Nhà thơ Tế Hanh bên sân ga cũ
Trong Thi nhân Việt Nam,
Hoài Thanh nhận xét: Tế Hanh là một “người rụt rè ngượng nghịu như một chàng
rể mới”.
|
Đó là Tế Hanh ở tuổi còn trẻ lắm,
đang học trung học và mới bước vào làng thơ. Sau này, khi tham gia Cách
mạng tháng Tám năm 1945, làm Trưởng ty Giáo dục thành phố Đà Nẵng, Ủy viên
Thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, Tế Hanh sống chan hòa với cán bộ, nhân
viên cơ quan khu rất thân tình, cởi mở. Ông trầm tĩnh, ít nói nhưng đã góp phần
không nhỏ trong những câu chuyện gây cười sảng khoái lúc sinh hoạt cơ quan hay
gặp gỡ bạn bè.
Một lần, vào năm 1950, các cán bộ
Chi hội Văn nghệ Liên khu 5 ngồi nói chuyện vui sau giờ làm việc, nhà văn
Nguyễn Văn Bổng có ý kiến là: Khu 5 ta có bốn tỉnh Tây Nguyên rất rộng lớn, có
nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong Ủy ban Kháng chiến - Hành chính khu
chỉ có một ông Y Vang, đại biểu các dân tộc thiểu số là ủy viên, như vậy là quá
ít, nên có thêm một vài ủy viên người dân tộc thiểu số nữa mới phải.
Chưa ai có ý kiến gì. Bỗng nhà thơ
Tế Hanh phát biểu: “Tôi thấy trong Ủy ban khu đã có đến bốn, năm vị là người
dân tộc thiểu số rồi còn gì!”. Ai nấy rất ngạc nhiên nhìn vào nhà thơ. Tế Hanh
điềm nhiên nói tiếp: “Ngoài ông Y Vang ra, tôi thấy còn có bốn ông Y nữa. Đó là
các ông Y Trông = ông Tri (Trần Đình Tri), Y Chông = ông Chi (Nguyễn Văn Chi),
Y Vỗng = ông Vỹ (Tôn Thất Vỹ) và Y Sỗng = ông Sỹ (Nam Trân Nguyễn Học Sỹ, Chánh
văn phòng Ủy ban)”.
Mọi người cười thú vị về trò chơi
nói lái của nhà thơ. Nhà thơ trẻ Phạm Hổ liền ứng khẩu: “Ai bảo Tế Hanh là
ngượng nghịu? Không, tế Hanh nghịch lắm chứ!”. Nhà phê bình văn học Phan Xuân
Hoàng đế thêm: “Tế Hanh tinh tế và rất hóm. Cứ đọc câu Cánh buồm giương to
như mảnh hồn làng trong bài Quê hương thì đủ biết”. Phan Xuân Hoàng
cố ý nói lái hai chữ hồn làng theo kiểu Khu 5 làm tăng thêm tiếng cười
rôm rả.
Thời kỳ chỉnh huấn năm 1953, ở các
lớp cán bộ khu, tỉnh, học viên thảo luận rất sôi nổi về lập trường giai cấp, về
viễn cảnh xã hội tương lai. Lúc nhàn đàm, Tế Hanh nêu lên một luận điểm “nổi
tiếng”: Sau này, khi thế giới đại đồng rồi thì giai cấp tư bản và các giai cấp
khác về kinh tế sẽ không còn nữa. Lúc đó, xã hội loài người sẽ xuất hiện giai
cấp tư bản và giai cấp vô sản tình yêu!
Nhà thơ giải thích thêm: Giai cấp tư
bản tình yêu là những văn nhân, thi sĩ, họa sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ hát hay
đàn giỏi, được nhiều người đẹp say mê. Họ tán tỉnh đâu là thành công đó. Còn
những người không có chất sĩ trời phú cho thì thất bại trong tình trường và trở
thành vô sản tình yêu!
