.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, January 25, 2012

CÓ HAY KHÔNG TRƯỜNG HỢP THƠ PHÓNG TÁC TỪ CA DAO?


 (Bài viết về tác giả Lâm Vị Thủy này vô-tình đã chỉ căn cứ vào 80 câu của một bài thơ dài, mất 48 câu, do nhà văn Trần Hoài Thư lần đầu tiên gửi đến bị thiếu sót. Có những nhận định cần điều chỉnh sau khi người viết đọc được toàn bộ bài thơ, cũng do anh Trần Hoài Thư gửi đến lần thứ hai.  Xin coi ghi chú ở cuối bài – T.V.N.)

Trong văn xuôi, ta nhận ra có những trường hợp phóng tác này. Ví dụ thời tiền chiến trước năm 1945, có Tchya Ðái Ðức Tuấn với truyện dã sử “Kho Vàng Sầm Sơn” triển khai từ bài ca dao: “Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng/ Công anh dan díu với nàng đã lâu/ Bây giờ nàng lấy chồng đâu/ Ðể anh giúp đỡ trăm cau ngàn vàng/ Trăm cau để thết họ hàng/ Ngàn vàng anh đốt giải oan lời thề”. Vạn Lịch là tên một vì vua bên Tàu, tên Hán-tự này khắc trên tiền vàng hay bạc lưu hành ở Trung Hoa vào triều đại nhà Minh.
Từ bài ca dao ấy, nhà văn hư cấu một truyện tình giữa con trai tướng quân Nguyễn Hữu Chỉnh và con gái của tướng quân Võ Văn Nhậm. Hai tướng này đều thuộc quân Tây Sơn nhưng kình địch vì ganh ghét lẫn nhau. Vua Quang Trung nghi kỵ lòng trung tín của Nguyễn Hữu Chỉnh, mật lệnh rút quân về Phú Xuân, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà. Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân theo đường bộ rút về Miền Nam để tỏ lòng trung thành, và cho con trai cùng con dâu (con gái Võ Văn Nhậm) đi bằng đường biển để dễ dàng đem theo kho báu lớn của dòng họ. Trong kho báu đó, có hai đồng tiền Vạn Lịch, một bằng vàng và một bằng bạc. Cảm thức sự ngang trái sẽ phải đương đầu, con gái của Võ Văn Nhậm tự trầm khi đang ở giữa biển. Trên hành trình tiếp tục, thuyền buồm gặp bão giạt vào vùng biển Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Con trai Nguyễn Hữu Chỉnh thoát nạn, vào bờ với châu báu, rồi cũng tự sát theo vợ. Và kho báu không biết chôn giấu nơi nào.
Vào năm 1934, người ta khám phá được nó ở bãi Sầm Sơn, trong đó có một đồng tiền Vạn Lịch bằng bạc, nhưng thiếu đồng tiền vàng, một khiếm khuyết như chuyện tình không toàn vẹn của họ. Và điều đó dường như ứng với lời nguyền truớc khi chết của con trai Nguyễn Hữu Chỉnh: chỉ những ai sở hữu được cả hai đồng tiền thì kho báu mới thuộc về họ (nhà cầm quyền Pháp khám phá ở bãi biển năm 1934 thì kho báu không thuộc về ai trong nước ta!). Trường hợp thứ hai trong văn xuôi với truyện ngắn “Cô Út Về Rừng” của nhà văn Sơn Nam (trong tập truyện “Hương Rừng Cà Mau” do nhà xb. Lá Bối ấn hành tại Sài Gòn năm 1967). Nhà văn Sơn Nam quả đã phóng tác từ câu ca dao “Mùá ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Câu hát ru con này nghe thật buồn, nghe thật thương cảm, nhưng nhà văn nương nhờ vào nó mà hư cấu một truyện ngắn chất chứa niềm lạc quan. Chính do những cuộc gả con phải rời xa nơi đất đai đã thuần-hóa trù phú như ở Ô-Môn Cần-Thơ; và người con lấy chồng theo chồng đến vùng đất mới mở mang của đất nước: nhờ vậy