Chẳng Đáng Là Cái “Luỵ” Cho Văn Chương
Một nhận xét không chỉ của riêng tôi: Những tác phẩm văn học (tiếng Việt) gửi đăng ở nước ngoài, một khi được chập nhận, nỗi quan tâm duy nhất của tác giả là người đọc sẽ tiếp nhận ra sao. Việc biên tập chẳng thành vấn đề lắm, bản thảo được bảo toàn đến từng dấu ngắt câu ; nếu có chỗ nào người biên tập thấy lấn cấn, họ đều trao đổi chân tình với tác giả.
Không chỉ trên báo mạng, nơi người
ta vẫn cho là khá dễ dãi, trước hết là về câu chữ, mà hẳn là cả trên sách, báo
giấy. Cách nay ít lâu, một tạp chí văn học của Việt kiều ở Canada đăng một bài
của tôi; trước khi đưa in, trưởng ban biên tập đã cẩn thận gửi bản chuẩn bị in
cho tôi, qua thư điện tử, bảo tôi soát lại.
Ở trong nước thì sao nhỉ, đăng báo
và ra sách? Viết một tác phẩm đã khó, cho nó chào đời có khi còn khó hơn. Một
anh bạn ôm tập bản thảo truyện của mình đã mấy năm, nói vậy. Các truyện của anh
có những cái từng được giải thưởng trong các cuộc thi văn chương. Anh bảo “văn
chương hạ giới rẻ hơn bèo” (nói kiểu Tản Đà), đã thế rồi mà còn phải vượt ba
cửa ải mới ra mắt bạn đọc được; mà anh thì không muốn quá “luỵ”. Ba cửa ải nào
vậy? Cửa ải thứ nhất là một thứ “vòng kim cô”, -không có kiểm duyệt mà hoá ra
lại có. Cửa ải thứ hai là nhà xuất bản; họ phải “giữ gìn” nên săm soi đã đành,
mà chẳng phải ban biên tập của nhà xuất bản nào cũng biết tôn trọng tác giả
(cũng là tôn trọng độc giả) để có những sự bàn bạc cần thiết với tác giả, không
đụng bút bừa đi, do nhận thức hoặc do trình độ. Cửa ải thứ ba là nhà phát hành;
có những “nhà” loại này vì chuyện làm ăn có khi “bảo hoàng hơn cả vua”, và
chẳng phải ai cũng biết cần trọng trong việc “nhúng tay vào chuyện văn chương”.
Quả thật, cho ra đời một tác phẩm
chẳng hề dễ dàng. Song, cái luỵ khó chịu đựng nhất lại là ở chỗ đứa con tinh
thần của mình bị “hành hạ”, có khi đến mức sài đẹn, nếu không là chết khi chưa
kịp chào đời.
Hai “cửa ải” đầu thì ngay cả người
không cầm bút cũng ít nhiều cảm nhận. Riêng cửa ải sau thì chẳng phải ai cũng
nhận chân được. Sau đây là một trường hợp khá “lí thú”.
Năm 2007, công ti văn hoá Tràng An
(Ct VHTA) ở Hà Nội, liên kết với nhà xuất bản Đà Nẵng, in và phát hành cuốn Hoàng
Hôn Pha Lê. Khi gửi bản thảo, tác giả đã tỏ ý: không tự tiện sửa chữa. Thế
nhưng khi nhận được sách biếu, tác giả té ngửa ra. Hỏi vì sao có chuyện “biên
tập” kì quặc như vậy, giám đốc công ti trả lời qua thư rằng có năm (5) chỗ
trong bản thảo nhà xuất bản không chấp nhận [Đụng cửa ải hai rồi! -nhưng xem ra
có khi chính là đụng cửa ải 1, “vòng kim cô”, chăng?!] :
1. Đừng để cho những kẻ phản bội
lại những người đã ngã xuống, những kẻ phè phỡn trên những kỉ niệm máu xương
của cả một dân tộc chặn bước đi của mình và con cái chúng ta...
- Câu này là suy tưởng của tác giả
sau khi nghe băng từ ghi lời một liệt sĩ nhắn lại cho vợ con trong truyện Hành
trình đêm giao thừa viết năm 1985, từng được đưa vào tuyển tập “Văn
học Hải Phòng qua các giải thưởng”, năm 2005.
