Jorge Mario Pedro Vargas Llosa, (28/3/1936) nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Tây Ban Nha, Giáo sư danh dự của nhiều trường đại học ở châu Âu và châu Mỹ. Nobel văn học (2010), Huân chương quốc gia Pháp Ordre national de la Légion d'honneur (1985); Giải Premio Rómulo Gallegos; Giải văn học quốc tế Premio Internacional de Novela Rómulo Gallegos dành cho tiểu thuyết tiếng Tây Ban Nha (1967). Giải văn học quốc tế Premio Príncipe de Asturias de las Letras (1986); Giải Premio Miguel de Cervantes (1994); Giải văn học Jerusalem của Hội chợ sách quốc tế (1995). Giải thưởng quốc tế Der Friedenspreis des Deutschen Buchhandels của Đức (1996); Giải văn học quốc tế Pháp Prix mondial Cino Del Duca (2008).
Xin giới thiệu tiểu
luận của ông về toàn cầu hóa,
đồng nhất văn hóa, giảng tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.
Những lời chỉ trích hiệu quả nhất đối với toàn cầu hóa
thường không liên quan tới khía cạnh kinh tế, mà chủ yếu xuất phát từ khía cạnh
xã hội, đạo đức, đặc biệt là văn hóa.
Theo những người ủng hộ lập luận này, các đường biên
giới quốc gia biến mất và việc thế giới được liên kết bằng các thị trường, đang
giáng đòn chí mạng vào các nền văn hóa khu vực và dân tộc, vào các truyền
thống, phong tục, huyền thoại và vào tất thảy những gì được coi là bản sắc văn
hóa của bất cứ đất nước nào, ở bất cứ khu vực nào. Phần lớn thế giới không thể
kháng cự nổi sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa từ các nước phát triển, đặc
biệt là đối với những sản phẩm văn hóa của siêu cường như Mỹ. Sau sự xâm nhập
gắn liền với sự bành trướng của những nghiệp đoàn xuyên quốc gia hùng mạnh, nền
văn hóa Bắc Mỹ rút cuộc sẽ áp đặt chuẩn mực cho toàn thế giới và hủy diệt hệ đa
dạng văn hóa. Như vậy, mọi dân tộc khác, cho dù không hề nhỏ bé và yếu ớt, sẽ
mất đi tính đồng nhất của mình, linh hồn của mình, và sẽ trở thành những thuộc
địa kiểu mới ở thế kỷ XXI.
Nỗi lo mất văn hóa và ngôn ngữ, bị biến thành phần phụ
văn hóa Mỹ, không chỉ được các chính khách cực đoan mô tả, mà còn tạo nên thái
độ hận thù căm giận đối với gã khổng lồ Bắc Mỹ ngay trong các quốc gia phát
triển và trong các dân tộc có nền văn hóa cao, và nó được các chính khách phái
tả, phái hữu và phái trung chia sẻ.
Pháp là một ví dụ điển hình. Đông đảo các trí thức và
chính khách lo ngại về khả năng đất nước từng sinh ra Michel de Montaigne
(Nhà văn, triết gia, 1533-1592), René Descartes (triết gia, 1596-1650), Jean-Baptiste
Racine (nhà soạn kịch, 1639-1699) và Charles Pierre Baudelaire (nhà
thơ, 1821-1867), đất nước suốt một thời gian dài từng có uy tín trong lĩnh
vực thời trang, ẩm thực, nghệ thuật, tư duy và trong mọi hoạt động tinh thần
của con người, có thể bị xâm lăng bởi các món ăn nhanh của “Mac-Donalds”, Pizza
Hut, “Gà rán Kentucky”, rok, rap, điện ảnh Holywood, giày thể thao, quần jeans
và áo thể thao. Hậu quả của nỗi sợ hãi đó là: Chính phủ Pháp cấp những khoản
tài trợ khổng lồ cho công nghiệp điện ảnh, yêu cầu áp dụng định mức buộc các
rạp phim công chiếu một số lượng nhất định các bộ phim trong nước và hạn chế
nhập khẩu phim Mỹ. Nỗi lo sợ đó cũng là nguyên nhân để chính quyền thông qua
nhiều quyết định nghiêm khắc, xử phạt việc sử dụng từ ngữ đặc Anh trên đường
phố, làm ngôn ngữ của Molière mất trong sáng (song khách bộ hành có thể thấy
những quyết định này hầu như không có hiệu lực, ngay tại Paris). Nỗi lo sợ này
cũng lý giải vì sao José Bové, một chủ trang trại Pháp, với lời tuyên bố sẽ
thập tự chinh chống La Malbouffe (món ăn tệ hại), đã trở thành anh hùng của
nhân dân Pháp.
