.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, January 18, 2012

CÓ NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ CON NGƯỜI ĐÔI KHI CÒN LY KỲ HƠN CẢ CHUYỆN XẢY RA NGOÀI VŨ TRỤ


Có những câu chuyện về con người đôi khi còn ly kỳ hơn cả chuyện xảy ra ngoài vũ trụ. Nhưng tôi sẽ không giới thuyết nữa. Nhà thơ Đoàn Việt Bắc. Họa sỹ Đoàn Việt Bắc. Bạn đã nghe đến cái tên này bao giờ chưa? Cũng có thể là chưa! Nhất là lớp trẻ. Từ lâu con người ấy dường đã như biến đi khỏi thế giới này. Thì đành vậy. Mặt trời vẫn mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây và hoa vẫn nở...

Chân dung Đoàn Việt Bắc
Trên ngõ chợ Văn Chương, phố Khâm Thiên Hà Nội thỉnh thoảng người ta vẫn gặp một con người gầy gò, cao nhẵng. Mùa hạ anh thường mặc một chiếc sơ mi màu xanh da trời. Mùa đông thường mặc một chiếc áo len mỏng. Anh buớc đi chậm. Lúc thì nhìn trời. Lúc thì nhìn người. Hai tay anh luôn để trước ngực như đang phòng thủ một cú đấm của ai đó. Nhưng ngón tay cái và ngón trỏ lại luôn bấm vào nhau thành hình tròn như kiểu của những người tập nhân điện. Miệng anh luôn lẩm bẩm.
Mấy năm trước, nhà báo Từ Khôi đã viết một bài báo về số phận bi thảm của một nhà thơ, một họa sỹ đăng trên báo Tiền phong từng gây chấn động nhiều tâm hồn dễ cảm xúc và có trách nhiệm rồi trên báo Văn nghệ trẻ xuất hiện bài báo thứ hai của tôi nói về tập thơ “Lá Trung Quân - một tập thơ hay bị lãng quên”. Không ít người lúc đó đã xôn xao về Đoàn Việt Bắc.
Bây giờ thì bạn không còn nghi ngờ con người có đôi mắt hoang hoải và thế bước liêu xiêu mà tôi nhắc đến ở trên chính là nhà thơ có nhiều tác phẩm gây xúc động lòng người và từng là một họa sỹ thiết kế phim “Hồi chuông màu da cam” đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Caclovy Vary tại Tiệp Khắc thập niên 80. Anh là Đoàn Việt Bắc (tên thật là Đoàn Đình Hảo). Anh sinh năm 1949 tại Hải Yến, Phù Tiên, Hải Hưng (nay là Hưng Yên). Thời trai trẻ anh từng là phóng viên báo Tuyên Quang. Từng vào chiến trường miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ.
Một ngày đầu xuân năm 2002, tôi đã nghe trong căn nhà của anh, giọng đọc thơ oằn oại, thê thảm bài thơ của chính nhà thơ:
           “Chén rượu giao thừa anh uống mình anh
           Rượu không uống buông tay rơi vỡ chén
          Trời và đất bỗng bùng bùng lửa bén
          Màu máu hồng loang đỏ cả chiều xuân”.
Đấy là lúc tôi bước vào. Nhà thơ đang thưởng thức cái cô đơn kỳ lạ của một người bị bỏ rơi ở một góc trời. Trông thấy tôi, Đoàn Việt Bắc đứng lên. Trước đây có lần tôi đã cùng nhà văn Sơn Tùng, nhà báo Từ Khôi đến thăm anh. Tôi cũng đã gặp anh nhiều lần tại Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng. Không tỏ ra chút gì là quen biết Đoàn Việt Bắc tiến đến phía tôi và đứng sững lại. Bỗng anh ngước mắt lên trần nhà, ngón tay trỏ theo hướng nhìn. Anh nói như thầm thì:
- Thi hào Nguyễn Du đang nói chuyện thơ với toàn dân vũ trụ.
Tôi sững sờ. Anh nghiêng tai nghe ngóng. Cố nghe cho được cái âm thanh kỳ diệu, giọng đọc thơ của thi hào Nguyễn Du. Rồi anh nhìn tôi như hỏi “ có nghe được không?”. Tôi bước lùi lại và giọng anh ngân lên:
“ Xưa sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.
Rồi anh ngừng lại nhìn lên trần:
- Nguyễn Du đi mất rồi... - Giọng anh như hụt giữa chừng. Nuối tiếc. Rồi anh lại nói, động tác như người đứng trước đám đông, nghiêm trang - Chú ý, nhà thơ Đoàn việt Bắc nói chuyện thơ với toàn dân vũ trụ.
Anh lại im lặng. Tôi bảo:
- Anh nói đi.
- Các nhà thơ lớn chết hết rồi còn ai nữa mà nói. - Câu nói ấy của Đoàn Việt Bắc làm cho tôi lặng đi. Lát sau tôi phá sự im lặng:
- Thì anh nói về thơ của anh vậy.
Chúng tôi ngồi xuống tấm chiếu giữa nhà.
- Anh có tác phẩm mới không? Anh đọc đi.
- Thì đọc! - Đoàn Việt Bắc cười. Anh lấy giọng và lại ngâm:
                        “Sinh nhật mình năm nay lạ lắm
                          Năm trăm rau muống luộc nhai suông
                         Em không còn thuở tết tóc đuôi sam
                         Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại”.

