.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, January 10, 2012

Thơ lục bát dự thi: RỘNG… NHƯNG CHƯA CAO, CHƯA SÂU


(Về cuộc thi thơ Lục bát trên tạp chí VNQĐ và tạp chí Sông Hương trong 2 năm 2010 và 2011)
Xét về mặt hình thức, nhìn chung, thơ lục bát đã ổn định như sáu cộng tám bằng mười bốn. Không thể làm thay đổi số lượng âm tiết trong từng câu lục và câu bát, cũng như các qui tắc về vần, luật bằng trắc mà ông cha ta đã đãi lọc, định chuẩn, gìn giữ sau mấy nghìn năm. Mọi cuộc thi lục bát, theo tôi, trước hết là để bảo tồn, tôn vinh thể thơ truyền thống của Đất Việt mà đỉnh cao của nó tính đến bây giờ có lẽ chưa ai vượt Nguyễn Du với Truyện Kiều nổi tiếng của Ông. Cuộc thi nào cũng nhằm kiểm chứng khả năng “hòa nhập” của thơ lục bát với cuộc sống hôm nay; người đương thời còn yêu thích nó nữa hay không. Lục bát, đã là trăng mới mọc, đèn mới khêu, đã là cây đa, bến nước, sân đình, đã là canh rau muống, cà dầm tương… rồi nay làm mới, làm hay nó ra sao đây?
Tôi nghĩ: ai yêu thơ lục bát, làm thơ lục bát mà chẳng đau đáu câu hỏi ấy! Cũng vậy, ta rất dễ OK với nhau rằng thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Dễ, đó là nói một cách tương đối khi ai đó viết được một bài “thơ” theo thể sáu tám với vần, thanh rất chuẩn không thể bắt bẻ được chẳng mấy phức tạp rắc rối. Nhưng nếu nó nhạt như nước ao thì đó chắc chắn là hàng kém chất lượng rồi. Còn làm một bài lục bát mà thiên hạ cho rằng “đọc được” thì đã là chuyện khác. Lục bát hay thì lại là chuyện vô cùng khác nữa. Khó muôn vàn và hiếm hoi lắm nếu cạn tình, kém tài và chẳng có duyên. Tôi mạo muội cho rằng một bài lục bát hay, phải hội tụ được trong nó cảm xúc tràn trề, tứ thơ độc đáo, hình ảnh mới mẻ và ngôn từ đắc địa. Nếu không nó sẽ bị trượt qua dạng vần vè, sáo mòn, rỗng tuyếch khi ta say sưa đuổi theo lối cũ nẻo quen.
Lan man một chút như thế để thấy trước cái khó của cuộc thi thơ lục bát của tạp chí Văn nghệ quân đội phối hợp với tạp chí Sông Hương bây giờ. Thử thách không chỉ thuộc về các tác giả dự thi mà trước hết là với những người tổ chức. Cho đến nay, hai phần ba chặng đường đã qua nhưng xem ra vẫn hiếm hoi lắm những bài lục bát ấn tượng; có cảm giác cuộc thi cứ trôi đi lặng lờ bằng bặn. Đang ở đâu những Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn của cuộc thi lần này? Tôi xin nói thật, thơ lục bát dự thi:
Rộng…nhưng chưa cao, chưa sâu
Núi non, sông thẳm ở đâu chưa về?
1.Rộng:
Cuộc thi thơ lục bát 2010 -2011 của tạp chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Sông Hương phối hợp tổ chức đã thu hút khá nhiều bạn viết tham gia. Tôi nhận ra một số tên tuổi các nhà thơ quen thuộc như Võ Sa Hà, Phạm Trọng Thanh, Thai Sắc, Lệ Bình, Quang Chuyền, Phan Tùng Lưu, Nguyễn Thanh Mừng, Bình Nguyên…có tác phẩm dự thi trên Văn nghệ Quân đội bên cạnh những cây bút mới mẻ, thậm chí lần đầu tiên xuất hiện. Đối tượng dự thi gồm nhiều thành phần, trong và ngoài quân đội đều góp mặt. Trong số hàng nghìn bài thơ lục bát gửi về 2 tòa soạn đã có hàng trăm tác phẩm được lựa chọn giới thiệu trên Văn nghệ Quân độiSông Hương đủ các đề tài: chiến tranh - người lính, quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, thế sự tâm linh…Quá khứ, hiện tại và cả những dự cảm tương lai nữa đều được đề cập đến trong thơ lục bát dự thi. Ta gặp gỡ những chuyện đời, những góc cuộc sống, những tâm tình xưa nay, xa gần lớn nhỏ…trong các bài thơ lục bát. Qua cuộc thi này càng chứng tỏ: thơ lục bát không kén đề tài, không bó hẹp