Cứ mỗi lần sắp Tết, tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa, câu thơ giản dị mà sao nó làm tôi rạo rực đến thế, nó nhắc tôi nhớ những lần được lì-xì mừng tuổi từ hồi còn nhỏ. “Hơi thở mới nguyên của đồng tiền mừng tuổi”. Đồng tiền mừng tuổi có hơi thở, hay là chính trái tim mừng rỡ của đứa trẻ nghèo đang đập mạnh khiến cho đồng tiền rung lên? Hay là chính mùi thơm của đồng tiền mới đang phả ra niềm vui của một mùa xuân tươi đẹp đang về?…
Nhớ câu thơ ấy, tôi lại nhớ mẹ tôi nhiều lúc túng thiếu phải cắn răng vay tiền hàng xóm. Ngày tôi đi bộ đội, quá đột ngột với bà. Khi biết tôi đi bà cứ cuống cả lên, không làm xong bất cứ một việc gì bà định làm, mãi đến lúc tôi và bạn bè đã đi tới quãng đường giữa đồng, thấy bà hớt hải chạy theo. Bà đi bên tôi một quãng đường, rồi giúi vào tay tôi mấy chục đồng bạc và một gói cơm nếp còn nóng. Tôi nghĩ, chắc là mẹ đã đi vay tạm ai đó mấy chục đồng để cho tôi, và tôi đã làm một việc mà đáng lẽ không nên làm. Tôi đưa lại bà số tiền bà đã giúi vào tay tôi:
- Con có tiền rồi. Mẹ cầm mà dùng.
Thế là nước mắt bà ứa ra. Bà vừa khóc thút thít vừa đi
theo tôi một quãng nữa. Rồi bà cứ khóc như vậy, quay về làng. Tôi đi, đầu ngoái
lại nhìn theo bóng mẹ đang lùi dần về phía làng quê xanh rợp bóng tre.
Chiến tranh kết thúc, tôi trở về Hà Nội làm báo, viết
văn. Nhuận bút cuốn “Trường ca Đồng Lộc” năm 1980 đươc 3 nghìn đồng, tôi đưa
cho mẹ một nửa góp nuôi các em ăn học. Mẹ lại trào nước mắt vì chưa bao giờ mẹ
có một số tiền lớn như vậy.
Năm 1985 vào ngày đổi tiền, tôi và nhà thơ Thu Bồn lang
thang trên đường phố Hà Nội, không đồng xu dính túi, mà lại thèm ngồi nhâm nhi
chén rượu với nhau. Thu Bồn tháo đồng hồ tay và lấy chiếc mũ cối bộ đội của tôi
đi bán cho con phe để lấy tiền uống rượu, nhưng con phe cũng từ chối. Anh quyết
định “đẩy” chiếc xe máy vec-pa của mình, nhưng người hẹn mua không tới. Liền rủ
tôi đến nhà nhà văn Ngô Thảo xúc mấy kí gạo ra chợ Âm Phủ đổi lấy rượu và thịt
chó. Thế là bạn bè kéo đến uống rượu, đọc thơ trong cái nghèo kẻ sĩ.
Rồi tôi cũng đã có lần gặp người vẽ tiền. Đó là một
ngày đầu xuân mười lăm năm trước, tôi và anh bạn văn ngồi uống rượu cùng họa sĩ
Mai Văn Hiến trong một quán cóc bên vỉa hè Nguyễn Thái Học. Khi tôi lấy một tờ
tiền mới toanh (gọi là tiền “cạo râu”) định trả tiền cho chủ quán thì cụ Hiến
đòi xem. Nhìn đồng tiền mới, cụ bảo, các cậu có biết ai là người vẽ tiền đầu
tiên của chế độ ta không? Thấy chúng tôi lắc đầu, cụ cười nói “tớ cùng ba họa
sĩ nữa”. Ba họa sĩ ấy là Nguyễn Đỗ Cung (vẽ tờ 1 đồng), Nguyễn Văn Khanh (vẽ tờ
20 đồng), Nguyễn Huyến (vẽ tờ 100 đồng). Còn cụ Hiến vẽ tờ 5 đồng. Tờ 5 đồng có
hình Cụ Hồ và anh công nhân quai búa. Khi vẽ hình anh công nhân, cụ Hiến phải
“đi thực tế” tới một cái lò rèn gần ga Hàng Cỏ để vẽ mẫu, nhưng vì việc vẽ tiền
do Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng giao cho phải hết sức bí mật nên ông đã
nói dối mấy anh công nhân là vẽ tranh cổ động… Nhưng cụ Hiến cũng nghèo, vợ
chồng chỉ ở trong một căn phòng hơn chục mét vuông cho đến khi nhắm mắt.
Tại sao chúng ta cứ nghèo mãi như vậy? Tôi có anh bạn
khi còn làm việc ở Ban vật giá Chính phủ, luôn trăn trở về “giá lương tiền”.