mà công việc khai khẩn hoang địa sình lầy được tiếp diễn. Hai ông bà đứt đoạn lòng mình, đành để con gái theo tiếng gọi tình yêu về làm dâu ở miệt rừng U Minh. Sau bảy tám năm, gia đình con gái có thêm sáu phần-tử góp phần cho tương lai khai phá vùng rừng nước lợ hoặc rừng ngập mặn ở Cà Mau, tiếp tục công trình đi mở đất phương Nam. Ta biết  chắc truyện ngắn này phóng tác từ ca dao, vì chủ-đề tiền khởi của nhà văn Sơn Nam là đào sâu lịch sử đi mở đất sình lầy ở Miền Tây (còn Miền Ðông Nam Bộ thì không hẹn mà như dành riêng cho những truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc). Ðã có chủ đề dẫn khởi, thì truyện sẽ bố trí tình tiết để phóng tác triển khai từ những câu ca dao tương ứng thích hợp.
Nhưng đối với thơ thì ta nên thận trọng phân biệt đâu là phóng tác triển khai; đâu là sáng tác cảm hứng từ một tâm sự, một nghịch cảnh. Nếu có những câu ca-dao tương hợp được đưa vào thì chỉ để tô đậm thêm cho nội dung bài thơ mà thôi. Trước hết, ta sẽ nêu ra trường hợp thơ của một thi sĩ nổi danh, bài “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan; sau đó ta sẽ phân tích bài thơ “Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố” của Lâm Vị Thủy cũng là một bài thơ sáng tác lấy nguồn cảm từ cuộc đời đau thương của mình, không phải triển khai từ ý tưởng có sẵn trong ca-dao. Trường hợp bài thơ Màu Tím Hoa Sim, gần như mọi người đều biết câu truyện thật của Hữu Loan khi lên đường đi kháng chiến chống Pháp. Ông về phép cưới vợ, chẳng bao lâu lại lên đường, và người vợ ở nhà chẳng may bị chết đuối. Tình buồn thời chinh chiến, buồn thê thiết khi nhà thơ hành quân qua những đồi hoa sim. Màu tím là màu thương nhớ, ánh sắc trải dài khắp nơi làm mênh mông sâu lắng thêm nổi buồn mất người yêu; và câu ca-dao tuơng hợp đã đến với tác giả khi sáng tác với tâm sự này: “Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu”. Cho đúng với tâm sự buồn của mình, tác giả sửa đổi ca dao “vợ anh chưa có” thành “vợ anh chết sớm”. Như vậy thì ca dao đưa vào thơ chỉ là để tô đậm thêm cho truyện tình có thật của tác giả, không phải hư-cấu truyện từ ý tưởng chứa đựng trong ca dao.
Với thơ của một thi sĩ hữu danh nêu ra làm trường hợp, ta đi vào thơ của Lâm Vị Thủy. Lâm Vị Thủy chắc mất đã từ lâu; tạp-chí Thư Quán Bản Thảo ở Mỹ dành một số trang tưởng niệm; coi như bổ túc cho sự sót tên ông trong bộ sách trên 1500 trang “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” do Thu Ấn Quán xb, năm 2006 và 2007. Ông là nhà thơ xuất hiện trong thập niên 1960, thường có thơ đăng trên Tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ. Tập thơ “Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố” do nhà xb. Huyền Trân ấn hành năm 1962 tại Sài Gòn (lấy tên bài thơ làm nhan đề thi-phẩm). Tác giả cho ta biết ngay ý nghĩa nhan đề bài thơ. “Sao em không về làm chim thành phố” diễn tả lòng đau buồn khi không còn nhận được lời nhắn hay thư từ gì của người yêu, mắt mờ đi vì mãi trông ngóng vô vọng cánh chim mang tin tức về đậu trên một đỉnh ngọn cây:

… Sao em không về làm chim thành phố
Lệ nhỏ hai hàng khép đỉnh ngọn cây.

Căn cứ vào cuộc đời đau bưồn của tác giả, trong đó hằn dấu vết thời-cuộc năm 1962 hoặc chỉ trước đó một hai năm. Ta có thể suy xét để khẳng định những câu ca-dao ở trong bài “Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố” sở dĩ được tác giả nêu ra, chỉ vì chúng rất tương hợp với truyện buồn có thật của ông. Ðó là những câu: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia-Ðịnh Ðồng-Nai thì về”. Vậy bài thơ do sáng tác chứ không do phóng tác. Trước khi nêu ra chi tiết cuộc đời chứa đựng trong thơ, ta thử biết qua về câu ca dao. Ðây là ca dao về đặc-điểm địa lý, nhưng cũng hàm chứa sự chia ly tuy không rõ nét sự chia ly do tình buồn. Nguyên sông Ðồng Nai bắt nguồn từ Miền Ðông rừng rậm giáp liền với đồi núi Tây Nguyên, khi chảy đến vị trí cầu Phú Mỹ (mới khánh thành năm 2010) ở quận 7 Sài Gòn bây giờ, dòng nuớc tách lên (qua cầu Phú Mỹ) trở thành sông Sài Gòn. Sông Ðồng Nai tiếp tục dòng chảy thành sông Nhà Bè, qua Rừng Sát, rồi ra biển ở Cần-Giờ Vũng-Tàu. Cho nên chỗ ngã ba “sông Saì Gòn- sông Nhà Bè- sông Ðồng Nai” đó được coi như nơi rẽ hướng (đi ngược dòng) cho ai về Sài Gòn-Gia Ðịnh và ai về Biên Hòa-Ðồng Nai. Tác giả Lâm Vị Thủy đưa những câu ca dao này vào đoạn cuối của bài thơ Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố, đánh dấu giai đoạn chia lìa giữa tác giả và người yêu. Tác giả ở lại Sài Gòn, còn nàng thì về quê hương ở miệt Bình Dương (trước năm 1975, Bình Dương thuộc tỉnh Biên Hòa). Dòng nước ở Nhà Bè đánh dấu sự chia lìa hai nẻo Sài Gòn Gia Ðịnh và Bình Dương Ðồng Nai, giữa tác giả đang sống đời bên lề xã hội (chối bỏ cuộc đời) hoặc đang ở trong vòng lao tù (kẻ tội đồ), và nàng thì có lẽ bị thúc ép của gia đình lễ giáo (thế hệ xưa đè nặng như bóng núi) nên đã thành hôn với một người khác nơi quê hương nàng:
 
… Tôi biết viết gì cho em
Khi những cánh thư quên đường Gia Ðịnh
Khi những cánh thư thôi về Bình Dương
Em biết không quê hương mình
Thế hệ xưa là bóng núi
Xui lòng em giận hờn
Tôi nguyền rủa tôi
Kẻ tội đồ chứng nhân lịch sử
Em biết không khi chối bỏ cuộc đời
Tôi sẽ gọi tên em như một lời cầu cứu
Tôi sẽ gọi tên em vì tôi bơ vơ…
(Trích trong bài: Sao Em Không về Làm Chim Thành Phố)

Những từ ngữ trong thơ như “chối bỏ cuộc đời, kẻ tội đồ, thế hệ xưa là bóng núi”, đã hé lộ chút ánh sáng cho ta thấy được một kiếp sống buồn đau và tình yêu chia ly. Những trắc trở gây xúc cảm cho tác giả sáng tác, nên không phải phóng tác từ ca dao. Ta đoán chừng tác giả đang sống bên lề xã hội (vì tác giả tự thú đã chối bỏ cuộc đời), hoặc đang tù tội vì chống chính quyền thời 1962 hoặc 1963 mà dấu vết thời cuộc ta tìm thấy cũng trong bài thơ trên (thi-phẩm của tác giả xuất bản năm 1962):

… Tôi mua tờ báo loan tin buổi chiều
Thân thế khắc đầy những danh từ cách mạng
Em biết không
… Bụi mưa mang vào thư viện
Mỏi hơi nằm ôm sách
Tường cao tường cao mênh mông
Kẻ nào đứng lên kêu gào thảm thiết
Tự do Tự do
Cho những người đã chết…
(Trích bài: Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố)