Theo tôi, luận chứng “văn hóa chống lại toàn cầu hóa”
này không thể chấp nhận được, cho dù phải công nhận rằng trong sâu xa nó hàm
chứa chân lý không thể bác bỏ. Thế giới mà chúng ta cần phải sống trong thế kỷ
XXI sẽ kém rực rỡ hơn, thiếu sự tô điểm của sắc màu địa phương hơn so với trước
đây. Các lễ hội, những bộ trang phục, những phong tục, nghi lễ, lễ tiết và
những quan niệm trong quá khứ từng đem lại sự đa dạng về dân tộc và dân gian
cho nhân loại dần dần biến mất hoặc bị thu hẹp, một bộ phận chủ yếu của xã hội
đang từ bỏ chúng và tiếp nhận những hình thức sống khác phù hợp hơn với những
hiện thực của thời đại chúng ta. Quá trình đó đang diễn ra ở tất cả các nước
trên thế giới và ở một số nước nó diễn ra nhanh chóng hơn. Song điều này không
liên quan tới toàn cầu hóa. Quá trình này chủ yếu là kết quả của hiện đại hóa.
Toàn cầu hóa chỉ là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của quá trình đó.
Tất nhiên, có thể nuối tiếc. Song quá trình này là tất
yếu. Các chế độ độc tài, do lo sợ bị hủy diệt, đã khép kín với thế giới bên
ngoài và áp đặt đủ loại cấm đoán. Song ngay cả điều đó cũng không thể ngăn chặn
cái mới từng bước thâm nhập, cái hiện đại dần dần phá hủy cái gọi là tính đồng
nhất văn hóa vô bổ. Về lý luận, bất cứ nước nào cũng có thể bảo toàn tính đồng
nhất của mình, song chỉ trong trường hợp như một số bộ lạc hẻo lánh châu Phi và
sông Amazonas, hoàn toàn biệt lập, xa lánh mọi dân tộc khác, sống hoàn toàn tự
cung tự cấp. Kiểu bảo toàn ấy sẽ đưa xã hội về thời tiền sử.
Hiện đại hóa đang thực sự làm biến mất nhiều hình thái
sinh hoạt truyền thống. Song đồng thời nó cũng mở ra những cơ hội và là bước
tiến quan trọng đối với xã hội nói chung. Đó cũng là lý do để các dân tộc, khi
có thể lựa chọn tự do, đã không một chút do dự, ưu tiên cho hiện đại hóa, đôi
khi bất chấp ý nguyện của các thủ lĩnh hay những truyền thống tinh thần của họ.
Những phát biểu vô căn cứ nhằm chống toàn cầu hóa và
bảo vệ tính đồng nhất văn hóa là bằng chứng về quan niệm tĩnh trong văn hóa,
thiếu cơ sở lịch sử. Có nền văn hóa nào không hề thay đổi? Một nền văn hóa như
vậy chỉ có thể tồn tại giữa các cộng đồng nhỏ, đa thần giáo nguyên thủy, ngụ cư
trong hang động, tôn thờ sấm chớp và quái vật. Những cộng đồng đó, do tính
hoang sơ của mình, luôn bị bóc lột và hủy diệt. Tất cả các nền văn hóa khác,
đặc biệt là những nền văn hóa đủ mức hiện đại và có sức sống, đã tiến hóa và
đang là chính mình qua nhiều thế hệ. Sự tiến hóa đó thực sự rõ nét ở những nước
như Pháp, Tây ban Nha và Anh, nơi những thay đổi liên tục diễn ra trong suốt
nửa sau của thế kỷ qua, thực sự ấn tượng và sâu sắc đến mức những người như
Marcel Proust (nhà văn Pháp, 1871-1922), Lorca Federico Garcia (nhà
thơ Tây Ban Nha, 1898-1936) hay Virginia Woolf (nữ nhà văn Anh, 1882-1941) cũng khó ngờ được.