2. Thời bà Eva, Thượng đế là duy
nhất. Thời nay, Thượng đế lại nhiều, không chỉ vì “nhân dân” là chủ”. Những ông
“đầy tớ dân” còn “thượng đế” hơn cả Thượng đế, thực sự và chánh hiệu.
- Đoạn này nằm trong truyện Tội
lỗi nguyên thuỷ, đã đăng trong tạp chí Văn tháng 9-1996 (nhà văn “chính
thống” Anh Đức làm tổng biên tập).
3. Cái sự biết xấu hổ không đáng
xấu hổ. Từ xưa đến nay, biết bao người làm càn, mọt dân hại nước, người ta kêu,
người ta chửi, mà vẫn cứ lì ra đấy ư? Biết xấu hổ thì dạy cho ra dạy, làm cho
ra làm, lãnh đạo cho ra lãnh đạo.
- Các câu này là lời bàn luận
của nhân vật, cũng nằm trong truyện ngắn nói trên.
4. Do đâu mà chỉ có đồng lương
chết đói? Sản xuất đã kém mà bọn mọt dân và bọn phe phẩy đã đục khoét nửa tổng
sản phẩm xã hội ...
- Các câu này là lời tranh cãi của
một nhân vật nằm trong truyện Cái Hạt, đã in trong tạp chí Văn
Nghệ Quân Đọi số 6-1988.
5. Xưa kia anh chiến đấu và
ngã xuống cho niềm tin mà tiền của và bom đạn của đế quốc Mĩ hùng cưòng không
tiêu diệt nổi. Mà nay chúng nó từng tí một, từng tí một đã và đang phá niềm
tin, phá đất nước này. Lũ mối đục khoét thân đê, chỉ lo cho thân xác chúng, cho
cái ổ của chúng, đâu biết rằng đê mà vỡ thì cái ổ của chúng cũng đi đời. Phải
chăng chỉ lũ côn trùng sâu bọ mới không có đầu óc để nghĩ?
Sẽ đến ngày... Chẳng cần Chúa làm
người phán xử cuối cùng, mà cũng chẳng có Ngày tận thế.
- Đây là bộc lộ nội tâm của nhân vật
chính, vợ liệt sĩ, có con trai bị tù oan và bị dồn đến bước đường cùng, ở cuối
truyện ngắn nói trên.
*. Và (đúng ra là 6 chỗ chứ không
phải 5) từ “lương thiện” trong câu đề từ dưới tiêu đề truyện ngắn
Những người làm chứng: “Tặng những trí thức lương thiện”
(được nhà phát hành đổi thành “chân chính”, một tính từ “sang” nhưng sáo
mòn chẳng nói gì nhiều!)
- Cái từ “lương thiện” bị “kị” này
vẫn được đưa vào ngon lành cùng câu đề từ trong tập truyện Nợ Trần cách nay
chưa lâu!
[Vậy đó, những chỗ mà giám đốc Ct
VHTA cho là khó dung (mà tác giả diễn ra là “phạm huý” –trong ngoặc kép) đều đã
được trình làng công khai, coi như đã dược kiểm duyệt rồi, thoát vòng kim cô
rồi! Ông giám đốc Ct nói: “Mỗi nơi có luật lệ riêng”(!), có nghĩa là dẫu lọt
“vòng” kia còn “vòng” này! Ông ta còn bảo: đã in ở sách báo nào cũng “không cần
biết”(!)]
Nhưng nào chỉ có thế! Đọc cả cuốn
sách thấy nhan nhản những chỗ thêm, bớt, sửa, không chỉ riêng từ, mà cả câu,
đoạn câu, thậm chí đoạn văn dài. Chỉ có thể dẫn chứng ra đây một vài chỗ.