“Phát hiện” của nhà thơ làm cho
không khí buổi nhàn đàm sôi nổi hẳn lên. Có người bổ sung: Không đợi đến cái xã
hội đại đồng xa lơ xa lắc ấy, ngay bây giờ đây, lắm anh thi sĩ, nhạc sĩ đã là
tư bản tình yêu gây ra biết bao ảo mộng cho các cô gái trẻ.
Ở Khu 5 thời chống Pháp, cán bộ cấp
khu, nhất là giới văn nghệ sĩ, ai cũng biết nhà văn Phan Thao. Ông là nhà trí
thức đẹp trai, đĩnh đạc, đàng hoàng, được tín nhiệm cao. Cùng lúc, ông đảm
đương nhiều chức vụ quan trọng: Phó chủ tịch Liên đoàn Văn hóa kháng chiến miền
Nam Trung Bộ, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ khu, trưởng đoàn đại biểu Quốc
hội các tỉnh miền Nam Trung Bộ…
Ở tuổi ngoài ba mươi, ông vẫn chưa
lấy vợ. Gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp thúc giục ông chọn người “nâng
khăn sửa túi”, sẵn sàng làm ông mai, bà mối. Nhưng ông vẫn cứ điềm nhiên, không
tỏ rõ ý kiến. Hồi ấy, ở cơ quan Hội Phụ nữ cứu quốc khu có hai cán bộ nữ tuổi
ngoài đôi mươi, khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, đủ cả công, dung,
ngôn, hạnh.
Đó là các chị Bích Hà, quê ở Thừa
Thiên và Bích Anh, quê ở Bình Định. Bạn bè “vun quén” cho ông, đề nghị ông chọn
một trong hai người. Phan Thao cứ tỉnh bơ, không tỏ rõ “tình kiến”, vẫn “thản
nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”.
Tăng Lộc, cán bộ Văn phòng chi hội,
đồng hương Quảng Ngãi với Tế Hanh, hỏi nhà thơ: Đố anh biết bao giờ Phan Thao
lấy vợ? Không cần suy nghĩ, Tế Hanh trả lời ngay: Bao giờ phụ nữ “đi hỏi” đàn
ông thì Phan Thao lấy vợ.
Rồi, Tế Hanh lặng lẽ lấy giấy bút ra
viết bài thơ trêu thủ trưởng của mình, dán lên bích báo của cơ quan chi hội:
Thao thao trôi giữa đôi giòng Bích
Chẳng biết rồi đây ghé bến nào Thừa Thiên hay là Bình Định đó Lòng tôi cảm động thấy nao nao
Đêm nay tôi ngủ ở ngoài sân
Hết áo cho nên phải ngủ trần Tôi thấy sương khuya đà lạnh lạnh Buồn tình tôi bứt nắm lông chân
Sự đời sao lắm chuyện lôi thôi
Chẳng lẽ mình tôi lấy cả đôi Còn trách tôi sao không dứt khoát Tôi nói tôi yêu Bích báo rồi!
Suốt cả đời tôi tôi chỉ mong
Đàn bà quyền lợi hơn đàn ông Tôi đợi cô nào “đi hỏi” quách Không lo tán tỉnh cũng nên chồng! |
Bài thơ không ký tên người viết. Có
người nghi tác giả là Hà Đăng, đương kim “chủ bút” bích báo. Hà Đăng đề nghị
bạn đọc tra “tự dạng”. Vì bài báo viết tay mà chữ của Tế Hanh thì trong cơ quan
rất nhiều người biết, cho nên rất dễ tìm ra “thủ phạm”.
Một lần nữa, Phạm Hổ lại được dịp
tái khẳng định nhận xét của mình: “Tế Hanh nghịch lắm chứ!”. Phan Xuân Hoàng
cười ha hả: “Tôi đã bảo Tế Hanh hóm lắm mà!”.
Bài thơ chỉ “xuất bản” một lần ngắn
ngủi, đến hôm nay hơn nửa thế kỷ vẫn còn in đậm trong lòng bạn đọc nét hóm Tế
Hanh.
ĐẶNG MINH PHƯỢNG
No comments:
Post a Comment