.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, January 9, 2012

Đỗ Doãn Phương: NGƯỜI “QUÉT SẠCH” THƠ TRẺ HIỆN ĐẠI


Trong mươi năm trở lại đây, đời sống thơ ca hiện đại ồn ã, loạn xạ và đôi khi cũng ngầu bụi vì những dòng thơ phô bầy những thú vui xác thịt. Cái thú vui vô độ, nhầy nhụa  và bất xứng với những dòng thơ thanh cao nhiều khi lại được tôn vinh như  những kỳ tích đã  vén cả "tấm chăn cá nhân" lên cho thiên hạ cười đùa. Trong cái dòng chảy sôi sục, đục ngầu ấy, người đọc chợp ngợp, thẫn thờ, ngơ ngác, thất vọng, lo âu, bối rối vì sự trong sáng, sự tinh khiết kỳ diệu của tiếng Việt đã bị những "người trẻ tiên phong" làm cho lệch lạc, rời xa cái nguồn trong sáng mà tiếng Việt phải là. Tuy nhiên, ngôn ngữ tự nhiên cũng có khả năng tự vệ của mình.  Anh minh thay khi nó không bừng nở trong cái dòng chảy đục ngầu ấy! Nhân hậu thay nó đã không ân thưởng cho những kẻ không tìm kiếm mình một cách chân chính! Hào phóng thay nó đã dồi dào ở một nơi thực sự cần đến nó!  Những dòng chữ  trên đây chính là đề từ cho một loạt bài về nhà thơ trẻ Đỗ Doãn Phương với những nỗ lực kỳ lạ "làm trong sáng tiếng Việt trong những ngọn triều nhục cảm". Để bạn đọc hiểu rõ những nỗ lực này, loạt bài sẽ có những đối sánh chính xác giữa  tác phẩm của nhà thơ Đỗ Doãn Phương với Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý... cùng bạt ngàn những người được gọi chung chung là "thơ trẻ" khác. Vietimes xin trân trọng giới thiệu bài đầu tiên trong loạt bài. Đó là bài phỏng vấn nhà thơ Giáng Vân về sự kiện tập thơ "Những ngọn triều nhục cảm" của nhà thơ Đỗ Doãn Phương vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt.
 