# + Đoạn cuối của truyện ngắn “Hành trình đêm giao thừa”, gần
hai trang in chữ nhỏ khổ 13x19, bị biên tập viên (btv) thay đổi hoàn toàn từ bố
cục, cách hành văn, ý tứ, câu chữ, nghĩa là viết lại hoàn toàn bất chấp văn
phong và cách tạo ý của tác giả. Có những chỗ sửa “nhẹ” mà cũng “đau”. Ví
như:
- “Trời lạnh hơn, song khí vị
thanh tân nhẹ lâng của năm sớm đang dâng lên, tin rằng sẽ mơn giấc ngủ của mẹ
con chị” được (bị) thay bằng câu văn khoa trương và sáo: “Trời lạnh hơn. Song
khí vị thanh tân nhẹ lâng của năm sớm đang dâng lên, mang đến cho mẹ con chị
một cảm giác khoan khoái lạ thường. Tin rằng, trong giấc ngủ lấy sức
ngắn ngủi ngay sau đó là một giấc mơ đầy hoa thơm và lộc biếc đã đến với mẹ con
chị”.
- “Không có bom đạn của kẻ thù
thì em cũng đã phải chịu đựng nhiều rồi” (tác giả muốn nói: giả sử không có
chiến tranh phá hoại của Mĩ thì người vợ cũng đã phải chịu đựng nhiều thứ khác,
trong đó có sự đơn chiếc, nỗi nhớ thương, - người chồng rất thông cảm với vợ)
đã “được biên tập” như sau: “Dù không trực tiếp với bom đạn kẻ thù thì
em cũng phải chịu đựng gian khổ nhiều rồi” (“trực tiếp với bom
đạn” thế nào đây? chỉ chịu gian khổ thôi sao! –trái hẳn với văn cảnh của
truyện).
Dưới đây là đoạn kết của truyện
(chừng một phần ba của đoạn cuối của truyện mà btv đã rũ rối ra rồi viết lại;
chỗ gạch dưới là bị cắt bỏ hoàn toàn):
“
Giao thừa năm ấy, giá như Yến không dám đi, hoặc đi không trọn hành trình
thì những năm tháng sau đó sẽ nặng nề đối với chị biết bao nhiêu!
- Nhớ thương anh, em hãy mường
tượng rằng anh đang ở đâu đó mỉm cười dõi theo mỗi bước đi tới của những người
thân. (Câu cuối của chồng Yến trong băng từ)
Tôi trở về nhà ngồi trước trang viết
của mình: "Đừng để cho những kẻ phản bội lại những người đã ngã xuống,
những kẻ phè phỡn trên những kỉ niệm máu xương của cả một dân tộc chặn bước đi
tới của mình và con cái chúng ta, nghe em!" Hừm! Những người dám hi
sinh chẳng ai đã nghĩ thế. Tôi cầm bút. Nhưng đáng lẽ gạch bỏ, tôi chỉ khoanh
lại. Phải có ai đó nghĩ như thế chứ! Song le, trong phác thảo truyện của tôi,
chưa có nhân vật nào đủ tư cách nói lên câu ấy. Tôi cắn đầu bút nhìn ra trời
đêm. Những ai làm cuộc hành trình đêm nay?
Ngoài kia không gian lạnh. Đêm trở
giấc. Khói pháo còn vương vất. Khói pháo thơm và ấm, không như khói súng và
khói bom.”
Ít có nơi đâu biên tập viên (btv)
được phép tự tiện và tuỳ tiện chữa văn cả một đoạn rất dài, bất chấp văn
phong và bút pháp của tác giả.
# Dưới đây là vài dẫn chứng về
chữa câu văn.
+ Mấy dồng ở “3” trên kia (“Cái
sự biết xấu hổ không đáng xấu hổ. ... lãnh đạo cho ra lãnh đạo”) đã
bị sửa thành: “... Chỉ những kẻ, dù ở bất cứ cương vị nào mà dựa dẫm,
ỉ lại vô trách nhiệm, thậm chí còn tham ô tham nhũng, xâm hại lợi ích của dân
của nước thi mới đáng xấu hổ. Ai trong chúng ta biết xấu hổ...”
-Như vậy là biến một câu văn dạng
chính luận thành một câu thuyết giảng chính trị lòng thòng.
+ (Đoạn trên là: “Bỗng đại diện cấp
trên đùng đùng đứng lên trỏ tay: ‘-Các đồng chí hãy nhìn mặt anh ta kìa! /... /
Tôi đề nghị chấm dứt cuộc họp tại đây’. (xuống dòng). Khốn khổ cho chính anh!