Sau khi chối bỏ cuộc đời, hoặc là sau khi đang trong vòng tù tội, tác giả hồi tưởng thời gian hai người cùng du chơi vùng quê huơng Biên-Hòa Bình-Dương của nàng, cũng không quên nhắc lại không khí ngột ngạt nơi những quán rượu phòng trà thành phố. Cùng ngồi ở ven sông Ðồng Nai, tác giả như cảm thấy đã gỡ được tấm khăn choàng nghẹt thở của những quán rượu “buôn bán niềm vui hắt hủi” ở Sài Gòn. Và chính bên dòng sông Ðồng Nai ấy, khi nàng ngồi gác đầu lên vai, tác giả vô tình nhắc khẻ một câu ca-dao. Ngay lúc hạnh phúc ấy, ông chỉ cảm thức sự êm đềm của dòng sông mô tả trong ca-dao, mà đâu ngờ rằng đời hai người sẽ lâm vào ngã rẽ hàm chứa cũng chính trong những câu ca-dao ấy. Mãi sau này, hồi tưởng ấy làm tác giả đau đớn nên đã có những lời mỉa mai “Thôi bây giờ em khóc đi em/ Như những người quen nhau ngoài phố”. Tại sao khóc như những người quen nhau chỉ ở ngoài phố, nghĩa là khóc không có gì liên hệ thân thiết, chắc tác giả muốn nói đến những giọt lệ trả hết những hệ lụy quá khứ.
Tác giả nhắc đến câu ca dao ở đoạn gần cuối bài thơ này (mặc dù đây là đọan hồi tưởng khi còn hạnh phúc, lúc hai người đi tránh không khí ngột ngạt của thành phố), và sự nhắc đến ấy khiến ta thoạt nghĩ một cách sai lầm là toàn bài thơ đã phóng tác triển khai tiền đề có sẵn trong ca dao. Tiền đề ấy là sự chia lìa đôi lứa như dòng sông ở ngã ba, ở chỗ chia nhánh (ngược dòng) về hai phương hướng, hướng Ðồng Nai (em về lấy chồng ở Bình Dương) và hướng Gia Ðịnh (anh ở lại Sài Gòn sống đời lao tù hoặc đang lẩn trốn đời):

… Như người ta gỡ tấm khăn choàng nghẹt thở
Tôi đưa em về vườn bông trái Lái Thiêu
Ngọt bưởi Biên Hòa phù sa Bassac
Em ngủ vai tôi ngậm tròn nước mắt
Em ngủ vai tôi tiếng hát êm đềm:
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về
Gia Ðịnh-Ðồng Nai thì về”…
(Trích bài: Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố)

Cũng giống như bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hũu Loan, xin lặp lại: câu ca dao ở đoạn cuối đưa vào vì có nét tương hợp với nội dung, với cuộc đời có thật của tác giả, không phải do phóng tác tiền-đề chứa trong ca-dao “Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”. Cuộc đời thật của Lâm Vị Thủy đã được hé lộ nhờ vào một số từ ngữ chẳng những trong bài thơ “Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố”; mà còn rải rác dấu vết của thời cuộc, của chối bỏ xã hội, và của truyện tình chia lìa… thấp thoáng trong ba bài thơ khác của ông. Về điều ta phân vân không hiểu có phải LâmVị Thủy sống đời lao tù hoặc đang chạy trốn pháp luật, có những từ ngữ bí ẩn trong bài “Thơ Của Những Người Không Yêu Nhau”.
Ai đem tên ông đi gõ hỏi từng người như là họ đang lùng kiếm tội phạm. Tuy nhiên câu thơ hiện thực này nối tiếp theo sau là câu thơ tình yêu hồi tưởng xin giấc ngủ nhiều chiêm bao kỷ niệm, nên ta không hiểu rõ để khẳng định ý nghĩa “đem tên tôi đi gõ hỏi” do ám chỉ việc cảnh-sát đi điều tra; hay “đem tên tôi đi gõ hỏi” có ý nghĩa tượng trưng sự đánh thức kỷ niệm dấu yêu? Tác giả tự thú cuộc đời ông không phải hiền lành mà còn được trang bị võ nghệ “năm bảy ngón ngang tàng” và có tiểu-sử thuộc giới “du đãng con hoang”. Phải chăng những từ ngữ ấy là hé lộ sự thật cuộc đời hay chỉ là những từ ngữ biểu tượng trong thi-ca. Ta không tìm thấy những điều gì thuộc về tượng trưng cho những từ ngữ hiện thực ấy. Mặc dù có những từ ngữ “du đãng con hoang” hoặc “không gia đình, không xứ sở”, nhưng ông cũng khiến cho ta suy ngẫm diễn dịch: nếu ông đang ở trong vòng lao tù thì không phải do thường-phạm mà là “kẻ tội đồ nhân chứng lịch-sử”:

Một mình tôi trên chuyến buýt buổi chiều
Chiếm lấy chỗ ngồi riêng người tàn tật
Xe qua sông khi thành phố đang mưa
Những ngọn đèn xa mang màu mắt đỏ
Cát biển mặn mòi tôi thân sỏi nhỏ
Còn sót lưng năm bảy ngón ngang tàng
Tôi muốn ôm và hôn em lần cuối
Lịch sử chúng mình du đãng con hoang
Rồi ngày mai tôi tới lớp một mình
Ngồi chỗ em ngồi bỗng dưng thèm khóc
Khung cửa sổ này, lối đi xưa còn đó
Bầu trời xanh và sắc áo em đâu
Tôi trở về hai bàn tay mở ngõ
Không gia đình, không xứ sở, không em
Ðem tên tôi đi gõ hỏi từng người
Xin giấc ngủ với vô vàn kỷ niệm.
(Trọn bài: Thơ Của Những Người Không Yêu Nhau).
 