Không biết Đoàn Việt Bắc nói đến “em” ở đây là người nào. Trước đây Đoàn Việt Bắc cũng đã từng có vợ. Chị cùng học hội họa với anh ở đại học sau khi anh từ chiến trường ra. Hai người đã xây dựng gia đình và có một con gái. Người con gái nay đã lớn và theo nghề hội họa. Những bức tranh đầu tay cô luôn gửi về cho bố. Có bức đã được lồng treo trong nhà. Từ ngày Đoàn Việt Bắc bị bệnh, người vợ đã không còn cùng anh. Con gái thì cũng có cuộc sống riêng của mình. Thế là từ đó Đoàn Việt Bắc bị đày trong bệnh tật, cô đơn. Anh đã thành người không ai có thể hiểu đuợc nữa.

Mấy năm trước, trên mảnh đất này là một ngôi nhà đầy bụi rác. Đen ngòm. Không điện. Tranh vẽ xong vứt bừa bãi khắp sàn nhà và dưới gầm giường. Trên cánh cửa ải mục ghi dòng chữ: “ Không tiếp khách”. Bây giờ Đoàn Việt Bắc đã có nhà mới. Một căn nhà xinh xắn do anh ruột anh là nhà thơ Đoàn Đình Thứ cùng những người thân khác trong gia đình góp vào xây dựng. Mỗi ngày một hoặc 2 lần nhà thơ Đoàn Đình Thứ lại phải mang cơm đến cho em. Nhiều lúc anh buồn lòng không kìm được nước mắt. Anh kể, bà cụ (mẹ anh và Đoàn Việt Bắc) đã mất. Bà cụ trường thọ. Khi đã tuổi ngoài 80, mỗi ngày cụ thường nấu cơm mang đến cho Đoàn Việt Bắc. Tận đến lúc sắp qua đời bà cụ vẫn còn lo lắng rồi đây không biết ai sẽ chăm sóc Đoàn Việt Bắc thay mình.
Chút suy nghĩ đã làm tôi quên mất chúng tôi đã im lặng trong bao lâu. Bỗng bên tai tôi lại vang lên:
          “Đôi môi đỏ, má màu hồng ngọc
           Mùa thu ơi chớ ngủ quên.”
- Anh đọc thơ cũ đấy nhé! Anh vừa nói là đọc thơ mới cơ mà. - Tôi bảo anh.
- Thơ cũ nhưng ông đã biết đâu mà không đọc.
- Bài “Mùa thu ơi chớ ngủ quên”, trong tập “Lá Trung quân” của anh. Tôi làm sao quên được...
Đoàn Việt Bắc cười.
- Hóa ra ông nhớ được thật à?
- Nhớ chứ! Thơ của anh hay lắm. Nó có nhạc. Có họa. Hình ảnh và cảm xúc nhuần nhuyễn, có cả sự lắng sâu và sự thăng hoa.
Đoàn Việt Bắc lại cười.
- Nói được đấy.
Tôi chia tay anh. Đoàn Việt Bắc đứng như một pho tượng trước cửa. Tôi không biết, sau khoảnh khắc ấy anh sống thế nào. Con người anh, tâm hồn anh vẫn là một bí ẩn... 

Nhà văn THIÊN SƠN

No comments:

Post a Comment