Năm 2011 được coi là năm đầu tiên của thập kỷ thứ 2 trong thế kỷ này. Theo dòng chảy của thời gian, văn học vẫn có những chuyển động không ngừng để xác lập giá trị nghệ thuật của mình. Nhìn lại văn học năm 2011, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, năm 2011 đã qua đi, theo ông thì văn học năm 2011 có những chuyến động nào đáng kể?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Nói chung văn học năm 2011 không ồn
ào, không có cái gì gây sốc như những năm trước.
PV:
Nhà thơ có thể nói rõ hơn về các chuyên ngành Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình
và Văn học dịch?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Về thơ thì năm nào cũng có rất
nhiều in thơ nhưng nói chung là mang tính nghiệp dư, ít tính chuyên nghiệp.
Nhưng điều này cũng là niềm vui riêng của người làm thơ. Tuy nhiên có mấy tập
thơ đáng chú ý, đó là tập của Trương Đăng Dung - Những kỷ niệm tưởng tượng. Tập thơ này hơi khô một chút nhưng nó
lại có nhiều vấn đề về con người, xã hội, mang được tính triết lý, tính tư
tưởng. Trương Đăng Dung là một nhà nghiên cứu và ông làm thơ không nhiều, lặng
lẽ nhưng tập thơ có tính chiêm nghiệm cao, nói được nhiều vấn đề khó nói.
Nói được cái khó nói chính là điểm
khác của Trương Đăng Dung, thường các tập thơ khác họ thường nói cái dễ nói.
Cái khó nói này có hai vấn đề: một là những bí mật của tâm hồn, hai là tính xã
hội. Nghệ thuật tập thơ này có phong cách riêng, khô, rắn thậm chí lạnh nhưng
là cái lạnh của nguyên lý tủ lạnh, tức là có những luồng nhiệt độ nóng lạnh bất
thường va chạm nhau thì tạo ra cái lạnh. Vần điệu dùng thoải mái nhưng vẫn có
những điệp từ, điệp câu tạo ra sự dễ nhớ. Tập thơ này chưa thấy ai nói gì,
nhưng theo tôi đó là tập thơ trội lên.
Tập thứ 2 là của một sinh viên khoa
sáng tác thuộc trường Đại học Văn hoá vừa tốt nghiệp ra trường, tập Mục xó xỉnh cười của Du Nguyên. Đây là
một tập thơ có thân phận, đi vào những ngõ ngách bí ẩn của tâm hồn, của đời
sống. Đọc tập thơ ta thấy hiện lên những
số phận bé mọn cần được nâng đỡ, vỗ về. Nó cho ta cảm giác, kể cả cảm giác
libiđô khá tinh tế chứ không bị trần trụi như một số nhà thơ trẻ khác.
Thơ còn có quyển của Nguyễn Bình
Phương - Buổi câu hờ hững. Nguyễn
Bình Phương tạo ra cảm giác lạ với phương pháp: nói phức tạp những gì phức tạp.
(Khác với người nói giản dị những điều phức tạp, hoặc nói phức tạp những điều
giản dị). Tạo cho người đọc cảm giác lạ và hơi thở mới.
Sự kiện đáng chú ý nữa là sự ra mắt
tuyển tập Thơ Hoàng Cầm nhằm tinh
tuyển, gói gém lại thơ ông. Gần đây nhất là tuyển tập thơ Bùi Giáng - Đười ươi chân kinh. Một con người như
Bùi Giáng cũng khá phức tạp, có lúc ông ấy viết rất là hay như người lên đồng
nhưng cũng nhiều lúc lại rất buông tuồng. Ông dịch cũng rất nhiều. Người ta
viết về ông cũng không ít. Tinh tuyển lại những sáng tác của ông thì sẽ thấy
cái mạnh, cái yếu, cái đóng góp của Bùi Giáng cho văn học nước nhà. Đây là một
việc làm đáng hoan nghênh của NXB Hội Nhà văn và công ty truyền thông Nhã Nam. Đười ươi chân kinh cũng là một cuốn sách
đáng kể trong sự kiện văn học năm 2011.
PV:
Nhưng tác giả Du Nguyên với tập thơ đáng chú ý mà Nguyễn Trọng Tạo nhắc tới
không được lựa chọn là đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ
8 trong năm qua?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Không sao cả. Có thể có những tác
giả khác nổi tiếng hơn trên thi đàn, nhưng thơ của họ mạnh về “bề nổi” mà thiếu
sức nặng của một cá tính sáng tạo riêng.