Anh hơi hô răng, khi anh mải nghĩ để môi trên hé ra thì nom như nhếch cười”,
tiếp đó là) “Vi đại diện cấp trên vẫn “quan tâm” anh rất sát đã không chịu
nổi” bị sửa thành: “Vị đại diện cấp trên theo dõi anh rất sát đã ác
cảm đến mức không chịu nổi”.
- Btv đã không hiểu hàm ý “quan tâm”
(trong ngoặc kép) nên thay bằng “theo dõi”, lại phải nói chẻ hoe ra “ác cảm đến
mức”, chắc là sợ người đọc không cảm nhận được(!). Mà “không chịu nổi” đâu chỉ
bao hàm có “ác cảm”, trong tình huống của đoạn văn!
+ “..., một sự “thất thoát” lớn
mà rồi các cấp trên cũ của y lẽ ra phải đau buồn lắm lại có người thở phào,
nhẹ người” bị sửa thành “... một sự “thất thoát” lớn như thế mà có
người trong số các lãnh đạo của y lại thở phào nhẹ nhõm”.
-Tác giả nhấn mạnh “lẽ ra phải đau
buồn lắm” và “nhẹ người” là có dụng ý nói đến những kẻ cấp trên đồng pham, cả
trong hơi văn.
+ v.v...
# Rất nhiều chỗ, chẳng còn có thể hiểu btv ra sao!
+ “vận may không cười với tôi nữa”
được biên tập là “một vận hạn không cười được nữa đến với tôi”.
+ (Chỉ cần cấp trên “nhân tiện nói
thêm”) “cũng đủ để các bộ phận khoa giáo, an ninh phải động”
được biên tập là “cũng đủ để bộ phận khoa giáo, an ninh nghi là phản động”
.
+ “đã có lần đi tù hình sự”
được biên tập là “đã có lần phạm luật hình sự, phải tù”
+ v.v...
# Rất nhiều chỗ tự tiện thay
đổi, thêm thắt hoặc cắt bớt vào làm lạc ý hoặc hỏng câu văn:
+ (lấy của công mua ngà voi đem ra
nước ngoài làm quà tặng) “việc đó không những là hành vi tham nhũng, buôn lậu mà
còn phạm luật bảo vệ động vật quí hiếm” được đổi thành “ việc đó không
những là hành vi tham nhũng, buôn lậu mà còn phạm pháp”
- Vậy ra tham nhuĩng, buôn lậu chẳng
phải là phạm pháp! (gạt bỏ một ý để thay vào một lời thừa!)
+ (Chị vợ được yêu cầu nhắn một câu
ghi vào băng từ gửi cho chồng) “Yến bậm môi, rồi “liều” một câu mà ngay sau
đó chị chẳng vừa ý chút nào.”, btv thêm vào trong ngoặc đơn “(vì hình
như đó không phải lời động viên mà chỉ là bày tỏ một nỗi lòng thương nhớ?)”
-Trời ơi! Btv cẩn thận thật! giành
hết “đất” hình dung của độc giả, lại sợ họ kém quan điểm, lập trường nên phải
giải thích thêm như thế!
+ Dẫn chứng trên là “thêm”, còn dưới
đây là một dẫn chứng về “bớt”:
(Hai nhân vật bị đuổi khỏi ngành
giáo dục vì tội làm “nghệ thuật đồi truỵ” trao đổi với nhau trước khi chia
tay):
- ...
- Cảm ơn anh. Tôi chẳng có gì nhiều
để lựa chọn. Song, tôi không muốn để mọi người có thể nghĩ rằng chúng ta bị
như thế này là đáng đời (Cuối câu này, btv sửa lại: “chúng ta như
thế là tội lỗi và đáng đời).
- Chị tin rằng có người quan tâm đến
số phận chúng ta ư?
- Người bình thường dẫu có quan tâm
thì cũng chẳng thể làm gì. Nhưng cũng nên để cho lương tâm họ còn có chỗ để tin
vào những điều tốt đẹp.
Hai câu đối thoại cuối bị xoá bỏ,
xoá bỏ luôn những ý ngầm gửi gắm trong đó có liên quan đến cả đoạn văn.
+ v.v...
# Làm sai lạc câu văn thì có
khi chỉ cần một từ.
