Năm 2012 sẽ có một vài sự kiện văn học như Liên hoan thơ Châu Á, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 rồi sự xuất hiện một tờ báo chuyên về văn chương… vậy với những sự kiện đáng chú ý đó liệu văn học Việt Nam sẽ có những chuyển động? Hướng cái nhìn vào văn chương Việt năm 2012, báo điện tử Tổ Quốc có cuộc phỏng vấn nhà văn Y Ban.
Nhà văn Y Ban qua nét vẽ Nguyễn Xuân Hoàng
PV:
Theo quan sát và cảm nhận của nhà văn thì năm 2012 văn học sẽ có gì khác so với
năm 2011?
Nhà
văn Y Ban: Theo tôi thì với cái guồng quay văn
học bây giờ thì rất khó có cái gì đột biến. Chúng ta phải nhìn nhận, mỗi cá
nhân nhà văn còn không tự gây đột biến cho họ. Tài năng còn do cả trời đất,
thiên nhiên tạo ra, mỗi một thời điểm sẽ xuất hiện cái gì đấy. Văn học vẫn sẽ
như con sông chảy đều đều hàng ngày nhưng nếu để có cái gì đột biến để nó tạo
ra một cái gò... thì rất khó. Trong khoảng chục năm nay, từ 2000-2010 chúng ta
thấy có hai hiện tượng làm “náo loạn” văn đàn là Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng
Diệu. Đỗ Hoàng Diệu sau Bóng đè thì
lặn mất tăm. Có thể Đỗ Hoàng Diệu bị bóng đè hơi lâu nên chưa vùng dậy được.
Nhưng chúng ta vẫn có quyền hi vọng. Nguyễn Ngọc Tư thì vẫn còn, nhưng chị đã
bắt đầu đóng khung vì đã hình thành một lối đi. Mọi người cứ hi vọng và chờ đợi
vì văn đàn chúng ta chưa có nhiều cái hay, cái đột biến. Có người thì bảo, giữ
được như cũ là tốt rồi, có người thì thất vọng. Tôi nghĩ rằng, mọi người quá yêu
quý và hi vọng vào Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng hi vọng cái gì cũng phải có cơ sở và
thực tiễn, không thể tác phẩm nào cũng là đỉnh, như trời đất ấy, lên đến đỉnh
thì phải xuống. Khi mà những nhà văn còn viết được tác phẩm là quý rồi, tốt lắm
rồi.
Nhìn những năm vừa qua, các cây bút
trẻ đang định hình phong cách. Họ ra tác phẩm khá nhiều nhưng dấu ấn để lại còn
mờ nhạt, không loé lên được. Nhưng chúng ta có quyền hi vọng. Cũng có thể những
nhà văn cứ đều đều hôm nay sẽ có một hôm sáng loé. Chờ đợi trong hi vọng tràn
đầy, nhất là những người trẻ vì họ giàu năng lượng. Già thì nhiều vốn sống. Tuy
nhiên tôi không phân biệt nhà văn già hay trẻ, nam hay nữ. Với tôi chỉ có một
người viết là nhà văn, ngang bằng nhau trên tác phẩm. Một tác phẩm của chúng ta
có hay hay không chứ không phải là người trẻ hay già viết tác phẩm. Tất cả đều
trên một cái tài năng và sự lao động của người cầm bút, tôi nghiêng hơn về tài
năng hơn. Vì nếu chúng ta có tài năng thực sự nó sẽ bắt buộc người cầm bút phải
sáng tạo. Giống như núi lửa phun trào,
đến khi nham thạch phun ra thì không có gì ngăn cản được. Tất nhiên đôi khi
chính nhà văn viết ra họ cũng không nghĩ tác phẩm của mình hay đến vậy.
Năm 2012 tôi chưa thấy có cái gì có
thể loé sáng trên văn đàn, không biết tôi có bi quan quá không?
PV:
2012 sẽ có hai sự kiện diễn ra ngay từ đầu năm là Liên hoan thơ châu Á và Ngày
thơ Việt Nam lần thứ 10. Vậy chúng ta có thể lạc quan cho rằng, năm 2012 sẽ là
năm của thơ ca và văn học dịch?
