dự báo” cho một thời “đổi mới”
đang đến và phải đến. Trong cuộc ra mắt tập “Thơ và Trường ca”, nhà
phê bình Văn Giá cũng đã nhấn mạnh “tính dự báo” trong thơ Nguyễn Trọng Tạo và
dẫn ra một câu thơ thể hiện quan niệm của ông: “Câu thơ đi tiền trạm những
hồn người”. Tôi hiểu ý nghĩa rằng, trong chiến tranh có những người giao
liên đi tiền trạm để dẫn những đoàn quân đi vào chiến trận. Chữ “tiền trạm” đã
được dùng một cách sáng tạo khi ông nói về quan niệm thơ của mình. Nhưng ông
luôn nhận ra quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, và như đã nói ở trên,
thơ ông luôn đặt ra những câu hỏi mới: “và khi ấy những câu hỏi bây giờ/
được thay thế bằng những câu hỏi khác”, thậm chí 10 năm sau ông lại nhận
ra sự thay đổi thật bất ngờ: “Có câu trả lời biến thành câu hỏi”… Tính
dự báo trong thơ Nguyễn Trọng Tạo chính là sự nhận ra quy luật vận động không
ngừng nghỉ của đời sống bằng con mắt thứ ba – con mắt nhạy cảm của nhà thơ.
Nhưng Nguyễn Trọng Tạo không làm ra vẻ quan trọng hay nghiêm trọng những điều
đó. Ông có cách nói tưng tửng khá ngộ nghĩnh kiểu “tin thì tin không tin thì
thôi”, nhưng sau cái vẻ tưng tửng ấy, lại là một tấm lòng gan ruột đầy trách
nhiệm của người thi sĩ: “Nhưng tôi người cầm bút, than ôi/ Không thể không
tin gì mà viết”.
Vì thế, con người công dân trong thơ ông nhiều lúc thật
mạnh mẽ. Tôi đọc trong tập sơ tuyển này 2 trường ca của ông, một trường ca được
trích đoạn (Tình ca người lính) và một trường ca in trọn vẹn – “Con
đường của những vì sao” (Trường ca Đồng Lộc). Cả 2 trường ca này đều mang
tính sử thi nhưng là “sử thi lãng mạn”. Và tôi cảm nhận được từ đó, cuộc kháng
chiến thật hào hùng nhưng cũng rất trữ tình. Những cặp đối lập được ông khai
thác khá nhiều để nói về cuộc chiến, và đều mang tới hiệu quả là làm xúc động
lòng người:
đất và đá
yếu mềm và cứng rắn
cán xẻng với tay người
đòn gánh với vai người
con đường và trái núi
phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau…
Nhiều nhà thơ đã`viết về cuộc “chiến tranh nhân dân”
thời chiến, nhưng với Nguyễn Trọng Tạo, nhân dân hiện lên thật gần gũi và thật
đáng khâm phục:
Nhân Dân sống Nhân Dân làm lụng
áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên
Nhân Dân căm hờn như núi dựng chông
Nhân Dân yêu thương đồng dâng gạo trắng
bom đạn giặc từ trời cao ném xuống
Nhân Dân từ ruột đất trồi lên!
Viết trường ca cần một dòng cảm xúc lớn, cần một nhà tổ
chức, thiết kế và xây dựng sáng suốt linh hoạt. Trường ca Đồng Lộc với
hai nghìn rưởi câu thơ chia làm 10 chương và một “Khúc hát tặng” thay lời
ngỏ của tác giả đã dựng lên một “bức tượng đài bằng thơ” về cuộc chiến đấu ở
Ngã ba Đồng Lộc lịch sử. Điều đó chứng tỏ cả tài năng lẫn đam mê của ông với
một đề tài lớn. Nó cũng khẳng định thêm tầm vóc của nhà thơ trên hành trình thơ
của ông.
*
Trở lại với nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi đọc
trọn cuốn sơ tuyển này, tôi thấy ông có nhiều giai đoạn sáng tạo trong hành
trình thơ của mình. Có thể chia ra ba giai đoạn: Thơ thời chiến đến hậu chiến –
Thơ thời “đổi mới” – và Thơ thời hiện tại. Nhìn vào “bản đồ” thơ ông dễ thấy
các mảng màu tối sáng khác nhau: hồng, xanh và xanh đậm. Thời kỳ hồng
là thời kỳ ông thoát dần ra khỏi “dòng thơ chiến tranh” để hướng tới sự thật
trần trụi của đời sống một cách quyết liệt. Thời kỳ xanh là thời kỳ
ông lắng lại “làm nhòe” các con chữ để tạo ra nhiều nghĩa và cảm giác cho thơ,
như một cách tân phương đông với những suy tư nghiền ngẫm triết lý về cuộc đời.