+ Thay từ khác vì không hiểu từ hoặc
không nắm văn cảnh:
- “làm đậy” thay bằng “làm vá víu”
- “giao đãi” thay bằng “xã giao”
- “bẻ bai”
thay bằng “bẽ bàng”
- “quẳng nhẹm mọi thứ” thay
bằng “quẳng lại mọi thứ”
- “làm thằng bảo vệ” đổi ra “làm chân bảo vệ” (đây là lời một
nhân vật không tử tế lắm đang mắng một nhân vật khác)
- “can phạm” (người đã bị
tuyên án rồi) đổi ra “bị cáo”
- “bọn đen” (lời một nhân vật
người Pháp gọi người Phi châu đen “les noirs”) đổi thành “bọn mọi đen”
(!)
- v.v...
+ Không hiểu dụng ý của tác
giả nên thay đổi hoặc thêm bớt.
-
“quân giặc nước” thành “quân giặc trong nước”.
- “lời mơ của bọn làm thơ các
anh” thêm vào thành “lời mơ mộng...”
- “bình minh gượng” thay bằng
“bình minh bờn bợt”.
- “chị thoáng lo ngại” đổi
thành “chị đồng cảm và lo ngại” (btv không biết đến tình huống, tính
cách nhân vật)
- v.v...
+ Nhiều khi chẳng biết vì lẽ gì mà
btv thay đổi hay thêm bớt. Dường như biên tập là phải thế, vậy thôi!
- “Con người ấy /.../, ít hiểu đời, không
biết cách sống”; btv thêm vào “... không biết cách sống hoà nhập”
(Rõ ra thich “thời sự hoá” ngôn từ!)
- “người cha hởi lòng khoe với
mọi người...” sửa thành “người cha hởi lòng khen trước mọi ngưòi...”
-(bà hiệu trưởng già dặn) “được cấp
trên ưa” sửa thành “... quan tâm”
- v.v...
Khó mà liệt kê hết, có đến hàng trăm
chỗ “sửa chữa” từ lớn đến nhỏ! Vỡ lẽ ra rằng chẳng phải do nxb mà chính B.P.H.,
giám đốc nhà phát hành, ra tay (ông ta tự cho mình cái quyền biên tập!). Sự
việc đã xẩy ra đáng buồn như thế, tốt ra nên thực sự cầu thị mà giải quyết, vì
nền văn học nước nhà, vì người đọc, chứ đừng quá vì chuyện làm ăn, quá vì “uy
tín” của một doanh nhân “cũng từng in thơ” mà dùng các mánh lới đối phó trí
trá! “Thị trường văn chương” Việt Nam lâu nay bị nhiễu, nhà văn VN khá “lận
đận” rồi !
Mấy năm trước, (cố) giáo sư ngôn ngữ
Cao Xuân Hạo viết bài ca ngợi một biên tập viên (sách và báo) trước đây: rất
tôn trọng tác giả, cần thiết lắm mới sửa trong bản thảo mà mình biên tập, sau
khi trao đổi cẩn thận và được tác giả đồng ý, và thường sửa đích đáng. Ông Hạo
tự nhận là học được nhiều qua sự biên tập của người này, một người chẳng có
bằng cấp cao, mà tự học nhiều, đọc nhiều, tự bồi dưỡng những tri thức và phẩm
chất cần thiết. Những biên tập viên loại này hầu hết “xuất xứ” từ trước Cách
mạng. Ngày nay, có đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó mà tìm ra. Nói cho ngay,
cũng có những btv rất ít khi can thiệp vào tác phẩm như ở các tuần báo, tạp chí
Sông Hương, Cửa Việt, Văn (đã đình bản), Văn Nghệ TP HCM, ... Những tờ như Văn
Nghệ Quân Đội, biên tập cũng có chừng mực. Các báo chính trị, xã hội thì khỏi
nói; những tác phẩm đăng ở trang văn nghệ dễ bị cắt sửa là cái chắc. Cũng có
cái cớ của họ: tôn chỉ; số dòng, cột, trang qui định; ... Biên tập viên ở các
nhà xuất bản cũng tuỳ nơi..