Hai bài thơ nữa của Lâm Vị Thủy chỉ nhắc nhở lại mối tình dang dở, không có những chi tiết nào cho ta biết thêm để giải tỏa những phân vân cuộc đời thật của Lâm Vị Thủy. Tra cứu một số sách về Văn Học Miền Nam thấy thiếu sót tên ông, mặc dầu trước năm 1963 ông có nhiều thơ đăng trên Tạp chí Phổ Thông của nhà văn nhà thơ Nguyễn Vỹ, nên ta không có tư liệu nào về tiểu sử của Lâm Vị Thủy để biết sự thật một cuộc đời tình duyên trắc trở đã đành như nhiều trường hợp nhân gian khác, mà cuộc đời ấy còn ẩn chứa nhiều nghi vấn làm ta thắc mắc như: Chối bỏ cuộc đời? – Không gia đình không xứ sở? – Bị lùng kiếm vì phạm tội? – Có tiểu sử du đãng? – Người được sở đắc vài ngón võ ngang tàng? - Cũng là nhân vật chống đối chính quyền trước năm 1963? – Kẻ tội đồ trong vòng lao tù? Hai bài thơ còn lại có những câu chỉ nhắc nhở cuộc tình dang dở mà thôi:
… Chợt thấy hình em sầu đóng bụi
Nỗi đau này em nghe chăng em
… Sao em không là em thuở ấy
Ðể mỗi chiều tôi đón cổng trường
… Hồn tôi muốn khóc làm sao dỗ
Em của người ta, tôi của tôi.
(Trích bài: Hình Như Kỷ Niệm)
Chuyến xe nào mang tôi xa thêm em
Như thuở mười lăm thường trốn học
Hồn tôi lang thang đi tìm mình
Dấu tay, Thượng Ðế quên điểm chỉ
Tôi đem thân mòn phơi công viên…
Lời trăn trối nén tung ngoài lệ
Hai đứa gần nhau giấc ngủ đen.
(Trích bài: Cho Một Người Xem Cuối Cùng)
 
Không hẳn do phụ-họa với thiện-ý của một Tạp-chí (Tạp chí Thư Quán Bản Thảo): muốn tìm và đọc lại thơ văn của những nhà văn nhà thơ đã sót tên trong các sách về Văn Học Miền Nam, mà Lâm Vị Thủy là một người trong số đó. Bài này được viết ra từ nhắc nhở ấy một phần, nhưng phần khác do thúc đẩy bởi một vấn-đề văn-chương mà người viết bài vốn ấp ủ vài ý kiến chưa có dịp để viết: Có hay không những bài thơ triển khai phát xuất bởi một vài câu ca-dao? Những từ ngữ vãng lai lặp lại có vẻ ám ảnh trong các bài thơ của Lâm Vị Thủy đã cho ta biết cuộc đời không gia đình không xứ sở và tình yêu chia lìa của tác giả phản ánh một sự thật, không phải do phóng tác khởi nguồn từ câu ca-dao “Nhà-Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia-Ðịnh Ðồng-Nai thì về”.
 
City of Walnut, California, tháng 9 năm 2011

Ghi chú: Bài viết này được gợi hứng từ ý nghĩ có sự tương ứng giữa hai câu ca-dao địa-phương và cuộc đời của tác giả, tưởng rằng tác giả và người tình đều có sinh-quán ở Gia Ðịnh (Sài Gòn) và Ðồng Nai (Bình Dương). Sau khi đọc được toàn bộ bài thơ (bị thất lạc hơn 1 phần 3 bài, rồi truy tầm lại được nguyên vẹn gồm 128 câu) mới hay rằng tác giả và người yêu từ Miền Bắc vào và định cư ở vùng Hố Nai Biên Hòa. Nếu vậy, thì nghi-vấn tác giả bị tù tội vì chống chế độ vào năm 1962-1963 cũng là một phỏng đoán sai.
TRẦN VĂN NAM

No comments:

Post a Comment