Thời kỳ xanh đậm là thời kỳ ông phóng bút tạo dựng những ấn tượng ngôn
ngữ kết hợp Đông-Tây nhuần nhuyễn trong cả những âm hưởng libido huyễn ảo. Nhìn
chung, ông kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong hành trình làm mới thơ
một cách uyển chuyển và dễ chịu khi chủ trương trì tục nhịp chẵn của thơ
Việt:
Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi…
Trong phần “Thư trên máy chữ…” với nhiều bài
thơ như những bức thư nói lên quan điểm nghệ thuật của mình đầy suy tư, trăn
trở gửi những người đồng nghiệp và cả bạn đọc, Nguyễn Trọng Tạo đã đề cập đến
những vấn đề Nghệ thuật và Đời sống, Nghệ thuật và Xã hội, Nghệ thuật và Nghệ
thuật… Ông cho rằng, nhà thơ “không phải khách ăn theo không phải thợ gặt
giùm” mà phải là “ngoài đời những gì chưa được thắp/ đã sáng lên trong
trái tim nhà thơ” và “ngoài đời những gì đã tắt/ lại cháy lên đầu ngòi
bút nhà thơ”.
Nguyễn Trọng Tạo là người cổ súy đổi mới thơ nồng
nhiệt, ông cũng là người “bảo kê cho thơ trẻ” (chữ của Ngô Minh) quyết liệt, và
nhiều nhà thơ trẻ đầy cá tính sáng tạo đã trưởng thành. Nhưng có người cho
rằng, Nguyễn Trọng Tạo “xúi” bọn trẻ cách tân thơ, còn ông thì cứ làm thơ
truyền thống. Theo tôi, nhận định đó không đúng với trường hợp của ông. Đọc
cuốn “Nguyễn Trọng Tạo – Thơ và Trường ca” mới thấy hết sự nỗ lực cách
tân rất dụng công của ông, đúng như ông nói, “Cách tân theo hướng phương Tây
thì nhiều người làm, nhưng cách tân theo hướng phương Đông, nghĩa là làm mới
thơ truyền thống mới là thậm khó”. Và trong mắt tôi, ông đã làm được điều đó.
Chính nhà thơ Vũ Cao lúc sinh thời cũng đã nhìn ra sự khác biệt của Nguyễn
Trọng Tạo khi ông viết: “Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường,
mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại. Thật khó xếp Nguyễn Trọng
Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái nói những điều không dễ nói
ra”. Còn nhà văn Nguyễn Đình Thi thì cho rằng: “Khác hẳn những nhà thơ
không hiểu chính mình đang viết gì, Tạo không viết những câu thơ bí hiểm, không
viết những câu thơ tự đánh đố mình và đánh đố bạn đọc để làm ra vẻ mình là một
nhà thơ có tư duy cao. Thơ Tạo thể hiện tư duy của chính Tạo, không phải tư duy
vay mượn của người khác”, và ông khẳng đinh: “Trên bảng ghi công những
văn nghệ sĩ đổi mới thực sự và đổi mới hiệu quả, có tên Nguyễn Trọng Tạo”.
Cho dù Nguyễn Trọng Tạo có nhiều bài hát nổi tiếng
nhưng ông vẫn gắn bó sống chết với thơ và chỉ nhận thơ làm nghiệp. Mà không chỉ
làm thơ, ông cũng là người làm nên Báo Thơ, vẽ nên Cờ Thơ, viết hàng trăm bài
phê bình thơ, phổ nhạc cho thơ, và cũng từng là ủy viên Hội đồng Thơ. Đôi lúc
tôi cứ nghĩ vơ vẩn rằng, không biết Nguyễn Trọng Tạo đã chọn thơ làm nghiệp hay
là chính thơ đã chọn ông?
Tháng 11/2011
_________
Ghi chú: Những trích dẫn trong bài có nguồn từ cuốn “Nguyễn
Trọng Tạo – Thơ và Trường ca” và một số bài viết trên Internet.
CAO XUÂN PHÁT
(Bài in trên tạp chí Nhà
Văn số Tết Nhâm Thìn 2012)
No comments:
Post a Comment