Nhà
văn Y Ban: Những năm gần đây năm nào cũng có
sách xuất bản. Vì vậy, trên những thứ tôi trải nghiệm, tôi có thể khẳng định
không phải vì những sự kiện mà văn học hay hơn. Bởi nếu vì những sự kiện mà thơ
hay hơn thì chúng ta đã có rất nhiều sự kiện dành cho thơ vì đất nước chúng ta
là đất nước của thơ ca. Ngay cả chủ tịch Hội Nhà văn cũng là người rất năng
động để có kinh phí tổ chức các sự kiện cũng như đầu tư cho mỗi nhà thơ. So với
những năm trước nghèo nàn thì đó là khoản đầu tư đáng kể.
Còn về văn học dịch thì cách đây 2
năm chúng ta đã có Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới. Thời gian 2
năm cũng đủ để chúng ta làm “một cái gì đấy” cho văn học, nhưng tôi chưa thấy
văn học dịch có những chuyển động gì đáng kể. Các tác phẩm của tôi được dịch ra
nước ngoài chủ yếu vẫn là con đường tiểu ngạch, do quen biết, yêu quý cá nhân
nhà văn, do yêu cầu chương trình học của sinh viên nước ngoài giới thiệu văn
học Việt Nam.
Theo tôi thì sự kiện vẫn chỉ là sự
kiện. Sự kiện không thể làm cho văn học hay hơn được. Không thể vì sự kiện mà
thế giới sẽ dịch tác phẩm văn học của Việt Nam.
PV:
Sách điện tử liệu có trở thành lựa chọn của đông đảo nhà văn cũng như độc giả
không?
Nhà
văn Y Ban: Cách đây mấy tháng có công ty Vinapo
(Aleza.com) mời tôi tham gia ebook và tôi từ chối. Vài nhà xuất bản cũng mời
tôi và tôi đều từ chối vì tôi không tin tưởng vấn đề bản quyền. Hội Nhà văn
Việt Nam cũng có Trung tâm bảo vệ Quyền Tác giả Văn học Việt Nam. Tôi đã kí với
họ nhưng rồi cũng chả đi đến đâu. Hơn ai hết mỗi tác giả hãy tự bảo vệ trước
khi người khác bảo vệ mình. Đến bây giờ thì tôi không tin tưởng vào ai hết. Ở
nước mình chuyện xâm phạm bản quyền hình như trở thành phổ biến rồi, không còn
liêm sỉ nữa. Năm ngoái, khi mà iphone 3 vừa ra, một số bạn bè rất khoái trí đã
gọi điện cho tôi nói rằng phải mua một cái phần mềm 9,9 đô để đọc được 10 nghìn
truyện ngắn, trong đó của Y Ban có gần 30 truyện mà họ không hề xin phép. Còn Iam Đàn bà thì bị ăn cắp trên mạng kinh
khủng, rồi cả 1080 cũng lấy tác phẩm của tôi đọc nhưng không trả cho tôi đồng
nào cả. Đúng là văn chương hạ giới rẻ như bèo!
Khi các công ty ngỏ ý khai thác tác
phẩm của tôi dưới dạng sách điện tử, tôi hỏi họ có dám cam kết gỡ và đòi tiền
được cho tôi những tác phẩm bị xâm phạm trên mạng không(?), thì họ chưa có
những cam kết. Họ nói sẽ đánh sập những tác phẩm mà tôi bị xâm phạm rồi sẽ đưa
tác phẩm được xin phép lên. Hoặc tôi nói với họ là trả tôi tiền trước cho những
tác phẩm mà họ định khai thác ebooks, ví dụ 2, 3 triệu một năm rồi muốn khai
thác như thế nào cũng được thì họ cũng không làm. Bởi làm sao tôi biết chính
xác được bao nhiêu lượt truy cập để chia lợi nhuận. Với cá nhân, tôi không tin
tưởng vào các đơn vị khai thác ebooks. Khi nào luật pháp đủ mạnh và ý thức độc
giả cao, biết xấu hổ với việc ăn cắp thì khi đấy tôi mới nghĩ đến sự phát triển
của ebooks.