lại trong một vài mảng đời sống nào cả. Đề tài và nội dung được chuyển tải trong thơ lục bát dự thi trên Văn nghệ Quân độiSông Hương hết sức phong phú, cởi mở, rộng rãi. Chúng ta có thể đọc được những bài thơ viết về chiến tranh và người lính như Nghe từ mộ gió của Quang Chuyền; Bên mộ cha của Hoàng Gia Minh; Cỏ ở sân bay Tà Cơn của Nguyễn Đình Xuân; Góc vườn của hai người đàn bà của Nguyễn Thị Liên Tâm; Dưới tán bàng Côn Đảo của Phạm Trọng Thanh; Thêm một mùa ngâu nhớ của Đinh Hữu Niên; Kỷ vật của Trương Nam Chi; Trễ mùa của Vũ Thiên Kiều; Ám ảnh màu sô của Hoàng Phụng Cầm…, viết về đất nước quê hương như Chợ âm dương của Nguyễn Thanh Mừng; Mái rạ cuối cùng của Phạm Thái Quỳnh; Cô tôi của Hoàng Anh Tuấn; Ngựa đá sang sông của Trần Hưng; Lời cầu xin bên mẹ của Hoàng Phụng Cầm; Đất của Trần Trí Thông; Đảo chờ của Du An…, viết về tình yêu như Trăng tì giêng hai của Nguyễn Thánh Ngã; Viếng xuân của Miên Di, viết về thế sự như Xe ôm ca của Trần Hưng; Người bán hàng rong của Nguyễn Thấn; Bóng sao gầy của Bình Thanh; Trên bãi chợ khuya của Nguyễn Quân; Chiều nay con gặp một bà của Du An…
Đấy là tôi mới sơ bộ liệt kê theo kiểu nhớ gì chép nấy, còn rất nhiều bài nữa. Hàng trăm bài thơ, hàng trăm mảnh đời, hàng trăm tâm trạng, hàng trăm giải bày, hàng trăm sắc màu của cuộc sống vốn rất bộn bề nổi chìm mờ tỏ. Bóng dáng của những người đã khuất, buồn vui cuộc sống bây giờ, núi cao biển cả, làng mạc, bãi bờ, đồng ruộng, cỏ cây…tất cả dường như đã góp mặt trong những vần thơ sáu tám truyền thống. Sơ lược phác ra cho ta một hình dung dẫu chưa đủ đầy về diện mạo khoáng đạt của cuộc thi lần này; đó là một độ rộng đáng mừng về lực lượng tham gia, về số bài gửi tới 2 tòa soạn, về đề tài nội dung.
2.Chưa cao và chưa sâu:
Từ một phần bề rộng cuộc thi lục bát, tôi lựa ra những vần thơ “đọc được” theo cảm nhận của riêng mình. Cái tôi cho “được” có thể là “không được” với ai đó hoặc đến phần tôi trích dẫn những câu lục bát “lục cục lạo sạo” sau này có thể không đúng với suy nghĩ của người khác. Không sao cả, miễn là cởi mở và thành tâm. Và biết lắng nghe…
Dù chưa tìm được bài hay nhưng tôi cũng bắt gặp đó đây những lấp lánh đáng trọng.
Đó là Bình Thanh với những câu: Hội quân hương nếp lưng bình/ Men thơ chưng cất bằng tình rong rêu/ Chân hề nhấn sóng liêu xiêu/ Tim người ngưng đọng mấy chiều gió xoay (Bóng sao gầy).
Đó là Quang Chuyền với:Lặng trong khoảng gió không màu/ Bỗng dưng bắt gặp niềm đau kiếp người (Nghe từ mộ gió).
Đó là Hoàng Gia Minh với: Quê nghèo bạc cả đời sông/ Đất nghèo bạc cả gió đồng thổi lên (Bên mộ cha).
Đó là Nguyễn Thánh Ngã với: Co ro đồng rạ vàng ươm/ Búp hoa lại nở giữa nơm nớp bùn Em thơm như một nụ hồng/ Cành gai tôi nắm chắc không đau gì (Trăng tì giêng hai).
Đó là Nguyễn Thị Liên Tâm với: Chị ngồi chắt cạn chơi vơi/ Ủ mùi rơm rạ về phơi tứ bề ( Góc vườn của hai người đàn bà).
Đó là Nguyễn Quân với Chị quay về phía bóng mình/ Đôi mắt ướt đẫm vô tình ngó nhau (Trên bãi chợ khuya).
Đó là Trần Hưng với: Nõn nà sang với rêu phong/ Cỏ hoa đã sẹo bên hông ngựa thồ ( Ngựa đá sang sông) và Phải cơm phải áo thì đua/ Biết đâu gian dối mà chừa cả tin/ Lùi ra dịch lại đi mình/ Để ta chất nốt nhân tình lên xe (Xe ôm ca).
Đó là Đinh Hữu Niên với: Đêm đêm vong vóng một mình/ Lần về nước mắt bóng hình trong mơ/ Thì xin mượn tiếng chuông thờ/ Gõ vào đêm lặng mà chờ qua đêm (Thêm một mùa ngâu nhớ).
Đó là Hoàng Anh Tuấn với: Vai sờn gánh nắng sang mưa/ Gánh sương sang gió, gánh trưa sang chiều ( Cô tôi).