Trước hết, phải cảm thông với cái
khó của btv. Những gì có dính dáng đến chuyện “chính trị”, “tư tưởng”, ... là
không được lơ là. Nhưng cũng tuỳ mỗi tổng biên tập quán triệt và chấp hành chỉ
thị, thành văn và bất thành văn, của trên ra sao. Do vậy mà cái câu khá là đơn
giản và cũng khá là hiền lành: “nhiều chốn nổi tiếng linh thiêng hoá ra lại
là nơi bọn Tàu bày đặt ra để chôn của”, btv báo này để nguyên mà btv nhà
xuất bản kia lại xoá “bọn Tàu” đi!
Ngoài áp lực của “vòng kim cô, btv
vẫn có thể “làm khổ” các tác giả.
Có thể là do nhận thức. Trong một
truyện ngắn, một nhà văn đã viết: “Tôi thì tôi biết anh ta rất rõ. Anh ta và
tôi là đồng hương”, câu văn mang những ý ngầm viết theo “bút pháp Xuân
Thu”. Một btv vốn là giảng viên một trường Cao đẳng Sư phạm đã sửa lại: “Tôi
biết anh rất rõ. Chúng tôi là đồng hương”. Câu văn trở nên gọn thật, kiểu văn
nhà trường, văn học trò, nhưng “chẳng còn chuyện gì đáng nói”.
Cũng có khi do chủ quan, không đọc
kĩ, không chịu tìm hiểu ý tác giả. Chẳng hạn, câu thơ: “Niết bàn xa khuất, bóng
trăng xao”, btv cho là tác giả viết sai chính tả nên tự ý đổi “xao” thành
“sao” và cứ việc đưa in. Tác giả nhận sách biếu, “đau” quá (còn thêm những “cú”
khác nữa). Lạc hẳn ý: Nói về “xao động, xao xuyến”, chứ không nói về trăng sao!
Không hiếm trường hợp là do trình
độ. Nhẹ ra thì chỉ làm “khổ” ở mức đại loại như “con dân một nước văn
minh”) sửa thành “con trai...” ; hoặc “bà ta bèn từ từ đỏ mặt”
sửa thành “bà ta từ từ đỏ mặt”, chắc cho “bèn” là thừa, không hiểu ngụ ý trong
đó ; hoặc, ít hại hơn, “anh ta nói trạng” btv viết hoa “Trạng”; ... Nặng
hơn thì không hiểu từ, cách dùng từ, dụng ý câu cú, ... của tác giả. Ví như “Bà
(Việt kiều đã già) sợ bị xúc động quá. Lúc về đến quê, lúc lại ra đi...”
sửa thành “... Về đến quê, lại phải ra đi...”. Thậm chí, chẳng hạn,
không hiểu “vận may” mà chỉ hiểu “vận hạn”.
Cũng có trường hợp do tuỳ tiện, ý
thức trách nhiệm không cao, hoặc trái lại “quá hăng hái”. Chẳng hạn, “vị êm
ngọt của một đoá môi theo anh vào giấc ngủ” sửa thành “...đoá mua...”
(chắc là vì cảnh trong truyện có đoá hoa mua!).
Thường nhà phát hành, các dạng “đầu
nậu”, cũng nhúng tay vào việc biên tập. Nhưng quá quắt như trên thì cũng “hi
hữu”. Đúng ra, biên tập đâu phải là chức năng của nhà phát hành! Cuối
mỗi cuốn sách, người ta chỉ ghi tên biên tập viên của nhà xuất bản thôi.
Thời buổi này ở Việt Nam, muốn ra
sách mà ít bị đụng chạm trong khâu biên tập, nhà văn tốt nhất là bỏ tiền túi ra
mua giấy phép xuất bản, -nói “ít bị” vì btv nxb nương tay hoặc dễ thuyết phục
họ hơn. Khổ nỗi, việc phát hành lại chẳng dễ. Nói chung, vẫn phải luỵ các “đầu
nậu” bán sách, trong đó có cả (mang danh) “công ti” này, “nhà sách” nọ. Công
tâm mà nói, cũng có đầu nậu được việc mà cố tránh “xúc phạm” tác giả.
Bao giờ không còn ba “cửa ải” -những
cái “lụy” của văn chương?!
18-01-2012
Khải Nguyên
No comments:
Post a Comment