 Nhà thơ Đỗ Doãn Phương

Phóng viên (PV): Giải Bách Việt là một giải thưởng mới xuất hiện trong đời sống văn học. Nhà thơ có thể cho biết về Lý tưởng của giải thưởng Bách Việt? Thành phần giám khảo ngoài nhà thơ Giáng Vân, nhà thơ Ý Nhi thì ba tên tuổi còn lại, theo tôi,  không thuyết phục bạn đọc lắm? Lý do nào Ban tổ chức Bách Việt lại chọn Hội đồng giám khảo như vậy?
Nhà thơ Giáng Vân (NT GV): Lý tưởng của Bách Việt? Tôi nghĩ không có gì cao siêu quá, chỉ là thêm một cánh cửa để mở ra cho thơ Việt, thêm một góc nhìn về thơ Việt. Nhiều người cho rằng thơ Việt đang ở trong cơn khủng hoảng. Vậy thì có thực nó đang bế tắc thật hay không? Liệu có một dòng chảy, hay nhiều dòng chảy đang cùng chảy mà không hề lộ diện không? Giải thưởng Bách Việt không nghiêm trọng hóa, nó là một cuộc chơi, nhưng là một cuộc chơi nghiêm túc.
Về thành phần Ban Giám khảo (nói cho chính xác là Ban Thẩm định), bạn lấy tiêu chí gì để nói là thuyết phục hay không thuyết phục đây? Có những người rất nổi tiếng trong những lĩnh vự nào đó, nhưng trong việc thẩm định thơ họ lại không giỏi lắn. Chẳng hạn, giải thưởng thơ của các Hội Nhà văn, đều do những nhà thơ rất tên tuổi chủ trì, nhưng vẫn có bao nhiêu sự ì xèo sau đó đấy thôi.
Với Bách Việt, tiêu chí chính của Ban Thẩm định là năng lực thẩm định đối với thơ.
PV: Đỗ Doãn Phương là một giọng thơ kỳ lạ, đặc biệt. Điều gì của Phương thuyết phục Ban giám khảo nhất?
NT GV: Chính bạn cũng thấy rằng Đỗ Doãn Phương là một giọng thơ kỳ lạ, đặc biệt?
Tiêu chí của Bách Việt là cố gắng giới thiệu những giọng điệu thơ riêng biệt, mang dấu ấn sáng tạo riêng của nhà thơ. Có như vậy mới góp phần làm giàu có thêm vườn thơ Việt.
Không chỉ như vậy, tác giả này cho thấy một nội lực thơ ca mạnh mẽ, một giọng thơ đường trường, vừa có sức bứt phá, lại vừa có sự trầm sâu.
PV: Sự mơ mộng, ám ảnh, trôi dạt trong thơ Phương thậm chí còn quyến rũ, sâu sắc hơn cả thơ Nguyễn Bình Phương, một thành viên Ban giám khảo. Nhà thơ thấy nhận xét này thế nào?
NT GV: Điều này còn tùy thuộc ở sự cảm nhận ở mỗi người. Còn tôi muốn nhắc lại với bạn rằng, tiêu chí của các thành viên Ban Thẩm định chính là năng lực thẩm định. Người chấm giải tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương chắc chắn không cần phải viết tiểu thuyết giỏi hơn anh ta. Bạn có nhất trí không?
PV: Đỗ Doãn Phương tách biệt hoàn toàn với thơ trẻ hiện đại, đặc biệt là trào lưu thơ trẻ, văn trẻ ca ngợi cái nhục dục tối tăm nhầy nhụa của con người thấp kém. Nhà thơ thấy Doãn Phương khác Vi Thùy Linh, khác Đỗ Hoàng Diệu ở chỗ nào?
NT GV: Tôi đồng ý với bạn là Đỗ Doãn Phương có sự tách biệt này, anh ta đi theo kiểu riêng. Thậm chí, ngoài đời, anh ta cũng vẫn thường đi riêng. Riêng đến nỗi, viết báo, là món ăn cho đại chúng, anh ta cũng có lối viết riêng.
Tuy nhiên, nếu tính đến giọng điệu riêng biệt, thì Vi Thùy Linh cũng là một gịong điệu đầy cá tính, cô ấy cũng có một lối đi riêng không giống bất cứ ai. Sự khác nhau về mỹ cảm ở mỗi người tôi không bình luận.
PV: Những nhà thơ trẻ, nhà văn trẻ khi có ý định “tuôn trào nhục dục trong thơ” nên học Doãn Phương ở điểm gì?
NT GV: Không cứ gì nhà văn trẻ, nhà thơ trẻ, mà bất cứ ai, viết về điều gì cũng nên có văn hóa về lĩnh vực đó. Không cứ phải viết về cái mọi người viết mới trở nên thời thượng.
PV: Nhà thơ có nhận thấy rằng, Doãn Phương là một nhà thơ thực sự lao động trong im lặng và không cuống cuồng chạy theo hư danh như đa số các nhà thơ, nhà văn trẻ và không còn trẻ nữa?
NT GV: Sự cuống cuồng vì hư danh là một trò hề ai ai cũng nhận thấy, oái oăm thay chỉ có kẻ đó là không. Trong các lĩnh vực khác, sự tất bật, cố gắng có thể đem lại thành công, với thơ, điều đấy sẽ là ngược lại. Tôi nghĩ, Đỗ Doãn Phương có thừa thông minh để hiểu rõ điều này. Anh ta lặng lẽ tới mức, ngay cả những người sống bên cạnh cũng không biết anh ta là một thi sĩ thứ thiệt.
PV: Giữa Ánh chớp Những ngọn triều nhục cảm, nhà thơ thấy có điều gì khác biệt trong thơ Doãn Phương?
NT GV: Thực ra, giữa Ánh chớp và tập thơ này là một sự tiếp nối, nhất quán về giọng điệu, về mỹ cảm. Giống như sự tiếp nối giữa một nguồn suối với một con sông lớn có nhịp chảy mạnh dần lên.
PV: Theo dự cảm của nhà thơ, liệu Doãn Phương có mất thời gian, cần mẫn viết một cái đơn xin vào Hội Nhà văn không? Nếu điều đó xảy ra, Doãn Phương sẽ là ai trong tương lai?
NT GV: Điều này có lẽ bạn nên phỏng vấn chính Doãn Phương.Tôi không có tham vọng trả lời thay.
PV: Doãn Phương là một thực tại thơ ca trong 20 năm trở lại đây. Nhà thơ có thấy rằng cũng có nhiều nhà thơ phải đi làm việc vất vả như Phương và quên hết thơ ca. Còn Doãn Phương, anh ấy vẫn làm việc! Điều đó nói lên điều gì? Phải chăng Doãn Phương chính là một Bài học lớn cho hầu hết các nhà thơ hiện đại?
NT GV: Thơ ca có số phận riêng của nó. Ở người này thì nó chết, ở người kia, nó cứ tồn tại, lớn lên và đòi được viết ra. Tôi nghĩ không có bất cứ trở lực nào làm cho thơ chết được cả, trừ phi, chính nó không đủ sức sống mà thôi. Một nhà thơ, với tất cả những tham dự của anh ta vào đời sống, (bao gồm cả lao động kiếm sống), anh ta giống như mọi người bình thường. Cái khác chăng, là anh có một tâm hồn nhạy cảm luôn rung lên thành thơ. Vì thế anh được gọi là nhà thơ? Tôi không nghĩ là có Bài học lớn gì. Gọi thế có to tát, nghiêm trọng quá không?
Hoàng Hải Luân (Vietimes)  thực hiện

No comments:

Post a Comment