Đó là Nguyễn Thấn với: Giữa nơi đất chật người đông/ Người đem ra bán cánh đồng lệch vai…(Người bán hàng rong).
Đó là Vũ Thiên Kiều với: Cho nhòa nét cái ban thờ/ Trời buông một giọt ảo mơ…trễ mùa (Trễ mùa) hay: Lặng im thành lặng im hờ/ Mưa vào trong mắt chữ ngờ chưa tan (Vàng)
Tiếc là bài hay theo kiểu “quen” cũng chưa có mấy, bài hay “lạ” thì hình như chưa xuất hiện. Khá nhiều bài thơ trung bình, kiểu bằng bặn, nhịp nhàng, êm êm như ta đã từng đọc, đã từng nghe trước đây. Tôi cho rằng đến giờ chưa có tác giả nào nổi lên như một “hiện tượng”, một “ngôi sao” của cuộc thi bởi chưa có chùm lục bát nào làm cho ta phải nghiêng mình tâm phục khẩu phục. Mong có ngôi sao đó đang ẩn trong mây, chờ dịp phát sáng trên bầu trời lục bát với những bài thơ đặc sắc của mình.
Còn bây giờ, diễn đạt một cách quen thuộc là cuộc thi chưa có “đỉnh” và “nền” của nó cũng tầm tầm, chưa vượt qua các cuộc thi thơ lục bát trước đây. Tầm cao và độ sâu của khá nhiều bài thơ lục bát dự thi ở mức độ vừa phải. Đấy là chưa nói tới một số bài thơ yếu cũng được giới thiệu trên Văn nghệ quân đội.
Trong thơ lục bát, điều tối kỵ nhất là lệch vần. Ai cũng biết đọc một câu thơ lục bát mà vần không chuẩn chẳng khác chi ăn cơm nhá phải sạn. Có dạng vần tuyệt đối, rất chuẩn như: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (Ca dao); có dạng vần tương đối như: “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e” (Truyện Kiều-Nguyễn Du) hay ép vần để giữ ý như: “Mặt trời là trái tim anh/ Mặt trăng vành vạnh là tình của em” (Bầu trời vuông-Nguyễn Duy)…
Tôi mạnh dạn trích dẫn mấy câu thơ lục bát “sạn” trong một tác phẩm dự thi được in trên Văn nghệ quân đội năm 2011 mà theo tôi là vần không chuẩn và ý tứ mòn cũ, ngôn từ dễ dãi: Bước chân theo vệt nắng trôi/ Suối ngập ngừng chảy mắt người rưng rưng/ Như là gặp lại giữa rừng/ Bóng anh lặng lẽ mỗi lần nghĩ suy/ Ngọn đèn lay lắt sẻ chia/ Tiếng rừng “tắc bụp” canh khuya cháy lòng/ Vách tường lứa (chẳng biết lứa hay là nứa?) dựng song song/ Như bên anh cả đoàn quân trùng trùng/ Anh cười vầng trán ung dung/ Niềm tin chiến thắng vững lòng người đi/ Vắng nghe cành lá thầm thì/ Anh đồng hành mỗi bước đi của rừng (TS- Dưới tán rừng Mường Phăng).
Lại có những bài thơ “cố” làm ra “mới” nhưng đọc vào lại chỉ thấy sự cao giọng ồn ào, thiếu độ nhuần nhuyễn: Đêm nay núi cũng ngủ mơ/ Trường Sơn xương trắng bài thơ bi hùng/ chiến tranh ủy nhiệm lòng trung/ hiến thân Tổ quốc hào hùng anh linh (NT- Đêm nay núi cũng ngủ mơ) hay: người con Tổ quốc chết ngồi/ chết-không bom đạn-ngực bồi khói “Cam”/ mở trừng con mắt Việt Nam/ những vành đai úa sắc vàng phiêu diêu (NT- Di chứng).
Cuộc thi chưa tới đích và đây mới là giai đoạn nước rút, giai đoạn sôi nổi hào hứng nhất. Những bài thơ lục bát hay nhất, biết đâu sẽ được ai đó tung ra vào thời gian này để dành lấy một chiến thắng ngoạn mục. Là một bạn viết, bạn đọc yêu thơ lục bát tôi hy vọng điều đó. Và cũng không mong gì hơn cuộc thi thơ lục bát khởi hành cuối thập kỷ thứ nhất thế kỷ 21 của tạp chí Văn nghệ quân đội và tạp chí Sông Hương sẽ tỏa sắc tưng bừng trong thời gian còn lại và gặt hái được nhiều thành quả bất ngờ. Từ cuộc thi mang nhiều ý nghĩa này, thêm lần nữa thơ lục bát thể hiện sức sống dẻo dai bền lâu của mình. Dẫu chưa phải là Quốc thi như có người mong muốn thì thơ lục bát vẫn thấm đẫm hồn vía dân tộc từ ngàn xưa và cho tới mai sau.
NGUYỄN HỮU QUÝ

No comments:

Post a Comment