Khái niệm “tính đồng nhất tập thể” là hư cấu về tư tưởng
và là nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều nhà dân tộc học và nhân chủng học
không coi khái niệm này là khả dụng, ngay cả với những cộng đồng cổ xưa nhất.
Thực tế thì những phong tục có thể có ý nghĩa quan trọng sống còn để bảo vệ một
nhóm người nào đó, song trữ lượng chủ động và sáng tạo của các thành viên cần
thiết để giải phóng họ khỏi nhóm bao giờ cũng to lớn. Những khác biệt cá nhân
luôn vượt khỏi những giới hạn tập thể… Toàn cầu hóa đem lại cho mọi công dân
trên hành tinh này những khả năng to lớn để thiết lập bản thể văn hóa cá nhân
của họ thông qua những hành động tự nguyện, phù hợp với sở thích riêng và động
cơ thầm kín của họ. Ngày nay các công dân không phải lúc nào cũng có bổn phận
(như trong quá khứ và hiện vẫn tồn tại ở một vài nơi trên thế giới) tôn trọng
sự đồng nhất từng cưỡng bức họ vào trại tập trung, đẩy họ vào bế tắc, trói buộc
họ bằng ngôn ngữ mà họ sử dụng, bằng thuộc tính dân tộc, tín ngưỡng, cũng như
bằng những phong tục ở nơi họ được sinh ra. Với ý nghĩa này, toàn cầu hóa đáng được
chào đón bởi nó thực sự mở ra những chân trời mới cho tự do cá nhân.
Nỗi lo Mỹ hóa phần lớn là ý chí chính trị, chứ ít phản
ánh hiện thực. Tất nhiên, không hề nghi ngờ rằng toàn cầu hóa đã biến tiếng Anh
thành ngôn ngữ chung của thời đại chúng ta, như từng xảy ra với tiếng La tinh
vào thời Trung cổ. Và toàn cầu hóa sẽ tiếp tục sự vận động của mình, bởi nó là
công cụ không thể thay thế để thực hiện những bản hợp đồng quốc tế và giao
tiếp. Song không có nghĩa là tiếng Anh liên tục phát triển để thay thế những
ngôn ngữ vĩ đại khác. Những đường biên giới biến mất, và mối ràng buộc lẫn nhau
của thế giới, đã tạo ra những tác nhân kích thích để nghiên cứu và lĩnh hội các
nền văn hóa khác, không chỉ vì sở thích thuần túy, mà còn là cần thiết, bởi khả
năng nói được vài ngôn ngữ và cảm thấy mình thuận lợi trong môi trường văn hóa
khác trở nên vô cùng quan trọng để thành công trong nghề nghiệp.
Lấy tiếng Tây Ban Nha làm thí dụ. Khoảng nửa thế kỷ
trước, những người Tây Ban Nha thiết lập một cộng đồng hướng nội, để rồi họ cảm
thấy mình bị hạn chế vô cùng khi ở ngoài những đường ranh giới ngôn ngữ truyền
thống. Ngày nay, tiếng Tây Ban Nha
đang trở n?n rất n?ng
động và thành công khi chiếm l?nh
được những bàn đạp ở cả những v?ng
lãnh thổ rộng lớn tr?n khắp n?m châu lục. Đang c? khoảng 25-30 triệu người Mỹ n?i tiếng Tây
Ban Nha. Đó là lý do vì sao hai ứng cử viên vào cương vị tổng thống Mỹ (George
W. Bush và Al Gore) đã tiến hành chiến dịch tranh cử bằng cả tiếng
Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Hàng triệu nam, nữ thanh niên quốc tế chấp nhận những
thách thức của toàn cầu hóa – họ nghiên cứu tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Quan
hỏa và Quan thoại của Trung Hoa, tiếng Nga hay tiếng Pháp! Khuynh hướng này
trong những năm gần đây đang gia tăng. Họ phấn đấu trong toàn bộ không gian của
thế giới này, chứ không ngoan cố với kỳ vọng ngây thơ chống lại tiếng Anh trào
lưu. Đó là cách bảo vệ tốt nhất các nền văn hóa và những ngôn ngữ riêng. Nhiều
người ngoan cố hay nói về văn hóa, nhưng chỉ là những kẻ ngu dốt muốn che đậy
bản chất thực sự của mình – chủ nghĩa dân tộc. Bài học tốt nhất do các nền văn
hóa đem lại là chúng không cần sự bảo vệ của những kẻ giáo điều, quan liêu;
không cần che chắn bằng màn sắt; hay ngăn cách bằng thiết chế hải quan. Ngược
lại, những nỗ lực như thế chỉ làm khô héo, thậm chí tầm thường hóa văn hóa. Các
nền văn hóa cần được sống tự do, thường xuyên đua tranh nhau.