PV:
Còn văn học trẻ liệu có xu hướng mới nào sẽ xuất hiện? Ví dụ như giới tính thứ
4 - một thứ tình yêu mà không có sex?
Nhà
văn Y Ban: Yêu mà không có sex thì tôi cũng đã
viết rồi, nhưng là viết cho người già. Quan điểm của tôi là sống như thế nào
thì văn chương nó thế, tất nhiên có tưởng tượng nhưng vẫn trên cái nền là con
người. Cuộc sống con người như thế nào thì sẽ có văn học như thế ấy. Và tôi vẫn
tràn đầy hi vọng sẽ có một xu hướng văn chương mới xuất hiện.
PV:
Vâng, chị vừa nhắc đến văn chương hạ giới rẻ như bèo, vậy xin hỏi chị liệu số
người cầm bút theo đuổi văn chương có giảm đi không? Vì sao nhà văn lại có dự
đoán này?
Nhà
văn Y Ban: Số người cầm bút theo đuổi văn
chương sẽ không giảm, bởi sức hấp dẫn từ văn chương nó quá lớn. Đôi khi người
ta đặt bút viết không bao giờ họ nghĩ đến một ngày mình sẽ trở thành nhà văn,
sẽ nổi tiếng. Họ cứ viết bằng sự yêu thích rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện in
ấn. Tôi còn cho rằng số người cầm bút sẽ tăng, nhất là với thơ.
PV:
Được biết năm 2012 sẽ có thêm một tờ báo chuyên về văn chương xuất hiện, nhà
văn có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm hay mong muốn của mình cho một ấn phẩm
văn chương mới?
Nhà
văn Y Ban: Tôi hi vọng tràn trề và cực kỳ ủng
hộ.
Có lẽ tôi cũng sẽ được xuất hiện
trên tờ báo đó một chùm truyện ngắn mi-ni. Từ khi tôi nhập cuộc vào làng văn
năm 1989 với truyện ngắn được đăng thì đến giờ không có một ai cầm cân nảy mực
về chất lượng văn chương trong thời gian qua. Tôi phải buồn rầu và nói rằng,
hầu hết đều do các nhà báo. Như thể đó là một thứ bòng bong, lộn xộn, vàng thau
lẫn lộn, tự sinh ra, tự lớn lên và tự chết. Rồi một thời gian sau, khi nhìn lại
thì giá trị của nó lại không phải như vậy. Không có nhà lý luận phê bình nào
nói rằng vì sao nó chết. Hình như các nhà phê bình không dám động chạm đến
những tác giả đương đại mà chỉ nhằm vào những giá trị đã được khẳng định, an
toàn. Cái thời Hoài Thanh - Hoài Chân họ đã phát hiện được những tác giả đương
đại, tôi mong cái thời đó sẽ quay trở lại. Còn những cái được khẳng định, có độ
lùi thì đương nhiên rồi.
PV:
Nhìn vào các tờ báo chuyên về văn học hiện nay, theo nhà văn thì chúng ta nên
có “mục” gì có thể đáp ứng được nguyện vọng của những người cầm bút?
Nhà
văn Y Ban: Tôi mong muốn có một mục tranh luận
về tác phẩm của các tác giả đương đại. Một là, họ đưa ra một cuốn sách hay theo
quan điểm của tờ báo đó rồi để cho độc giả, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận
phê bình cùng tham gia bàn luận về cuốn sách đó. Loại thứ hai là ra hiệu sách
hỏi mua một cuốn bán chạy nhất và mổ xẻ xem nó có hay thật không, vì sao bán
chạy. Hay các cuốn sách bị thu hồi vì sao, cần phải minh bạch…
*
Cảm ơn nhà văn, chúc chị năm mới sẽ góp cho văn đàn những tác phẩm được bạn đọc
yêu thích!
Hiền
Nguyễn (thực
hiện)
(Nguồn:
VHQN)
No comments:
Post a Comment