Anh rất tâm đắc một câu thơ tôi viết mấy chục năm trước: “Giá chợ đen
ngoảnh mặt với tiền lương”. Anh nói, câu thơ đó làm nhói lòng anh, vì mấy
chục năm rồi mà nó vẫn như mới viết ra. Có lẽ vì thế mà từ công việc quản lý
giá, anh đã viết nên những câu thơ cũng thật nhói lòng:
Giá người ra tử, vào sinh
Làm sao tính đủ phân minh bạc tiền
Giá người vào cuộc đỏ đen
Giá duyên, giá nợ, giá quên, giá mà…
Thì ra còn nhiều chuyện lớn hơn cả tiền bạc. Vậy mà Tết
đến, cái cần có vẫn phải có. Dân gian thật hu-mua khi lưu truyền những câu ca
bất hủ – “Số cô không giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Và
không chỉ có thế, còn có cả những đồng tiền mới phong bao mừng tuổi cho trẻ
thay quà…
Và mùa xuân không bao giờ lãng quên, mùa xuân bao giờ
cũng đúng hẹn mang về cho con người và cây cỏ muôn niềm vui mới.
Đồng tiền như cũng mới hơn cùng với mùa xuân này. Sự
mới mẻ của đồng tiền không phải vì nó mới được in ra, mà chính là nó đang được
nhìn nhận trong sự kìm chế lạm phát của nền kinh tế quốc gia. Các “trần” của
lãi suất tiền gửi, tiền vay đang giảm dần về cuối năm Mão. Tôi mở tờ báo cuối
năm, vui vui khi thấy Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh mục tiêu trong 5 năm
sắp tới là Việt Nam phấn đấu có hai ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân
hàng trong khu vực, có từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ
thống ngân hàng Việt Nam.
Vâng, một đất nước từng có hình ảnh con Rồng riêng của
mình trong các công trình nghệ thuật xa xưa, liệu đến năm Nhâm Rồng này có phun
châu nhả ngọc? Là dân “con Rồng cháu Tiên” ai chả mong một lần “Nhâm biến vi
vương”, cho đất nước thay da đổi thịt, khởi sắc cùng khu vực và thế giới. “Ai
bảo non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm
được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ
chồng… thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”, câu văn xưa của Vũ Bằng hôm
nay đọc lại không khỏi bâng khuâng lưu luyến, và tự thấy mình có quyền ước mơ
về những điều tốt đẹp nhất trên đời…
Xuân xưa đào Bắc, mai Nam. Xuân nay thì mai đào nở rộ
khắp ba miền Bắc Trung Nam. Trên những chuyến bay quốc tế ngày giáp Tết, người
ta gặp cả những cành mai, cành đào rực rỡ sắc xuân đi theo những người con xa
xứ. Sắc hoa cũng là hồn thiêng xứ sở. Tôi chia tay một anh bạn trẻ là Việt
Kiều, anh hỏi tôi về từ “xu” trong bài hát Sông Quê mà anh mang theo. Vâng, “Sông
còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”.
Ngày xưa mẹ đi chợ, chỉ đủ tiền mua một cái bánh đa vừng giá 5 xu về chia cho
các con đang “mong mẹ về chợ”. Mỗi đứa chỉ được một xu quà bánh đa của mẹ thôi
mà sao nhớ cả đời.
Đấy là cái thời nước ta còn tiêu tiền xu. Giờ thì tiền
trăm tiền nghìn cũng chả biết mua gì. Khi con có tiền triệu thì mẹ đã già, mẹ
đã vĩnh viễn không còn nữa. Nhưng con thì cứ mãi nhớ “một xu bánh đa vừng”, cứ
mãi nhớ “Hơi thở mới nguyên của đồng tiền mừng tuổi” thuở ấu thơ…
Ấy là bởi đồng tiền cũng biết sự gửi gắm tình cảm của
con người. Có nhiều câu ngạn ngữ rất hay về đồng tiền, nhưng tôi thích nhất câu
ngạn ngữ Pháp – “Đồng tiền vốn không có bộ mặt, nó nằm trong túi người nào thì
mang bộ mặt người ấy”. Còn hôm nay khi viết những dòng này, tôi tin đồng tiền sẽ
mang bộ mặt của Mùa Xuân.
Mùa Xuân! Đó là những gì đẹp nhất của bốn mùa, của
thiên nhiên và con người hòa hợp. Và khi nhìn vào đồng tiền trước Mùa Xuân, tôi
như cảm thấy được cả “hơi thở mới nguyên” của Mùa Xuân đang đến.
Hà Nội cuối năm Mão.
(Bài đăng báo Ngân Hàng số Tết Nhâm Thìn)
Nguồn: nhathonguyentrongtao
khi đọc câu thơ của anh chú Tạo tôi có cảm giác như đang được sống lại những ngày bé thơ. không khí tết dường như đang ùa về tràn ngập hồn tôi.tôi khao khát được quay trử về ngày xưa ấy. nhưng cuộc sống hiện đại òn ào và vội vã làm cho tôi không đủ khả năng để kiếm tìm một điều đơn giản nhất!
ReplyDeletemột năm hẳn có 365 ngày , ngày vui có ngày buồn có, nhưng chung quy lại vui hay buông không quan trọng quan trọng là biết đi tiếp, cuộc sống rộn rã , đầy ắp niềm vui và tiếng cười, hãy lạc quan để bước tiếp. cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp hảy cố gắng khám phá để tận hưởng nó!
ReplyDelete