Nhờ đó chúng đổi mới và khắc phục được những tồn tại
của mình, có cơ hội tiến hóa và thích nghi. Trong thời Cổ đại, văn hóa La tinh
không bóp chết văn hóa Hy Lạp. Ngược lại, tính độc đáo và sâu sắc của tinh thần
Hy Lạp cổ (Hellenism) đã nuôi dưỡng nền văn minh La Mã, qua đó các trường ca
của Homer, triết học của Platon và Aristotle đã được quảng bá khắp thế giới.
Toàn cầu hóa không làm các nền văn hóa khu vực biến mất. Tất thảy những gì giá
trị, xứng đáng được bảo tồn đều sẽ tìm thấy mảnh đất phì nhiêu để phát triển
thịnh vượng.
Điều này diễn ra khắp nơi. ở Tây Ban Nha, các văn hóa
vùng miền một lần nữa hồi sinh năng động, xứng đáng được quan tâm đặc biệt.
Trong giai đoạn độc tài của Tướng Franco, chúng bị trấn áp và phải tồn tại bất
hợp pháp. Song với sự hồi sinh của nền dân chủ, sự đa dạng phong phú của văn
hóa Tây ban Nha lại nảy nở và có cơ hội phát triển tự do. Trong hệ thống chính
trị tự trị, văn hóa các vùng miền đã nhận được xung năng để thăng hoa vượt bậc,
đặc biệt ở Catalunya, Galicja và ở vùng đất của dân Bask (Euskaldunak). Tất nhiên, ta không thể lẫn
lộn sự hồi sinh văn hóa vùng miền đó – một nhân tố tích cực, với hiện tượng kỳ
quái của chủ nghĩa dân tộc đang tạo ra những nguy cơ thực sự cho văn hóa tự do.
Trong tiểu luận nổi tiếng Những dấu hiệu để xác định
văn hóa vào năm 1948, nhà thơ, nhà phê bình văn học Thomas Eliot đã tiên
đoán rằng, trong tương lai, nhân loại sẽ trải nghiệm thời kỳ Phục hưng
(Renaissance) mới của các văn hóa địa phương và vùng miền. Lời tiên đoán này
từng được coi là táo bạo. Song toàn cầu hóa đang nhanh chóng biến nó thành hiện
thực của thế kỷ XXI, và chúng ta nên vui mừng với điều đó. Sự hồi sinh của các
nền văn hóa nhỏ, địa phương sẽ trả lại cho nhân loại sự đa dạng phong phú của
các hình thái phẩm hạnh và năng lực – những gì đã bị chủ nghĩa dân tộc cực đoan
hủy diệt vào cuối thế kỷ XVIII và đặc biệt trong thế kỷ XIX với kỳ vọng xây
dựng cái gọi là đồng nhất văn hóa dân tộc (sự thật này bị lãng quên, hoặc chúng
ta cố tình lãng quên bởi những hệ lụy tinh thần nặng nề của nó).
Các nền văn hóa dân tộc thường được xây dựng trong máu
và lửa, khi bị ngăn cấm. Bất chấp những hành động quyết liệt của những kẻ lo sợ
toàn cầu hóa, việc xóa bỏ hoàn toàn một nền văn hóa, cho dù nhỏ bé, không hề
đơn giản, đặc biệt là nền văn hóa giàu truyền thống và có cả một dân tộc vẫn
tuân thủ (dù công khai hay không). Ngày nay, do sự suy yếu của các đường biên
quốc gia, chúng ta thấy được những nền văn hóa nhỏ bé, thầm lặng, từng bị lãng
quên đang hồi sinh và bộc lộ những dấu hiệu sống tích cực trong dàn hòa tấu vĩ
đại của một hành tinh đang toàn cầu hóa.
Lê My
Theo Foreign
Policy và Noblit 2010.
Nguồn: Văn nghệ
day kem
ReplyDeletegia su