PV:
Vâng, giờ xin ông nói tiếp về văn xuôi, văn học dịch và lý luận phê bình, ông
chú ý tác phẩm nào?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Văn xuôi, thì có một cuốn sách với
nhiều ý kiến khác nhau: Những ngã tư và
những cột đèn của Trần Dần, người cho là không mới, người lại cho là rất
hiện đại. Cách viết của Trần Dần theo tôi là ít thấy. Tiểu thuyết của ta thì
thường là viết theo kiểu cổ điển hoặc là hiện đại theo kiểu huyền ảo, nhưng cuốn
Những ngã tư và những cột đèn đọc
thích, vì người viết rất chú trọng về hình thức và ngôn ngữ, nên cũng tạo ra
một văn phong riêng, bằng cách tạo ra những từ “dị biệt” thế này thế kia. Mới
đọc thì thấy là lạ, có vẻ lập dị, thậm chí khó chịu. Nhưng đọc hết thì thấy
cách viết ấy gây một ấn tượng cho văn phong của cuốn tiểu thuyết này. Tác giả
cũng có dụng ý, có tìm tòi trong việc tạo phong cách cho văn phong mà chỉ có ở
Trần Dần.
Với Trần Dần, trong thơ chú ý đến
“con chữ” và tạo nên ảnh hưởng đối với nhiều người. Khi con chữ này xuất hiện
trong tiểu thuyết thì thấy lạ vì sự “kết hợp chữ” ở văn xuôi. Câu chuyện cũng
tạo nên cái bất ngờ để nói lên một triết lí ở cuộc đời là, đừng tưởng bở, mọi
cái đều có thể xảy ra.
Có hai tiểu thuyết nữa người đọc
không nên bỏ qua là “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh và “SBC
là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái. Hai tác phẩm này có hai cách viết rất
khác nhau - truyền thống và hiện đại, nhưng cả hai đều hướng văn chương tới
những điều sâu sắc khó nói. Rốt cuộc thì nhà văn vẫn nói được tư tưởng của mình
như một cách thoát hiểm.
Về văn học dịch thì tôi thấy có
quyển Giọt rừng (Mikhail Prisvin) do
Đoàn Tử Huyến dịch. Giữa những cái xô bồ, mâu thuẫn dữ dằn của đời sống của văn
học dịch hiện nay thì lại có một bản dịch Giọt
rừng với văn chương đẹp, có lẽ đấy là điểm khác so với các quyển văn học
dịch thường thấy. Qua bản dịch Giọt rừng,
người ta thấy cảm xúc giữa con người và thiên nhiên rất đẹp, tạo ra một hơi thở
nhẹ nhàng.
Có một cái giải thưởng văn học tư
nhân cũng đáng chú ý, đó là giải thưởng trannhuong.com trao cho hai cuốn tiểu
thuyết của Hoàng Minh Tường và Hoàng Quốc Hải. Mặc dù hai cuốn sách này không
được trao giải thưởng chính thống nhưng cá nhân và độc giả họ thích (mới đây,
ngày 27/12, bộ tiểu thuyết 4 tập của nhà văn Hoàng Quốc Hải, đã được Hội xuất
bản trao 2 giải thưởng sách hay và sách đẹp - PV). Cuốn Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải khá đồ sộ là một cái nhìn
khác về lịch sử, về các nhân vật lịch sử. Cuốn Thời của Thánh thần của Hoàng Minh Tường viết táo bạo về thời kỳ
“Cải cách ruộng đất”, một đề tài “nhạy cảm”. Việc trao giải thưởng cũng là một
cách làm điều chỉnh phần nào cái khó khăn hoặc khoảng trống của các giải thưởng
chính thống.
Còn lý luận phê bình thì tôi không
thấy gì nổi bật cả.
PV:
Lý luận phê bình như nhà thơ nhận thấy là không có gì nổi bật, nhưng theo quan
sát thì năm 2011 có khá nhiều cuộc tranh luận trên các web, blog của cá nhân
nhà văn về các vấn đề văn học như giải thưởng, Luật Nhà văn, các cuốn sách bị
thu hồi… Phải chăng những cuộc tranh luận của năm 2011 thường từ phía web, blog
của nhà văn hơn là trên báo chí chính thống?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Đúng là những tranh luận thường
xuất hiện trên mạng nhiều hơn là trên báo. Điều đó nói lên rằng, các báo chính
thống của ta còn ngại tranh luận, và như thế thì không được hay lắm. Vì nhiều
tờ báo không biết khép lại cuộc tranh luận như thế nào, nhiều cuộc tranh luận
bị bỏ lửng. Những chuyện bên lề bao giờ cũng sôi nổi và thu hút được nhiều
người quan tâm.
Trong những bài tranh luận đấy thì
tính báo chí nhiều hơn tính phê bình. Tính phê bình mà để nêu ra thành vấn đề
lý luận có thể đúc kết được thì của ta năm qua còn mỏng lắm.
Nhiều cuốn sách bình thơ ra đời một
lúc. Giờ hình như chúng ta ít phê mà
nhiều bình. Còn những cuốn đúng như phê bình thì rất ít.
PV:
Vậy các tranh luận văn học đó có tác động đến công việc sáng tác của nhà văn
không ạ?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Blog giờ ảnh hưởng rất lớn đến nhà
báo, vì nó thường đưa ra vấn đề đột xuất, bới lông tìm vết cũng có, nhiều vấn
đề khó nói cũng có. Từ những thông tin đó thì nhà báo họ đi tìm hiểu và viết
bài. Thậm chí blog còn làm cho cả truyền hình phải chạy theo thông tin.
Nhà văn thì nói chung ít bị blog tác
động sáng tác. Nó chỉ có thể là nơi cung cấp những tư liệu, dữ liệu để cho nhà
văn chiêm nghiệm và chỉ có sự giao thoa phần nào thôi. Còn khi nhà văn sáng
tác, bao giờ họ cũng thu mình lại để viết, viết kỹ với những suy nghĩ chín chắn
hơn khi viết blog.
PV:
Theo nhà văn tất cả những ồn ào, những khen, chê của năm 2011 vừa qua đã phản
ánh được đúng tình hình văn học năm 2011 chưa?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tao: Nó chỉ mới phản ánh được những
chuyện ngoài lề.
PV:
Cá nhân ông ấn tượng nhất về điều gì liên quan đến văn học năm 2011?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Đó là tinh thần các nhà văn trầm
tĩnh hơn để hướng tới sự thật, hướng tới những vấn đề tư tưởng bức xúc của xã
hội dân sự.
PV:
Hỏi thật ông, khi nhìn lại văn học năm 2011 đã qua, cảm giác của ông như thế
nào?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Một hơi thở buồn.
PV:
Nhìn lại năm 2011 - năm đầu tiên của thập kỷ thứ 2 trong thế kỷ, nhà thơ thấy
đã có những dấu mốc văn học nào đáng để đánh dấu, để trở thành dư âm khiến
nhiều năm sau nhìn lại chúng ta có thể nhắc tới không ạ?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Để nói dư âm lâu, mở ra cái gì mới
mẻ trong thập niên mới của văn học thì tôi chưa thấy dấu hiệu gì đáng kể.
PV:
Nhưng rõ ràng vừa rồi Nguyễn Trọng Tạo có nói đến một số tập thơ khá lạ đấy,
chả nhẽ những tập thơ kể trên vẫn chưa thể, chưa đủ trở thành một cái gì hứa
hẹn mở ra cho văn học những năm tiếp theo sao?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Có cái lạ cái hay đấy nhưng chưa
thực sự nổi bật, chưa gây chấn động thực sự trong lòng bạn đọc nên người ta vẫn
hoài nghi hay thờ ơ. Điều đó cũng có cả lỗi của “thời thế” và thị trường nữa.
PV:
Vậy với cái đà văn học của năm 2011 đã qua, thì liệu văn học năm 2012 sẽ có gì
khác không ạ?
Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo: Có lẽ chỉ hi vọng những cuốn sách
hay đã viết ra mà chưa được in, chưa được đến tay độc giả thì năm 2012 sẽ được
ra đời. Hi vọng các nhà xuất bản sẽ có cách nào đó để ưu ái in những cuốn sách
hay mà khó xuất bản.
*
Xin cảm ơn nhà thơ!
Hiền Nguyễn (thực hiện)(Nguồn VHQN)
No comments:
Post a Comment